CẨM NANG HAY DU LỊCH THANH HÓA
Du lịch Thanh Hóa từ A đến Z
Thanh Hoá vùng đất vừa có rừng vàng, biển bạc vừa mang trong mình cả những dấu tích lịch sử của các vua chúa thời hậu Lê luôn có sức hút đặc biệt đối với du khách thập phương. Ngoài ra, văn hoá ẩm thực độc đáo của xứ Thanh cũng là một hấp lực khiến ai nấy đều mê mẩn.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hay từ Sài Gòn, du khách đều có thể theo xe khách để đến với Thanh Hoá. Theo đó, du khách có thể đến các bến xe tỉnh để mua vé.
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH THANH HÓA
- Khách sạn Mường Thanh Grand
Địa chỉ: Southern City Urban Center, C1-D6, Đông Vệ, tp. Thanh Hoá, Thanh Hoá
Điện thoại: 037 8868 999
- Khách sạn Phượng Hoàng
Địa chỉ: 998 Đại lộ Hùng Vương, Đồng Lễ, Đông Hải, tp. Thanh Hoá, Thanh Hoá
Điện thoại: 037 3917 999
- Khách sạn Lam Kinh
Địa chỉ: Dong Huong New Urban Area, Đại lộ Lê Lợi, Đông Hương, Thanh Hóa, Thanh Hoa
Điện thoại: 098 390 44 95
- Khách sạn Dragon Sea
Địa chỉ: 43, Hồ Xuân Hương, tx. Sầm Sơn, Thanh Hoá
Điện thoại: 037 3826 666
- Khách sạn Thanh Hoa
Địa chỉ: Quang Trung, Ngọc Trạo, tp. Thanh Hoá, Thanh Hoá
Điện thoại: 037 3851 346
- Khách sạn Phù Đổng
Địa chỉ: 68 Dương Đình Nghệ, Tân Sơn, tp. Thanh Hoá, Thanh Hoá
Điện thoại: 037 3853 789
- Khách sạn Quốc Tế Thiên Ý
Địa chỉ: 757 Bà Triệu, Điện Biên, Thanh Hóa, Thanh Hoá
Điện thoại: 037 8999 666
- Khách sạn Vân Quý
Địa chỉ: 8 Chu Văn An, Trường Thi, tp. Thanh Hoá, Thanh Hoá
Điện thoại: 037 3853 997
- Khách sạn Hùng Vương
Địa chỉ: 13 Tống Duy Tân, Phường Bắc Sơn, Thị Xã Sầm Sơn, Tỉnh Thanh Hóa
Điện thoại: 037 3821 335
- Khách sạn Thành Công
Địa chỉ: 29 Triệu Quốc Đạt, Điện Biên, Thanh Hóa, Thanh Hoá
Điện thoại: 037 3710 224
- Khách sạn Hoa Hồng 1 Sầm Sơn
Địa chỉ: Số 35, Hồ Xuân Hương, Trường Sơn, tx. Sầm Sơn, Thanh Hoá
Điện thoại: 096 974 83 45
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH THANH HÓA
Cầu Hàm Rồng
Di tích lịch sử có từ thời chiến tranh, cầu Hàm Rồng cách TP Thanh Hóa 3km, là quần thể danh lam thắng cảnh – di tích lịch sử văn hoá gắn liền với chiến công hiển hách của quân và dân Thanh Hóa trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Hiện nay, cầu Hàm Rồng đã được xây dựng thành khu du lịch văn hóa Hàm Rồng, gắn liền với các làng cổ Đông Sơn, núi Cánh Tiên, núi Ngọc, động Tiên Sơn, hang Mắt Rồng, đền thờ Trần Khát Chân, Lê Uy, chùa Tăng Phúc và các di tích lịch sử văn hóa khác của Hàm Rồng – Nam Ngạn.
Suối cá thần Cẩm Thủy
Thuộc địa phận làng Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, suối cá Cẩm Thủy cách TP Thanh Hóa 70 km. Với chiều dài hơn 100m của con suối, hàng ngàn con cá bám dày đặc ẩn chứa nhiều truyền thuyết, nhiều câu chuyện bí ẩn được người dân nơi đây truyền tai nhau gây sự tò mò, thích thú cho du khách khi đến với địa danh này.
Hòn Trống Mái
Thuộc địa phận thị xã Sàm Sơn. Hòn Trống Mái gắn với truyền thuyết về mối tình chung thủy giữa một người con gái và một người con trai.
Ở đây, các phiến đá được tạo hóa sắp đặt rất đẹp mắt, hòn lớn nhất nằm phía dưới như một cái bệ đỡ, một hòn khác khác có đầu nhọn nằm chồng lên trên trông giống như hình dáng một chú gà trống. Còn một hòn nhỏ khác đối diện nhỏ hơn như hình con gà mái.
Suối Hiêu
Suối Hiêu nổi tiếng bởi có thể biến cây thành đá. Nằm trên địa phận bản Hiêu thuộc xã Cỗ Lũng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù luông. Cảnh sắc ở đây rất tuyệt vời với những cánh đồng ruộng bậc thang chạy dọc hai bên bờ suối. Suối hiêu nổi tiếng có thể biến cây thành đá do suối này chưa một lượng lớn đá vôi, nước suối làm vôi hóa những bộ rễ nằm dưới lòng suối.
Nước suối Hiêu mát lạnh vào mùa hè nhưng lại ấm khi mùa đông đến. Thời gian gần đây, suối Hươu trở thành địa điểm hút khách du lịch cả trong và ngoài nước.
Bãi biển Sầm Sơn
Cách thành phố Thanh Hóa 16km, bãi biển Sầm Sơn thuộc địa phận thị xã Sầm Sơn. Bờ biển Sầm Sơn dài 10 km với bãi cát bằng phẳng. Bãi biển Sầm Sơn là một trong những bãi biển rộng và đẹp nhất ở phía Bắc.
Từ nhiều thập kỷ trước, Sầm Sơn nổi tiếng là bãi biển có cảnh sắc đẹp và đã có nhiều biệt thự nghỉ mát được xây trong khuôn viên này. Với nhiều cảnh đẹp như: Hòn trống mái, đền Độc Cước, núi Cô Tiên... Sầm Sơn luôn là điểm lựa chọn không thể bỏ qua khi du khách đến với Thanh Hóa.
+ Hòn Trống Mái ở trên núi Trường Lệ, thị xã Sầm Sơn (cạnh bãi A), hai hòn trống – mái tượng trưng cho tình yêu son sắc của đôi vợ chồng nọ, trước kia hai hòn ở ngay cạnh nhau, khoảng trống chỉ đủ cho một người lách qua nhưng hiện nay hòn trống và hón mái đã dịch chuyển xa nhau gần 1m.
+ Đền Độc Cước đền ngự trên hòn Cổ Giải (hay còn gọi là hòn Miết cảnh), là phần đầu của dãy núi Trường Lệ nhô ra biển. Ngôi đền thời vị thánh có công giữ gìn bờ cõi, bảo vệ nhân dân.
+ Đền Cô Tiên đền này hiện ngự trên đỉnh hòn Đầu Voi, cuối dãy núi Trường Lệ về phía tây nam. Sở dĩ có tên là Đầu Voi bởi vì dãy núi Trường lệ đang chạy dài đến đoạn này chợt nhô ra một hòn có hình dáng giống như đầu voi nên từ đó, hòn đó được mang tên là hòn Đầu Voi. Đền Cô Tiên được xây dựng từ thời nhà Lý, thờ người con gái mang bệnh phong được một bà cụ cứu giúp chữa khỏi bệnh, sau đó nàng cùng chồng hàng ngày lên núi hái thuốc chữa bệnh cho nhân dân trong vùng.
Di tích lịch sử Lam Kinh
Cách thành phố Thanh Hóa 51 km về phía Tây, thành Lam Kinh thuộc địa phận xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân. Di tích này được xây từ thời vua Lê Thái Tổ và còn có tên gọi khác là Tây Kinh.
Thành nhà Hồ
Thành nhà Hồ là địa danh gắn liền với Thanh Hóa. Mỗi lần nhắc đến Thanh Hóa địa danh người ta nghĩ đến đầu tiên sẽ là thành nhà Hồ. Được công nhận là di sản văn hóa hóa thế giới năm 2011, thành nhà Hồ là công trình kiến trúc độc nhất vô nhị ở Việt Nam với tòa thành bên ngoài xây bằng đá, bên trong chủ yếu là được đắp bằng đất tạo thành một công trình kiến trúc vuông vắn.
Vườn quốc gia bến En
Cách thành phố Thanh Hóa 46km, nằm trên địa phận xã Hải Vân, huyện Như Thanh. Đây là vùng rừng núi, sông hồ rộng 16.000 ha với hệ sinh thái động thực vật đa dạng, phong phú. Tương lai không xa, Bến En sẽ trở thành một điểm thu hút đông đảo khách du lịch.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông
Mang đậm nét hoang sơ, ẩn hiện trong sương tựa như vườn treo trên cao khiến nơi đây thường được ví von bằng những mỹ từ rất đẹp – “thiên đường giữa đại ngàn”.
Nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hoá khoảng 130 km về phía Tây Bắc, thuộc địa phận hai huyện Quan Hoá và Bá Thước.Thời gian đẹp nhất khi tới Pù Luông là tháng 6 và tháng 10, vào đúng mùa lúa chín. Tới đây du khách có thể chinh phục đỉnh núi Pù Luông, thăm các bản Nủa, Trình, Hin, Bố, hoặc các bản Pốn, Thành Công, Cao Hoong, Bản Kịt.
ẨM THỰC KHI DU LỊCH THANH HÓA
Nem chua
Nem chua là đặc sản nổi tiếng gợi nhớ tới vùng quê đầu miền Trung nắng gió. Được làm từ thịt sống, bì lợn cùng các gia vị như tiêu, tỏi, ớt cho lên men đến chín, khi ăn có vị chua dịu đậm đà, từ chiếc nem chua cổ truyền, người dân Thanh Hóa sáng tạo ra rất nhiều loại và cách chế biến, thưởng thức khác nhau. Du khách có thể tìm đến nhà nem Gốc Đa, Cương Dũng, Vũ Linh, nem bà Thường, bà Năm hay trên vỉa hè các phố Đinh Lễ, Tô Vĩnh Diện, Ngọc Trạo… để thưởng thức.
Chả Tôm
Chả tôm là món ăn độc đáo và lạ miệng với những thực khách phương xa. Người Thanh Hóa sáng tạo và chế biến món ăn này khá cầu kỳ: Tôm băm hoặc xay nhuyễn, cho vào ít bột gấc để tạo màu, sau đó trộn cùng thịt ba chỉ bằm đã được xào vàng cùng hành, tỏi để tạo thành hỗn hợp nhân. Bánh được gói bằng bánh phở vuông nhỏ bằng lòng bàn tay, xếp vào vỉ, đem nướng trên bếp than hoa. Khi chín tỏa ra mùi thơm quyến rũ, ăn vào thấy mềm ngọt đậm đà.
Bánh cuốn
Bánh cuốn Thanh Hóa mềm, dai và thơm hương rất riêng. Người Thanh Hóa có thể thưởng thức một đĩa bánh cuốn ngon, rẻ ở khắp mọi nơi. Người Thanh Hóa có bí quyết riêng để món bánh cuốn ngon không thể lẫn với bất kỳ nơi nào khác, mà ít nơi sánh kịp. Bột làm từ thứ gạo dẻo thơm, theo tỉ lệ thích hợp nên kể cả khi nguội bánh vẫn thơm ngon như thường. Nước chấm bánh chỉ là mắm vắt chanh cùng vài lát ớt nhưng lại rất vừa phải, thêm miếng chả nướng thơm mùi hành hoa ăn cùng bánh nóng thì không biết bao nhiêu cho đủ. Nếu đã từng một lần ăn thử, dám chắc rằng du khách sẽ nhớ mãi hương vị ấy và muốn trở lại quê Thanh để ăn thêm nhiều lần.
Gỏi cá nhệch
Gỏi cá nhệch là món ngon nức tiếng ở vùng quê Nga Sơn của tỉnh Thanh. Món ăn khiến người ta nhớ đến cả một vùng xứ sở bởi gỏi nhệch ở đây mang nét vị riêng có. Nếu những nơi khác ăn gỏi kèm mắm tôm, nước mắm thì điểm nhấn cho gỏi cá Nga Sơn chính là chẻo nhệch. Chẻo ăn cùng gỏi cá là bí quyết làm nên sự khác biệt, được chế biến từ xương cá giã nhuyễn chưng cùng mẻ chua và các loại gia vị đặc trưng khác. Chẻo bày ra bát nhỏ, có màu đỏ sậm, đặc sánh, đậm đà, váng mỡ và thơm nức mũi.
Mắm tép
Mắm tép của người làng Đình Trung ở Hà Yên, huyện Hà Trung xưa kia có mắm tép là thứ đặc sản tiến vua ngon nổi danh khắp chốn. Tép được bắt ở khúc sông Hoạt mới cho nước cốt thơm ngon, khi bắt về được ủ cả năm trời mới mang ra dùng. Người làng Đình Trung có bí quyết riêng để nước mắm rót ra có màu ánh vàng, sóng sánh như mật ong, thơm hương quyến rũ.
Bánh răng bừa
Đây là loại bánh có ở nhiều nơi với tên gọi bánh tẻ, bánh giò, bánh lá, còn người Thanh Hóa gọi là bánh răng bừa vì có hình dạng giống một nông cụ quen thuộc của nhà nông. Chiếc bánh răng bừa nhỏ xinh nhưng mang đậm hồn quê bình dị là thứ quà sáng yêu thích của nhiều người. Bánh được gói bằng lá dong hoặc lá chuối, nhân bánh gồm thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu và hành khô băm nhỏ đã xào qua. Khi mới luộc xong, chiếc bánh bốc khói nghi ngút, dậy mùi thơm của hành mỡ, ăn vào thấy mềm và rất vừa miệng. Còn khi để nguội, ăn sần sật cũng ngon không kém phần.
Bánh gai Thọ Xuân
Bánh gai Tứ Trụ hay bánh gai làng Mía là loại bánh đặc sản của làng Mía, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Nguyên liệu bánh gai chia thành hai phần gồm vỏ và nhân. Trong đó, vỏ chỉ gồm gạo nếp và lá gai còn phần nhân có mỡ lợn, đậu xanh, dừa và hạt sen. Bánh gai được gói bằng lá chuối khô, hấp chín trong vòng 2 giờ. Chiếc bánh gai đạt chuẩn phải mịn và thơm ngon, có vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, hương thơm của dầu chuối, vị ngọt của mật mía, mùi thơm thanh dịu của đậu, vị béo ngậy của thịt, mùi thơm thoảng của vừng và hương vị tự nhiên của lá chuối khô.
Canh lá đắng
Canh lá đắng là đặc sản của đồng bào dân tộc Mường ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Điều khiến canh lá đắng trở thành đặc sản có lẽ ở hương vị khó quên của nó: đắng, rất đắng khi lần đầu thưởng thức. Nhưng ngay sau đấy, du khách sẽ cảm nhận được vị thanh mát của các nguyên liệu khác, với đủ vị cay đắng ngọt bùi trong một bát canh, như chính đời sống ẩm thực đầy thi vị của người Mường xứ Thanh.
ahaytravel.com