CẨM NANG HAY DU LỊCH SƠN LA
Du lịch Sơn La từ A đến Z
Sơn La được nhắc đến nhiều nhất với cánh đồng Mộc Châu xinh đẹp mỗi độ hoa cải nở trắng trời, với những bản làng đậm đà bản sắc nằm yên bình bên những nương lúa vàng óng và còn rất nhiều những gì bạn chưa biết về những vùng đất này.
Du lịch Sơn La vào thời gian nào ?
- Nếu đi Mộc Châu các bạn có thể lựa chọn một số khoảng thời gian như sau : Tháng 11 thời điểm hoa cải nở, ngay trước Tết Nguyên Đán là thời điểm hoa đào, mận nở.
- Tháng 9 có Tết Độc Lập của người Mông.
- Tháng 10 đến 12 tuyến đường Quốc lộ 6 cũ nổi tiếng với sắc vàng của hoa dã quỳ.
- Đi vào mùa Đông để trải nghiệm văn hóa tắm suối nước nóng của người Thái.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Sơn La cách Hà Nội khoảng 302km về phía Tây Bắc. Từ Hà Nội, bạn có thể bắt các chuyến xe về Sơn La theo đường bộ. Các dịch vụ vận tải uy tín bạn có thể chọn:
Xe Hải Vân (tuyến Hà Nội - Sơn La)
- Từ Sơn La
Điện thoại: 0122.226.2626
- Từ Mỹ Đình
Điện thoại: (04) 3722.3588 - 0122.826.2626.
Xe Ngọc Thuận (tuyến Hà Nội - Sơn La)
Địa chỉ: 56 Chu Văn Thịnh, thành phố Sơn La
Điện thoại: 0919.737.469 - 0913.017.079
Xe Bắc Sơn (tuyến Hà Nội - Sơn La)
Điện thoại: (022) 355.1559
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH SƠN LA
- Khách sạn Sơn La
Địa chỉ: 01 Nguyễn Lương Bằng, tp. Sơn La
Điện thoại: 022 3852 702
- Khách sạn Sao Xanh
Địa chỉ: Số 8, Hoàng Quốc Việt, Quyết Thắng, tp. Sơn La
Điện thoại: 022 3858 555
- Khách sạn Công Đoàn
Địa chỉ: Hai Mươi Sáu Tháng Tám, Chiềng Lề, tp. Sơn La, Sơn La
Điện thoại: 022 3852 804
- Khách sạn Hà Nội
Địa chỉ: 228 Trường Chinh, tp. Sơn La, Sơn La
Điện thoại: 022 3753 299
-Khách sạn Hoa Anh Đào
Địa chỉ: 45 Giảng Lắc, tp. Sơn La, Sơn La
Điện thoại: 022 3858 667
- Khách sạn Hoa Hồng
Địa chỉ: 39 3 Tháng 2, tp. Sơn La, Sơn La
Điện thoại: 022 3854 301
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH SƠN LA
1. Cụm du lịch Sông Đà
Đoạn sông Đà chạy qua tỉnh Sơn La dài 280km với 32 phụ lưu lớn nhỏ. Từ chợ Bờ, ngược sông Đà, bạn sẽ đến được các bến, nơi khởi công công trình thủy điện Sơn La như bến Tạ Bú, bến Tà Hộc, bến Vạn Yên. Nếu di dọc theo chợ Bờ, bạn sẽ đến với nhiều hang động kỳ bí ở vùng hồ thủy điện Hòa Bình. Dọc bờ con sông được xem là có dòng chảy xiết bậc nhất này bạn còn bắt gặp các nền văn hoá khác nhau của các dân tộc Thái, Dao, Tày, Mường, Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun. Được hoà mình vào cuộc sống dân bản, say trong men rượu cần, vòng xoè và thưởng thức nhiều đặc sản núi rừng là những gì du khách vẫn thường kể về một cách đầy say sưa sau mỗi chuyến đi về sông Đà.
2. Mộc Châu
Cao nguyên Mộc Châu xinh đẹp từ lâu đã nức tiếng với những cảnh quan đẹp như tranh vẽ khi mùa hoa cải, hoa mận, hoa đào nhuộm rực trời. Ở Mộc Châu mỗi một mùa đều gắn với những loài hoa khác nhau. Phải chăng vì thế càng khiến vùng đất này trở nên đặc biệt biết bao với những khách du thập phương.
Xem thêm : http://www.ahaytravel.com/cam-nang-chi-tiet-huong-dan-du-lich-moc-chau.html
3. Bảo tàng tỉnh Sơn La
Trong khuôn viên Bảo tàng và Nhà tù Sơn La, Bảo tàng tỉnh Sơn La là nơi lưu giữ và trưng bày hàng nghìn di vật từ thời sơ sử, tiền sử về nền văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc sống ở Sơn La. Trong đó, bộ sưu tập hơn 1.000 sách chữ Thái cổ, Dao cổ có giá trị văn hoá, lịch sử vô cùng đặc biệt.
4. Nhà tù Sơn La
Năm 1908, quân đội Pháp cho xây dựng Nhà tù Sơn La khá kiên cố trong diện tích khoảng 500m2 với tường đá gạch, mái tôn không trần. Nơi đây, các giường nằm dành cho tù nhân đều xây bằng đá và mép ngoài có hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài sàn. Ngoài việc phải chịu những tra tấn khốc liệt của thời tiết từ gió Lào mùa hè và cái rét cắt da mùa đông ra, tù nhân nơi đây còn phải hứng chịu những đòn tra tấn, đàn áp dã man của quân đội Pháp.
5. Bản Mòng
Từ trung tâm thành phố đi thêm khoảng 7km, đến với bản Mòong, xã Hua La để được đắm mình trong dòng suối nước nóng nơi đây. Suối khoáng nóng này có nhiệt độ từ 36 – 38 độ C với các khoáng chất thiên nhiên mang lại nhiều lợi ích sức khoẻ và có tác dụng chữa trị một số căn bệnh. Hiện nay, có gần 20 gia đình tại đây đã phát triển các dịch vụ phòng tắm khoáng nóng khá khang trang và sạch sẽ để phục vụ du khách.
6. Hang Thẩm Tét Toòng
Hang Thẩm Tét Toòng bên cạnh Chiềng Phom, Chiềng Hồ cho đến nay vẫn giữ được nhiều nét hoang sơ. Rất nhiều bạn trẻ miền xuôi và cả dân bản tìm đến đây khám phá. Do chưa được khai thác nên du khách đến đây cũng chỉ đi độ vài giờ lại trở ra ngoài.
7. Di tích văn bia "Quế Lâm Ngự Chế"
Văn bia “Quế Lâm Ngự Chế” là bút tích quý giá còn lại của Vua Lê Thái Tông nằm tại trung tâm thành phố Sơn La. Tại đây, tháng 5 năm 1440, sau trận chinh phạt quân phiến loạn Tây Bắc, vua đã nghỉ lại và tức cảnh sinh tình viết nên bài thơ để đời khắc trên vách đá thẳng đứng tại cửa động La (Thẩm Ké).
8. Nhà máy Thủy điện Sơn La
Được khởi công xây dựng vào ngày 2 -12 - 2005, Nhà máy Thủy điện Sơn La sau 7 năm xây dựng đã được khánh thành vào ngày 23 - 12 – 2012 với diện tích hồ chứa 224km2, dung tích 9,26 tỉ mét khối, công suất lắp máy 2.400 MW và lượng điện bình quân mỗi năm đạt 10,2 tỉ KW. Đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.
9. Xã Ngọc Chiến
Xã Ngọc Chiến với nền khí hậu mát mẻ quanh năm, nơi định cư lâu đời của 3 dân tộc Thái, Mông và La Ha đang trở thành điểm đến thú vị của nhiều du khách. Con gái ở bản Lướt được tắm táp dưới dòng suối khoáng nên dù lam lũ quanh năm nước da vẫn hồng hào, trắng mịn. Nơi đây còn vùng đất của đặc sản nếp Tan, loại nếp thu hoạch từng bông từ cánh đồng Mường Chiến mênh mông. Đến Ngọc Chiến, bạn có thể tìm những ngôi nhà có dịch vụ homestay để lưu trú trong những ngày vãn cảnh nơi đây.
11. Hồ Chiềng Khoi
Từ xa, hồ Chiềng Khoi hiện lên như một con nhện khổng lồ trong tổng diện tích 40ha. Hệ sinh thái nơi đây khá phong phú. Bản thân lòng hồ Chiềng Khoi cũng là một thung lũng hẹp nên mặt nước nơi đây phẳng lặng quanh năm. Những con suối và ngọn núi nguyên sơ soi mình dưới mặt hồ càng tô vẽ thêm cho nơi đây một vẻ đẹp không khác tranh thuỷ mặc. Vào mùa hoa ban nở trắng trời toàn cảnh sắc như khoác thêm chiếc áo lụa trắng mềm mại lướt nhẹ giữa bầu không sương giăng mờ ảo. Ngoài ra, đây cũng là sinh sống của dân tộc Thái nên bạn có thể hoà mình vào cuộc sống dân bản nơi đây với nhiều lễ hội và thưởng thức những món ăn độc đáo của nền ẩm thực Tây Bắc.
12. Hang Chi Đẩy
Với cái tên Chi Đẩy nghĩa là “sẽ được”, nhiều người tìm đến hang này với ước mong cầu điều như ý.
13. Cầu Pá Uôn
Cầu Pá Uôn ở huyện Quỳnh Nhai, cây cầu cao nhất Việt Nam (105m) trông xa xa như một con rồng bắc ngang giữa hai triền núi cao ngút. Đứng giữa cầu, ngắm trời mây non nước và dòng thác dữ, sông sâu, con người ta chợt thấy mình nhỏ bé biết bao.
14. Đền thờ nàng Han và đền Linh Sơn – Thủy Từ
Đền thờ Nàng Ha và đền Linh Sơn Thủy Từ là hai ngôi đền thiêng có từ thế kỷ XVII và được nhân dân trong vùng sùng bái. Hàng năm, vào ngày rằm tháng 3 âm lịch, dân bản thường tổ chức lễ hội để tưởng nhớ nàng Han, tức tướng Khum Chương, người có công dẹp loạn phương Bắc ở vùng núi Tây Bắc đại ngàn xưa.
15. Tháp Mường Bám
Cách trung tâm thị trấn Thuận Châu hơn 70 km về phía Tây- Nam, có một ngôi tháp cổ có tên Mường Bám. Tháp này được xây trên một quả đồi thiên tạo rộng khoảng 1ha, bao gồm 5 tháp, một tháp lớn ở giữa và 4 tháp phụ ở 4 phía. Điều đặc biệt là tháp được xây nên từ những viên gạch vồ màu đỏ (dài 35cm, rộng 15cm, dày 7cm) vốn được kết dính chỉ bằng vôi, cát, và mật.
16. Bắc Yên
Trên sườn nam hiểm trở và có độ dốc lớn của dãy Hoàng Liên Sơn là nơi sinh sống lâu đời của 7 dân tộc anh em, chủ yếu là người Mông. Đây chính nơi có địa danh Hồng Ngài, hang Thẩm Cán xuất hiện trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” nổi tiếng.
17. Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Dân bản Phù Yên không ai không biết đến “Rừng ông Giáp”, một khu rừng rậm được đặt theo tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Muốn đến đây, bạn phải hỏi thăm đường đến ngôi nhà nhỏ gần suối Bùa để được người giữ rừng chỉ dẫn. Sở dĩ có tên gọi đặc biệt này là vì khi xưa, đây là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân của mình nghỉ chân trên đường hành quân từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) lên Điện Biên trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
18. Hồ Tiền Phong
Khi đến với hồ Tiền Phong, bạn sẽ có cơ hội chèo thuyền tay, thuyền đạp chân hay thuyền máy trong hành trình du ngoạn trên lòng hồ. Bạn cũng có thể thả mồi câu để cảm nhận thú câu cá giữa đại ngàn và ghé thăm các bản làng Nà Si, bản Un, bản Mé… của dân tộc Thái.
ẨM THỰC KHI DU LỊCH SƠN LA
1. Thịt trâu khô (Trâu gác bếp)
Trong những dịp tết, lễ cúng lớn ở bản, người Thái dành ra một ít thịt trâu vừa mổ để làm ra món thịt trâu gác bếp dành dùng dần trong năm. Để món trâu gác bếp được ngon, người ta chọn thịt bắp, thớ thịt đều và ít gân. Sau đó, họ đem chúng thái miếng dài và ướp với gia vị mang đậm chất núi rừng với mắc khén, gừng, tỏi, sả, ớt, muối, đường, bột ngọt… Sau 3-4 tiếng, người ta đem thịt xiên vào que lớn và gác trên bếp. Đến khi thịt khô, chỉ cần đồ lại và lấy ra dùng.
2. Pa Pỉnh Tộp (Cá nướng gập)
Cá nướng của người Thái nhất thiết phải có đủ: mắc khén, gừng, sả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng… Cá được chọn phải là cá sông hoặc suối. Sau khi đã chuẩn bị các gia vị, họ rạch sống lưng cá, bỏ mật, giữ nguyên lòng và nhồi gia vị vào bụng cá. Sau đó gập đôi con cá lại, luồn qua vòng miệng và cho vào nẹp tre chẻ đôi, đem nướng. Cá muốn ngon phải nướng trên than hồng và trở đều tay. Mùi thơm của tre nướng, vị cay tê tê của gia vị rừng và vị béo ngọt tự nhiên của cá tươi đã làm nên món ăn không thể cưỡng lại này.
3. Nậm pịa
Người Thái chọn một đoạn ruột ngon của con bò để lấy chất dịch sền sệt bên trong thường gọi là “pịa”. Phần ruột này sẽ được buộc lại, cắt khúc và trộn cùng mắc khén, sả, ớt, mùi… Sau đó, họ đem xương bò, bộ lòng ninh đến khi nhừ để lấy nước. Tiếp tục cho pịa vào cùng tiết bò đông, dạ dày, cuống tim và ruột non.
Với những ai ăn lần đầu, đây quả là món khó nuốt. Nhưng khi đã quen lại thấy nó mang đậm hương vị của núi rừng và rất an toàn. Đây là món ăn đặc biệt, chỉ có ở các dân tộc vùng núi Tây Bắc từ Mộc Châu đến Sơn La.
4. Cơm lam người Thái
Với người Thái, cơm lam cũng là một đặc sản không thể thiếu trong nền văn hoá ẩm thực của mình. Để có món cơm lam ngon, người ta chọn nếp nương vừa thu hoạch, ủ qua đêm. Hôm sau, họ chỉ việc cho gạo vào ống tre rỗng, chêm thêm nước và dùng lá chuối hoặc lá dong đóng nút hai đầu. Tre được nướng đến khi cháy bên ngoài và toả hương thơm thì cũng là lúc cơm chín. Họ bắt đầu chẻ cật sao cho thật khéo để giữ lại lớp lụa mỏng.
5. Cháo Mắc nhung
Mắc nhung là loại quả cùng họ cà chua, có màu xanh, bé bằng hạt đu đủ và có đủ vị ngọt, đắng, cay.
Cứ sau mỗi mùa gặt, mắc nhung mọc khắp trên nương. Người ta hái về, rửa sạch và trộn với gạo, thêm ít nước, gừng, sả, và túm vào lá chuối vùi trong bếp nóng. Sau khoảng nửa tiếng, sẽ có một thức ăn hơi sệt, ngăm đắng, cay thơm rất lạ miệng.
6. Nộm da trâu
Da trâu được hơ qua lửa, sau đó ngâm với nước lã để mềm ra. Để có được miếng da ngon, họ dùng dao thật sắc và khéo léo thái thật mỏng. Chỉ đơn giản với các bước sơ chế này, da trâu từ đen đã chuyển thành màu vàng trong suốt, cắn vào sần sật vô cùng hấp dẫn. Sau đó, da cũng sẽ được đem trộn với rau thơm, lạc, rau mùi ít hạt mắc khén và không thể thiếu nước măng chua, vị ngon làm món ăn này thêm đặc biệt không đâu có.
7. Xôi sắn
Sắn trên nương được người Thái mang về lột vỏ, nạo sợi và trộn với nếp nương. Sau đó họ đem đồ trong chõ gỗ. Với cách này, xôi sau khi đồ không bị ướt và rất dẻo.
8. Xoài trứng Yên Châu
Khác với những loại xoài đẹp đẽ và to quả, xoài trứng rất bé và lại rất xấu xí. Thế nhưng mùi vị của xoài lại rất thơm ngon đến nỗi sau khi rửa tay, mùi xoài vẫn còn thoang thoảng. Vị ngọt của xoài trứng cũng rất khác biệt, đậm đà nhưng thanh, không gắt cổ như những loại xoài khác. Ngon nhất là xoài được trồng ở Sặp Vạt, Chiềng Pằn, Viêng Lán... của vùng đất Yên Châu.
9. Rượu chuối Yên Châu
Rượu chuối được chưng cất theo phương pháp gia truyền từ rất lâu đời và trở thành một đặc sản của riêng vùng Yên Châu. Muốn làm ra rượu chuối ngon, người ta phải chọn chuối thật chín, thái mỏng và phơi khô. Rượu được chọn ngâm phải là rượu nguyên chất. Khoảng 2 lít rượu sẽ ngâm cùng với 1 kg chuối. Ngâm sau khoảng 100 ngày, người ra sẽ mang ra dùng hoặc đãi khách đến chơi nhà.
10. Tỏi cô đơn Phù Yên
Tỏi cô đơn là một giống tỏi quý với mùi vị vô cùng đặc biệt và được trồng chỉ riêng trên đất Phù Yên. Không chỉ được sử dụng như một loại gia vị đặc biệt mà tỏi cô đơn còn được ngâm rượu để chữa một số bệnh.
11. Chè Tà Xùa
Chè Tà Xùa cũng chính là loại chè Shan tuyết, búp trắng, cánh vàng, lá to. Chè được chăm sóc không phân bón và được sao với kỹ thuật gia truyền của người dân bản. Màu chè vẫn luôn giữ màu xanh lơ đỏ từ lúc vừa pha cho đến khi pha qua nhiều lần. Chè có vị đắng chát lúc đầu nhưng lại đọng vị ngọt hậu và có hương thơm đặc biệt khiến người dùng không thể quên được.
12. Bánh dày người Mông ở Hồng Ngài
Sau khi đồ nếp chín, người ta cho vào cối lớn và giã. Công việc này khá nặng nhọc và cần nhờ đến đàn ông trong nhà phụ giúp. Khi tiếng giã nhịp nhàng buông xuống, cũng là lúc người phụ nữ vắt bánh thành những cái tròn trịa lót trên miếng lá chuối xanh mượt. Những chiếc bánh đầu tiên sẽ được mang cúng thần linh để cầu mùa màng. Những chiếc dùng để ăn sẽ đem nướng để nghe vị nếp thoảng hương trong từng miếng khi cắn vào miệng thưởng thức.
13. Ốc đá suối Bàng Mộc Châu
Vào tháng 4 đến cuối tháng 8, ốc đá suối lại xuất hiện. Người ta ra mò ốc đem về luộc để nghe vị ngọt mát, tiếng giòn giòn lăn qua từng gai lưỡi. Ốc này không ăn lấy no như những loại ốc khác mà chỉ ăn từ từ, thưởng thức từng chút một mới thấy vị ngọt thanh mát của nó.
14. Bê chao Mộc Châu
Bê sữa khoảng 1 tuần tuổi chưa ăn cỏ sẽ có vị ngọt và độ mềm rất ngon. Do thịt bê non vốn đã là một đặc sản nên người ta càng giảm gia vị và đơn giản trong cách chế biến lại càng khiến món ăn trở nên hấp dẫn hơn. Trong đó, bê chao là món ngon hơn cả. Bê trộn đều với chao, gừng, sả và cho lên bếp lửa lớn để chín ngoài nhưng bên trong vẫn tái. Tất cả nguyên liệu phải vừa độ chín để tạo nên vị ngon tuyệt hảo cho món ăn ngon này.
15. Dưa mèo Sơn La
Giống dưa mèo có quả lớn, trọng lượng mỗi quả khoảng từ 800g – 1,5kg. Vỏ quả dưa bóng, nhẵn, sọc dưa xanh mờ. Khi bổ ra, dưa có nhiều hạt, cùi dày. Khi ăn có vị ngọt mát và rất giòn.
16. Khoai sọ Mán Mộc Châu
Chỉ trên mảnh đất có người Dao sinh sống, loại khoai sọ mán mới có được những củ ngon nhất. Từ màu sắc, hình dáng cho đến mùi vị của loại khoai sọ này đều khác với những giống khoai sọ thường thấy. Mầm củ cứ mọc ra không theo một trật tự nào và mấu cứ thế lớn dần lên. Điều đặc biệt là loại khoai này rất bở. Nếu trúng củ ngon, chỉ cho vào miệng cũng đủ tan. Người ta có thể dùng khoai sọ mán làm nhiều món ngon, trong đó phải kể đến là món canh khoai sọ.
ahaytravel.com