CẨM NANG HAY DU LỊCH TAM ĐẢO
Du lịch Tam Đảo từ A đến Z
Từ lâu Tam Đảo đã là khu nghỉ mát nổi tiếng trong nước, mỗi năm đón hàng trăm ngàn lượt khách trong nước và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu.
Du lịch Tam Đảo vào thời gian nào ?
Khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình là 18°C – 25°C. Mùa hè từ tháng 5 đến tháng 9 nhiệt độ tại các tỉnh đồng bằng thường oi bức từ khoảng 27°C – 38°C thì Tam Đảo là nơi nghỉ mát lý tưởng với sự luân chuyển rõ rệt 4 mùa trong một ngày. Buổi sáng se se gió xuân, buổi trưa nóng ấm mùa hạ, buổi chiều lãng đãng heo may mùa thu, buổi tối lạnh giá của mùa đông.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Cách thủ đô Hà Nội khoảng 80 km bao gồm 50 km theo quốc lộ 2 và khoảng 24 km theo đường quốc lộ 2B trong đó có 13 km đường đèo. Từ Hà Nội du khách có thể đến với Tam Đảo bằng xe máy, xe khách, xe buýt.
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH TAM ĐẢO
- Khách sạn Gia Lê
Địa chỉ: Khu 1, Thị trấn Tam Đảo, Tam Đảo, Vĩnh Phúc, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0211 3824 369
- Khách sạn Hương Rừng
Địa chỉ: tt. Tam Đảo, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0211 3824 190
- Khách sạn Mela
Địa chỉ: Khu 1, Thị Trấn Tam Đảo, Thành Phố Vĩnh Yên
Điện thoại: 0211 3824 321
- Belvedere Tam Đảo Resort
Địa chỉ: QL2B, tt. Tam Đảo, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0211 3824 149
- Khách sạn Cây Thông
Địa chỉ: tt. Tam Đảo, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0211 3824 271
- Khách sạn Suối Bạc
Địa chỉ: tt. Tam Đảo, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0211 3824 275
- Khách sạn Thanh Tâm
Địa chỉ: tt. Tam Đảo, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 097 539 51 23
- Khách sạn Báo Nhân Dân
Địa chỉ: Lô A7,, tt. Tam Đảo, Tam Đảo, Vinh Phuc Province
Điện thoại: 098 492 35 55
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH TAM ĐẢO
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Du khách có thể kết hợp trước khi lên Tam Đảo ghé thăm Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên. Đây là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây. Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự (Chùa Tây Thiên, Đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, Đền Cô, Đền Cậu, Đền Thõng, Thác Bạc).
Thiền viện Tây Thiên là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng phật giáo của các nước khác.
Quán Gió Tam Đảo
Một quán cafe nhỏ nằm nhô hẳn ra mặt đường nhựa và ngay trên các vách núi với tầm nhìn vô cùng đẹp cũng như không gian thoáng mát. Quán không có mái che nhưng cho dù ngồi ngay dưới trời nắng cũng không quá khó chịu bởi không khí mát mẻ từ dưới vách núi thổi lên. Một điểm trừ nữa là quán hơi ít bàn và nhân viên cũng không chủ động sắp xếp bàn cho du khách thế nên các du khách nếu muốn có chỗ đẹp thì nên bố trí lên sớm để “giành” chỗ nhé.
Tháp truyền hình Tam Đảo
Nằm trên đỉnh Thiên Thị có độ cao 1.375 m. Ðường đi lên tuy vất vả nhưng lãng mạn, nên thơ. Dọc đường lên là hoa phong lan, hoa cúc quỳ và các loài hoa dại không tên khác nở đầy lối đi, tỏa hương thơm lạ, mầu sắc rực rỡ… Ở nơi đây nhiều loại bướm đủ mầu rập rờn trên hoa lá, đậu, bay theo du khách như các sứ giả đón khách ghé thăm.
Để xây dựng thành công, các kỹ sư và chuyên gia trong nước cũng như nước ngoài đã phải nghiên cứu một cách rất công phu từng chi tiết nhỏ: Từ chọn vị trí ở một nơi cao như vậy có đảm bảo sự vững chắc, lắp thế nào khi tầng trên cùng của tháp thò ra vực sâu, phương án dựng tháp bằng hình thức nào (kéo cẩu hay là đẩy), đặt máy ra sao để có sức đẩy một khối lượng nặng mấy trăm tấn…Và sau bao vất vả, tính đi tính lại việc xây tháp đã hoàn thành, hiện ngọn tháp cao hơn 100m này đang tồn tại trên đỉnh núi cao 1200m. Để lên được tháp, du khách phải leo 1394 bậc đá dốc thoai thoải, tuy không cách trở như đường lên Yên Tử hay chùa Hương nhưng cũng là một hành trình thú vị. Đường lên được bao bọc bởi cây cối hai bên. Người leo tháp vừa đi vừa nghỉ và hít thở không khí trong lành, nói chuyện cho quên đi cái mệt và nghe những âm thanh từ tiềng gió, tiếng chim hót vọng ra từ rừng.
Đền Bà Chúa Thượng Ngàn
Đền Chúa là ngôi đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, nơi nổi tiếng nhất của cả thị trấn đất đồi Tam Đảo. Theo truyền thuyết, hồi đầu thế kỷ 20, khi Pháp khám phá ra thung lũng xinh đẹp nầy, biến thành nơi nghỉ mát dành cho quan chức của họ, thì họ cho làm các con đường. Khi đó có một nhà thầu phụ người Việt đã bỏ tiền xây đền Chúa. Theo lời truyền khẩu của dân địa phương và một số tư liệu, đây là nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn.
Có con đường dốc thoai thoải, cảnh trí đẹp, nổi tiếng linh thiêng, đền Chúa thu hút nhiều khách thập phương đến viếng, lễ bái. Hấp dẫn nhất là những ngày mồng Một, ngày rằm hàng tháng, đền Chúa đều có hầu đồng. Trong tiếng trống, tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng nhị, tiếng phách hối hả rền vang của phường chầu văn là giọng hát qua máy vi âm bổng trầm như kể lể, tha thiết, lê thê của chàng cung văn, các bà, các cô đồng xinh đẹp áo quần lộng lẫy biểu diễn những màn khua hương, múa hoa, múa kiếm, cỡi ngựa… rất mềm mại và điêu luyện.
Thác Bạc
Thác Bạc nằm trong địa phận thị trấn Tam Đảo, là thác đẹp nhất có dòng nước trong vắt bắt nguồn từ khe núi len lỏi qua các vòm cây xanh mát. Để đến với dòng thác thơ mộng này, du khách tản bộ đến khu chợ trung tâm thị trấn rồi vòng qua con đường hướng phía đông sẽ gặp đường xuống thác. Đường dẫn xuống thác Bạc không quá dài nhưng cheo leo dựng đứng được thiết kế bằng những bậc tam cấp lót đá xanh. Do đường mở trong núi, một bên núi một bên vực nên thành đường có tay vịn, có một vài điểm để khách dừng nghỉ chân. Hiện nay, dọc đường xuống thác, nhất là vào những ngày cuối tuần khách đến tham quan chật cả đường đi. Cũng dọc con đường này, có rất nhiều hàng nước, du khách có thể dừng chân nghỉ bất cứ lúc nào.
Đặc biệt xuống thác Bạc, du khách như có cảm giác được về với khu rừng nguyên sinh trù phú. Ở đây khí hậu mát mẻ, cây rừng xanh tốt uy nghiêm tỏa bóng. du khách không còn lạ mắt khi thấy những chú chim rừng, chú sóc dạn dĩ quen thuộc bên đường. Theo người bản địa, những khi trời mưa dòng nước thác sẽ lớn hơn, đẹp hơn. Lúc này nhìn dòng thác trắng xóa như mái tóc bà tiên buông xõa dài theo vách núi đá giữa đại ngàn. Những khi trời nắng kéo dài, dòng nước sẽ chảy nhẹ nhàng hơn.
Nhà thờ đá cổ Tam Đảo
Đây là một điểm tham quan khá lý thú, đứng trên nhà thờ cổ du khách cũng có thể nhìn thấy toàn cảnh thiên nhiên Tam đảo rất mộng mơ. Du khách có thể chụp ảnh lưu niệm với du khách bè và người thân của mình. Rất nhiều cặp tình nhân chọn nơi này làm nơi chụp ảnh cưới cho mình.
Theo tài liệu, nhà thờ Tam Đảo được xây dựng từ năm 1906 đến năm 1912, tọa lạc tại trung tâm thị trấn Tam Đảo, bên con đường dẫn lên đỉnh núi Thiên Nhị. Ban đầu, người Pháp chỉ dựng mô hình nhà sàn lợp lá, đến năm 1937 nhà thờ chính thức được xây dựng lại kiên cố bằng đá và tồn tại cho tới ngày nay. Về mặt kiến trúc, nhà thờ Tam Đảo được xây dựng bằng đá trên một triền đất cao theo mô hình kiến trúc Gothic. Công trình đứng uy nghi, trầm mặc. Tầng dưới của tòa nhà rộng rãi, có nhiều lối đi bên cạnh mặt đường lớn, hai bên có hai cầu thang dẫn lên tầng trên. Tầng trên có một khoảng sân rộng với những vòm cửa cong cong bao quanh, thoáng đãng. Bên trong là ngôi thánh đường rộng và liền đó là gian tháp chuông cao vút đứng chọc trời.
Cổng trời Tam Đảo
Đây là điểm cao mà du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh khu du lịch Tam Đảo, vào những ngày thời tiết trong xanh và hơi se lạnh có thể du khách sẽ nhìn thấy Tam Đảo mờ ảo trong những làn sương. Từ phía nhà thờ, du khách đi thẳng theo con đường trước mặt (hướng về phía đường xuống núi). Đây cũng là nơi các du khách có thể mua các tour khám phá Tam Đảo từ bên ban quản lý Vườn quốc gia.
Chùa Địa Ngục
Chùa Địa Ngục không rõ xây từ thời nào, nhưng theo cuốn Kiến Văn Tiểu lục của Lê Quý Đôn mô tả là một khối kiến trúc vuông vức, mỗi cạnh dài khoảng một trượng, các tường bao quanh chùa đều bằng đá. Thường ngày hai cánh cửa ra vào khóa kỹ bằng một khóa sắt lớn và trong khuôn viên có đặt viên đá ghi rõ: Địa Ngục tự (tức chùa Địa Ngục)
Vườn Quốc Gia Tam Đảo
Vườn quốc gia Tam Đảo nằm trọn trên dãy núi Tam Đảo, một dãy núi lớn dài trên 80 km, rộng 10–15 km chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Vườn trải rộng trên ba tỉnh Vĩnh Phúc (huyện Tam Đảo), Thái Nguyên (huyện Đại Từ) và Tuyên Quang (huyện Sơn Dương), cách Hà Nội khoảng 75 km về phía Bắc.
Hiện Vườn Quốc Gia Tam Đảo đang có một số tuyến du lịch cho du khách :
– Tour du lịch xem chim tại VQG Tam Đảo
– VQG Tam Đảo – Rốn Rồng – Rừng Thông – Bãi Đá Mom Cày – Hồ Xạ Hương
– VQG Tam Đảo – Trường Rừng – Rốn Rồng – Trung tâm cứu hộ gấu
– VQG Tam Đảo – Thị trấn Tam Đảo – Thăm 3 đỉnh núi
Đền Cậu Tây Thiên
Theo như lời kể của nhân dân thì đền Cậu khởi nguồn là khe Trường Sinh, ở đây có đặt một bát hương và có một hòn đá, tương truyền là Cậu ngự ở đây, tập trung và nuôi quân trước khi đưa quân lên trên Mẫu. Đền được ban quản lý và nhân dân chung sức tu sửa lại vào năm 1993.
Đền thờ Nhị vị vương cô nhà Trần
Nằm ngay cây số 18 là Đền thờ Nhị Vị Vương Cô Nhà Trần. Cửa chính đền có cặp liễn đối, ghi: “Vạn thế lưu truyền hiển lưu danh. Ức niên đăng hỏa như minh nguyệt”. Theo lời bà thủ nhang Trần Thị Như, 64 tuổi, đền thờ Địa Mẫu, 12 cô Sơn Trang, hậu cung thờ Cô Đệ Nhất và Cô Đệ Nhị – 2 cô con gái Đức Thánh Trần. Theo truyền thuyết, Đệ Nhị Vương Cô (Vương Bà), Đại Hoàng Công Chúa Trần Thị Tĩnh là con gái thứ của Trần Hưng Đạo. Sợ phạm luật nhà Trần (chỉ gả bán trong hoàng tộc), Đức Thánh cho cô ra làm con nuôi, để tiện gả cho Phạm Ngũ Lão. Lễ vía đền cùng ngày tổ chức lễ vía Đức Thánh Trần, có hầu đồng rôm rả.
ẨM THỰC KHI DU LỊCH TAM ĐẢO
Su Su Tam Đảo
Su su là đặc sản Tam Đảo, do có khí hậu mát mẻ quanh năm nên su su ở đây phát triển tươi tốt, đặc biệt su su Tam Đảo có hương vị đặc trưng riêng so với những nơi khác. Su su có thể luộc chấm nước mắm chanh, chấm tương hay su su xào tỏi lẫn với thịt bò. Quả su su bổ như bổ cau, luộc chín kỹ chấm muối vừng, hay thái mỏng hoặc bào nhỏ su su để xào hoặc nấu canh.Khi ăn su su vẫn giữ được độ ngon mềm nhưng lại giòn, vị ngọt mát tự nhiên.
Lợn mán Tam Đảo
Là loại heo rừng chính gốc nên có thịt rất săn chắc. Lợn mán Tam Đảo được chế biến thành nhiều món ăn ngon như: món hấp, nướng, xào lăn, rựa mận, tiết canh…thịt lợn mỏng và dai, không siêu nạc, không nhiều mỡ. Ăn không ngấy, không hôi, càng nhai càng ngọt, chế biến món nào cũng thơm ngon, đậm đà.
Gà đồi Tam Đảo
Gà đồi Tam Đảo có lông màu lông đỏ hoặc đen, chân vàng, mào đỏ, được nuôi thả tự nhiên trên đồi nên thịt rất săn chắc và thơm. Khi ăn, thịt gà ngọt thơm dai mềm.
Thịt tái bò Kiến Đốt
Là món ăn lạ và độc đáo ở Tam Đảo, thịt bê mới mổ còn nóng, cắt thành miếng đem treo ngay cạnh các tổ kiến trên cây rừng. Chọc cho lũ kiến trong tổ tức khí bung ra bâu kín vào miếng thịt. Sau đó, đem thịt đi rửa sạch rồi nướng trên bếp than hồng cho chín tái có hương vị thơm ngon, có thể uống kèm với rượu rất ngon.
Cá Bống suối Tam Đảo
Người dân Tam Đảo sử dụng phương pháp đắp đập chăn nuôi để phát triển cá bống suối tự nhiên. Cá bống được lựa chọn để chế biến món ăn là cá bống cát, to bằng món tay, mình tròn lẳn, chắc mẩy, màu vàng nhạt hoặc vàng ươm. Ngày nay, không phải nơi nào cũng tìm được cá bống cát, do đó được thưởng thức loại cá này ở Tam Đảo là một trải nghiệm nên có của thực khách tứ phương. Cá bống cát có thể chế biến thành rất nhiều món khác nhau, món nào cũng hấp dẫn nhờ vị thơm ngọt của thịt cá.
Rượu chít Tam Đảo
Con sâu chít là vị thuốc quý và bổ dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Rượu chít Tam Đảo có màu vàng bắt mắt và rất thơm ngon, khi uống rượu này giúp người đàn ông tăng cường sinh lực.
ahaytravel.com