CẨM NANG HAY DU LỊCH BẮC KẠN
Du lịch Bắc Kạn từ A đến Z
Bắc Kạn không chỉ có hồ Ba Bể, thắng cảnh tuyệt đẹp giữa núi rừng mà còn đó dưới chân núi, bên sông những hang động hùng vĩ. Không chỉ thế, đến đây du khách còn được thưởng thức nhiều món ngon vật lạ và hoà mình vào đời sống xưa cổ của đồng bào dân tộc Tày - Nùng.
Du lịch Bắc Kạn vào thời gian nào ?
Có thể đến bất kỳ mùa nào trong năm, nhưng nếu đến vào tháng 8 – tháng 10, du khách nên mang theo dụng cụ đi mưa, đây cũng là thời điểm để du khách có cơ hội thưởng thức đặc sản quýt Quang Thái. Ngoài ra vào rằm tháng giêng, có lễ hội tại hồ Ba Bể.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Bắc Kạn cách Hà Nội 180km. Từ Hà Nội du khách có thể bắt xe theo đường bộ tại các bến xe để về đến Bắc Kạn.
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH BẮC KẠN
- Khách sạn Anh Thư
Địa chỉ: Trần Hưng Đạo, Đức Xuân, tp. Bắc Kạn, Bắc Kạn
Điện thoại: 0281 6259 999
- Khách sạn Núi Hoa
Địa chỉ: 5 Trường Chinh, Đức Xuân, tp. Bắc Kạn, Bắc Kạn
Điện thoại: 0281 3880 789
- Khách sạn Bắc Kạn
Địa chỉ: Trường Chinh, Đức Xuân, tp. Bắc Kạn, Bắc Kạn
Điện thoại: 0281 3873 096
- Khách sạn Phú Luyến
Địa chỉ: 46 Trần Hưng Đạo, Đức Xuân, tp. Bắc Kạn, Bắc Kạn
Điện thoại: 090 608 50 09
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH BẮC KẠN
Vườn quốc gia Ba Bể và hồ Ba Bể
Vườn Quốc gia Ba Bể với tổng diện tích 7.610ha là nơi có hệ sinh thái điển hình rừng thường xanh trên núi đá vôi, hồ trên núi và rừng thường xanh đất thấp với hệ sinh học phong phú và đa dạng. Với những đặc điểm độc đáo này, năm 2004, vườn đã được công nhận là Vườn di sản Asean.
Điều đặc biệt nhất trong vườn quốc gia Ba Bể đó chính là hồ Ba Bể, “viên ngọc xanh kỳ diệu” của cả vùng Đông Bắc. Non xanh, nước biếc như tranh là những gì người ta có thể nhìn ngắm và cảm nhận về cảnh đẹp nơi đây. Mỗi một mùa, mỗi một thời điểm trong ngày, Ba Bể lại khoác lên mình những sắc màu trong trẻo tươi mới của đất trời, khi thì diệu vời với màu xanh biêng biếc, lúc lại lung linh, huyền ảo dưới ánh nắng rực rỡ hay mơ màng soi từng chiếc lá thu úa vàng đổ bóng la ngà.
Thác Bạc
Thác Bạc được ví như dải lụa trắng giữa bạt ngàn màu xanh của Bắc Kạn. Thác có chiều cao khoảng 40m. Nước đổ từ thác tạo dòng cuộn cuộn qua các tảng đá lớn, với những vách gần như thẳng đứng trước khi đổ về các vũng nước thoai thoải dưới chân làm thành những hồ tắm tự nhiên trong mát. Dù đã được khai thác thành khu du lịch từ nhiều năm nay nhưng thác Bạc vẫn còn giữ được nét hoang sơ, hùng vĩ của riêng mình bên cạnh những nếp nhà cổ của đồng bào dân tộc Tày sinh sống quanh đây.
Động nàng tiên
Dưới chân núi đá voi, Phja Trạng, là con suối Khuổi Hai (suối Trăng), nơi có động Nàng Tiên kỳ thú với chiều dài chừng 60m, và độ cao vào khoảng 30 - 50m. Đây là một thắng cảnh thiên nhiên gắn liền với nhiều truyền thuyết ly kỳ về 7 nàng tiên đắm mình dưới cảnh đẹp trần gian. Trong động có những ruộng đá bậc thang là nơi các nàng Tiên này nghỉ ngơi khi không kịp về trời. Ngoài ra còn có những nhũ thạch như rồng bay, phượng múa biến nơi đây thực sự trở thành chốn thần tiên tại thế. Đặc biệt, hàng nghìn mét các ngách nhỏ thông ra sườn núi càng làm cho cảnh đẹp nơi đây thêm phần kỳ vĩ.
Động Puông
Trên dòng sông Năng, có một hang động vô cùng huyền ảo, đó chính là động Puông. Theo những con thuyền luồn qua đường sông len vào hang, du khách sẽ bắt gặp vô số nhũ thạch kỳ ảo ngay tại cửa động. Càng đi sâu vào trong, những khối nhũ thạch kỳ thú với nhiều sắc màu khác nhau càng tăng thêm phần kỳ ảo cho chốn đây. Dù đã được khai thác song vẫn còn rất nhiều điều chưa được khám phá hết bên trong động Puông này. Đặc biệt, đây cũng nơi hiếm hoi trên thế giới có hiện tượng đá vôi chuyển hóa thành đá hoa cương. Với vẻ đẹp kỳ thú này, động Puông đã và đang trở thành điểm hàng đầu thu hút du khách khi đến với Bắc Kạn.
Thác đầu đẳng
Thác Đầu Đẳng là nơi chặn con sông Năng hiền hòa bởi các tảng đá xếp chồng lên nhau tạo thành độ dốc đến cả 500m. Với điểm đặc biệt này, thác Đầu Đẳng trông vô cùng ngoạn mục nhất là khi hòa mình trong cảnh quan của khu rừng nguyên sinh phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó, đây còn nơi có loài cá chiên quý hiếm sinh sống với mỗi con nặng trung bình khoảng 10kg.
Đền Thắm
Đền Thắm lấy tên của một vị nữ tướng, người đã công lớn trong công cuộc chống giặc Cờ Đen vào nửa cuối thế kỷ XIX. Trước kia, nơi đây là đền thờ Sơn thần, Thuỷ thần của nhân dân trong vùng. Sau sự tích cô Thắm đánh giặc, đền được trưng dụng để thờ vị nữ tướng này.
Khu di tích lịch sử ATK Bắc Kạn
Trong quần thể di tích Việt Bắc, Khu di tích lịch sử ATK Bắc Kạn nằm giữa một khu rừng xanh mướt. Đây chính là nơi ghi dấu ấn hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954).
Chùa Thạch Long
Thạch Long là ngôi chùa trong hang núi rộng nhất ở Việt Nam. Trong hang có sức chứa đến hàng ngàn người. Vì cửa hang có hình dáng tựa như một con rồng đang há miệng nên được gọi tên là Thạch Long. Đây là ngôi chùa linh thiêng gắn với nhiều huyền tích về Đức Phật ngự toạ nên nơi đây có một vị trí rất đặc biệt trong tâm thức của người dân trong vùng. Với vị trí kín đáo đặc biệt, vào thời Lý chùa đã dùng làm pháo đài đánh đuổi quân Tống, vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp lại trở thành nơi bí mật để sản xuất kho lương phục vụ quân đội. Sau khi đất nước hoà bình, chùa được trả lại cho dân và tiếp tục việc phụng thờ.
Động Hua Mạ
Từ hồ Ba Bể đi về phía nam thêm 6km, du khách sẽ đến được động Hua Mạ (Động Treo) kỳ bí nổi tiếng trong vùng. Hang động này nằm ở lưng chừng núi với chiều dài hơn 700m và chiều cao khoảng 40 – 50m. Phía bên phải hang động bị lấp kín bằng nhiều tảng đá xếp chồng là một bí ẩn cho đến ngày nay. Có lẽ cũng chính vì vậy mà càng nhiều người tìm đến “Hua Mạ đệ nhất động” để được khám phá tường tận vẻ đẹp kỳ thú và huyền bí này.
Thác Nà Khoang
Từ thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, đi thêm 6 km, du khách sẽ đến được Thác Nà Khoang. Khu vực thác là nơi 2 con suối Nà Đeng và Lũng Chang hợp thành. Thác có 4 tầng với chiều dài khoảng 600m đổ vào suối Bản Mạch. Quanh thác là hệ thống rừng tái sinh với bạt ngàn cây xanh và hệ thống động vật khá phong phú với các loài chim chóc, bò sát và cá. Cư dân sinh sống quanh đây chủ yếu là người Mông và Dao. Họ vẫn sinh hoạt và gìn giữ những tập tục xưa cũ với nhiều nét đặc sắc từ văn hoá đến ẩm thực.
Bản Pác Ngòi
Điều khiến Pác Ngòi được nhiều người biết đến có lẽ là bởi những nếp nhà sàn truyền thống nằm đan xen nhau giữa triền núi ngập tràn màu xanh thẳm của cây xanh và trời mây. Pác Ngòi đẹp có lẽ cũng bởi những giá trị cổ truyền vẫn được lưu giữ từ ngàn xưa cho đến hiện nay. Ngoài những nét đặc sắc từ văn hoá và kiến trúc ra, nơi đây còn lại địa điểm lý tưởng để du khách được thưởng thức những món ngon vật lạ được chính người dân bản chế biến.
ẨM THỰC KHI DU LỊCH BẮC KẠN
Miến dong
Miến dong Na Rì là đặc sản nổi tiếng của Na Rì, Côn Minh, Bắc Kạn. Sợi miến được làm từ bàn tay khéo léo của người dân nơi đây nên giữ nguyên màu sắc tự nhiên vốn có. Sợi miến có màu vàng hoặc trong đục, sợi dai và giòn để lâu cũng không bị nát, đây cũng là nét đặc trưng khiến nhiều người yêu thích món ăn dân dã này.
Lạp sườn hun khói
Lạp sườn được làm từ thịt lợn bản nên thịt thơm và chắc. Điểm độc đáo của Lạp sườn Bắc Kan là được tẩm ướp bằng gừng đá, một loại gừng chỉ mọc trên đá của người dân tộc nên có mùi thơm rất đặc biệt, không giống bất cứ một loại gia vị nào của miền xuôi.
Thịt treo gác bếp
Khi con lợn được phanh ra, người ta cắt thành từng miếng nhỏ, dọc theo sườn. Bỏ thịt lên nia xát muối , bóp rượu, bóp nước vắt từ một loại lá trong rừng, rồi cho vào chảo ủ ba đến bốn ngày, sau đó rửa nước đun sôi để nguội, phơi ráo nước rồi treo trên gác bếp. Quá trình hun khoi thịt đòi hỏi phải liên tục, công phu và cả sự khéo léo cộng
với vốn kinh nghiệm tích lũy lâu năm.
Tôm chua Ba Bể
Tôm chua là món ăn ngon, có mặt ở nhiều nơi và nhiều vùng chế biến nhưng tôm chua ở Khang Ninh- Ba Bể có một hương vị rất riêng biệt của vùng miền núi Việt bắc. Du khách đến Bắc Kạn mà không được thưởng thức tôm chua Ba Bể thì thật sự đáng tiếc . Hiện nay cứ 5 ngày một phiên tôm chua được bày bán tại chợ Khang Ninh (trên đường du khách vào tham quan hồ Ba Bể.
Cá nướng Ba Bể
Cá trong hồ Ba Bể có rất nhiều, thường được người dân đánh bắt thủ công, số lượng cá không nhiều nhưng chất lượng thì thật tuyệt vì thịt cá trắng, chắc và có vị ngọt. Người ta chọn lấy loại cá chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, loại cá này vừa giống như cá bống, vừa giống con cá nẹp ở xuôi để làm món cá nướng.
Khâu nhục
Khâu nhục là món ăn đặc biệt mang đậm tính dân tộc của người dân Bắc Kạn. Khâu nhục được làm rất công phu, khoai được chọn phải là khoai môn Bắc Kạn, bên trong lòng khoai có vân màu tím. Thịt lợn phải là thịt ba chỉ ngon, luộc sơ qua, dùng tăm tre chọc bì thật kĩ, tẩm ướp gia vị rồi đem quay, vừa quay vừa quết mật ong cho vàng bì. Khoai cũng phải rán vàng. Mọi thứ được xếp vào bát, cứ một miếng khoai, một miếng thịt, cho nhân được làm bằng thịt, nấm hương, mộc nhĩ …đã xào lên trên hấp cách thuỷ khoảng 5 tiếng đồng hồ.
Măng Vầu
Rừng Bắc Kạn có rất nhiều loại măng như: Măng tre, măng trúc, măng nứa, măng mai,… Nhưng nếu nói là đặc sản phải kể đến thứ “măng vầu” hay còn gọi là “măng đắng”. Cây măng vầu có sức sinh sôi thật kỳ diệu, cứ đào hết đợt này măng lại lên đợt khác cứ tựa hồ như sấm gọi. Rừng vầu cứ khai thác hết năm này đến năm khác.
Rau Bồ Khai
Rau Bồ Khai thường mọc trên những vùng núi đá cheo leo, ngọn rau giống như cây tầm gửi, thân bám vào những cây gỗ lớn để vươn lên đón lấy cái trong trẻo của ánh sáng và khí trời. Ngọn rau thoạt nhìn giống ngọn mướp hương nhưng mảnh mai hơn và có màu xanh non tơ như lá cành mới nhú. Khoảng mùa xuân, bồ khai bắt đầu trổ ngọn xanh tốt. Người dân trong vùng đã quen với mùa đi hái Bồ Khai. Vào dịp này, ở khắp các phiên chợ vùng cao nơi đây đều có bày bán rau Bồ Khai.
Rau dớn
Rau dớn là một loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, cành dài lá nhỏ, mặt lá có màu xanh nhẵn, cuống lá có lông. Ở Bắc Kạn, rau dớn thường mọc ở vùng núi cao, nơi ngọn nguồn của các con sông, con suối và thường mọc ở bờ suối, bờ khe, nơi có độ ẩm ướt cao.
Rau dớn ăn ngon nhất là sau mùa lụt đến cuối mùa xuân. Lá rau dớn non uốn cong như vòi voi, có nhựa nhớt. Đồng bào thường chỉ hái ngọn cong non, lá bánh tẻ để ăn.
Rau sắng ( ngót rừng )
Không giống như các loại rau khác chỉ cần trồng ngày một ngày hai là được hái lá, rau sắng từ khi trồng đến khi được hái lá lần đầu tiên phải sau ít nhất là 3-5 năm, và sau 10 năm mới được thu hoạch với số lượng lớn.
Bánh Pẻng Phạ
Bánh pẻng phạ là một trong những món ăn truyền thống của dân tộc Tày để dâng trời đất. Bánh pẻng phạ chế biến không cầu kỳ nhưng mùi vị thơm ngon. Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo nếp được nhào với nước chè mạn pha đặc để lấy màu nâu và vị chát, một chút rượu trắng cho dậy mùi.
Bánh Ngải
Mỗi dân tộc đều sáng tạo ra những loại bánh có hương vị khác nhau, có một loại bánh mà chỉ người Tày mới có đó là bánh ngải. Bánh ngải có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên, hình thù và cách làm gần giống với bánh dày của người miền xuôi.
Bánh Khẩu Thuy
Vào mỗi dịp lễ hội Lồng Tồng, thứ bánh ngon không thể thiếu để dâng lên trời đất, để cúng thần linh cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà là bánh Khẩu Thuy. Bánh tròn như quả trứng chim cút, vàng óng vì được tẩm mật mía, ăn vừa ngọt, vừa thơm, giòn tan nơi đầu lưỡi với hương vị mang bản sắc riêng của người Tày.
Mèn mén
Mèn mén khi đã chín có vị thơm, dẻo, rất đậm đà. Ăn mèn mén bao giờ cũng kèm thêm một bát canh. Người Mông thường ăn món này với canh bí để tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn. Ngày nay, khi cuộc sống của người Mông đã đầy đủ hơn, món Mèn mén đã không còn là món ăn chính trong bữa ăn hàng ngày nhưng mỗi dịp lễ tết, hội hè… vẫn không thể thiếu món ăn truyền thống Mèn mén.
Mứt mận
Món mứt mận ở Bắc Kạn được người dân coi là đặc sản. Vì nó có những hương vị đặc trưng riêng và rất hấp dẫn. Hầu như người dân Bắc Kạn đi đâu xa đều mang món mứt mận để làm quà biếu và giới thiệu sản phẩm của quê hương mình.
ahaytravel.com