CẨM NANG HAY DU LỊCH HÀ NAM
Du lịch Hà Nam từ A đến Z
Hà Nam là tỉnh ở phía nam châu thổ sông Hồng, cửa ngõ phía nam của thủ đô Hà Nội. Đây là địa phương có nền văn hiến lâu đời cùng nhiều lễ hội truyền thống đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Là tỉnh có nhiều đền chùa, di tích và danh thắng... ở vùng Bắc Bộ, Hà Nam còn nổi tiếng cả nước với làng Vũ Đại với nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao.
Du lịch Hà Nam vào thời gian nào ?
Ngoài vẻ đẹp gần như không thay đổi theo thời gian, Hà Nam còn quyến rũ du khách với hàng loạt lễ hội rải rác ở các tháng. Vì thế, du khách có thể đến Hà Nam vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Bên cạnh đó, muốn tham gia lễ hội nào, du khách có thể tra cứu thông tin về ngày, giờ, địa điểm để có lịch trình tham quan thích hợp.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Ở những tỉnh khác nếu muốn đến Hà Nam du khách có thể di chuyển đến Hà Nội rồi sau đó đến Hà Nam, hoặc du khách có thể tham khảo phương tiện di chuyển trực tiếp đến Hà Nam tại các bến xe ở mỗi tỉnh. Còn nếu du khách ở Hà Nội, muốn đến Hà Nam có thể di chuyển bằng xe bus hoặc xe khách đều được.
Xe khách: Hàng ngày có rất nhiều xe khách chạy từ miền Nam, miền Trung đi Hà Nội đều chạy qua thành phố Phủ Lý – tỉnh Hà Nam. Vì thế du khách có thể đón bất cứ nhà xe nào chạy qua Phủ Lý đều được. Hoặc du khách có thể mua vé tại bến xe Giáp Bát hoặc bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) để tới Hà Nam.
Xe bus: Xe bus chạy tuyến Giáp Bát – Phủ Lý cứ 15 phút lại có một chuyến, thời gian hoạt động từ 5:00 – 19:00 hàng ngày.
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH HÀ NAM
- Khách sạn Inco 515.9
Địa chỉ: QL1A, Hai Bà Trưng, tp. Phủ Lý, Hà Nam
Điện thoại: 0351 6255 159
- Khách sạn Hương Việt
Địa chỉ: Số 278, Quốc Lộ 1A, Phường Minh Khai, Thành Phố Phủ Lý, Tỉnh Hà Nam
Điện thoại: 0351 3844 223
- Khách sạn Anh Đào
Địa chỉ: 232 Lý Thường Kiệt, Thắng Lợi, Lê Hồng Phong, tp. Phủ Lý, Hà Nam
Điện thoại: 0351 3851384
- Khách sạn 2-9
Địa chỉ: Hai Bà Trưng, tp. Phủ Lý, Hà Nam
Điện thoại: 0351 3858 929
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH HÀ NAM
Bát cảnh sơn
Cụm danh thắng Bát cảnh sơn là 8 cảnh ở vùng núi Tương Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Nơi đây từng được chúa Trịnh Sâm cho thành lập cung và được chúa Trịnh ví 8 cảnh đẹp này ngang với cụm danh thắng ở Tiêu Tường – Vân Nam, Trung Quốc thời bấy giờ. Trong đó nổi bật hơn cả là đền thờ Tiên Ông, là nơi để thờ Nam thiên Thành hoàng Thánh tổ Thiên vương Bồ Tát.
Đền được xây dựng dưới thời vua Trần Nhân Tông, trên ngọn núi Tương Lĩnh ở độ cao 200m, nhìn từ xa đền giống hình con voi phủ phục. Lễ hội đền Tiên Ông thường diễn ra nhằm ngày 15 tháng 6 âm lịch hàng năm thu hút đông đảo khách thập phương trong vùng đến hành lễ.
Đền Trần Thương
Đền Trần Thương thuộc thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đền được xây dựng năm 1783, theo lối kiến trúc độc đáo cổ của người Việt. Tương truyền xưa kia nơi đây là kho lương của nhà Trần, là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt của quân dân ta dưới thời Trần chống quân xâm lược Nguyên thế kỷ XIII. Đền thờ vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn.
Lễ hội đền Trần Thương diễn ra vào ngày từ 1- 20 tháng tám âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo du khách thập phương về tham dự và hành lễ.
Đền Lảnh Giang
Đền Lảnh Giang thuộc xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, cạnh Quốc lộ 38 đi cầu Yên Lệnh. Đền tọa lạc trong khuôn viên 3.000m2 với bạt ngàn màu xanh của cây trái. Cửa đền hướng ra dòng sông Hồng. Lễ hội đền Lãnh Giang diễn ra vào tháng 6 và 8 âm lịch hàng năm. Lễ hội tháng 6 thường tổ chức vào ngày 18-25 âm lịch, còn lễ hội tháng 8 thường tổ chức vào ngày 20 âm lịch thu hút đông đảo khách thập phương từ Hà Nội, Hưng Yên về tham quan và hành lễ.
Đền Trúc
Đền Trúc hay còn gọi là Ngũ Động Thi Sơn thuộc thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đền không chỉ có cảnh quan đẹp mà còn gắn liền với nhiều giai thoại về người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Lễ hội đền Trúc thường được tổ chức vào ngày 10 tháng giêng âm lịch cho đến mùng 6 tháng 2 âm lịch hàng năm.
Chùa Bà Đanh
Cụm di tích danh thắng chùa Bà Đanh – núi Ngọc thuộc thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Nằm cách thành phố Phủ Lý khoảng 10km, theo dọc hữu ngạn sông Đáy. Tương truyền chùa Bà Đanh có từ thế kỷ thứ VIII, đến đời vua Lê Hy Tông (1675-1705) đền được xây dựng lại to đẹp và khang trang hơn. Toàn bộ khuôn viên chùa rộng khoảng 10ha, xung quanh chùa là cảnh sơn thủy hữu tình, khung cảnh chùa bình yên, tĩnh mịch và vắng tanh.
Chùa Bà Đanh là ngôi chùa rất linh thiêng và là điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách thập phương đến lễ Phật và vãn cảnh chùa hàng năm.
Chùa Long Đọi Sơn
Chùa Long Đọi Sơn tọa lạc trên ngọn núi Đọi Sơn, thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm thành phố Phủ Lý khoảng 8km về phía Bắc.
Chùa Long Đọi Sơn là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nam. Toàn bộ kiến trúc của chùa mang đậm nét kiến trúc truyền thống dân tộc. Đứng trong khuôn viên chùa du khách có thể quan sát toàn bộ làng mạc, thôn xóm, khung cảnh một vùng rộng lớn của xã Đọi Sơn. Lễ hội chùa Long Đọi Sơn diễn ra vào ngày 21 tháng 3 âm lịch hàng năm thu hút đông đảo phật tử khắp nơi về lễ Phật và vãn cảnh chùa.
Khu du lịch Tam Chúc
Khu du lịch tam Chúc thuộc thị trấn Ba Sao và xã Kim Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam cách trung tâm thành phố Phủ Lý khoảng 15km về phía Tây. Tọa lạc ngay giữa Quốc lộ 21, gần khu du khu du lịch chùa Hương (Hà Nội), khu du lịch Bái Đính, rừng Cúc Phương (Ninh Bình). Toàn bộ khu du lịch có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Nơi đây tập trung nhiều vùng nước ngập đã vôi hóa có giá trị về lịch sử và nhiều danh thắng như: động Cô Đôi, động Vòng, chùa Thiên Phúc, chùa Bà Đanh, đền Lý Thường Kiệt, động Thủy, đến Lê Chân, chùa Ông, chùa Tam Giáo, chùa Vân Mộng…
Làng thêu An Hòa
Làng nghề truyền thống thêu An Hòa thuộc xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cách thành phố Phủ Lý khoảng 4km về phía Nam. Sản phẩm nổi tiếng của Làng thêu An Hòa là thêu ren, hiện đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, mang về doanh thu khoảng 1-2 triệu USD/năm cho tỉnh Hà Nam. Với nghề thêu ren có từ lâu đời và vị trí thuận lợi, làng thêu An Hòa đã trở thành một điểm hút khách du lịch ở Hà Nam.
Làng trống Ðọi Tam
Đây là làng nghề truyền thống có từ lâu đời thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Những nghệ nhân nơi đây đã khéo léo tạo ra những chiếc trống độc đáo với đủ các loại trống từ trống dùng trong đình chùa, trống chèo cho đến trống trường, trống trung thu đều có cả. Đặc biệt trống Đọi Tam từng được sử dụng trong lễ kỷ niệm 990 và 1.000 năm Thăng Long, Đông Đô – Hà Nội. Đến đây du khách sẽ được tận mắt chứng kiến từng công đoạn làm trống của các nghệ nhân Đọi Tam.
Làng nghề song, mây tre đan xã Ngọc Động
Làng nghề song, mây tre đan xã Ngọc Động, huyện Duy Tiên là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời ở Hà Nam. Sản phẩm của Ngọc Động hiện đã được xuất đi nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ và một phần Bắc Á. Đây sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn dành cho du khách cho những ai muốn tìm hiểu về nghề truyền thống độc đáo này.
ẨM THỰC KHI DU LỊCH HÀ NAM
Bánh cuốn Phủ Lý
Bánh cuốn Phủ Lý là một trong những món ăn được đông đảo khách du lịch ưa thích. Bánh thường ăn kèm với chả nướng. Chả nướng thường được làm từ thịt lợn, tẩm ướp gia vị sau đó nướng trên lửa than hồng. Khi ăn chả được dọn chung với nước mắm pha chua cay, ngọt và kèm vối đu đủ, cà rốt hoặc su hào chua. Và ăn kèm với các loại rau thơm và rau sống.
Bún cá rô đồng
Để có món bún ngon người ta phải chọn được những con cá rô được bắt từ đồng chiêm trũng chứ không phải dùng cá rô nuôi hoặc cá rô lai được bán đại trà ở chợ. Bún cá rô đồng có vàng ruộm xen lẫn màu xanh của rau cải và vị ngọt của nước dùng.
Mắm cáy Bình Lục
Mắm cáy là món đặc sản trứ danh của huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Để chế biến mắm cáy người ta dùng những con cáy nhỏ, lột yếm, bóc trắng, giã nhuyễn rồi trộn với muối ủ trong chum, vại kín. Để có những mẻ mắm ngon thì mắm phải phơi đủ nắng, đủ sương sao cho mắm thật ngấu mới có thể ăn được. Mắm cáy có thể dùng làm nước chấm rau luộc, thịt luộc hoặc dùng để chế biến nhiều món ăn ngon đậm đà khác.
Bún tái kênh
Nghề làm bún ở Hà Nam khá phát triển, hầu như mọi người dân vùng nông thôn ai cũng có thể tự làm bún. Nhưng trong đó ngon hơn cả là bún tái kênh, sợi dai, trắng, dẻo không sử dụng chất tẩy trắng hay chất bảo quản như các loại bún vốn có ở Hà Nam.
Cá kho niêu làng Vũ Đại
Cá kho làng Vũ Đại – quê hương của Nam Cao là một trong những món đặc sản trứ danh của người Hà Nam. Món ăn này được làm từ cá trắm đen, sau khi rửa sạch được tẩm ướp gia vị bí truyền của người dân làng Vũ Đại, rồi cho vào nồi niêu đất kho. Dưới niêu được lót một lớp riềng để cá không bị cháy.
Cá được nấu trong vòng từ 10 -12 giờ đồng hồ. Cá kho làng Vũ Đại có màu nâu sẫm, thịt mềm, xương tan, ăn được cả xương. Đặc biệt vào dịp cuối năm nghề kho cá lại nở rộ ở làng Vũ Đại, cá kho ở đây được tiêu tiêu thụ rộng rãi khu vực phía Bắc và được bán ở một số siêu thị lớn ở Hà Nội.
Rượu làng Vọc Bình Lục
Rượu làng Vọc, thuộc huyện Bình Lục, Hà Nam là một trong những sản vật quý giá của người dân nơi đây. Rượu làng Vọc có vị ngọt đậm đà, uống không say, mùi thơm đặc trưng của 36 loại thuốc Bắc nấu với gạo nếp, qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân của làng đã cho ra một sản phẩm độc đáo, nức danh cả vùng.
Chuối ngự Đại Hoàng
Chuối ngự Đại Hoàng là một trong những đặc sản được dùng để tiến vua. Chuối ngự Đại Hoàng quả nhỏ, vỏ có màu vàng óng, cuống xanh, đầu ruồi có 3 chiếc tua cong. Khi ăn chuối có vị ngọt, mùi thơm càng ăn càng nghiền. Hiện nay chuối ngự Đại Hoàng cũng được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
ahaytravel.com