CẨM NANG HAY DU LỊCH LÀO CAI
Du lịch Lào Cai từ A đến Z
Là một tỉnh vùng cao nằm giáp ranh giữa Tây Bắc và Đông Bắc, Lào Cai là nơi sinh sống của 25 dân tộc nên phong phú về bản sắc văn hóa. Bên cạnh đó, du lịch Lào Cai còn hấp dẫn du khách bởi khí hậu mát mẻ quanh năm, phong cảnh núi rừng hoang sơ, hùng vĩ nhưng cũng không kém phần thơ mộng.
Du lịch Lào Cai vào thời gian nào ?
Mỗi khoảng thời gian khác nhau trong năm, Lào Cai lại khoác lên mình một vẻ đẹp riêng nên du khách có thể du lịch Lào Cai vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
Du lịch Lào Cai vào mùa xuân, du khách sẽ thấy những rừng hoa đào, hoa mận… đua nhau khoe sắc ở Sapa. Do thời điểm hoa đào nở mỗi năm một khác nên du khách cần tìm hiểu kĩ nếu muốn chiêm ngưỡng cảnh hoa đào bung nở.
Nếu đến thăm Lào Cai giữa mùa lúa chín vào trung tuần tháng 9, tháng 10, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang rực vàng trải dài khắp các thung lũng hay triền núi tại Sapa và Y Tý.
Vào những ngày mùa đông lạnh giá, nhiều du khách lại tìm đến Lào Cai để chiêm ngưỡng biển mây Y Tý hay để cảm nhận cái lạnh thấu xương và khung cảnh tuyết rơi trắng xóa tại một số địa điểm ở Lào Cai.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Một trong những "đòn bẩy" giúp ngành du lịch Lào Cai "cất cánh" chính là lợi thế thuận tiện về giao thông. Du khách có thể dễ dàng di chuyển đến Lào Cai bằng tàu hỏa hoặc xe khách tại bến xe Mỹ Đình. Để tiết kiệm thời gian và chi phí, du khách nên chọn xe khách giường nằm chạy thẳng tới Sapa của các hãng Sao Việt, Hà Sơn, Hưng Thành, Hải Vân... Hầu hết xe chạy thẳng tuyến này đều hoạt động vào buổi tới với giá vé dao động từ 200.000 đồng - 250.000 đồng. Đến Sapa, du khách có thể di chuyển bằng taxi hoặc thuê xe máy với giá khoảng 80.000 - 200.000đ để tiện cho việc đi lại giữa các điểm tham quan.
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH LÀO CAI
- Khách sạn Ngôi Sao Lào Cai
Địa chỉ: Số 03 Hoàng Liên, Cốc Lếu, tp. Lào Cai, Lào Cai
Điện thoại: 020 3823 328
- Khách sạn Mường Thanh Grand Lào Cai
Địa chỉ: 86, Thanh Niên, tp. Lào Cai, Lào Cai
Điện thoại: 020 3778 888
- Khách sạn Lào Cai Galaxy
Địa chỉ: Minh Khai, Phố Mới, tp. Lào Cai, Lào Cai
Điện thoại: 020 3837 888
- Khách sạn Thiên Hải
Địa chỉ: 306, Khánh Yên, Phố Mới, tp. Lào Cai, Lào Cai
Điện thoại: 020 3832 999
- Khách sạn Sapaly Lào Cai
Địa chỉ: 048 Nguyễn Huệ, p. Lào Cai, tp. Lào Cai, Lào Cai
Điện thoại: 020 3666 222
- Khách sạn Kiều Linh
Địa chỉ: Trần Hưng Đạo, Bắc Cường, tp. Lào Cai, Lào Cai
Điện thoại: 020 3686 999
- Khách sạn Quốc Tế
Địa chỉ: 88, Đường Thủy Hoa, Phường Duyên Hải, Thành Phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai
Điện thoại: 020 3826 618
- Khách sạn Đoan Trang
Địa chỉ: số nhà 034, Sơn Tùng, Cốc Lếu, tp. Lào Cai, Lào Cai
Điện thoại: 020 3825 226
- Khách sạn Hoàng Gia
Địa chỉ: Trần Hưng Đạo, Bắc Cường, tp. Lào Cai, Lào Cai
Điện thoại: 020 3818 889
- Khách sạn Bảo Sơn
Địa chỉ: 058 đường N3 tổ 12, Cốc Lếu, tp. Lào Cai, Lào Cai
Điện thoại: 0168 465 9933
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH LÀO CAI
SAPA
Địa danh nổi tiếng nhất ở Lào Cai chính là Sapa - nơi có đủ mọi trải nghiệm hấp dẫn dành cho du khách. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội chinh phục "nóc nhà Đông Dương" – Fansipan, lang thang giữa thị trấn Sapa mù sương đầy thơ mộng hoặc ghé thăm các bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số để tìm hiểu cuộc sống và văn hóa của họ. Ngắm những thửa ruộng bậc thang đẹp tựa tranh vẽ ở thung lũng Mường Hoa (Sapa) hay chinh phục con đường hiểm trở lên đỉnh đèo Ô Quy Hồ - một trong tứ đại đỉnh đèo của miền Bắc, chắc chắn cũng là những trải nghiệm tuyệt vời du khách không thể bỏ qua.
Xem thêm : www.ahaytravel.com/cam-nang-chi-tiet-huong-dan-du-lich-sapa.html
Y TÝ
Từ lâu Y Tý, Lào Cai đã nổi tiếng là điểm “săn mây” ấn tượng trong giới phượt thủ. Y Tý nằm ở độ cao trên 2.000m, lưng tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San mà đỉnh của nó cao tới 2.660m, gần như quanh năm mây phủ. Mặt trời chốn ấy có lẽ ít có ngày được tỏa sáng cả 12 tiếng. Đường lên Y Tý là những con đường mòn vạch ngoằn ngoèo rồi chỉm nghỉm trong đám lá rừng, những ngôi nhà thấp thoáng trong mây. Có phải vì thế mà khi tới Y Tý, nhiều người cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới khác, tách biệt với trần gian.
+ Mốc 92 – ngã 3 Lũng Pô
Đây là ngã 3 nơi sông Nguyên Giang (Trung Quốc) gặp dòng Lũng Pô trên đất Việt Nam, hòa mình vào nhau và chảy vào đất Việt với tên gọi Sông Hồng. Đây cũng là nơi có mốc 92 (gồm 3 mốc là 92(1), 92(2) và 92(3) biên giới Việt Nam Trung Quốc. Mốc đặt phía Việt Nam là mốc 92(1), 2 mốc còn lại đặt trên bờ sông phía Trung Quốc.
+ Mốc biên giới Việt Nam Trung Quốc
Dọc tuyến đường từ Bát Xát đến Y Tý du khách có thể gặp khá nhiều mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam Trung Quốc (đoạn qua tỉnh Lào Cai).
+ Cầu Thiên Sinh
Cầu Thiên Sinh nằm ở cuối thôn Lao Chải, cách trung tâm xã Ý Tý gần chục km. Theo tiếng dân tộc Hà Nhì, cầu có tên là Thiên Sân Shù, dịch nghĩa là “trời sinh”. Sở dĩ gọi vậy là vì đây là cây cầu rất đặc biệt. Cầu chỉ ngắn chừng 1m, trước đây là một tảng đá tự nhiên bắc qua khe sâu hun hút dưới là dòng suối Lũng Pô gầm gào tung bọt trắng xóa. Từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước, qua sự vận động kiến tạo địa chất, khối đá khổng lồ đã bị nứt ra tạo thành khe đá này.
Đây cũng là biên giới giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Theo thời gian, hòn đá bắc qua khe sâu cứ mòn lõm dần đi, người dân qua đây phải bắc những thanh gỗ làm cầu rồi xây cầu bê tông như bây giờ. Đứng trên cầu nhìn xuống, người thần kinh vững mấy cũng có cảm giác chóng mặt, bởi dưới vực đá sâu là dòng suối Lũng Pô ngày đêm gầm vang tiếng sóng nước xô vào ghềnh đá.
Cung đường A Lù – Ngải Thầu và Y Tý – Mường Hum
- Các thôn biên giới Việt Trung
-
Thôn Phan Cán Sử
-
Thôn Hồng Ngài
-
Thôn Lao Chải, Sim San
Từ trung tâm xã, để đến được Hồng Ngài sẽ đi qua các thôn Lao Chải 1, Lao Chải 2, Sim San 1, Sim San 2. Các bản Lao Chải là bản của người Hà Nhì, các bản Sin San là bản của người Dao đỏ.
CHỢ PHIÊN BẮC HÀ
Núi non đại ngàn hùng vĩ vốn là nét hấp dẫn nổi tiếng của du lịch Lào Cai nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung. Tuy nhiên, sẽ thật đáng tiếc nếu ta chỉ mải mê với cảnh vật núi rừng nơi đây mà bỏ qua những phiên chợ vùng cao rực rỡ sắc màu. Đến chợ phiên Bắc Hà để cảm nhận không gian sinh hoạt văn hóa của đồng bao dân tộc thiểu số ở miền Bắc là một trải nghiệm làm say lòng rất nhiều du khách.
Chợ văn hoá Bắc Hà được họp vào chủ nhật hàng tuần tại trung tâm thị trấn Bắc Hà, cách thành phố Lào Cai khoảng 76 km. Đây là phiên trợ được coi là lớn nhất và nổi tiếng nhất của đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới. Trên hành trình đến với Bắc Hà du khách sẽ được chiêm ngưỡng ngọn núi hùng vĩ, những vực sâu thăm thẳm, những khúc cua và những thửa ruộng bậc thang… Nếu du khách là người có sở thích chụp hình và phiêu lưu mạo hiểm thì có lẽ cung đường này thật là thích hợp với những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ đó…. Trên đường đi thỉnh thoảng du khách sẽ bắt gặp hình ảnh của người dân tộc dắt ngựa và đổ về hướng chợ Bắc Hà, để đến với chợ phiên, người dân phải đi từ rất sớm, thậm chí phải đi từ ngày hôm trước đến trưa hôm sau mới đến được chợ.
MỘT SỐ ĐIỂM DU LỊCH KHÁC TẠI LÀO CAI
- Động Cốc San
Ðộng Cốc San thuộc xã Cốc San, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Cốc San là một hệ thống các thác nước và các hang động to nhỏ khác nhau, vì vậy người ta có thể gọi đây là động Cốc San hoặc thác Cốc San. Đường vào Cốc San rất ngoằn ngoèo, tối và bị lấp bởi những tảng đá, vẻ đẹp của Cốc San vẫn hoàn toàn mang tính chất tự nhiên, hoang sơ.
Nằm cách thành phố Lào Cai khoảng 7km, Cốc San đã từ lâu được biết đến như một điểm du lịch lý tưởng của người dân thị xã.
- Chợ Mường Hum
Thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai khoảng 44km. Du khách lên tỉnh biên giới cực Bắc Lào Cai mà bỏ qua chợ phiên Mường Hum thì thật là tiếc. Như các chợ phiên khác ở đây, chợ Mường Hum họp vào chủ nhật hàng tuần, là ngày nhộn nhịp nhất của vùng núi cao Bát Xát.
Chợ Mường Hum nằm dưới thung lũng nhỏ, kề bên là suối nước trong vắt, xung quanh là những dãy núi cao ngất trùng mây. Cái chợ phiên cuối tuần ven suối Mường Hum này là nơi gặp gỡ, giao lưu, mua bán và vui chơi của bà con các dân tộc Hà Nhì, H’Mông, Hoa, Giáy, Dao Ðỏ, Dao Tuyển, Hán...
- Thành cổ Trung Đô
Thành cổ Trung Đô thuộc xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Thành cổ Trung Đô có những nhũ đá hình tháp cổ lấp lánh như lân tinh.
- Đền Trung Đô
Đền Trung Đô được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, thờ gia quốc công Vũ Văn Mật cùng dòng họ Vũ và tướng quân Hoàng Văn Thùng đã có công lao to lớn lãnh đạo nhân dân kiên trì bám trụ, đắp thành, xây lũy chống lại thế lực nhà Mạc ở vùng đông Bắc. Trong “Kiến văn Tiểu Lục” của Lê Quý Đôn đã viết; “… ở vùng Ngọc Uyển (tức là Trung Đô, Bảo Nhai và vùng phụ cận bây giờ) Mật đã cho xây thành, đắp lũy chống nhau với Nhà mạc ngót 20 năm…” tiếp đó tướng quân Hoàng Vần Thùng kế tục sự nghiệp. Để tướng nhớ, nhân dân vùng đất này đã lập đền thờ. Hàng năm, vào ngày thìn tháng 7 âm lịch, nhân dân tổ chức lễ cúng đền.
- Suối khoáng Tắc Kô
Nước khoáng Tắc Kô nằm ở địa phận suối Mường Tiên, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Nước khoáng Tắc Kô là mạch nước ngầm trong vắt, ngọt và mát, có tác dụng giải khát và chữa bệnh.
Theo con đường ngoằn ngoèo từ thị xã Lào Cai vào thị trấn nghỉ mát Sa Pa, qua khỏi địa phận Mường Tiên, theo tiếng địa phương, vùng đất dễ gây ấn tượng bởi con suối trong vắt, ngay cạnh bờ suối có một gốc cây đa bây giờ đang có nguy cơ lụi tàn mà khách bộ hành thường thắp hương cầu may, có một mạch nhỏ khiêm nhường chảy rỉ rả không làm cho ai để ý. Bên cạnh đó, là một ngôi nhà, mái ngói phủ đầy rêu phong. Mạch nước ấy khiêm nhường như thế, nhưng nghe nói không biết có đúng, nó đang chiếm lĩnh một vị trí trong viện bảo tàng ở nước Pháp? Vì chính mạch nước ấy đã từng là nguyên liệu dồi dào của hãng nước khoáng Đông Dương xưa kia.
- Phế tích thành cổ Nghị Lang
Thành nằm ở thung lũng Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Thành cổ Nghị Lang được xây dựng vào những năm 1527 – 1533 là một trung tâm kinh tế, chính trị lớn của cả vùng sông Chảy đầu thế kỷ XVI.
- Hang Tiên
Hang Tiên thuộc xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Thắng cảnh Hang Tiên là một Hạ Long thu nhỏ và gắn liền với sự tích về miếu thờ Ba Cô xã Bảo Nhai.
- Dinh Hoàng A Tưởng( lâu đài Hoàng Yến Chao )
Dinh Hoàng A Tưởng nằm ở trung tâm huyện lỵ Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Kiến trúc Dinh Hoàng A Tưởng theo phong cách Á - Âu kết hợp, tạo sự hài hoà, bố cục hình chữ nhật liên hoàn khép kín.
Dinh Hoàng A Tưởng được xây dựng từ năm 1914 và hoàn thành năm 1921, chủ nhân là Hoàng Yến Chao dân tộc Tày, bố đẻ của Hoàng A Tưởng. Trải qua hơn 80 năm tồn tại cùng thời gian, phủ bao lớp rêu phong cổ kính vẫn đứng uy nghi nổi trội giữa một nơi dân cư đông đúc, phố xá tấp nập.
ẨM THỰC KHI DU LỊCH LÀO CAI
Cuốn sủi
Cuốn sủi còn được gọi với cái tên phở khan, khá giống với món phở Tíu. Cũng là bánh phở trắng mềm dưới bát, phía bên trên lớp phở được rắc chút mỳ bằng củ dong rang ròn cùng thịt bò, gia vị được nấu sền sệt thành một thứ nước sốt có hương vị riêng. Trên cùng của bát cuốn sủi là hạt tiêu, lạc, rau thơm và vài lát ớt.
Thịt lợn muối
Thịt lợn muối là một trong những món ngon trong danh mục ẩm thực của đồng bào vùng Sapa – Lào Cai.
Cách chế biến món thịt lợn muối hết sức đơn giản với những gia vị có sẵn trong vườn nhà. Gia vị của thịt lợn muối bao gồm các loại lá như lá quế, lá mít, lá trầu không, kèm theo ớt tươi, giềng và rượu cái nếp.
Ốc hôn
Không giống với các loại ốc của nhiều nơi trong cả nước, người Tày - Bảo Yên (Lào Cai) chỉ dùng loại ốc sống trong những dòng suối đá để luộc. Người Tày gọi đó là “ốc đát”, tức ốc đá. Đặc điểm của loại ốc này là thân to, dài, vỏ ốc có vân, thân ốc có màu xám xanh.
Ốc khi luộc được chặt bỏ phần đuôi nhọn và khi ăn người ăn phải dùng hơi mà hút thịt ốc ra, người Tày thường đùa nhau đó là món “ốc hôn” và cái tên này định vị cho cách ăn độc đáo của người dân nơi đây từ lúc nào không biết.
Phở chua Bắc Hà
Đến Bắc Hà (Lào Cai), mọi người sẽ nghĩ ngay đến món thắng cố, trước chủ yếu được nấu bằng thịt ngựa, nay có biến tấu với thịt trâu, thịt lợn. Ngoài thắng cố, phở truyền thống Bắc Hà cũng được nhiều người truyền tai nhau.
Phở truyền thống Bắc Hà gồm có phở chua, phở trộn và phở chan với nhiều nguyên liệu dùng chung, trong đó, phở chua nổi tiếng hơn cả và hầu như không "đụng hàng" ở bất kỳ đâu.
Canh gà đen
Món canh gà đen bắt nguồn từ dân tộc Mông. Thông thường, người Mông chỉ nấu cho người ốm dậy, hoặc thết đãi khách quý.
Nấm hương Sapa
Một đặc sản tự nhiên của núi rừng Sapa là nấm hương. Nấm hương khô được bày bán quanh năm tại chợ Sapa, khi ăn cho nấm vào nước ngâm sẽ nở ra, còn nguyên vẹn mùi thơm ban đầu.
Rau su su Sapa
Có một đặc điểm khác biệt so với su su trồng ở các địa phương khác, là rau su su Sa Pa chỉ trồng một lần và thu hoạch nhiều năm. Vì vậy, có những gốc su su ở Sa Pa có tuổi đời hàng chục năm. Sau mỗi một mùa thu hoạch từ tháng 4 - 11 hàng năm, người dân lại cắt bỏ các dây su su ở trên mặt đất, đồng thời tiến hành bón phân chăm sóc cho phần gốc.
Rau cải mèo Sapa
Ở Sapa – cải Mèo là một loại rau sạch, một đặc sản của thiên nhiên ban tặng cho vùng cao Tây Bắc. Do khí hậu và địa thế vùng cao cùng với đặc tính thổ nhưỡng, cây cải Mèo mọc hoang và được trồng nhiều nơi.
Cá suối Sapa
Cá suối ở Sapa có nhiều loại và điều đáng nói là không hề có vị tanh. Ăn cá suối chỉ việc nướng chín trên than củi, rồi ăn nóng ngay hoặc nướng qua, đem rán ròn rồi chiên với nước sốt cà chua cùng gia vị bột cà ri, bột hồ tiêu là trên mâm cơm đã có một món ăn ngon lành.
Thịt gừng
Hàng năm, cứ mỗi dịp tết đến, người Nùng Dín lại mổ lợn đón Xuân. Dù lợn to hay bé, mỗi nhà cũng phải chuẩn bị thịt để chế biến nhiều món ăn trong ngày tết. Ngoài món thịt làm nhân bánh thì người Nùng Dín còn làm món thịt gừng 'tiếng Nùng Dín gọi là Nứt sinh'. Món ăn này rất bình dị, chế biến đơn giản nhưng có hương vị riêng, từ lâu là thức ăn quen thuộc của dân tộc này.
Thắng cố ngựa
Thắng cố truyền thống của người H’Mông chỉ được nấu từ ngựa, sau này được các dân tộc khác cải biến thêm thịt bò, trâu, lợn đồng thời sáng tạo ra công thức nấu khác nhau. Tuy nhiên, thắng cố ngon nhất vẫn là thắng cố ngựa ở vùng Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa – Lào Cai.
Nem măng đắng
Món ăn này được chế biến theo bí quyết cổ truyền. Đồng bào lấy những chiếc măng vầu đắng, luộc chín rồi lột lấy những tấm lá bánh tẻ, mềm và dai như những tấm lụa mỏng. Nguyên liệu này dùng như chiếc bánh đa nem thông thường trong món nem rán phổ thông.
Nấm chân chim
Những gùi nấm nặng trĩu được các thiếu nữ Mông mang đến chợ bán thành một dãy riêng. Nấm được để trong gùi hoặc bày trên các tấm vải, trải trên thảm cỏ. Chẳng cần cân đo chính xác, các cô gái cứ đong từng bát đầy, bán với giá bình dân: hai nghìn đồng một bát. So với các loại rau xanh khác ở chợ, nấm chân chim bao giờ cũng được bán hết nhanh nhất.
Nấm mua về đem xào hoặc nấu canh với thịt. Thưởng thức hương vị ngọt ngào của nấm, người ăn sẽ có kỷ niệm khó quên về Bắc Hà. Ngoài công dụng làm thực phẩm, nấm chân chim còn có nhiều lợi ích khác, được liệt vào loại dược liệu quý.
Rượu San Lùng
là thứ rượu đặc sản của người Dao đỏ xuất phát từ thôn San Lùng, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát. Cùng với rượu Táo Mèo và rượu ngô Bắc Hà rượu San Lùng là các danh tửu của Lào Cai. Rượu San Lùng có mùi thơm lạ của men lá rừng, vị đậm đà của thóc nương. Nếu như các loại rượu khác được ủ lên men từ gạo, ngô hoặc sắn nấu chín thì rượu San Lùng được ủ từ thóc, lên men bằng mười lăm thứ lá rừng. Nhờ nguồn nước và khí hậu rượu San Lùng có một hương vị đặc biệt. Rượu màu trong vắt. hương thơm tinh khiết, nhẹ nhàng vị ngọt dịu và hơi ngậy. Theo truyền thuyết dân tộc Dao bản địa thì rượu San Lùng nấu để cúng thần tiên, trời đất, vì vậy rượu được nấu hết sức công phu, không chỉ mang ý nghĩa ẩm thực, mà còn mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa.
ahaytravel.com