CẨM NANG HAY DU LỊCH HÀ TĨNH
Du lịch Hà Tĩnh từ A đến Z
Hà Tĩnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, mảnh đất nổi tiếng với địa danh Ngã Ba Đồng Lộc lịch sử, quê hương của nhiều nhân vật nổi tiếng như Mắc Hắc Đế, Đặng Tất, Phan Đình Phùng. Nơi đây cũng nổi tiếng với những điểm đến làm say lòng người như biển Thiên Cầm êm ả, Hồ Kẻ Gỗ trong xanh, chùa Hương Tích uy nghiêm trên núi Hồng Lĩnh. Dân tộc chủ yếu tại Hà Tĩnh là người Kinh và một số dân tộc thiểu số như Chứt, Thái, Mường, Lào sống ở các huyện: Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê với khoảng vài ngàn người.
Du lịch Hà Tĩnh vào thời gian nào ?
Hà Tĩnh nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, giáp với Lào và chịu ảnh hưởng bởi sự khí hậu miền Bắc và miền Nam nên nơi đây có khí hậu vô cùng khác nghiệt, mùa khô thì nóng rang khó chịu và mùa mưa thì rét run người. Tháng thích hợp nhất để đến Hà Tĩnh là tháng 3, 4, 10 những tháng này không quá nóng cũng không quá lạnh sẽ thích hợp cho du khách tham quan và tắm biển.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Du khách có thể đến Hà Tĩnh bằng xe khách, Tàu hỏa và Máy bay, hãy tham khảo lịch chi tiết để du khách đưa ra sự lựa chọn của mình.
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH HÀ TĨNH
- Khách sạn Ngân Hà
Địa chỉ: 158 Trần Phú, tp. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh
Điện thoại: 039 3698 686
- Khách sạn BMC
Địa chỉ: Hà Huy Tập, Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh
Điện thoại: 039 3899 595
- Khách sạn Sailing Tower
Địa chỉ: Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trần Phú, tp. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh
Điện thoại: 039 3686 778
- Khách sạn White Palace
Địa chỉ: 139 Hà Huy Tập, Nam Hà, Hà Tĩnh
Điện thoại:039 6269 999
- Khách sạn New Star
Địa chỉ: xóm mới, Thạch Bình,TP Hà Tĩnh, tp. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh
Điện thoại: 039 3686 868
- Khách sạn Thiên Ý
Địa chỉ: Liên Thanh, tt. Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh
Điện thoại: 0165 598 6823
- Khách sạn Đông Á
Địa chỉ: Hà Hoàng, Thạch Trung, Hà Tĩnh
Điện thoại: 096 694 32 43
- Khách sạn Việt Thái
Địa chỉ: Nguyễn Ái Quốc, Bắc Hồng, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh
Điện thoại: 094 970 33 50
- Khách sạn Đại Bàng
Địa chỉ: 342 Đường Hà Huy Tập, Phường Hà Huy Tập, Thành Phố Hà Tĩnh, Tỉnh Hà Tĩnh
Điện thoại: 039 3853 933
- Khách sạn Hoàng Gia 1
Địa chỉ: Số 33, Lê Hồng Phong, P Thạch Linh, Tp Hà Tĩnh
Điện thoại: 039 6255 255
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH HÀ TĨNH
Biển Thiên Cầm
Biển Thiên Cầm thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh hơn 20km. Tục truyền xưa, vua Hùng trên đường xuống phương nam, đến đây nghe tiếng sóng vỗ vào hang núi vọng ra âm thanh như tiếng đàn bay lơ lửng trong không gian nên nhà vua đặt tên núi là Thiên Cầm (đàn trời).
Bãi biển Xuân Thành
Cách cửa Hội khoảng 5km về phía Nam là bãi biển Xuân Thành (huyện Nghi Xuân). Bãi biển Xuân Thành kéo dài hơn 5km. Nước biển ở đây có độ mặn vừa phải, bãi rất thoải, có thể lội bộ ra xa ngót trăm mét. Dọc bãi biển là con sông nước ngọt Mỹ Dương từ núi Hồng Lĩnh chảy về. Sông không sâu nhưng nước không bao giờ cạn. Vượt cầu tre qua sông là dải rừng rộng 50m, qua dải rừng là biển. Suốt một chiều dài mấy cây số, biển cứ vờn cát trắng, sông cứ chạy theo rừng, tạo nên một không gian thật thơ mộng…
Nếu từ huyện lị Nghi Xuân xuống, có thể ghé thăm rất nhiều di tích lịch sử văn hoá gắn liền với những tên tuổi kiệt xuất như đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ – nhà nho tài tử Nguyễn Công Trứ, thánh địa lý Tả Ao, cách Xuân Thành 3km, du khách có thể ghé thăm làng ca trù Cổ Đạm …
Chùa Hương Tích
Chùa Hương Tích nằm trên ngọn Hương Tích trong núi Hồng Lĩnh, thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Chùa Hương Tích được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, gắn với tích Công chúa Diệu Thiện tu hành hoá Phật.
Ở trên độ cao gần 800m so với mực nước biển, quanh năm ngôi chùa cổ này được phủ che bởi mây khói núi Hồng và lớp lớp huyền thoại về Chúa Ba - đức Phật cứu nhân độ thế. Trên đường đến với Hương Tích, du khách được đắm mình giữa cảnh sắc non xanh nước biếc, sơn thuỷ hữu tình của non xanh Hồng Lĩnh, thưởng ngoạn dòng nước thơm Hương Tuyền, khám phá nền lâu đài cổ Trang Vương.
Hồ Kẻ Gỗ
Kẻ Gỗ vốn là tên của một làng Việt cổ ở xã Mỹ Duệ, nay thuộc xã Cẩm Mỹ huyện Cẩm Xuyên. Kẻ Gỗ xưa nằm dọc theo hai bờ sông Rào Cái (còn gọi là sông Ngàn Mọ).
Hồ Kẻ Gỗ có chiều dài 29 km, có diện tích lòng hồ hơn 30 km2, chứa 345 triệu m3 nước. Hồ nằm ở độ cao 8m và mực nước hồ đạt đến độ cao 37m. Nước ở hồ Kẻ Gỗ theo hệ thống kênh mương có độ dài gần 1000 km tưới tiêu cho hàng vạn hécta ruộng đồng của Cẩm Xuyên, Thạch Hà. Nguồn lợi kinh tế của hồ Kẻ Gỗ đem lại cho người nông dân nơi đây vô cùng to lớn. Xưa đồng đất hạn hán một màu cát trắng, nay quanh năm đủ nước để cấy trồng, muôn cây xanh tốt.
Ngã ba Đồng Lộc
Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh.
Vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua nơi đây. Ngã ba Đồng Lộc có diện tích khoảng 50ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam.
Núi Hồng Lĩnh
Núi Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là ngọn núi có 99 ngọn, từng được xếp cào danh sách 21 danh thắng của nước Nam khi xưa. Và đây là một trong số ít danh thắng được khắc vào Bách khoa thư cửu đỉnh ở Huế.
Ngày nay, núi Hồng Lĩnh vẫn đứng đó sừng sững với thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và mang trong mình di tích, danh thắng. Trên núi Lĩnh có tới hàng trăm đền, chùa, miếu. Trong đó nổi tiếng và cổ kính là chùa Hương Tích hay chùa Chân Tiên, nơi vẫn còn dấu chân người và chân ngựa trên tảng đá (gắn với truyền thuyết Tiên giáng trần).
Cùng với sông Lam, núi Hồng Lĩnh được xem là biểu trưng cho tỉnh Hà Tĩnh.
Khu du lịch sinh thái hồ Trại Tiểu
Từ Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh), theo đường 15A đi về hướng Nam gần 3km là đến Khu du lịch sinh thái Trại Tiểu. Với diện tích 21km2 và sức chứa tới 15,6 triệu m3 nước, Trại Tiểu không chỉ là công trình thuỷ lợi quan trọng mà còn là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.
Đến với khu du lịch sinh thái Trại Tiểu, du khách bắt gặp một không gian lãng mạn của bóng núi mây vờn in hình giữa biển nước bao la, được hưởng bầu không khí hết sức trong lành và tinh khiết. Những dãy núi dài lấp ló trong mây, tựa như những nàng thiếu nữ đang nằm xoã tóc, dưới chân núi là mặt hồ êm ru sóng gợn.
Sau những phút du thuyền thư giản lý thú, du khách đừng quên ghé vào nhà hàng nổi thưởng thức những món ăn đặc trưng miền sơn cước. Hệ thống nhà nghỉ sinh thái dọc triền núi và nhà nghỉ thuỷ tạ khép kín ven lòng hồ sẽ níu bước chân du khách nghỉ qua đêm để có những phút giây lắng đọng hồn mình với những cõi riêng tư trong một không gian tĩnh lặng và lãng mạn, được thưởng thức dịch vụ tắm trăng, câu cá trên lòng hồ huyền ảo.
Khu du lịch sinh thái Sơn Kim
Khu du lịch sinh thái Sơn Kim thuộc xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nằm phía Tây quốc lộ 8, gần cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Khu du lịch được hình thành trên khuôn viên của suối nước khoáng nóng Nước Sốt.
Khu du lịch là tổng hoà các cảnh quan tươi đẹp, sơn thuỷ hữu tình. Trên là những dãy núi rừng cao trùng điệp với nhiều loại cây, thú quý hiếm. Dưới là dòng suối trong xanh với nhiều bãi đá, bãi cát tự nhiên. Vào sâu trong khu du lịch khoảng 500m, du khách sẽ gặp thác Cá Nhảy với nhiều sự tích dân gian, thác nước Tiên Nữ dội thẳng đứng từ trên cao tung bọt trắng xoá bên cạnh những tảng đá tự nhiên mang hình dáng các con vật ở nhiều tư thế khác nhau. Đặc biệt dưới lòng đất là nguồn nước khoáng nóng phù hợp cho việc giải khát, dưỡng bệnh và chữa bệnh. Du khách có thể ngâm mình trong nước khoáng nóng để thư giãn và dưỡng bệnh.
Trong khuôn viên khu du lịch còn có những nhà sàn bên sườn núi để giúp du khách tìm những giây phút nghỉ ngơi thoải mái và yên tĩnh. Nhà hàng trung tâm với các món ăn mang đậm nét đặc trưng của núi rừng sẽ làm chuyến đi của du khách sẽ càng ý nghĩa và thú vị hơn. Ngoài ra, tại đây còn có khách sạn cao cấp, hồ bơi, khu câu cá giải trí và nhiều loại hình dịch vụ khác.
Khu di tích đại thi hào Nguyễn Du
Khu văn hoá du lịch Nguyễn Du là hạt nhân của tuyến tham quan du lịch gắn với bãi biển Xuân Thành, làng hát ca trù Cổ Đạm, đình cổ Hội Thống, danh thắng Núi Hồng - Sông Lam.
Khu di tích Nguyễn Công Trứ
Khu lưu niệm Nguyễn Công Trứ gồm có mộ và nhà thờ. Mộ an táng tại làng Uy Viễn, nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tỉnh.
Nhà thờ cách mộ chừng 200m, xây dựng vào năm 1868, qua nhiều lần sửa chữa và làm lại vào năm 1936, trong một khuôn viên rộng hơn 1900m2, xung quanh trồng cây lưu niên cổ thụ xanh tốt. Nhà thờ có 3 gian 2 chái trang trí nghệ thuật có hình lưỡng long chầu nguyệt trên nóc và 2 con nghê bằng mảnh sứ xanh trên 2 cột trụ trước nhà thờ. Trong gian thờ có bức chân dung Nguyễn Công Trứ được vẽ bằng sơn dầu, các đồ thờ, câu đối. Khu lưu niệm đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá.
Chùa Chân Tiên
Chân Tiên - ngôi chùa cổ được lập từ đời Trần, tọa lạc trên núi Tiên An, thuộc địa phận xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, là một trong 99 đỉnh của dãy Ngàn Hống. Chùa gồm có 2 toà thờ Phật Tổ và thờ Thánh Mẫu. Trong chùa có 13 pho tượng Phật, 2 con hạc sứ, kiệu thờ và nhiều đồ thờ, hoành phi câu đối.
Nơi đây còn có quần thể tự nhiên đầy sức quyến rũ: Giếng Tiên, Bàu Tiên, Động Trúc, Động Mai, Động Thạch Thất; Đá Ông, Đá Bà, và dấu Chân Tiên. Giữa núi Tiên An có một khối đá bằng phẳng, trên mặt đá in hình dấu bàn chân phải của người khổng lồ, người đời gọi đó là Bàn Chân Tiên. Cạnh đá Chân Tiên có một mặt đá phẳng, trên mặt đá có đường kẻ ngang kẻ dọc gần như ô bàn cờ người đời gọi là Bàn Cờ Tiên. Chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Lễ hội chùa Chân Tiên hàng năm được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch, được đông đảo nhân dân trong vùng và các tỉnh du khách về tham gia hội lễ.
Chùa Am
Chùa Am (Diên Quang Tự) toạ lạc tại núi Am, xã Đức Hoà, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh là danh lam thắng tích nổi tiếng linh thiêng. Chùa do Hoàng hậu Bạch Ngọc, vợ Hoàng đế Trần Duệ Tông xây dựng vào đầu thế kỷ XV, hiện vẫn còn lưu giữ được kiến trúc xưa với các toà nhà bố trí theo hình chữ công, 7 tháp mộ của các nhà sư trụ trì. Xung quanh là rừng thông xanh bạt ngàn và một cái hồ lớn nước quanh năm trong vắt, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình.
Vườn quốc gia Vũ Quang
Vũ Quang nằm ở vị trí quan trọng trong dãy Trường Sơn, xen giữa vườn quốc gia Pù Mát ở phía bắc và vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ở phía nam. Vườn Quốc gia Vũ Quang có tới 76% diện tích rừng tự nhiên với hai kiểu chính: rừng kín thường xanh á nhiệt đới chiếm 20% với hai loại thực vật ưu thế là pơmu và hoàng đàn; rừng kín thường xanh nhiệt đới với các loại thực vật bậc cao như: cẩm lai, lát hoa, lim, dổi, trầm hương... và nhiều cây dược liệu quý.
Động vật ở đây rất phong phú, theo thống kê có tới 60 loài thú, 187 loài chim, 38 loài bò sát, 26 loài lưỡng cư và 56 loài cá; trong đó có 26 loài thú, hơn 10 loài chim, 16 loài bò sát quý hiếm cần được bảo vệ. Ngoài ra, Vườn Quốc gia Vũ Quang còn có 36 loài phụ thú đặc hữu của khu rừng Trường Sơn Bắc như: voọc vá chân nâu, voọc Hà Tĩnh, vượn má vàng… Đặc biệt, tại đây đã phát hiện được hai loài thú lớn mới là sao la, còn gọi là dê rừng dài (năm 1992) và mang lớn (năm 1993).
Đèo ngang
Theo Quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam, đi hết địa phận Hà Tĩnh, ta sẽ gặp con đèo chắn ngang, uốn lượn quanh co dài 3km, đó chính là đèo Ngang, ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đèo Ngang cao 256m so với mực nước biển. Với người xưa, đây là vùng đất hiểm yếu, từng được mệnh danh là “bức tường thành”, là “phên dậu” phía Nam của nước Đại Việt. Ngày nay, trên đỉnh đèo Ngang, cửa quan lớn mang tên “Hoành Sơn quan” (xây dựng dưới triều vua Minh Mạng) vẫn còn nguyên vẹn cùng hai bức tường đá lớn chạy theo hai hướng: Vào núi và xuống biển.
Không chỉ có cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình, đèo Ngang còn giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành các miền khí hậu ở nước ta. So với đèo Hải Vân và một số đèo khác, đèo Ngang thua kém về cảnh quan và mức độ hiểm trở, nhưng hơn hẳn về vẻ thơ mộng. Chính vì vậy, trong chuyến hành trình của nhiều người, đèo Ngang vẫn là địa chỉ khó quên.
Đền Củi
Đền Củi (Linh từ Thánh Mẫu) nằm tựa mình trên mái Bắc núi Ngũ Mã của dãy Hồng Lĩnh. Đây là nơi Hồng Lĩnh vươn mình sà vào dòng Lam và Lam Giang dịu dàng vỗ về núi Hồng tạo nên một vùng non nước hữu tình.
Đền Củi được dựng từ thời Lê, thờ Liễu Hạnh Công chúa và ông Hoàng Mười. Trong tâm thức dân gian của người vùng Hà Tĩnh - Xứ Nghệ, ông Hoàng Mười là hiện thân của vị tướng Lê Khôi (Nghĩa quân Lam Sơn), gọi Lê Lợi bằng chú. Ông có nhiều công trong chống giặc Minh xâm lược và là quan qua ba đời vua Lê làm đến chức Khâm sai tiết chế thủy, lục chư dinh hộ vệ thượng tướng quân. Đền Củi đã được Bộ Văn hoá Thông tin ra Quyết định số 57/QĐ-VH ngày 18/1/1993 xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Đền Nguyễn Thị Bích Châu
Nguyễn Thị Bích Châu quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định con gái đại thần Nguyễn Tướng Công. Năm 1373, bà được Trần Duệ Tông tuyển làm cung phi. Bà nổi tiếng là người tài sắc vẹn toàn, giúp vua nhiều kế sách trong việc trị nước an dân. Năm 1377 nhà vua đem quân đi đánh Chiêm Thành, bà can ngăn không được nên xin theo hộ giá.
Khi quan quân nhà Trần đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn) vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho sứ giả đem vàng ngọc tới để trá hàng, nhưng sau đó lại bất ngờ tiến đánh vào lúc nửa đêm. Quân của Trần Duệ Tông bị tấn công bất ngờ, nhà vua lâm bệnh. Nguyễn Thị Bích Châu cầm quân xông trận nhưng không may bị trúng tên độc sau đó từ trần.
Đền dựng từ đời Trần, theo kiểu tiền môn, hậu lăng; gồm 3 toà hạ, trung và thượng điện. Kết cấu kiến trúc tương đối đơn giản nhưng trang trí nghệ thuật, nhất là mặt tiền của hạ điện khá công phu, tinh xảo. Đáng chú ý là nhà sắc ở phía bên phải, kiến trúc theo kiểu trồng diêm, ba tầng cân đối, trang trí nhiều hoạ tiết mang phong cách dân gian sinh động.
Đền Chiêu Trưng
Đền Chiêu Trưng còn có tên gọi là đền Võ Mục Đại vương thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh thờ danh tướng Lê Khôi. Là một trong 4 ngôi đền cổ, đẹp nhất của vùng đất Nghệ Tĩnh xưa, đó là: Đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng.
Đền Chiêu Trưng được xây dựng trên núi Long Ngâm, là ngọn núi cuối cùng của dãy núi Nam Giới từ đất liền uốn lượn ra biển giống như bức tường thành án ngự phía đông cửa Sót.
Lối vào đền từ bến sông lên, qua vọng lâu, cổng vào đền hạ là nơi đón khách, phía tây là bia đá dựng từ thế kỷ XVI, phía đông là bia khắc bài thơ Nôm của vua Lê Thánh Tông. Đền trung gồm 3 gian bằng gỗ, nếp kiến trúc cũ. Ở đây có nhiều bức chạm gỗ mang phong cách nghệ thuật Hậu Lê, có tượng chân dung Lê Khôi bằng gỗ sơn son, thiếp vàng, tấm biển có 4 chữ Hán "Nam Thiên Tuấn Vọng" do vua Lê Thánh Tông ban cùng với đồ thờ. Sau đền Thượng là lăng mộ Lê Khôi.
Làng Phú Hòa
Năm 1885, vua Hàm Nghi từng chạy ra Hương Khê, Hà Tĩnh, đóng quân và viết hịch Cần Vương kêu gọi toàn dân đánh giặc Pháp. Cũng trong thời gian này, nhà vua bị quân Pháp nhiều lần vây bắt không thành. Người già trong làng kể, vua Hàm Nghi được Thánh mẫu báo mộng nên mới thoát khỏi các cuộc vây bắt của giặc Pháp.
Nhằm ghi nhớ công ơn Thánh mẫu, vua phong tặng cho bà chức “Thượng thượng thượng đẳng tối linh tôn thần” (một chức sắc lớn của thần linh). Không những vậy, nhà vua còn dâng nhiều bảo vật để nhân dân thờ cúng Thánh mẫu, bao gồm: 2 con voi vàng (1 con nặng 27 đồng cân, 1 con nặng 17 đồng cân – mỗi đồng cân tương đương với 1 chỉ vàng), 1 con voi đồng, 1 con nghê, 2 thanh bảo kiếm cùng 8 bộ áo mũ triều thần. Sau đó theo lời báo mộng, vua cùng quần thần rút vào vùng rừng núi Quảng Bình.
Dù đã trải qua bao biến cố thăng trầm, qua nhiều giai đoạn lịch sử,… nhưng người dân làng Phú Hòa vẫn lưu giữ vẹn nguyên những cổ vật quý giá vua ban. Theo lệ làng, hàng năm, các cụ cao tuổi đều tổ chức kiểm tra bảo vật để đảm bảo rằng báu vật vua ban luôn được gìn giữ nguyên vẹn. Đến ngày lễ tết, các bảo vật lại được bày lên để nhân dân khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng và hương khói, tưởng nhớ đến công ơn Thánh mẫu và tinh thần yêu nước của vua Hàm Nghi.
Làng trống Bắc Thai
Đến Bắc Thai vào những ngày cao điểm mùa vụ làm trống phục vụ rằm tháng 7 và các ngày lễ tết trong năm, ngay từ đầu làng đã nghe âm thanh của tiếng máy bào, máy cưa xen lẫn tiếng thử trống thùng thình rộn rã.
Nghề làm trống ở Bắc Thai là nghề cha truyền con nối. Con trai trong làng khoảng 12, 13 tuổi được dạy làm các loại trống nhỏ… đến 16, 17 tuổi thì theo cha, anh đi làm trống đại. Trống Bắc Thai nổi tiếng nhờ độ bền, đẹp, tiếng no, tròn… đó là nhờ bí quyết riêng của làng cùng tâm huyết của người làm trống.
ẨM THỰC KHI DU LỊCH HÀ TĨNH
Hến sông La
Hến là món ăn phổ biến của mọi gia đình ở vùng ven sông La (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Từ hến có thể chế biến ra nhiều món ăn để thay đổi hương vị cho bữa cơm thường ngày, như hến xào giá, ăn kèm bánh tráng; canh hến nấu rau tập tàng; cơm nước hến thêm chút gừng cay ăn kèm với cà muối mới thật đậm đà làm sao.
Hến có một hương thơm đặc trưng quyến rũ, bát nước Hến đầu tiên nóng hôi hổi mát, thơm, đậm ngọt, bổ dưỡng, màu trắng sữa như nguồn sống vô tận của dòng sông quê mẹ. Đúng như câu ca ai ví “Dẫu ai đi quanh về quắt – không kẻo nước giắt Kẻ Thượng” (Giắt là loại Hến con sinh sôi rất nhanh vào mùa hè, thích nghi sống ở vùng nước lợ như phía hạ nguồn giáp ranh giữa sông La và sông Lam).
Kẹo cu đơ
Kẹo cu đơ có hình tròn như chiếc gương, nhìn bề ngoài thô ráp và sần sùi nhưng lại rất thơm, có vị đậm đà của mật mía, thơm cay cay của gừng tươi, cái giòn tan của lạc và bánh tráng vừng. Miếng bánh vừa dai, vừa ngọt, vừa thơm lại cay nhẹ... ăn rất lạ miệng.
Đây cũng là đặc sản đặc trưng nhất của người Hà Tĩnh bởi nó chứa hương vị thiên nhiên và hơi thở cuộc sống. Vị ngọt của cu đơ như sự hiền hòa nhân hậu chịu thương chịu khó. Vị chát của chè xanh như những thăng trầm, khắc nghiệt của thiên tai mà con người nơi đây quanh năm phải gánh chịu. Có lẽ vì thế, khắp một dải miền Trung, du khách đi qua vẫn nhớ về kẹo cu đơ, nước chè xanh của người Hà Tĩnh.
Bánh đa vừng
Ở Hà Tĩnh có một món ăn dân dã, rẻ tiền mà thật ngon, đó là bánh đa. Vùng nào, chợ nào, quán nào cũng có nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bánh đa Chợ Tỉnh, Chợ Cầy, Chợ Hội… Bánh đa ở những vùng này dầy, to, giòn và đặc biệt là có rất nhiều vừng đen, ăn vừa béo, thơm, vừa giòn, khi đói có thể ăn trừ cơm, chỉ thấy no mà không thấy chán.
Khách cầm bánh, bẻ từng miếng, chấm với nước mắm cốt pha chanh, ớt cay xè, có vài giọt cà cuống thì càng ngon tuyệt. Ở Hà Tĩnh người ta còn ăn bánh tráng xúc nham (gỏi) bắp chuối, hến xào…
Gỏi cá đục
Cá đục dài khoảng 13-18 cm, thân to hơn ngón tay cái, sống gần bờ biển, có hình dạng tương tự loài cá bống nước ngọt. Cá đục có thể chế biến được rất nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu như mùa nào cũng có.
Mực nhảy Vũng Áng
Vùng biển Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh là khu kinh tế cảng biển sầm uất, sôi động, non nước hữu tình nổi tiếng với món hải sản có tên là mực nhảy. Vì mực ở đây khá to con, được chế biến ngay sau khi đánh bắt, vẫn giữ nguyên được độ tươi nên người dân địa phương đặt tên là mực nhảy.
Mực nhảy có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác như luộc, xào, hấp hay gỏi. Mực nhảy có vị tươi, ngon, thơm rất đặc trưng, khác hoàn toàn so với các loại mực ở vùng biển khác trên cả nước.
Ram bánh mướt
Ram theo tiếng Hà Tĩnh dùng chỉ món nem rán, là món ăn nổi tiếng, góp phần làm nên hương vị ẩm thực Việt Nam. Nhưng ăn ram ở Hà Tĩnh, sẽ cảm nhận một hương vị thật khác. Bánh mướt là cách gọi khác của bánh cuốn, bánh ướt - món ăn ưa dùng của xứ Nghệ. Bánh mướt đơn giản chỉ cần chấm mắm, thường ngày là bánh mướt cuốn chả, sang hơn là canh gà bánh mướt. Người miền Bắc thường cuốn mướt với nhân thịt, khi tráng cho nhiều mỡ, nhưng người miền Trung bánh mướt để không nên khi ăn thưởng thức được hương vị mát lành, thanh đạm.
Bánh bèo Hà Tĩnh
Bánh bèo là một loại bánh dân dã và không phải là đặc sản riêng của vùng nào, nên có ở khắp các miền đất nước như Huế, Nghệ An, Quảng Bình…. Khác với bánh bèo ở các nơi khác, bánh bèo Hà Tĩnh mang một sắc thái ẩm thực riêng.
Bánh bèo ở Hà Tĩnh được làm từ bột lọc, nhân trong làm từ tôm non bóc vỏ hoặc từ thịt nạc được xào lên cùng với hành khô, sau đó ăn kèm với rau thơm, bánh bèo khi ăn chấm nước mắm chua ngọt pha thêm tương ớt để tạo nên vị vừa cay, vừa chua ngọt.
Bưởi Phúc Trạch
Mời về Phúc Trạch quê em/ Chè thơm bưởi ngọt người quen đợi chờ... Bưởi Phúc Trạch là đặc sản của huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, được du khách bè gần xa biết đến. Bưởi có dạng hình cầu tròn, nhỏ chứ không to, khi ăn vào có vị thanh chua rồi ngọt hậu tới cổ, thơm nhẹ tự nhiên. Thịt bưởi có màu hồng nhạt hoặc màu trắng trông rất đẹp mắt. Bưởi Phúc Trạch tự hào là một trong 7 loại cây ăn quả quý hiếm của cả nước.
Cam bù Hương Sơn
Là đặc sản nổi tiếng của huyện Hương Sơn, được trồng chủ yếu ở 12 xã trong huyện, gồm: Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Phúc, Sơn Phú, Sơn Mai, Sơn Thuỷ, Sơn Trường, Sơn Hàm, Sơn Quang, Sơn Diệm, Sơn Lâm, Sơn Kim. Cam bù khi chín vỏ đỏ, xốp dễ bóc vỏ, múi cam mọng nước, ít hạt, ăn có vị ngọt, hương thơm quyến rũ, giá trị dinh dưỡng cao. Đây là cây bản địa được chọn lọc tự nhiên qua hàng trăm năm. Cam bù Hương Sơn là đặc sản mà du khách thường mang về làm quà cho người thân khi đến Hà Tĩnh.
Hồng Đông Lộ và Hồng Tiến
Có hai loại quý nhất là hồng Đông Lộ (Thạch Hà) và hồng Tiến (Nghi Xuân). Hồng Đông Lộ có quả hình vuông, màu xanh cam hoặc vàng, ruột màu vàng, khi chín ăn vừa ngọt, vừa thơm. Hồng Tiến Nghi Xuân (dùng để cung tiến vua ngày xưa nên gọi là hồng Tiến) khi chín có màu sẫm rất đẹp, mọng, vỏ mỏng (dân địa phương gọi là hồng trứng), ăn mềm ngọt mát và thơm. Cả hai loại hồng đều chín từ cuối hè cho đến hết thu.
Bún bò Đức Thọ
Để có một tô bún bò ngon, ngoài bún được làm từ gạo quê Đức Thọ, sợi bún to tròn và có màu hoa cau, thịt bò cũng phải là thịt của con bò được chăn thả vùng ven đê ở làng quê Đức Thọ, như thế thịt sẽ mềm, ngọt. Nước dùng được hầm từ xương ống, đuôi bò. Trong quá trình chế biến nước dùng, người đầu bếp phải rất tỉ mỉ, xương phải rửa thật sạch cho đến khi hết máu còn dính lại, thường xuyên gạn bỏ bọt trên nồi nước hầm xương để màu nước dùng luôn được trong; thịt bò được thái hơi dày sẽ mềm và ngọt hơn khi ăn. Hành lá, lá mùi tàu, nước mắm ớt, tỏi dầm, tiêu, thêm một múi chanh sẽ là những gia vị ăn kèm cho một tô bún bò hoàn hảo. Để rồi những ai đã một lần thưởng thức phải nhớ mãi.
ahaytravel.com