CẨM NANG HAY DU LỊCH HẢI DƯƠNG
Du lịch Hải Dương từ A đến Z
Hải Dương là cái nôi của nền văn hoá dân gian đặc sắc khu vực đồng bằng Sông Hồng với nhiều loại hình nghệ thuật cổ độc đáo như ca trù, hát chèo. Không chỉ thế, Hải Dương còn là mảnh đất địa linh nhân kiệt là nơi sinh ra nhiều danh nhân Đất Việt như: Trần Nguyên Đán, Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi.
Du lịch Hải Dương vào thời gian nào ?
Hải Dương có sự khí hậu thay đổi khá rõ rệt theo các mùa nên thời gian đẹp nhất và thích hợp nhất để du lịch Hải Dương là mùa thu. Mùa hè thì có hơi nắng nóng, song bù lại du khách sẽ được nhìn ngắm và thưởng thức đặc sản nổi tiếng của vùng đất này là những trái vải tươi ngon nhất đặc biệt là vải ”Thanh Hà”.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Hải Dương nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 57km về phía Đông, nên du khách có thể chọn phương tiện xe khách, xe bus hoặc di chuyển bằng phương tiện cá nhân đều được.
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH HẢI DƯƠNG
- Khách sạn Tiến Thành
Địa chỉ: 364 Nguyễn Lương Bằng, Thanh Bình, tp. Hải Dương, Hải Dương
Điện thoại: 0320 3898 338
- Khách sạn Duy Anh
Địa chỉ: 19 Vũ Văn Dũng, Quang Trung, tp. Hải Dương, Hải Dương
Điện thoại: 090 624 86 66
- Khách sạn Trường Thành
Địa chỉ: 2 Thanh Niên, Bình Hàn, tp. Hải Dương, Hải Dương
Điện thoại: 0320 3852 666
- Khách sạn Nam Cường
Địa chỉ: 10 30 Tháng 10, Tứ Minh, Hải Dương
Điện thoại: 0320 3894 888
- Khách sạn Hải Dương Asean
Địa chỉ: 168 Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương
Điện thoại: 0320 3857 532
- Khách sạn Phương Anh
Địa chỉ: Ngô Quyền, Tân Bình, Thanh Bình, Hải Dương
Điện thoại: 0320 3832 832
- Khách sạn Đồng Xanh
Địa chỉ: 48, Nguyễn Hữu Cầu, Phường Ngọc Châu, tp. Hải Dương, Hải Dương
Điện thoại: 0320 3847 450
- Khách sạn Hải Khánh
Địa chỉ: Số 100, đường Hàm Nghi, Hải Tân, Hải Dương
Điện thoại: 0320 3553 888
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH HẢI DƯƠNG
Đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, Hải Dương, cách thủ đô Hà Nội khoảng 80km. Vào thế kỷ XIII, đây là địa điểm đóng quân của Trần Hưng Đạo. Khung cảnh Kiếp Bạc là những thung lũng trù phú nằm gọn trong những dãy núi Rồng. Tạo cho nơi đây khung cảnh sơn thủy hữu tình, đẹp thơ mộng làm mê đắm lòng người.
Đền Kiếp Bạc thờ người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo – vị tướng tài ba đã lãnh đạo quân dân ta đánh thắng giặc ngoại xâm Nguyên - Mông thời bấy giờ. Đền được xây dựng vào thế kỷ XIV, nằm giữa thung lũng Kiếp Bạc. Trong đền có 7 pho tượng được tạc bằng đồng gồm: Tượng Trần Hưng Đạo, phu nhân, 2 con gái của ông và tượng Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Đẩu cùng 4 bài vị thờ 4 con trai của Trần Hưng Đạo. Hội đền Kiếp Bạc diễn ra vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm thu hút đông đảo khách thập phương đến hành lễ và vui chơi.
Chùa Kính Chủ
Chùa Kính Chủ thuộc làng Dương Nham, xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Chùa được tạo thành bởi động Kính Chủ. Là nơi thờ Phật, thiền sư Minh Không, vua Lý Thần Tông, Huyền Quang.
Đặc biệt các pho tượng ở đây đều được tạc bằng đá. Phía bên trái cửa chùa có khắc bài thơ của vua Lê Thánh Tông đề vịnh khi ngài vi hành tới vãn cảnh chùa. Gần khu vực chùa còn có núi Yên Phụ, trên núi có đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu thân phụ của Hưng Đạo Vương.
Đảo cò Chi Lăng Nam
Đảo cò Chi Lăng Nam nằm giữa lòng hồ An Dương, thuộc xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Đây là một trong những điểm du lịch sinh thái "độc nhất vô nhị" khu vực đồng bằng châu thổ Sông Hồng.
Đảo cò Chi Lăng Nam có điện tích khoảng 3.200m2 là nơi cư trú của trên 15.000 con cò và 5.000 con vạc. Trong đó có 7 loại cò quý như: cò trắng, co ruồi, cò nghênh, cò ngang, cò bợ, cò diệc, cò lửa và 3 loại vạc gồm: vạc lưng xanh, vạc xám, vạc sao.
Khu di tích danh thắng Côn Sơn
Khu di tích danh thắng Côn Sơn thuộc địa phận xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách thủ đô Hà Nội khoảng 70km. Khu di tích gồm có chùa Côn Sơn, Thạch Bàn, dãy núi Kỳ Lân- Phượng Hoàng; giếng Ngọc, Bàn cờ Tiên, Thạch Bàn. Trong đó độc đáo hơn cả là dãy núi Kỳ Lân – Phượng Hoàng với nhiều dãy nũi, rừng thông, khe suối.
Đây là mảnh đất gắn liền với nhiều danh nhân Đất Việt như: Trần Nguyên Đán, Huyền Quang, Nguyễn Trãi. Ngày nay khu di tích danh thắng Côn Sơn còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa thời nhà Trần và các giai đoạn lịch sử kế tiếp của dân tộc tiêu biểu như:
Chùa Côn Sơn: Chùa Côn Sơn tên chữ là Thiên Tư Phúc tự hay chùa Hun, tọa lạc ngay dưới chân núi Côn Sơn, chùa được xây dựng trước thời Nhà Trần. Dưới thời nhà Trần nơi đây được xếp là một trong ba thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam gồm Yên Tử - Côn Sơn – Quỳnh Lâm. Dưới thời vua Lê, chùa được trùng tu và mở rộng thêm nguy nga, tráng lệ hơn. Chùa có kiến trúc khá độc đáo theo kiểu chữ công gồm Tiền Đường, Thiên Hương, Thượng Điện.
Trong chùa có những pho tượng Phật có từ thời nhà Lê, cao 3m. Phía sau chùa, là nhà tổ nơi đặt tượng Trúc Lâm tam tổ gồm: Trần Nhân Tông - Pháp Loa - Huyền Quang, tượng ông bà Trần Nguyên Ðán, tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Trước sân chùa có cây đại thụ trên 600 tuổi, 4 nhà bia đặc biệt là bia "Thanh Hư động" có từ thời Long Khánh khoảng giữa những năm từ (1373 - 1377) để lại bút tích của vua Trần Duệ Tông. Chùa Côn Sơn được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm năm 1956.
Giếng Ngọc: Giếng Ngọc nằm ở sườn núi Kỳ Lân, dưới chân Đăng Minh Bảo Tháp, bên phải là lối dẫn vào Bàn Cờ Tiên. Tương truyền Giếng Ngọc là do thần linh báo mộng cho Thiền sư Huyền Quang ban cho chùa nước quý. Nước giếng trong vắt, mát rượi, khi uống sẽ cảm thấy thư thái và dễ chịu. Hiện nay nước giếng được dùng để làm nước cúng trong các nghi lễ của chùa.
Bàn Cờ Tiên: Bàn Cờ Tiên nằm trên đỉnh núi Côn Sơn ở độ cao 200m. Trên đỉnh núi có một khu đất bằng phẳng, ở đây xuất hiện một phiến đá rộng giống hình bàn cờ nên được người dân nơi đây đặt tên là Bàn Cờ Tiên. Hiện nay tại khu vực này được xây thêm đình Vọng Lâu gồm 2 tầng và các 8 mái. Đứng từ trên đình Vọng Lâu du khách có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn.
Thạch Bàn: Thạch Bàn là một tảng đá lớn, mặt phẳng nhẵn nằm bên bờ suối Côn Sơn. Tương truyền đây là nơi Nguyễn Trãi dùng làm “chiếu thảm”, nằm nghỉ ngơi, ngắm cảnh, làm thơ và suy nghĩ việc nước.
Văn miếu Mao Điền
Văn miếu Mao Điền thờ Khổng tử và tôn vinh các bậc nho học đại diện cho truyền thống hiếu học của tỉnh Hải Dương. Văn miếu được xây dựng dưới thời Lê Sơ tức là khoảng thế kỷ XV, tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng nay thuộc xã Vĩnh Tuy, Bình Giang. Toàn bộ khu văn miếu gồm có 5 gian bái đường, 3 gian chính tẩm đặt trên một gò đất cao.
Trong giai đoạn từ 1947 - 1948 giặc Pháp chiếm đóng và lập quận Mao Điền. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi đây được dùng để làm kho chứa lương thực và vật tư của nhà nước. Do chiến tranh tàn phá nên từ những năm 1980 - 1990 văn miếu bị xuống cấp trầm trọng, hầu hết đồ thờ tự bị thất lạc hoặc phá hủy. Năm 1991 nhân dân trong vùng đã quyên góp và tu bổ lại văn miếu. Năm 1992 Văn miếu Mao Điền được cấp chứng nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Sân golf Chí Linh
Sân golf Chí Linh thuộc thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh, Hải Dương, cách thủ đô Hà Nội khoảng 48km theo hướng Hà Nội – Hạ Long. Sân có tổng diện tích khoảng 325ha nằm gọn trong một thung lũng có khung cảnh tuyệt đẹp. Toàn bộ hệ thống sân golf có 36 lỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế AAA. Những thảm cỏ xanh mơn mởn nằm uốn mình bên những mép hồ thoai thoải sườn núi.
Sân golf Chí Linh được đánh giá là một trong sân golf hiện đại và quy mô bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Nơi đây trở thành một điểm du lịch hấp dẫn dành cho du khách với nhiều trung tâm thể thao, khu vui chơi, khách sạn, nhà hàng sang trọng, bể bơi, sân tenniss... Hàng năm thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến chơi golf và tham quan du lịch.
ẨM THỰC KHI DU LỊCH HẢI DƯƠNG
Gà Mạnh Hoạch
Gà tươi Mạnh Hoạch nổi tiếng khắp cả nước 20 năm nay không phải là một loại gà như ông cha ta vẫn gọi như: gà ri, gà Tam Hoàng, gà chọi… mà là tên một thương hiệu xuất phát từ ông “vua gà” đến từ Hải Dương– Phạm Hồng Hoạch.
Từ một quán nhỏ do ông Phạm Hồng Hoạch làm chủ đến nay đã trở thành một thương hiệu có hệ thống nhà hàng trên khắp cả nước thu hút nhiều thực khách gần xa và là một món ngon mà dân sành ăn nhắc đến như một món ăn không thể bỏ qua của ẩm thực miền Bắc Việt Nam nói chung và ẩm thực Hải Dương nói riêng.
Bánh dày Gia Lộc
Chiếc bánh dày trắng mịn, dẻo thơm đã trở thành một trong những đặc sản ẩm thực của thị trấn Gia Lộc. Bánh dày Gia Lộc có vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá chuối hòa quyện vào nhau tạo nên một dư vị rất độc đáo. Làm bánh dày có ít công đoạn nhưng đòi hỏi tay nghề người thợ làm bánh phải vào bậc nghệ nhân.
Thưởng thức thứ bánh này, thực khách sẽ thấy khoan khoái, cảm nhận dư vị đậm đà của hương nếp trong từng miếng bánh quyện vơi hương thơm lá chuối. Bánh dày ăn kèm với giò lụa, xôi nén ăn chung với chả là thứ quà sáng đặc trưng của người dân địa phương. Giữa vô vàn những thứ quà ăn sáng như phở, bún, cháo… chiếc bánh dày truyền thống vẫn được nhiều du khách lựa chọn như một món ăn đượm tình quê hương.
Bánh lòng Kinh Môn
Bánh lòng từ lâu đã trở thành thứ bánh đặc sản truyền thống ở đây. Thế nhưng ở ngay trên mảnh đất Kinh Môn, người ta không thể thấy thứ bánh này ở quán nước hay bất cứ phiên chợ nào mà chỉ thấy trên bàn thờ gia tiên trong dịp Tết đón xuân về.
Để làm ra những khuôn bánh lòng thơm ngon, người làm bánh phải mất rất nhiều thời gian, công sức và khó mà thành công được nếu chỉ có một hai người tham gia. Chính bởi sự cầu kỳ, công phu mà ngày càng ít hộ gia đình trong hai xã An Phụ và An Sinh (thuộc huyện Kinh Môn, Hải Dương) còn tiếp tục làm. Bánh lòng khác biệt với những loại bánh làm từ gạo khác như bánh cáy, chè lam,... bởi vị ngọt dẻo bùi thơm, cay nhẹ của gừng, bỏng gạo nếp cái hoa vàng, lạc rang và đường quyện lại. Sản vật của vùng đất núi dù chưa được nhiều người biết đến nhưng chỉ cần thử một lần cũng khó có thể quên được.
Bánh cuốn Hải Dương
Về thành phố Hải Dương, tìm tới con phố Bắc Sơn, con phố với món bánh cuốn nổi tiếng đã được đưa vào từ điển Wikipedia. Ở đó có quán bánh cuốn bà Thấu gắn liền với thương hiệu bánh cuốn Hải Dương.
Chẳng như bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn Hà Nam hay bánh cuốn Hàng Kênh, Nam Định nổi tiếng nhờ các phương tiện truyền thông hoặc phương tiện… giao thông do ở gần quốc lộ, không nhiều người còn nhớ đến bánh cuốn Hải Dương. Nhưng nếu ai đã thử, sẽ chẳng thể nào quên những tấm bánh mỏng mướt như giấy pơ-luya, thanh mát, trong suốt mà vẫn béo ngậy. Chẳng thế mà cách đây ít năm, khi quốc lộ 5 còn đi qua trung tâm thành phố Hải Dương, những chiếc xe gắn biển Hải Phòng, Hà Nội bao giờ cũng ghé vào Bắc Sơn ăn “Bánh cuốn bà Thấu”.
Bánh đậu xanh
Bánh đậu xanh có thể nói là đặc sản nổi tiếng nhất của Hải Dương. Đến Hải Dương ai cũng một lần thưởng thức đặc sản bánh đậu xanh và mang về làm quà cho người thân. Bánh được làm từ những nguyên liệu gần gũi với người nông dân: đậu xanh, đường tinh, mỡ lợn, tinh dầu hoa bưởi. Cái độc đáo, hấp dẫn của bánh nằm ở những công đoạn vô cùng tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế của người chế biến.
Tùy theo khẩu vị, thực khách có thể chọn lựa bánh có độ ngọt khác nhau. Có loại bánh cho thêm bột đậu đỏ, hạt sen hay lạc nhân vào bánh. Bánh đậu xanh Hải Dương có vị thơm, bùi của đậu, chút ngầy ngậy mà không ngán của mỡ lợn, chút ngọt của đường kết tinh và mùi tinh dầu man mát của hoa bưởi.
Bánh gai Ninh Giang
Có lẽ, không ai còn lạ lẫm với món bánh gai làm từ bột nếp, đậu xanh, deo dẻo, thơm ngậy. Thế nhưng bánh gai Ninh Giang lại mang một hương vị rất riêng, đặc trưng của miền quê Hải Dương.
Vỏ bánh được làm từ bột nếp hòa với lá gai đã được giã nhuyễn, ánh lên một sắc đen tuyền vô cùng hấp dẫn. Nhân bánh có mùi thơm đặc trưng của đậu xanh bỏ vỏ, vừa xốp, vừa mịn. Thưởng thức bánh gai cũng phải có “nghệ thuật”, cắn từng miếng nhỏ để vị ngọt tan vào đầu lưỡi. Mùi thơm của lá gai thoang thoảng, tiếng sần sật của mứt bí và mỡ lợn khiến người ta phải chầm chậm nhâm nhi từng chút một.
Vải thiều Thanh Hà
Vải thiều Thanh Hà được mệnh danh là “bà hoàng” của các loại vải. Vải thiều hạt nhỏ, màu nâu đen, cây vải tuổi càng cao thì hạt càng nhỏ, có nhiều trái gần như không có hạt và lớp cùi dày mọng nước.
Trái vải lớn cỡ ngón chân cái, tạo thành chùm, vỏ màu đậm hơi sần sùi. Vị ngọt dịu mát hòa lẫn với mùi thơm của nước vải ngấm vào tận răng người thưởng thức. Hương vị của vải thiều Thanh Hà khi ăn xong còn vương vấn mãi.
Bún cá rô đồng
Bún cá rô đồng thì có thể tìm thấy khắp mọi nơi nhưng để thưởng thức món bún cá rô vừa thơm, vừa hấp dẫn vừa đậm đà hương vị thì du khách phải về đất Hải Dương.
Chế biến bún cá tưởng như đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế của người làm. Những con cá được luộc chín, bóc thịt ra riêng rồi phi cùng hành mỡ có mùi thơm nức. Nước dùng của bún cá rô cũng được chế biến rất tỉ mỉ, nước trong leo lẻo và đậm đà vị ngọt của cá, người ta có thể bỏ ít gừng tươi để mùi hương thêm phần quyến rũ.
Rươi Tứ Kỳ
Về Tứ Kỳ - Hải Dương mà không thưởng thức những món rươi ở đây thì quả thực là điều tiếc nuối. Mùa rươi bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, món chả rươi là món dễ chế biến và thơm ngon nhất vùng quê này.
Chả rươi được làm theo phương thức gia truyền, thơm lừng hấp dẫn. Món rươi có thể “đánh gục” cả những người có khẩu vị khó tính nhất. Vị ngậy ngậy ngọt đậm của thịt rươi trộn với trứng gà, và mùi thơm thanh thanh của vỏ quýt cộng với húng thơm hấp dẫn lưu lại hương vị khó quên. Ngoài chả rươi còn có món nem rươi, lẩu rươi, rươi rang muối… cũng được ưa thích.
Bánh đa gấc Kẻ Sặt
Bánh đa gấc Kẻ Sặt là một đặc sản không thể bỏ qua khi đến Hải Dương. Nguyên liệu làm bánh gồm những nguyên liệu giản dị như gạo, đường, vừng, lạc, dừa thái mỏng và hương vị gừng tươi.
Bánh đa gia truyền có màu vàng óng nhưng hiện nay người ta còn cho thêm cả gấc để tạo màu đỏ hấp dẫn, vì vậy mới có tên là bánh đa gấc Kẻ Sặt. Những chiếc bánh đa có màu bắt mắt, vị bùi của lạc, vị ngọt của dừa, vị thơm nồng của gừng tươi hòa lẫn với mùi hương gạo mới.
ahaytravel.com