CẨM NANG HAY DU LỊCH HƯNG YÊN
Du lịch Hưng Yên từ A đến Z
Hưng Yên không sở hữu quá nhiều thắng cảnh thiên nhiên nhưng lại mang trong mình những dấu tích lịch sử gắn liền với rất nhiều ngôi chùa, đền thờ nổi tiếng cổ kính.
Du lịch Hưng Yên vào thời gian nào ?
Thời gian từ tháng 4 – 10, Hưng Yên bước vào mùa mưa, với lượng nước chiếm 70% lượng nước hàng năm nên du khách cần hạn chế đến trong thời điểm này. Còn lại những tháng khác, Hưng Yên khá đẹp và có nhiều lễ hội như: lễ hội Đền Mẫu, lễ hội đền Hóa Dạ, Đền Đa Hòa, Đền Dạ Trạch… để du khách tham gia, chiêm bái.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Từ Hà Nội đến Hưng Yên chỉ mất 64km, du khách có thể tự đi phượt bằng xe máy hoặc chọn các tuyến xe khách tại các bến xe ở Hà Nội để đến Hưng Yên. Nếu du khách ở Quốc lộ 5, có thể chọn các tuyến xe đi Hải Dương và tuyến xe đi Hải Phòng.
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH HƯNG YÊN
- Khách sạn Hưng Thái
Địa chỉ: 72 Trưng Trắc, Quang Trung, Hưng Yên
Điện thoại: 0321 3866 252
- Khách sạn Thăng Long
Địa chỉ: QL5, tt. Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên
Điện thoại: 0321 3994 333
- Khách sạn Phú Mỹ
Địa chỉ: QL39A, Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên
Điện thoại: 0321 3570 222
- Khách sạn Ngân Giang
Địa chỉ: Đường Bờ Sông, Lê Lợi, TP. Hưng Yên, Hưng Yên
- Khách sạn Phố Hiến
Địa chỉ: 58 Phạm Ngũ Lão, Quang Trung, Hưng Yên
Điện thoại: 0321 3862 909
- Khách sạn Minh Ngọc
Địa chỉ: QL5, Phố Nối, Nhân Hòa, Mỹ Hào, Hưng Yên
Điện thoại: 0321 3742 444
- Khách sạn Hướng Dương
Địa chỉ: QL5, Quán Gỏi, Minh Đức, Mỹ Hào, Hưng Yên
Điện thoại: 0321 3774 389
- Khách sạn Á Đông 1
Địa chỉ: 560, Triệu Quang Phục, Lê Lợi, tp. Hưng Yên, Hưng Yên
Điện thoại:0321 3865 078
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH HƯNG YÊN
Phố Hiến
Vào thế kỷ XIII, phố Hiến là một thương cảng rất sầm uất, nổi tiếng với câu "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Cho đến nay, sau khi vai trò thương cảng quan trọng bậc nhất ở khu vực sông Hồng nhường lại cho cảng Hải Phòng, phố Hiến vẫn còn giữ lại cho mình những văn hóa bản sắc gắn liền với khối tài sản vô giá là các di tích kiến trúc cổ bao gồm 100 bia ký, đền chùa và 60 di tích lịch sử.
Đến thăm phố Hiến mà chưa đi đến chợ phố Hiến để cảm nhận chút hoài niệm về một góc chợ quê xưa thì thật không nỡ. Ở Phố Hiến còn có một sản vật rất đặc biệt, đó là nhãn lồng, một loại trái cây được chọn để tiến vua. Đây là giống nhãn có chất lượng hảo hạng, nhãn đường phèn, dáng to, tròn, cùi dày, hạt nhỏ và hương thơm ngào ngạt.
Chùa Hiến
Chùa Hiến có từ thời nhà Trần, được xây nên bởi công của Tô Hiến Thành, một quan đại thần nhà Lý. Kiến trúc chùa được xây theo kiểu “nội công ngoại quốc”, bao gồm tiền đường, thiên hương, thượng điện và hành lang ba mặt. Trong chùa hiện còn lưu giữ một số pho tượng có từ thế kỷ XIX; các tấm bia có các niên đại: Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Đây cũng chính là nơi duy nhất còn lại cây nhãn Tổ (có từ thế kỷ thứ 16) xum xuê cành lá và cho trái mỗi năm.
Đền Chử Đồng Tử
Cả hai đền Đa Hòa và Dạ Trạch đều thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử và 2 người vợ của ông. Nếu như đền Dạ Trạch lại chính là nơi chàng Chử bay về trời cùng hai người vợ của mình, thì đền Đa Hòa lại là nơi chàng Chử và công chúa Tiên Dung bén duyên vợ chồng.
- Đền Đa Hòa (thôn Đa Hoà, xã Bình Minh)
Đền này tọa lạc trên một khu đất cao, khá bằng phẳng, nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Toàn bộ kiến trúc đền bao gồm 18 ngôi nhà mái ngói cổ tượng trưng cho 18 đời vua Hùng. Khu ngọ môn có 3 cửa. Cửa chính là toà nhà 3 gian bề thế, trên đỉnh nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt và không đón khách. Hai cửa bên được mở đến để đón khách tham quan. Các đầu đao, bờ nóc của đền đều được chạm trổ tinh vi, tỉ mỉ với nhiều hình dáng rồng, sư tử. Các hình chim phượng, hoa lá dùng trang trí đều được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Đẹp nhất là bức tượng đồng sắc sảo của đức thánh Chử Ðồng Tử và phu nhân. Báu vật của đền Đa Hòa hiện nay chính là đôi lọ Bách thọ, một chiếc lọ gốm khắc một trăm chữ thọ khác nhau.
- Đền Dạ Trạch (thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu)
Điểm đặc biệt của Dạ Trạch chính là các sắc phong, hoành phi câu đối, đại tự được lưu giữ đến nay đều thuộc loại cổ quý. Trong đó chiếc nón và cây gậy phép tương truyền của Chử Đồng Tử được cho là có sức mạnh cứu nhân độ thế. Hàng năm từ ngày 10 đến 12 tháng hai âm lịch ở hai ngôi đền thờ đức thánh Chử Đồng Tử đều có lễ hội lớn thu hút đông đảo người dân trong vùng và du khách tham dự.
Đền Phượng Hoàng
Đền Phượng Hoàng là nơi thờ nàng Cúc Hoa, người con gái xinh đẹp, giàu có nhưng có tấm lòng nhân ái bao la. Đền được xây theo lối chữ tam. Các hàng vì, kèo đều có chạm khắc hình hoa dây rất mềm mại và uyển chuyển. Hiện, trong đền còn lưu giữ một quả chuông lớn đúc thời Bảo Đại.
Văn miếu Xích Đằng
Văn Miếu Xích Đằng được xây dựng vào năm 1839 (Minh Mạng thứ 20). Miếu tọa lạc trên khu đất rộng rãi và cao ráo với diện tích khoảng 4.000m2. Hiện, nơi đây còn lưu giữ các tấm bia ghi danh khoa bảng Hưng Yên, trong đó 8 tấm bia có niên đại Đồng Khánh thứ 3 (năm 1888) và 01 tấm bia có niên đại Bảo Đại thứ 18 (năm 1943).
Qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay kiến trúc Văn Miếu Xích Đằng còn khá nguyên vẹn với lối kiến trúc truyền thống. Đây chính là biểu tượng của nền văn hiến tỉnh Hưng Yên.
Chùa Hương Lãng/ Chùa Lạng
Chùa Hương Lãng được xây dựng với quy mô lớn theo kiểu kiến trúc "nội công, ngoại quốc". Hiện nay, trong chùa vẫn còn khá nhiều di vật thời Lý có giá trị. Tiêu biểu trong số đó là tượng đá sư tử (2,8m x 1,5m x 0,9m) được đẽo khắc vô cùng tinh xảo. Cùng với đó là các tác phẩm thời Lý vô giá khác như: mười đôi tay vịn bằng đá, chạm phượng, chồn và hoa cúc dây; 4 cột đá vuông góc đỡ các xà đá của công trình…
Chùa Thái Lạc/Chùa Pháp Vân
Chùa Thái Lạc được xây dựng từ đời Trần (1225 - 1400). Trải qua nhiều lần trùng tu, đến nay kiến trúc chùa vẫn theo lối "nội công, ngoại quốc", gồm 5 gian tiền đường, 3 gian thượng điện, 2 dãy hành lang mỗi bên 9 gian, nhà tổ 7 gian. Bộ vì gỗ thời Trần ở gian giữa toà thượng điện là một trong những vật báu của chùa. Ngoài ra, nơi đây còn bảo tồn nguyên vẹn được 16 bức chạm nổi tinh xảo với các đề tài khác nhau. Chùa được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật đặc biệt quan trọng năm 1964.
Đền Đậu An/ Đền An Xá
Đền Đậu An thờ các đấng có công khai hoang vùng đất, diệt trừ hổ dữ và bảo vệ sự bình yên của xóm làng bao gồm Ngũ Lão tiên ông và đấng Thiên Tiên, Địa Tiên. Trong chùa, đến nay vẫn còn lưu giữ nhang án đất nung thời Trần và tháp đất nung có niên đại thế kỷ XVII. Hàng năm, từ ngày mùng 6 đến ngày 12 tháng 4 âm lịch nơi đây đều mở hội với rất nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn.
Chùa Chuông/ Kim Chung tự
Chùa Chuông có từ thời Lê. Cảnh đẹp của chùa được ví như một “danh lam cổ tích” của phố Hiến. Ngoài sự hài hòa trong tổng thể kiến trúc gồm tam qua, chồng diêm 2 tầng, 8 mái, nhà tiền đường, thiên hương, thượng điện, lầu chuông, lầu khánh, nhà tổ, chùa Chuông còn là nơi lưu giữ những bộ tượng quý giá như bộ Tam thế, Di Đà tam tôn, tượng Cửu Long,... Trong đó, đặc biệt nhất là bộ 8 tượng kim cương, 18 vị la hán, 4 tượng bồ tát. Ngoài ra, các bức hoành phi, câu đối, đồ thờ, bia đá,... trong chùa đều có giá trị nghệ thuật và lịch sử quý giá.
Chùa Phố
Chùa Phố được xây dựng từ thế kỷ thứ XVIII. Đến nay chùa đã trở thành trụ sở của Ban trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Hưng Yên. Chùa tự của chùa Phố là Bắc Hoà Nhân Dân tự bởi chùa được xây bởi những người Hoa và người bản địa. Kiến trúc chùa theo kiểu “trùng thềm điệp mái”gồm 6 gian nối liền nhau theo chiều dọc tạo ra một không gian thoáng đãng giữa chốn thâm nghiêm.
Hồ Bán Nguyệt
Đi dọc theo đường Bãi Sậy, đối diện đền Mẫu, thuộc địa bàn phường Quang Trung, cách trung tâm thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên chừng 1km về phía Nam là du khách đến được chùa.
Đây là dấu tích đổi dòng của sông Hồng xưa, gắn với truyền thuyết về mảnh gương của Hằng Nga đánh rơi. Song dù là gì chăng nữa thì đây luôn là mảng xanh quý giá của thành phố Hưng Yên và là cảnh đẹp nức lòng các tao nhân mặc khách đến thưởng lãm. Hồ có dáng vẻ cong cong như nửa vầng trăng khuyết nên được gọi là hồ Bán Nguyệt.
ẨM THỰC KHI DU LỊCH HƯNG YÊN
Nhãn lồng Hưng Yên
Nhãn lồng là một sản vật nổi tiếng của Hưng Yên từ cách đây hơn 400 năm. Cho đến hiện nay, đây vẫn là một cây trồng mang tính chủ lực của nền nông nghiệp ở nơi đây. Tổng cộng trên toàn địa bàn Hưng Yên có đến hơn 5.500ha nhãn. Trong đó, tập trung nhiều nhất là các xã, huyện như: thị xã Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, huyện Khoái Châu và huyện Kim Động. Những trái nhãn Hưng Yên với đặc thù quả to tròn, dày cơm, hạt nhỏ và mùi thơm ngào ngạt luôn là một món quà quý được du khách lựa chọn làm quà khi có dịp đến đây.
Gà Đông Tảo
Ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, người dân có nuôi một giống gà rất quý hiếm đó là gà Đông Tảo. Thoạt nhìn, du khách sẽ thấy ngay giống gà này hoàn toàn khác biệt với những giống gà thông thường.
Mỗi một con gà Đông Tảo đều có cân nặng từ 6-9kg, đầu gộc tre, thân con cóc, cánh con trai, mào mâm xôi, chân con voi, da đỏ chót và chiếc đuôi giống với chiếc nơm. Thịt gà Đông Tảo cũng thơm ngon hơn bất kỳ loại gà nào khác. Bởi đặc biệt đến vậy, nên việc chăm sóc không hề dễ dàng và kéo theo đó, giá thành của một con gà Đông Tảo thường tính bằng tiền triệu. Thời xa xưa, đây là giống gà tiến vua. Bởi vị thơm ngon hiếm có nên hễ món ăn nào được làm với gà Đông Tảo đều rất tuyệt.
Chả gà Tiểu Quan – Khoái Châu
Người dân thôn Tiểu Quan có cách làm chả rất công phu. Để có miếng chả ngon, họ chọn thịt gà ở phần nạc, rút bỏ gân và băm nhỏ. Sau đó họ đem giã cho nhuyễn và trộn với lòng đỏ trứng gà, ít mỡ lợn cùng các gia vị. Khi hỗn hợp đã đủ độ dai, họ dùng mo cau khéo léo phết từng miếng lên một chiếc phên và đem đi nướng bằng than nhãn hoặc than hoa. Ăn chả gà cũng là một cách thưởng thức từ tốn như để cảm nhận hết vị ngon trong từng miếng chả nhất là khi được nhấp cùng chén rượu Trương Xá vào ngày trời thổi cơn gió mát.
Ếch om
Người dân ở làng Phượng Tường, huyện Tiên Lữ lại có món ăn ngon, dân dã nhưng không kém phần tinh tế đó là món ếch om. Ếch được chọn phải là ếch từ tháng 9 trở đi bởi đây là thời điểm ếch béo mẫm. Sau khi có ếch, họ mang về, cẩn thận rửa sạch nhớt bằng cách dùng lá tre xát da ếch thật kỹ với nước vôi và muối. Từ thịt ếch đã sơ chế này, họ có thể làm ra ếch mọc hoặc ếch om.
Bánh giầy làng Gàu
Nếu hỏi rằng ở Hưng Yên có sản vật nào sánh ngang với rượu Trương Xã, tương Bần, thì đó chính là bánh giầy. Gạo được chọn làm bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng, ngâm qua đêm và đồ như xôi. Đặc biệt, bánh giầy ở đây có cả nhân đậu xanh đánh nhuyễn. Từ mọi nguyên liệu vỏ bánh đến nhân đều được lấy từ làng Gàu, thậm chí nước dùng cũng phải từ giếng làng Gàu. Có lẽ vì vậy mà bánh giầy ở đây thơm ngon nức tiếng khắp xa gần.
Tương bần
Những chĩnh tương bên hông nhà, ủ mình dưới bóng cau già, từ lâu đã là một hình ảnh rất đỗi quen thuộc của người dân nơi đây. Vị tương bần rất đặc biệt ẩn trong độ sánh và vị ngọt rất đặc trưng. Tương bần được dùng để làm món chấm ăn kèm với nhiều món rau, món luộc hoặc có thể làm thành gia vị để nêm nếm rất nhiều các món ngon.
Bánh cuốn Phú Thị
Nếu bánh cuốn Thanh Trì mỏng như giấy thì bánh cuốn Phú Thị lại rất dày, tựa như vỏ của món phở cuốn. Bánh muốn đạt độ dày chuẩn phải là bánh được tráng những hai lần nhưng vẫn đảm bảo độ mềm và dai nhất định. Có như vậy, khi ăn, người ta mới cuốn nhân vào bánh như thể món nem cuốn.
Bún thang lươn
Búng thang lươn là món bún được nấu từ cua đồng nguyên con. Nó được ninh cùng xương ống để cho ra vị ngọt đậm đà. Người Hưng Yên thay vì ăn bún than với thịt gà lại thích thay bằng lươn. Còn lại các nguyên liệu cầu kỳ của bún thang vẫn đủ đầy với giò lụa, trứng tráng, thịt lợn luộn thái chỉ hoặc đem chiên giòn,… Ngoài ra, tô bún thang lươn luôn luôn có một đĩa rau sống đi kèm để giảm độ ngấy.
Canh bánh đa cá rô Hưng Yên
Canh cá rô Hưng Yên được chế biến từ những con cá rô rất nhỏ. Cá này phải được rút xương thật kỹ, lược sạch và ướp gia vị trước khi đem xào với nghệ đến khi đạt màu vàng óng. Đúng canh cá rô Hưng Yên phải được dùng cùng bánh đa Hưng Yên. Khi ăn, chan ngập nước canh được nấu bằng cá rô, vốn có màu vàng sẫm rất đặc trưng cùng những hạt trứng cá nổi lăn tăn. Nếu muốn ăn cùng đậu phụ chiên, khi muốn dùng kèm người ta mới bắt đầu đem chiên để cái ngon đạt đến sự trọn vẹn. Món ăn này luôn luôn có rau cải ngọt đi cùng để hoà dịu vị ngọt béo của cá.
ahaytravel.com