Để chuyến đi Nhật Bản được thuận lợi và thú vị, hãy cùng tìm hiểu về một số nét văn hóa và đặc trưng của xứ sở mặt trời mọc. Khi sang Nhật, du khách cần lưu ý những điều sau đây, nếu bạn ghi nhớ được những quy tắc này, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy gần gũi hơn với người dân địa phương. Những kinh nghiệm đi Nhật Bản và những lưu ý thứ cần thiết dưới đây sẽ giúp chuyến du lịch của bạn trở nên hoàn hảo và thú vị nhất.
KINH NGHIỆM KHI ĐI DU LỊCH NHẬT BẢN
1. Những vật dụng nên mang theo
– Chuẩn bị Tiền bạc & Giấy tờ.
– Vé máy bay đi du lịch Nhật Bản hoặc giấy/số xác nhận nếu mua vé máy bay qua mạng.
– Hộ chiếu có visa Nhật Bản.
– Bản sao giấy đăng ký kết hôn (để check-in khách sạn ở Nhật Bản khi đi cùng gia đình)
– Bản sao giấy khai sanh của con cái (để check-in máy bay trong nước khi chưa có hộ chiếu, CMND)
– Số điện thoại khẩn cấp – địa chỉ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
– 2 ảnh cá nhân (khổ làm hộ chiếu), bản sao thông tin cá nhân trong hộ chiếu (sử dụng khi mất hộ chiếu)Voucher/coupon/các loại vé (khi book các dịch vụ)
– Tiền mặt/ thẻ tín dụng/ thẻ có chức năng thanh toán quốc tế MasterCard. (Trước khi sang Nhật Bản thì các bạn đổi tiền Việt sang USD tại Việt Nam trước, sau đó sang Nhật đổi ra yên để tiêu dùng. Vì khi đến Nhật Bản bạn sẽ rất khó khăn khi đổi tiền Việt sang tiền yên. Hoặc bạn có thể đổi tiền Việt sang tiền yên trước từ Việt Nam)
– Bản sao danh sách đồ dùng mang theo (để kiểm tra khi mang về, hoặc khai báo khi mất hành lý).
– Chuẩn bị Thuốc men: Thuốc tiêu hóa, Thuốc cảm, viêm họng, hạ sốt, Kem chống côn trùng/bôi sau khi bị côn trùng cắn/đốt (tùy nơi đến), Kem chống dị ứng da, Vitamins, Băng cứu thương...
– Chuẩn bị quần áo.
+ Chuẩn bị giày dép: chủ yếu là giày/dép đi bộ, nếu định mang giày cao gót chỉ nên mang 1 đôi để tạo dáng chụp ảnh ở nơi cảnh đẹp ở Nhật Bản. Còn lại đi bộ là chính. Tốt nhất nếu có đôi nào cũ sắp muốn bỏ, bạn mang đi để sang Nhật sử dụng xong mua đôi mới vứt luôn đôi cũ, về tha hồ dùng đồ mới.
+ Chuẩn bị quần áo: Tùy thuộc vào từng mùa nếu đi du lịch Nhật Bản vào mùa đông bạn mang ít áo khoắc mỏng để giữ ấm cho cơ thể. Bởi khí hậu ở Nhật Bản cũng khá lạnh do vậy để tránh bị cảm bạn cần chuẩn bị áo ấm để giữ ấm.
– Các đồ dùng khác như:
Túi đeo, balô, vali để đựng giấy tờ cần thiết: vé máy bay, hộ chiếu, tiền.
Chìa khóa, ổ khóa hành lý.
Giấy ghi chú, viết.
Bản đồ, sách hướng dẫn.
Từ điển ngoại ngữ/ hội thoại thông dụng.
Bao plastic đựng quần áo đã sử dụng.
2. Thủ tục xuất nhập cảnh Nhật Bản
Hướng dẫn viên du lịch Nhật Bản sẽ phối hợp làm thủ tục xuất nhập cảnh và hải quan cho quý khách tại cửa khẩu hàng không ở sân bay. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý một số điểm sau:
– Đối với các đồ vật dụng có giá trị trên 300 USD như Camera, máy chụp ảnh loại lớn... hoặc quý khách mang quá 5000 USD/khách thì phải khai báo hải quan, tránh trường hợp phải đóng thuế khi nhập khẩu trở về Việt Nam.
– Khi nhập cảnh lại Việt Nam nếu mang hàng hóa quá 300USD thì phải nộp thuế theo quy định, giá hàng hóa được tính theo mức giá thực tế tại Việt Nam.
– Không mang tài liệu mật, tài liệu quốc gia khi đi du lịch.
3. Hành lý mang theo
- Nên mang theo quần áo phù hợp với khí hậu, mùa Đông từ 0°C đến 15°C. (Ban đêm nhiệt độ có thể xuống đến âm °C), mùa hè từ 15°C đến 32°C.
– Nên mang theo ô (loại xếp gọn) đề phòng trường hợp cần dùng khi trời mưa bất chợt.
– Do giá tiền giặt ủi cao, bạn nên mang theo bàn là (điện 220V, phích cắm 2 chân và 3 chân).
Mang theo đồ dùng cá nhân: thuốc men, máy cạo râu và sấy tóc (nếu cần), bàn chải và kem đánh răng (Khách sạn tại Nhật Bản không có các đồ dùng cá nhân và dép đi trong phòng).
– Nên lựa chọn loại giầy thấp đi quen chân vì phải đi nhiều.
– Mang theo dép lê, đồ bơi để thuận tiện khi đi tắm khoáng nóng.
– Du khách có thể mang theo thức ăn như ruốc, mỳ tôm phòng trường hợp không hợp với đồ ăn của Nhật.
– Nên mang theo giầy nhẹ, đế bằng và kín chân để tạo cảm giác thoải mái khi đi bộ. Nên mang theo áo khoác trong trường hợp khí hậu thay đổi đột ngột vào ban đêm. Nên trang bị túi thuốc cá nhân gồm các loại thuốc đặc trị cho bệnh của bạn vì ở Nhật và nhiều nước khác khi mua thuốc điều trị cần phải có đơn của bác sỹ địa phương.
– Không nên mang theo đồ ăn, nhất là đồ tươi sống vào Nhật Bản. Nếu Hải quan cửa khẩu của họ phát hiện sẽ bị buộc đổ vào thùng rác.
– Không mang hơn US$7,000 và quá 15.000.000 đồng ra khỏi nước Việt Nam. Nếu bạn cần sử dụng nhiều nên mang theo các loại thẻ tín dụng như: Master Card,Visa Card, ANZ, HSBC, VCB,ACB…
4. Khí hậu ở Nhật Bản
– Nhật Bản thuộc vùng ôn đới có bốn mùa mang những đặc điểm riêng. Mùa Xuân và mùa Thu là hai mùa đẹp nhất trong năm. Thời gian lý tưởng nhất để đến Nhật bản là vào nửa cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 4 - lúc hoa Anh Đào nở rộ và từ nửa cuối tháng 10 đến nửa đầu tháng 11 - là thời gian bạn có thể ngắm lá vàng, lá đỏ.
– Nhiệt độ trung bình cả năm ở Tokyo là 15,6°C nhưng mùa hè nhiệt độ ở đây thường trên 30°C và ban đêm hơn 25°C. Mùa đông Tokyo rất lạnh, nhiều khi có tuyết. Nhiệt độ trung bình ở Okinawa vào tháng Giêng là 16°C. Trong khi đó, các vùng khác lại tương đối mát ngay cả mùa hè, chẳng hạn như Abashiri ở Hokkaido, nhiệt độ trung bình trong tháng 8 là 19,1°C.
5. Mua sắm tại Nhật Bản
– Hàng hoá tại các siêu thị, du khách nên đối chiếu giá cả, vì các siêu thị giá bán chênh lệch nhau khá nhiều. Hàng mua tại các cửa hàng hay trong chợ, bạn nên trả giá (nếu người bán hàng không đeo biển nhân viên).
– Khi mua hàng đá quý, bạn nên chọn kỹ và mặc cả giá (vì mặt hàng này giá nói thách rất cao).
– Du khách nên mang theo đô la Mỹ (seri mới từ 1995 trở về đây) để dự phòng.
– Khi đi mua sắm nên mang theo 1 máy tính nhỏ.
– Nếu quý khách mua hàng điện tử trị giá trên 300USD (giá trị tại Việt Nam) sẽ có thể chịu thuế 60% của phần chênh lệch.
6. Tiền tệ tại Nhật Bản
Tốt nhất bạn nên mang theo tiền Yên, hầu hết các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng, cửa hiệu đều thanh toán bằng tiền Yên, không thu Đô La Mỹ.
7. Văn hoá ứng xử tại Nhật Bản
Người Nhật rất coi trọng tự do cá nhân vì vậy không nên cười nói lớn tiếng hoặc đùa giỡn nơi công cộng, nhà hàng làm ảnh hưởng tới người khác. Xả rác, hút thuốc nơi có bảng cấm sẽ bị phạt vi cảnh. Khi xả rác phải để ý phân loại rác theo chỉ dẫn.
8. Liên lạc bằng điện thoại
Điện thoại ở khách sạn Nhật Bản rất đắt. Vì thế, bạn nên mua thẻ điện thoại ở Nhật Bản rồi gọi tại các cabin điện thoại công cộng, hoặc bỏ xu trực tiếp vào các máy điện thoại công cộng. Mỗi lần gọi nội thành bỏ vào máy 100 Yên.
Đối với người có điện thoại cầm tay có thể đăng ký mở roaming tại Việt Nam và sử dụng điện thoại của mình tại Nhật, tuy nhiên điện thoại của bạn phải có chương trình hỗ trợ 3G thì mới dùng được ở Nhật.
Có thể thuê điện thoại di dộng (ví dụ tại quầy ABC gần chỗ bán vé Limousine Bus) ngay tại sân bay sau khi làm xong thủ tục nhập cảnh, tiền cước rẻ hơn là gọi từ di động của chính mình. Ngoài việc trả 1 khoản cố định cho việc thuê 1 chiếc điện thoại di động khoảng 2000 Yên/ tuần, bạn phải trả tiền cước cho từng cuộc gọi là 80 Yên/phút nếu gọi trong thành phố, 200 Yên/ phút nếu gọi quốc tế.
Tuy nhiên bạn chỉ được chọn 1 trong 2 loại mức cước nói trên, nghĩa là nếu chọn mức cước 80 Yên/phút thì không gọi được quốc tế, nếu chọn mức 200 Yên/phút thì dù gọi nội thành cũng vẫn bị tính mức 200 Yên/phút chứ không phải 80 Yên/phút. Trả điện thoại và thanh toán tại sân bay, gần quầy Check – In của Việt Nam airline khi về nước.
Khi thuê điện thoại phải xuất trình hộ chiếu và thẻ tín dụng. Thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Gọi điện thoại từ Việt Nam sang Nhật Bản : 0081 + mã vùng + số thêu bao của Nhật. Nếu mã vùng và số thuê bao bắt đầu bằng chữ số 0 thì bỏ số 0 đi rồi bấm các số tiếp theo.
Từ Nhật Bản gọi về Việt Nam: bấm 010 84- 4- 3934 8143 để gọi số 3934 8143 (ở Hà Nội), bấm 010 84- 903 350.350 (Gọi số di động 0903 350 350).
Điện thoại khẩn cấp tại Nhật bản: Khi có người bị đột quỵ, ốm đau, khi có hỏa hoạn hoặc có người bị thương do hỏa hoạn hoặc do tai nạn giao thông cần xe cứu thương hoặc cần cứu hộ… ấn số 119. Điện thoại viên trực 24/24, tiếng Anh, không mất phí. Khi cần báo cảnh sát vì lý do bị tai nạn giao thông hoặc bị tội phạm tấn công, cướp giật… gọi số 110.
Nếu bạn không nói được tiếng Nhật, tổng đài 110 sẽ hướng dẫn phím chuyển để kết nối tới thông dịch phiên (tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ nào đó).
Thông tin liên quan đến mất hộ chiếu, cấp hộ chiếu mới, visa … liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo, địa chỉ: 50-11 Motoyoyogi-cho, Shibuya-ku, Tokyo 151-0062, Tel: 03-3466-3311 (bộ phận lãnh sự); Fax: 03-3466-7652 8.
9. Ăn uống tại Nhật Bản
Ngày nay, các thành phố lớn dần dần quốc tế hóa, nên ngoài thức ăn Nhật còn có thể ăn nhiều thức ăn của các nước khác. Nhật Bản cũng có nhiều món ăn ngon, nhưng hơi lạ đối với người ngoại quốc, nên nói chung có một số món Nhật khó hợp khẩu vị đối với người ngoại quốc. Vì họ thường ăn đồ sống, đồ nướng, hay cho đường, nhưng lại ít ăn cay và ít dùng ớt (nếu có lại là ớt khô, wasabi (sơn quỳ) hay mù tạt, dù họ ở xứ lạnh (như Triều Tiên dùng rất nhiều ớt). Tại một số tiệm ăn ngay ở khu phố Tàu Yokohama, Kobe và Nagasaki mà đôi khi hỏi ớt tươi cũng không có.
10. Hàng cấm
Theo pháp luật ở Nhật những thứ sau đây không được mang vào Nhật. Trong trường hợp vi phạm sẽ bị sử phạt nặng:
Các đồ cấm tuyệt đối
- Thuốc phiện, Heroin, thuốc gây nghiện, MDMA v.v..
- Các loại súng.
- Các đồ giả như tiền giả, Card giả.
- Các tạp chí, đĩa DVD mang tính kích động, kích dục.
- Các vật phẩm vi phạm di sản văn hóa, các đồ giả cổ.
- Các chất nổ Các đồ hạn chế.
- Súng săn, dao các loại.
- Các động vật và các chế phẩm được quy định theo hiệp định Wasington.
- Động vật sống, thịt, hoa quả cần phải được kiểm dịch trước
- Đồ mỹ phẩm, thuốc uống, thuốc lá (hạn chế số lượng).
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý, QUY TẮC CẦN GHI NHỚ KHI DU LỊCH NHẬT BẢN
1. Hân hạnh được làm quen
Nếu đã từng có dịp gặp gỡ hoặc làm việc với người Nhật, bạn sẽ thấy họ thường cúi mình và nói YOROSHIKU ONEGAI SHIMASU. Câu này không chỉ dùng khi tự giới thiệu bản thân, mà dùng cả khi nhờ ai đó giúp đỡ. Đôi khi cũng thấy YOROSHIKU ONEGAI SHIMASU xuất hiện ở cuối thư. Có thể bạn băn khoăn không hiểu người viết thư muốn nhờ mình điều gì. Thật ra, câu này không nói tới việc gì cụ thể, mà có ý nói đến tổng thể nội dung truyền đạt trong thư. Đây có lẽ là một trong những cách diễn đạt điển hình của Nhật Bản. Và nếu ai đó nói với bạn YOROSHIKU ONEGAI SHIMASU, thì bạn chỉ cần nhắc lại câu đó: YOROSHIKU ONEGAI SHIMASU.
2. Cách từ chối
Người Nhật rất coi trọng chữ “Hòa” trong các mối quan hệ. Họ không muốn các mối quan hệ bị rạn nứt do từ chối thẳng quá.
Ví dụ, khi được mời một món ăn không thích lắm, trước hết nên nói ARIGATÔ GOZAIMASU, có nghĩa là “Xin cảm ơn” để cảm ơn người mời. Khi muốn từ chối lời mời hay gợi ý nào đó, có thể nói CHOTTO… với hàm ý từ chối. CHOTTO là một từ rất hữu ích, có thể dùng cả khi bạn muốn gọi ai, hay khi muốn từ chối một điều gì đó.
Trong công việc, người Nhật cũng dùng nhiều cách nói vòng, nói tránh. Có một câu điển hình mà người Nhật thường dùng khi muốn từ chối một giao dịch với khách hàng, đó là câu KENTÔ SHITEMIMASU. Tuy KENTÔ SHITEMIMASU có nghĩa là “Sẽ cân nhắc, sẽ xem xét”, nhưng đừng mừng vội, vì thực ra, câu này hàm ý là “Xin đừng kỳ vọng sẽ có câu trả lời tốt đẹp”.
3. Ý thức về thời gian của người Nhật
Nhiều người nước ngoài tới thăm Nhật bản thường ngạc nhiên khi thấy tàu điện chạy rất đúng giờ. Đa số người Nhật rất thích làm việc đúng giờ giấc. Người Nhật coi việc đến trước giờ hẹn 5 phút là một quy tắc trong giao tiếp. Bạn sẽ thường xuyên thấy người khác nói rằng, họ có mặt ở địa điểm đúng giờ, nhưng hóa ra lại là người đến sau cùng. Đặc biệt, khi hẹn làm việc, đến muộn rất dễ bị mất lòng tin nên khi thấy có thể bị muộn giờ thì nên gọi điện thông báo, vì chỉ muộn 5 phút là rất nhiều người Nhật đã sốt ruột rồi.
Khi hội họp, đi làm, đi học người Nhật lúc nào cũng để tâm tới thời gian, khi muốn thăm ai đều phải điện thoại xin phép trước và giữ đúng giờ hẹn. Đến muộn là điều rất khiếm nhã và làm mất lòng tin của người khác. Trường hợp đến muộn, phải gọi điện thoại để liên lạc trước. Vì vậy, khi dự tiệc hay tham gia các tour du lịch ở Nhật, bạn phải hết sức chú ý đến quy tắc này.
4. Ngôn ngữ cử chỉ
Ngôn ngữ cử chỉ không chỉ bổ trợ cho ngôn từ trong giao tiếp, đôi khi nó còn có sức truyền đạt cao hơn cả ngôn từ. Thay vì bắt tay như nhiều quốc gia, người Nhật thường cúi đầu để chào hỏi, đây còn là cách bày tỏ sự biết ơn và xin lỗi. Họ sẽ cúi người khoảng 15 độ khi chào hỏi xã giao hàng ngày, khoảng 30 độ khi chào hỏi có phần trang trọng và gập người 45 độ để cảm ơn ai đó. Vì vậy, đừng quên cúi đầu đáp lễ khi một người Nhật Bản chào bạn. Bây giờ là một câu hỏi, bạn có biết nếu một người chĩa 2 ngón tay trỏ dựng lên trên đầu là có ý gì không? Câu trả lời là, người đó muốn nói “Tôi đang bực mình đây!” hoặc ám chỉ ai đó đang bực mình.
5. Văn hoá sử dụng thang máy
Có một số quy ước xử sự khi đi thang máy ở nơi làm việc ở Nhật. Trước hết, khi đợi thang máy, bạn nên đứng ở hai bên cửa thang để không cản trở những người từ trong thang máy ra. Khi vào trong, nếu đi cùng với khách hoặc cùng với cấp trên, nên đứng ở chỗ thuận tiện để chủ động điều khiển thang. Trong thang máy, nếu có người lạ nên tạm dừng nói chuyện, để tránh làm lộ thông tin.
Thực ra, việc giữ im lặng trong thang máy không chỉ giới hạn ở nơi làm việc. Ở các khu mua sắm hay khách sạn ở Nhật cũng vậy, khi ở trong thang máy, về cơ bản nên hạn chế nói chuyện. Đó cũng là phép lịch sự đối với những người đi cùng thang máy với bạn.
6. Thanh toán hoá đơn
Ở Nhật Bản, khi ăn uống cùng bạn bè, người ta thường thanh toán tiền kiểu WARIKAN, nghĩa là chia đều hóa đơn thanh toán. Khi bạn đi với người lớn tuổi hơn, có khi họ sẽ trả hết hoặc trả nhiều hơn bạn. Trong trường hợp đó, bạn nên bày tỏ sự cảm ơn bằng câu: GOCHISÔ SAMA DESHITA, nghĩa là”xin cảm ơn về bữa ăn”. Khi bạn trả tiền cả phần của người khác thì nói: OGORU hoặc GO-CHISÔ SURU.
Thế còn khi đi ăn cùng với bạn trai hay bạn gái thì thế nào? Trước đây, người ta vẫn cho nam giới là người phải trả tiền, nhưng ngày nay, phụ nữ tham gia vào xã hội ngày càng tích cực hơn, WARIKAN “chia đều hóa đơn thanh toán” dường như cũng trở nên phổ biến hơn.
7. Lưu ý khi ăn
Nếu bạn dự một bữa tiệc tối, lấy nước uống rồi thì hãy chờ chủ trì bữa tiệc phát biểu xong để cùng nâng ly và hét lên một tiếng Kanpai (giống như "dzô" thay lời chúc). Khi ăn, bạn không dựng đứng đũa trong bát cơm, không ngậm đũa vào miệng, không dùng đũa để truyền thức ăn. Đặc biệt, nếu bạn gác đũa ngang miệng bát nghĩa là chê món ăn dở hoặc thể hiện “tôi không cần nữa”.
Khác với các quốc gia dùng đũa khác, đũa Nhật khi được đặt trên bàn ăn không được đặt thẳng về phía bên phải, bên tay cầm đũa, mà được đặt ở trước mặt người ăn, đầu đũa phải được đặt trên một cái gác đũa gọi là hashioki hướng về phía bên trái.
8. Đừng đưa "tiền tip"
Khi du lịch ở Nhật, tại một số nơi, bạn sẽ bị coi là khinh người nếu tặng thêm tiền cho lái xe trên taxi, nhân viên phục vụ trong nhà hàng hay lúc được người khác chăm sóc. Bạn không cần áy náy vì trong dịch vụ bạn yêu cầu đã bao gồm khoản tiền này. Do đó, bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu “lỡ” bỏ lại vài xu trên bàn và bị bồi bàn đuổi theo trả lại vì nghĩ rằng bạn để quên tiền thừa.
9. Luôn đi bên trái
Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia ở châu Á duy trì quy tắc giao thông bên trái. Do đó, khi đi lại ở Nhật, bạn luôn phải đi ở phía bên trái đường. Điều này cũng áp dụng khi đi thang cuốn ở Nhật. Mọi người thường sẽ đứng ở bên phải, để dành một phần còn lại cho những người vội vã hoặc có việc gấp.
10. Cởi giày trước khi vào nhà
Trước khi bước vào bất cứ ngôi nhà nào ở Nhật Bản, bạn phải cởi bỏ giày dép để ở ngoài cửa. Ở trong nhà, thường các gia đình có dép đi riêng, nhưng ở những phòng có nền bằng chiếu tatami thì không. Với các phòng này, bạn phải đi lên phần sàn có chiếu tatami. Điều này cũng được áp dụng ở các nhà hàng, khách sạn.
11. Văn hóa xếp hàng
Trong khi hầu hết mọi nơi trên thế giới coi việc phải xếp hàng chờ đợi là một điều khó chịu thì với người Nhật Bản, ý thức xếp hàng được rèn từ nhỏ. Họ cũng quan niệm rằng, có xếp hàng nghĩa là có thứ đáng để xem. Xếp hàng trong các dịp lễ hội cũng là cơ hội để gần gũi người thân và kể những câu chuyện không bao giờ dứt. Bởi vậy, bạn hãy kiên nhẫn và xếp hàng khi muốn tham gia một sự kiện nào đó có đông người chờ đợi.
12. Cách thanh toán tiền
Thông thường, ở Tokyo, bạn không đưa tiền trực tiếp cho nhân viên trong nhà hàng hoặc cửa hàng quần áo mà thả tiền vào chiếc khay nhỏ bên cạnh họ. Nếu bạn vẫn muốn đưa trực tiếp cho họ vì lo sợ mất, đặc biệt khi bạn sử dụng thẻ tín dụng, hãy đưa bằng cả hai tay và gật đầu nhẹ để thể hiện sự tôn trọng.
13. Văn hóa nhà tắm
Nhà tắm công cộng vẫn phát triển tại Nhật Bản. Sento (nhà tắm ở khu dân cư) rất dễ tìm thấy từ những khu phố lớn ở Shinjuku đến thị trấn nhỏ trên đảo Shikoku. Onsen (suối nước nóng) rất phổ biến tại những khu nghỉ dưỡng cuối tuần.
Một lưu ý nhỏ là bạn chỉ được vào phòng tắm Nhật sau khi đã làm sạch sẽ cơ thể, để rồi được trầm mình trong bồn nước nóng tập thể 10 - 30 phút.
14. Giữ gìn trật tự, vệ sinh công cộng
Tại các điểm công cộng như bến tàu, bến ga hoặc trên tàu điện, bạn không nên gọi điện thoại hoặc nói chuyện quá to. Điều này sẽ gây khó chịu cho những người xung quanh. Thông thường người Nhật sẽ để điện thoại ở chế độ im lặng khi sử dụng các phương tiện công cộng.
Ngoài ra, trong quan niệm của người Nhật, mọi người phải có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh và chịu khó vứt rác vào đúng nơi quy đình. Vì vậy, mặc dù ở đây có rất ít thùng đựng rác ven đường nhưng khi muốn ném bỏ một vỏ lon nước đã cạn, bạn hãy kiên nhẫn đến khi tìm được thùng rác.
nguồn tổng hợp