CẨM NANG HAY DU LỊCH KON TUM
Du lịch Kon Tum từ A đến Z
Ở cao nguyên lộng gió, nơi mang hơi thở của đại ngàn, Kon Tum kể về những bản sử thi hùng tráng của núi rừng, những nếp nhà rông vươn thẳng đến trời. Để rồi nơi ấy mãi còn âm vang tiếng cồng chiêng gọi núi và gọi cả những ai đã trót mê đắm mảnh đất này.
Du lịch Kon Tum vào thời gian nào ?
Vào tháng 10, 11 âm lịch là vào mùa thu hoạch do vậy đến Kon Tum thời điểm này là thú vị nhất. Du khách cũng có thể chọn cuối tháng 1 nếu muốn ngắm cảnh tưởng rừng cao su mùa lá rụng. Nếu đến tháng 12, du khách sẽ có cơ hội ngắm hoa dã quỳ vàng rực cả một góc trời, song song đó là nhiều lễ hội đặc sắc đang chờ.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
1. Đường bộ
Từ Tp. Hà Nội: Du khách có thể đến bến xe Bát Giáp, bắt xe khách để đến Kon Tum.
Từ Tp. HCM: Du khách có thể đến bến xe miền Đông, bắt xe khách đến Kon Tum.
Từ Tp. Đà Nẵng: Du khách có thể đến bến xe trung tâm, mua vé đi thẳng đến Kon Tum
Các hãng xe uy tín du khách có thể chọn:
Xe Đăng Khoa
- Tuyến Hà Nội - Kon Tum:
Từ Kon Tum – Điện thoại: 0905 010 769
Từ Hà Nội – Điện thoại: 0905 010 269 – 0905 010 369
- Tuyến Sài Gòn - Kon Tum:
Từ bến xe Kon Tum – Điện thoại: 0984 582 678
Từ bến xe Ngọc Hồi (Kon Tum)– Điện thoại: 0984 582 678
Từ bến xe Miền Đông – Điện thoại: 0984 582 679
Xe Mai Linh
- Tuyến Sài Gòn – Kon Tum:
Địa chỉ: 400A, Lê Hồng Phong, phường 1, quận 10
Điện thoại: (08) 38 323 888
- Tuyến Kon Tum đi các tỉnh:
Địa chỉ: Bến xe khách ở đường Phan Đình Phùng.
Điện thoại: (060) 3913 888
- Tuyến Hà Nội – Kon Tum:
Địa chỉ: 55 Kim Đồng, P.Giáp Bắc, Q.Hoàng Mai.
Điện thoại: (04) 36 33 66 99
- Tuyến Đà Nẵng – Kon Tum:
Địa chỉ: 158 Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu.
Điện thoại: (0511) 2 246 246
2. Đường hàng không
Từ 3 thành phố lớn trong cả nước Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Đà Nẵng du khách có thể theo đường hàng không để đến sân bay Pleiku.
Sau khi đáp máy bay, du khách có thể bắt xe bus đi thêm 40km để đến Kon Tum. Giá vé cho tuyến xe bus này vào khoảng 30 nghìn đến 35 nghìn đồng.
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH KON TUM
- Indochine Hotel
Địa chỉ: 30 Bạch Đằng, Quyết Thắng, tp. Kon Tum, Kon Tum
Điện thoại: 060 3863 334
- Khách sạn Trúc Hoàng Hà
Địa chỉ: 38 Ngô Quyền, tp. Kon Tum, Kon Tum
Điện thoại: 060 3700 999
- Khách sạn Kon Tum
Địa chỉ: 155 Bắc Kạn - TP. Kon Tum - Kon Tum
Điện thoại: 060 3861 555
- Khách sạn Family
Địa chỉ: 61 Trần Hưng Đạo, tp. Kon Tum, Kon Tum
Điện thoại: 060 3862 448
- Khách sạn Thịnh Vượng
Địa chỉ: 16 Nguyễn Trãi, tp. Kon Tum, Kon Tum
Điện thoại: 060 3914 729
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH KON TUM
Ngoài cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ chốn đại ngàn, Kon Tum còn thu hút khách du lịch bởi truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc trong sự kết hợp hài hoà với cảnh vật thiên nhiên. Đến Kon Tum, du khách không thể bỏ qua các điểm du lịch nổi tiếng sau đây:
1. Ngục Kon Tum
Từ thành phố trung tâm, đi về hướng Tây Nam theo đường Phan Đình Phùng du khách sẽ đến Di tích lịch sử quốc gia ngục Kon Tum. Đây là nơi đã giam giữ chiến sĩ yêu nước trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp những năm 1930 - 1931.
Hiện tại di tích này bao gồm: nhà truyền thống, nhà tưởng niệm, nhà đón tiếp, cụm tượng đài "Bất khuất" và hai ngôi mộ tập thể nằm bên bờ sông Đăk bla lộng gió.
2. Chùa Bác Ái
Năm 1932, chùa Bác Ái đã được khởi công xây dựng trên ngọn đồi vốn là rừng già. Khi ấy chùa được làm bằng mầm trỉ, mè tre, vách đất, mái lợp ngói vảy. Chính vua Bảo Đại, đã sắc phong cho nơi đây là "Sắc tứ Bác ái tự" kèm theo hai câu đối "Kon Tum thắng cảnh Đại Nam nhất thống dĩ lai - Bác Ái danh lam Bảo Đại bát niêm y thỉ".
Chùa Tổ Đình Bác Ái cũng được Nam Phương hoàng hậu cúng đại hồng chung vào năm 1933. Hiện nay, chùa tọa lạc trên khuôn viên tỏa mát hương cây trái, là nơi mà nhiều du khách cũng như Phật tử bốn phương tìm về. Ảnh: Minh Đức.
3. Tòa Giám mục Kon Tum/ Chủng viện thừa sai Kon Tum
Vào năm 1935, Chủng viện thừa sai Kon Tum đã được khởi công xây dựng với lối kiến trúc hài hoà giữa phong cách phương Tây và kiến trúc của dân bản điạ. Ngoài trụ sàn xi măng cốt thép ra, toàn bộ chủng viện đều được dựng lên từ các loại gỗ quý rất bền và thách thức cả thời gian.
Trong khuôn viên chủng viện có hai hàng cây sứ cổ thụ nằm sóng đôi hai bên lối vào càng làm tăng vẻ yên tĩnh và cổ kính cho nơi này. Điểm đặc biệt nơi đây đó là sự tồn tại của căn nhà truyền thống, một bảo tàng nhỏ về văn hoá và các dụng cụ sinh hoạt, nông cụ của người bản địa. Đây có lẽ là điểm đến mà không du khách nào muốn bỏ qua khi đến Kon Tum.
4. Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum (Nhà thờ Gỗ)
Năm 1913, Nhà thờ gỗ Kon Tum đã được khởi công theo lối kiến trúc của người Bana kết hợp với phong cách Roman. Nhà thờ được xây bằng phương pháp thủ công và làm từ chất liệu gỗ là chính. Tất cả tường và trần của nhà thờ đều được trộn bằng đất và rơm chứ không hề có dấu tích của bê tông, cốt thép. Có lẽ vì những đặc điểm này mà đã một thế kỷ trôi qua nhà thờ vẫn đứng vững kiên cường trước thời gian.
5. Cầu treo Kon Klor - Làng văn hóa Kon K'tu
Ở hai bờ của dòng Đăkbla, là cây cầu treo Kon Klor hùng vĩ và hoang sơ. Từ cây cầu này, du khách có thể đến với làng văn hoá Kon K’tu. Dân làng nơi đây cho đến nay vẫn lưu giữ những bộ cồng chiêng và đội múa Xoang đặc sắc trong văn hóa của những nhà dài, nhà sàn. Đó chính là lý do vì sao có đến hơn 50 lượt khách đến đây vào mỗi năm để khám phá.
6. Sông Đăk bla
Con sông Đăk bla hiền hoà vắt ngang thành phố trung tâm Kon Tum như một dải lụa rũ mang đến phù sa cho sự phát triển nông nghiệp trong vùng cũng như tạo ra cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ thu hút nhiều du khách trong những năm gần đây.
7. Khu du lịch sinh thái Măng Đen
Măng Đen là khu rừng nguyên sinh nằm giữa 2 ngọn đèo lớn Măng Đen và Viôlắk (Quảng Ngãi). Chỉ riêng khu rừng nguyên sinh trong khu sinh thái đã có đến 80% là rừng tự nhiên, trong đó có 4.000ha rừng thông tạo. Khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ chỉ từ 18 đến 20 độ C. Với cảnh quan như mộng cùng đặc điểm về khí hậu tương đồng đã khiến nơi đây thực sự trở thành “Đà Lạt thứ hai” trong mắt nhiều du khách.
8. Cột mốc biên giới Campuchia - Lào - Việt Nam
Địa danh Ngã ba Đông Dương gắn liền với một thời oanh liệt của ông cha trong các thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ngày nay, Ngã ba Đông Dương lại hấp dẫn du khách bởi hành trình tìm đến điểm cực bắc Tây Nguyên Việt Nam.
9. Nhà rông Kon Klor
Nhà rông Kon Klor, nhà rông lớn nhất Kon Tum, biểu tượng của ăn hoá các tộc người ở Tây Nguyên. Nhà có chiều dài hơn 17m, chiều cao 22m và chiều rộng hơn 6m. Với kiểu nhà rông điển hình lợp bằng nứa, tre, lá và làm tỉ mỉ bằng gỗ đến từng chi tiết, nhà rông Kon Klor thật đáng để làm nơi du khách khám phá văn hoá của đồng bào nơi đây.
10. Khu di tích chiến thắng Đak Tô
Đây đã từng là căn cứ mạnh nhất của nguỵ quân Sài Gòn, một chiến trường ác liệt nhất của Tây Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong khu di tích hiện nay có tổng cộng 15 phân khu di tích đa dạng về văn hóa, sinh thái, lịch sử, với điểm nhất nổi bật là khu tượng đài.
11. Núi Ngọc Linh
Núi ngọc Linh cao 2.600m, là một phần của dãy Trường Sơn Nam đã từ lâu trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai ưa mạo hiểm và thử thách mình với độ cao.
12. Vườn quốc gia Chư Mom Rây
Trong số các vườn quốc gia hiện nay thì Chư Mom Rây là vườn có tính đa dạng sinh học thuộc vào loại cao nhất. Theo đó, trong tổng diện tích trên 56.000ha, Chư Mom Rây là nhà của hơn 1.500 loài thực vật với 131 loài có nguy cơ tuyệt chủng (phong lan, ngành hạt trần...) và hơn 2.000 loài thực vật quý hiếm như trắc, cẩm lai, thông tre, kim giao…
Về động vật, hiện nay, Chư Mom Rây có khoảng 452 loài với 115 loài thú, 276 loài chim, 44 loài bò sát và 17 loài lưỡng cư. Trong đó, 114 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Điều đặc biệt nơi đây chính là cánh đồng cỏ - thung lũng Ja Book đã trở thành nơi sinh sống của nhiều loài thú ăn thịt quý hiếm như: beo lửa, gấu ngựa, bò tót, trâu rừng, …
Với những giá trị sinh học hiếm có này, vườn Quốc gia Chư Mom Ray đã được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là Di sản ASEAN vào năm 2004.B
ẨM THỰC KHI DU LỊCH KON TUM
Văn hoá ẩm thực của Kon Tum cũng gắn chặt với núi rừng, sông suối, nương rẫy với nhiều món ngon, vật lạ.
1. Gỏi lá
Gỏi lá là một đặc sản mà bất cứ ai đến với Kon Tum đều muốn một lần được thử. Món gỏi này đặc biệt bởi nó lấy nguyên liệu từ hơn 50 loại lá, rau khác nhau từ quen đến lạ và rất lạ. Có thể kể đến trong số đó như cải cay, diếp cá, húng quế, quế, mã đề, lá lốt, sung, đinh lăng, ổi, mơ, sâm đất, tram, chó đẻ răng cưa, vừng, hồng ngọc… Phần lớn có thể dọn món khi chỉ đủ 40 loại đổ lại nhưng nhất thiết không thể thiếu lá sung, đinh lăng và lá mơ lông. Đây là các loại lá được dùng để cuốn thành phễu đựng các món khác để làm thành một phần ăn.
Chỉ cần cuốn một chiếc phễu lá và cuộn vào trong tất cả các loại gia vị, nguyên liệu cùng các loại lá là du khách có thể cảm nhận từ cung bậc này sang cung bậc khác các điệu vũ của gai lưỡi để thấy yêu hơn vùng đất đại ngàn này.
2. Xôi măng
Chính bởi măng là một phần không thể thiếu của ẩm thực Kon Tum nên người dân nơi đây có thể tha hồ sáng tạo ra các món ngon có măng làm thành phần trong ấy. Trong số đó phải kế đến một món ăn trứ danh chỉ có đến Kon Tum du khách mới có cơ hội được thưởng nếm đó chính là xôi măng.
3. Cơm lam
Cơm lam của núi rừng Tây Nguyên bao giờ cũng thật đặc biệt. Món cơm lam đơn giản là thế nhưng khi bắt tay vào làm mới biết các công đoạn tỉ mỉ đến thế nào.
Trước hết, nứa được chọn phải là loại nứa ngô non, đoạn được chọn phải là đoạn lưng chừng. Sau khi chặt bỏ hai đầu mắt, người ta sẽ dùng lá để nút lại một khi đã cho gạo nếp và ít nước suối trong vắt vào. Phần gạo nếp này phải là nếp dẻo, có hương thơm đậm và trắng. Người dân trong vùng thường dùng nếp tan để làm ra món cơm lam vì nó đủ các yêu cầu khắt khe của họ.
Chỉ cần nghe mùi nứa ngô lẫn trong mùi thơm của nếp bay đều quanh lò nướng là người ta đã muốn được cắn ngay một miếng cơm vừa chắc, vừa bùi lại vừa ngọt đến ngây lòng này.
4. Heo rẫy nướng
Heo rẫy là cách gọi để chỉ cho những loại heo người dân tộc nuôi thả tự nhiên. Loại heo này ít mỡ, thịt săn, vị ngọt đậm và rất nhiều dinh dưỡng. Vì được nuôi thả tự nhiên nên heo thường chỉ lớn không đến 20kg. Sau khi làm sạch lông, heo sẽ được mổ phanh để lấy hết nội tạng. Sau đó, người ta sẽ ướp đều gia vị bao gồm ủ nén, gốc mùi, sả, ớt, ngò gai,… trước khi đem chúng quay đều trên than hồng. Được thưởng thức những miếng thịt heo quay giòn bì, căng vàng và thơm phức du khách sẽ hiểu vì sao nhiều người được ao ước ăn món này đến vậy khi có dịp đến với Kon Tum.
5. Các món nướng trong ống lồ ô
Nghệ thuật nấu nướng với ống lồ ô vốn có nguồn gốc từ người Ba Na. Tất cả nguyên liệu từ thịt, cá, rau củ, cà đắng… đều được đem nướng trong những ống lồ ô độc đáo để cho ra các món ăn ngon mà không nơi nào có được. Thông thường, người ta sẽ đem trộn phần cá phi lê, các loại thịt gia súc, gia cầm với các loại rau rừng, cà đắng, cà tím thái nhỏ cùng các gia vị vào với nhau và nhồi tất cả vào trong ống mang đi nướng trên lửa than. Riêng với các loại thịt, chúng phải được sơ chế bằng cách thui trước khi thái nhỏ cho vào ống. Đây là một cách chế biến rất độc đáo mà chỉ có đến Kom Tum du khách mới có cơ hội trải nghiệm thú ẩm thực này.
6. Cá tầm
Ở Kon Tum, vùng cao nguyên Măng Đen là nơi tập trung nhiều hồ hơn cả. Dòng nước ở nơi đây luôn mát lạnh quanh năm. Có lẽ vì vậy mà cá hồi, cá tầm rất thích hợp khi được nuôi thả tại đây. Đến với Măng Đen, du khách tha hồi thưởng thức món cá tầm đắt giá với toàn bộ xương đều là sụn, phần thịt cá trắng muốt, dai dai và béo ngậy. Du khách có thể tự bắt cá và nhờ các đầu bếp của những nhà hàng quanh đây chế biến với nhiều món ngon từ chiên, hấp, um, sấy… Món ăn nào với cá tầm Măng Đen cũng sẽ khiến du khách mê mẩn.
7. Gà nướng
Người Xê Đăng có cách nướng gà rất độc đáo mà khó nơi nào đạt được hương vị tương tự. Món ngon này vì vậy mà nằm trong danh sách 50 ngon nhất của Việt Nam. Muốn làm ra loại gà nướng đặc biệt này cần phải có gà thả rông, con loại 1kg đổ lại. Cách ướp gà là khâu quan trọng nhất để làm nên vị ngon riêng của món ăn này và tất nhiên đó là bí quyết của người làm bếp. Thế nhưng một gia vị chắc chắn không thể thiếu trong món ăn này đó chính là mật ong rừng. Sau khoảng thời gian ướp thịt gà, người ta không đem nướng ngay mà phơi ráo gà ngoài nắng một lúc. Có lẽ vì những điểm này mà thịt gà sau khi nướng rất bóng bẩy, thịt dai và mùi thơm chỉ có thể nói là “nức bếp”.
8. Cá gỏi kiến vàng
Người Rơ Măm ở huyện Sa Thầy có món gỏi kiến vàng cực kỳ độc đáo và ngon miệng. Người dùng chỉ nghe tên đã sởn sởn người nhưng chỉ cần thử một miếng sẽ luôn muốn được ăn thêm.
Để làm ra món ăn này, người ra ra suối bắt loại cá không quá to, cũng không quá nhỏ để mang về băm nhuyễn. Muốn cá không bị tanh, họ đem vắt hết nước của cá. Với kiến vàng, họ chỉ chọn loại kiến non để không có vị ngái và đặc biệt trong tổ kiến luôn có cả trứng kiến. Từ phần cá, kiến và trứng kiến, người ta sẽ trộn tất cả với ít gạo rang hơi cháy, muối hột, ớt xanh và tiêu rừng để cho ra món cá gỏi trứng kiến. Khi ăn, cuộn gỏi vào lá sung, du khách sẽ cảm nhận đầy đủ vị cay xé lưỡi của tiêu cùng ớt và cả vị béo của kiến, vị ngọt của thịt cá. Đây quả là một trải nghiệm đáng nhớ!
9. Dế chiên Kon Tum
Từ lâu dế chiên đã là món ăn phổ biến của người dân Kon Tum. Họ chọn dế cơm để món ăn được ngon hơn. Theo đó, sau khi bắt dế về, người ta sẽ rửa sạch, để ráo và chiên giòn trong chảo dâu sôi ngập. Cuối cùng chỉ việc trộn đều với lá chanh, sả băm, ớt, tiêu và rang đều một lần nữa. Món dế chiên là sự kết hợp hài hoà giữa độ giòn tan với vị beo béo tự nhiên của dế và vị thơm của các loại lá.
Trên các con đường trung tâm như đường Phan Đình Phùng, đường Bà Triệu, đường Trần Phú,… du khách sẽ thấy người dân tộc bán dế chiên nếu du khách ở đây vào tháng 8, tháng 9 dương lịch.
10. Lá mì
Người Brâu dùng lá mì trong các món ăn của mình. Phổ biến nhất trong số đó là món lá mì muối chua. Họ biết cách chọn lá mì ta, không độc, lá mì to và cho vị ngon. Sau khi rửa sạch, họ đem vò lá thật kỹ và xả qua nhiều lần nước để rửa hết nhựa. Cuối cùng, họ chỉ việc xếp lần lượt lớp lá, lớp muối và ít ớt cho đến hết vào trong một chiếc chum và đậy kín. Khoảng 3-5 hôm, họ có thể mang ra dùng như món dưa muối của người miền xuôi. Các món ăn ngon với lá mì chua này có thể kể đến như canh chua lá mì, cá khô nấu lá mì chua, gà rừng trộn lá mì chua…
11. Thịt nhím
Thịt nhím vốn đã bổ, qua bàn tay khéo léo của người Brâu lại càng ngon hơn. Họ có thể nướng mọi trên than hồng, gói lá dong hoặc ninh canh, nhồi vào ống lồ ô nướng… Nhiều món là thế vậy mà món nhím nào cũng ngon bởi thịt nhím ngọt tự nhiên, chắc, thơm và có lớp bì vừa dày, vừa giòn, nhai rất thú.
12. Thịt chuột đồng
Ở huyện Đăk Glei, người Jẻ – Triêng còn có cả món ăn nghe tên thôi cũng khiến người khác giật mình đó là món thịt chuột nướng và chuột gác bếp. Thế nhưng khi đã thử du khách sẽ hiểu vì sao thịt chuột ở đây lại là một đặc sản. Những con chuột đồng vào mùa lúa chín trở nên béo núc sẽ được chọn để làm các món ngon của người Jẻ - Triêng.
Họ đem chuột về thui nhanh qua đống rơm cháy lớn để làm trụi lông chuột. Với cách làm này, thịt chuột vừa thơm vừa giữ được độ ngọt sau khi trải qua nhiều khâu làm sạch từ cạo lông, bỏ lông và xát đều muối. Khi đã có được phần thịt sạch họ sẽ xiên qua tre và đem nướng trên than hồng. Món này ăn kèm với xoài rừng, rau dớn nướng ống le và muối tiêu rừng sẽ rất ngon.
13. Cá chua
Người Jẻ – Triêng còn có một món ăn khác cũng ngon không kém món chuột nướng đó là món cá chua. Họ chọn cá niệng để làm món ngon này. Khi đã đem cá làm sạch và để ráo đến khi mặt cá hơi se, họ sẽ tẩm vào cá ít ớt rừng, tiêu rừng, bột ngọt, muối hột cho thấm. Sau đó, sẽ đem trộn với bột ngô rang, cho vào ống nứa hoặc ống lồ ô và nút chặt bằng lá. Chỉ cần gác bếp sau vài ngày, sẽ có món cá chua ngon đậm đà.
14. Rau dớn
Rau dớn là rau đặc sản của núi rừng. Khi tháng 5 về, người dân lại men theo các con suối để hái rau dớn về. Muốn ngon, cách tốt nhất là đem rau dớn luộc để cảm nhận hết vị chát chát, ngọt ngọt và sần sật của loại rau này. Bằng không có thể xào tỏi, xào măng chua hoặc nướng trong ống lồ ô.
15. Cà đắng
Trước kia, ven những ngọn đồi, bờ suối, cà đắng mọc thành vạt với những quả thuôn dài, to hơn đốt tay, có sọc trắng xanh chạy dọc như quả dưa hấu và đặc biệt có vị rất đắng. Về sau, người dân hái mang về trồng, cà đã giảm được vị đắng và hợp khẩu vị của nhiều người. Người dân thường đem cà đi muối chung với ớt. Đây là món rất bắt cơm. Trong khi đó, số khác có thể đem nướng xiên que và chấm với tiêu rừng trộn muối trong món thịt rừng nướng. Ngoài ra, cà đắng còn được dùng để um, nấu với nhiều nguyên liệu khác làm thành vị ngon khó cưỡng.
16. Măng le
Măng rừng ở Kon Tum có rất nhiều loại nhưng ngon nhất vẫn là măng le, phần ngọn của cây măng. Loại măng này đặc ruột, bùi, cho vị ngọt, không hề chát hay đắng. Măng thường đem đi luộc và xóc với gia vị bao gồm dầu phộng sôi, đậu phộng rang và các gia vị mắm, tiêu, tỏi, ớt…Đây là món dùng trong bữa cơm của người dân. Ngoài ra người ta còn thấy cả một loạt danh sách món ngon từ loại măng này như măng le nấu chua, măng le hầm xương, măng le kho thịt, măng le xào lưỡi lợn…Măng le tươi đã ngon, măng le khô lại càng ngon hơn. Khi có dịp đến Kon Tum, nhiều người thường tìm mua món măng đặc sản này để làm quà mang về.
17. Rượu cần
Rượu cần vượt ra khỏi một thức uống ngon thông thường mà nó còn chở cả văn hoá của đồng bào các dân tộc ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Theo niềm tin của người dân, rượu cần là bởi thần linh được Trời (Yang) ban xuống dạy cho con người làm ra để cúng lễ đấng tối cao mỗi năm.
ahaytravel.com