CẨM NANG HAY DU LỊCH MYANMAR
Du lịch Myanmar từ A đến Z
Myanmar là đất nước với nhiều ngôi chùa cổ được làm bằng vàng linh thiêng, được xem là cái nôi của đạo Phật cổ. Đây sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với những người theo đạo Phật.
Du lịch Myanmar vào thời gian nào ?
Đất nước có khí hậu gió mùa với ba mùa chính. Thời gian nóng nhất là giữa tháng hai đến tháng Năm, mưa ít hoặc không có. Mùa mưa thường từ tháng năm đến tháng Mười, với thời tiết khô lạnh là từ tháng Mười đến tháng Hai. Du khách nên mắc áo bông nhẹ và khăn. Trong mùa mưa du khách cần mang theo ô hoặc áo mưa khi đi ra ngoài. Mặc quần áo ấm hơn vào mùa lạnh và các buổi tối.
Có thể nói tháng 11 đến tháng 2 là thời điểm đẹp nhất khi đi du lịch Myanmar khi mà vào thời gian này, thời tiết mát mẻ và không có mưa nhiều. Từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm khí hậu ở Myanmar khô và nóng, không có mưa. Từ tháng 6 đến tháng 10 khí hậu Myanmar bước vào mùa mưa với độ ẩm cao và nóng, hoàn toàn không thích hợp để khởi hành chuyến du lịch Myanmar. Du khách có thể cân nhắc và sắp xếp lịch trình để chuyến du lịch Myanmar thêm trọn vẹn.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
1. Từ Việt Nam đi đến Myanmar
Hiện nay có rất nhiều hãng hàng không khai thác chuyến bay Việt Nam – Myanmar như: Thai Airways, Malaysia Airlines, Bangkok Air, AirAsia, Silk Air, Korean Airlines, Vietnam Airlines, Air India… với các chặng bay cụ thể như sau:
Từ Hà Nội – sân bay quốc tế Yango - Myanmar: Hiện nay có 13 hãng hàng không khai thác chặng bay này cụ thể: Malaysia Airlines; Vietnam Airlines; H1; Silkair… với giá vé dao động từ 204USD - 2.855USD. Mỗi ngày có 47 chuyến bay. Tuy nhiên trong đó chỉ duy nhất hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airline có chuyến bay thẳng tới sân bay quốc tế Yango – Myanmar. Còn các hãng hàng không còn lại đều quá cảnh ở Bangkok, Thái Lan. Bạn có thể đi máy bay đến đây sau đó đi theo đường bộ từ Thái Lan – Myanmar. Thời gian bay mất khoảng 1h50 là tới thủ đô Yango của Myanmar.
Từ Đà Nẵng – Yango: Được khai thác của những hãng hàng không sau: Vietnam Airlines; Jetstar Pacific Airlines; H1 Korean Air… Mỗi ngày có 40 chuyến bay. Giá vé dao động từ 102USD – 1130USD. Thời gian bay khoảng 5 giờ.
Từ Tp. Hồ Chí Minh – Mandalay: Được khai thác bởi 10 hãng hàng không: Jet Airways; Vietnam Airlines; H1; China Southern Airlines; Thai Airways… Trung bình mỗi ngày có 41 chuyến bay được khởi hành từ Tp.HCM – Mandalay. Giá vé dao động của chặng bay này là từ 208USD - 2973USD. Tuy nhiên hiện nay chưa có chuyến bay thẳng tới Mandalay phải quá cảnh 2 điểm trung chuyển. Thời gian bay là 15 - 20 giờ.
2. Di chuyển, đi lại tại Myanmar
Di chuyển bằng máy bay
Trong nội địa Myanmar bạn nên tham khảo một số hãng máy bay giá rẻ sau:
- http://www.airbagan.com/
- http://www.airmandalay.com
- http://gmairlines.com/
Hãng Airmandalay có những loại máy bay nhỏ, nên hơi nóng, tiếp viên trên máy bay khá tốt. Các chặng bay ở Myanmar đa số là chặng bay ngắn, nên bạn cũng không cần quá phải chọn các hãng tốt hơn. Phí sân bay cho mỗi chặng là 1000 kyat/chặng. Bạn có thể đặt online trên trang web của hãng, khi đến Rangoon thì qua phòng vé của nó thanh toán tiền và lấy vé.
Mỗi ngày vào mùa cao điểm có 2 chuyến đi vào buổi sáng và chiều. Bạn nên chọn giờ bay vào buổi chiều để tránh tình trạng bị delay do sương mù. Sân bay nội địa nằm kế sân bay quốc tế Yangon, bạn nên đến trước 1 giờ để làm thủ tục. Mỗi hàng bay sẽ có một quầy riêng để làm thủ tục check-in cho tất cả các chuyến bay trong một buổi. Sau khi làm thủ tục Check -in bạn sẽ được dán một miếng kí hiệu riêng của hãng bay để phân biệt.
Di chuyển bằng xe khách
Để di chuyển đến các điểm du lịch ở đất nước Myanmar bạn có thể chọn xe khách của hãng Seven Diamond Express bằng cách đặt vé qua email. Hoặc liên hệ tại sân bay để biết thêm chi tiết. Hãng xe này khai thác các chặng sau:
- Chặng Yangon - Bagan (Ye' Thu Aung Bus), giá vé bao gồm phí dịch vụ khác dao động khoảng 20.000Kyats (hơn 19USD).
- Chặng Bagan - Mandalay (Myat Mandalar), giá vé bao gồm cả phí dịch vụ là 9.500Kyats (hơn 9USD).
- Chặng Mandalay (Myat Mandalar) – Heho; giá vé bao gồm cả phí dịch vụ là 12.000Kyats (hơn 11USD).
- Chặng Heho (Shwe Nyaung) – Yangon (Yan Kyee Aung); giá vé bao gồm cả phí dịch vụ là 25.000Kyats (hơn 24USD). Phí giao - vé tại sân bay 10.000Kyats (gần 10USD).
- Chặng Mandalay - Pyin Oo Lwin bạn có thể mua vé tại các khách sạn. Giá vé xe có điều hòa là 8.600Kyats (hơn 8USD).
Di chuyển ở Yangon
Để đi lại ở các điểm ở Yangon bạn có thể chọn taxi. Taxi ở đây chạy theo thỏa thuận giá cả không tính theo đồng hồ, nên để tránh bị chặt chém bạn nên thỏa thuận giá ngay từ đầu với tài xế. Điểm đón taxi tốt nhất là ga đến và ga đi của sân bay. Ở đây bạn dễ dàng thỏa thuận giá cả.
- Từ Yangon – chùa Shwedagon có giá khoảng 5.000Kyats (gần 5USD); giá xe taxi có máy lạnh là 7.000Kyats (gần 7USD).
- Từ Aung Mingalar đến Bagan, có giá 7.000Kyats.
- Từ sân bay Yango - chùa Sule có giá 6.000Kyats (gần 6USD).
- Từ Aung Mingalar - sân bay ở Yangon có giá 3.000Kyats (gần 3USD).
Di chuyển ở Bagan
Để tham quan các điểm du lịch ở Bangan có hai phương tiện chính là xe ngựa và xe đạp. Giá xe ngựa cho 3 người là 25.000Kyats (hơn 24USD)/ ngày. Nếu đi nửa ngày thì 15.000Kyat (hơn 14USD).
Hoặc bạn có thể thuê xe đạp bình thường hoặc xe đạp điện để đi lại. Giá thuê xe đạp thường là 1.500Kyats (1,5USD) một ngày. Còn giá thuê một chiếc xe đạp điện dao động từ 6.000Kyats - 7.000Kyats (6-7USD).
Di chuyển ở Mandalay
Taxi: Tại bến xe Myat Mandalar có taxi đi tham quan các điểm du lịch nổi tiếng của với các tuyến như chùa Mahamuni, cầu gỗ tếch U-Bein, đồi Sagaing, cố đô Inwa có giá khoảng 50USD/ngày.
Thuyền gỗ: Từ Mandalay – cố đô Iwa có giá 1.000Kyats (1USD) bao gồm cả lượt đi và về.
Xe ngựa: Xe ngựa tới làng Inwa chở tối đa khoảng 3 người có giá 8USD/lượt.
Di chuyển ở Pyin Oo Lwin
Từ Mandalay – Pyin Oo Lwin có thể thuê xe du lịch nhỏ có giá 43.000Kyats (gần 42USD). Hoặc thuê xe tuk tuk với giá 30.000Kyats (hơn 29USD).
Di chuyển ở hồ Inle
Taxi: Từ bến xe Heho - Shwe Nyaung – hồ Inle, có giá 6.500Kyats (hơn 6USD)/lượt
Đi thuyền: có giá 16.000Kyats (15,5USD)/lượt/ngày.
Xe tuk tuk: Từ khách sạn đến Heho có giá 8.000Kyats (gần 8USD)/lượt.
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH MYANMAR
Giá dịch vụ và khách sạn nhà nghỉ ở Myanmar cao nhất trong khu vực tuy nhiên chất lượng dịch vụ không được tốt. Tùy thuộc vào điểm đến và khả năng tài chính mà bạn có thể chọn nhà nghỉ khách sạn phù hợp với túi tiền và tiện lợi nhất.
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH MYANMAR
1. Chùa vàng Swedagon
Chùa vàng Swedagon tọa lạc trên đỉnh đồi Singuttara, thuộc thành phố Yangon, chùa được xếp hạng là một trong những công trình Phật giáo bề thế nhất thế giới. Tương truyền đây là nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni qua đời, đến nay chùa đã tròn 2.500 tuổi. Chùa là biểu tượng của đất nước Myanmar.
Hiện chùa Swedagon còn lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng của nhà Phật là: gậy của Phật Câu Lưu Tôn, dụng cụ lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca.
Đỉnh tháp chùa ban đầu cao 8,2m nhưng sau đó được xây cao thêm 100m. Toàn bộ tòa tháp gồm có 3 phần chính gồm: đáy tháp, thân tháp và đỉnh tháp được dát vàng. Đặc biệt trên đỉnh của tháp chính được bọc hàng ngàn viên kim cương, đá saphia, hồng ngọc trong đó có viên kim cương nặng tới 72 carat.
2. Hòn đá vàng Golden Rock
Hòn đá vàng Golden nằm ở độ cao 1.100m nằm trong khuôn viên chùa nhỏ Kyaiktyo, cách thành phố Yangon khoảng 200km. Từ lâu hòn đá đã nổi tiếng bởi độ chênh vênh, bề mặt được dát vàng. Tương truyền trong một lần Đức Phật xuống hạ giới đã ghé qua nơi đây và tặng cho vị ẩn sĩ Tail Tha một sợi tóc. Người này gìn giữ cẩn thận, trước khi qua đời ông trăn trối lại cho người con nuôi của mình là vua Tissa, vị vua cai trị Myanmar thế kỷ XI nên giữ xá lợi ở trong một hòn đá có hình như đầu của cha. Nhờ sự trợ giúp của thần linh đức vua đã nhanh chóng tìm được hòn đá nằm trên đỉnh núi Kyaiktiyo. Rồi ông cho xây ngôi chùa trên đỉnh núi để thờ cúng xá lợi Phật.
3. Chùa vàng Shwezigon
Chùa vàng Shwezigon là ngôi chùa lớn thứ hai tại Myanmar, thuộc thành phố cổ Bangan. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XII, kiến trúc chùa được trang hoàng lộng lẫy giống như chùa Swedagon.
4. Đền Shwesandaw
Nhìn từ xa đền Shesandaw giống như kim tự tháp Ai Cập. Đền có cấu tạo gồm 4 mặt, 5 tầng và một tháp hình quả chuông úp trên đỉnh. Tương truyền đền được vua Anawrahta xây dựng năm 1057, là nơi cất giữ xá lợi là 1 trong 8 sợi tóc của Phật Thích Ca. Kiến trúc của đền được thiết kế khá độc đáo trong đó đáng chú ý hơn cả là đền có 4 cầu thang được làm bằng gạch ở bốn mặt, mỗi cầu thang có 5 tầng. Leo lên đỉnh tháp du khách có thể quan sát toàn bộ khung cảnh hùng vĩ xung quanh đền.
5. Đền Ananda
Đền Ananda là ngôi đền cổ lâu đời bậc nhất ở cố đô Bangan Myanmar. Đền Ananda được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ thứ XI - XII. Đây được xem là minh chứng cho thời kỳ vàng son của cố đô Bangan dưới thời trị vì của đức vua Tilinman vĩ đại.
Kiến trúc ngôi đền được thiết kế theo lối stupa, được làm bằng đá có những phòng thờ nhỏ ở bên trong. Trung tâm đền được xây dựng theo khối hình lập phương, mỗi bên có một pho tượng Phật đứng. Ananda được người dân Myanmar ca tụng là biểu tượng trí tuệ vô biên của Đức Phật.
Trải qua những biến cố thời gian đền vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc độc đáo ban đầu. Nơi trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn của Myanmar, hàng năm thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.
6. Đền Mahamuni
Đền Mahamuni thuộc cố đô Mandalay của Myanmar, đền được xây dựng vào thế kỷ XVIII, được xem là biểu tượng vàng của Mandalay. Ở đây có pho tượng Phật được dát vàng dày 15cm, cao 4m, nặng 6,5 tấn.
7. Làng Innwa
Làng Innwa là ngôi làng cổ nằm nép mình bên dòng Ayeyarwady thơ mộng. Cùng với nhiều ngôi nhà có kiến trúc cổ độc đáo, làng Innwa còn có nhiều di tích nổi tiếng như tu viện gỗ Bagay Kyaung được chống bởi 267 cây cột bằng gỗ tếch khổng lồ. Tháp nghiêng Namyin cao 27m, sau nhiều lần bị phá hủy bởi thiên tai đến nay đã được người dân tu bổ lại và giữ nguyên kiến trúc ban đầu. Đứng trên đỉnh tháp bạn có thể ngắm toàn bộ khung cảnh yên bình của làng Inwa.
Innwa trở thành địa điểm hút khách du lịch bởi sự thân thiện của người dân, cảnh đẹp yên bình của làng cổ và nhiều món ăn ngon độc đáo. Đến đây bạn sẽ được tham quan làng bằng xe bò, sẽ là một trải nghiệm khó quên dành cho bạn.
8. Làng Mingun
Migun là ngôi làng cổ nằm ở phía Bắc Mandalay, Myanmar. Hiện nay, Mingun là ngôi làng lưu giữ nhiều báu vật cổ của đất nước Myanmar. Đầu tiên có thể kể đến đó là bảo tháp Pahtodawgyi do vua Bodawpaya xây dựng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau nên đến nay tháp vẫn chưa được hoàn thiện. Toàn bộ tòa tháp được xây bằng gạch nung.
Bảo vật thứ hai của ngôi làng chính là chùa trắng Hsinbyume, chùa được đặt theo tên của một vị hoàng hậu của đất nước Myanmar. Theo lời kể của người dân bản xứ thì kiến trúc chùa được mô phỏng theo hình núi Meru với 7 hành lang và 7 lớp bao quanh núi.
Bảo vật thứ ba của ngôi lành là hai con linh vật nửa rồng nửa sư tử Chinthe. Nhìn từ xa chúng giống như những chú voi. Và điểm tham quan cuối cùng mà bạn không nên bỏ qua khi đến làng Migun chính là quả chuông Migun lớn nhất thế giới.
9. Cầu Ubein
Cầu Ubein thuộc vùng ngoại ô cố đô Mandalay, Myanmar, là cây cầu làm bằng gỗ tếch dài và cổ nhất thế giới. Cầu bắc qua đôi bờ sông Taungthaman, được xây dựng năm 1800. Toàn bộ kiến trúc cầu được làm bằng 1.000 trụ cột cùng hàng ngàn tấm ván gỗ tếch.
Hiện nay toàn trụ cột đã bị hư hỏng và được thay mới bằng trụ bê tông nhưng cầu vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu. Cầu Ubein không chỉ giữ vai trò làm cầu nối đôi bờ sông Taungthaman mà còn là địa điểm ngắm mặt trời đẹp nhất thế giới được đông đảo người dân làng Amarapura và khách du lịch ưa thích.
10. Inle Lake
Hồ Inle là hồ nước ngọt lớn thứ hai ở Myanmar thuộc bang Shan, Myanmar. Hồ có diện tích 116km2, nằm ở độ cao 800m, sâu 2,1m điểm sâu nhất đạt 7m. Hồ là có hệ sinh thái đa dạng và là điểm du lịch hấp dẫn của Myanmar.
Hồ Inle không chỉ thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp hoang sơ với nhiều resort đẹp gần gũi với thiên nhiên. Nổi trên mặt hồ là 17 làng của tộc người Inthar với nhiều thửa ruộng, vườn hoa lênh đênh trên mặt nước tạo cho khung cảnh nơi đây sơn thủy hữu tình đẹp mê lòng người.
Phía Nam của hồ là thành phố cổ Indein còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc xây dựng bằng gạch từ thế kỷ XI - nơi đây từng là thủ phủ của vua Shan. Không những thế nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của tộc người Padaung – tộc người cổ dài.
Phía Tây của hồ là làng In Dein làng nằm xen kẽ giữa những rừng lau lách, có chợ nổi Ywama sôi động. Ngoài ra khu vực này còn có Tu viện Mèo Nhảy, chùa Phaung Daw Oo.
ẨM THỰC KHI DU LỊCH MYANMAR
1. Salad lá trà
Salad lá trà hay còn gọi là lephet – lá trà lên men. Là món ăn độc đáo trong văn hóa ẩm thực Myanmar. Nguyên liệu chính để chế biến món này là lá trà được lên men, sau đó trộn với vị đắng, bắp cải thái sợi, cà chua thái lát mỏng, các loại đậu, dầu tỏi và những lát tỏi mỏng, ớt để tạo nên hương vị độc đáo.
2. Cơm người Shan
Cơm người Shan hay còn gọi là Nga htamin, cơm cá sẽ là một món ăn bạn không thể bỏ qua khi đến Myanmar.
Để có được một phần cơm ngon, người dân nơi đây dùng nước nghệ vàng để nấu cơm, thêm một phần khúc cá ngọt được phết dầu tỏi. Và các gia vị khác như: tỏi, ớt, tiêu. Khi ăn cơm có vị cay nồng – rất thích hợp cho những ai yêu thích ăn cay.
3. Cà ri Myanmar
Cà ri Myanmar thường có trong những nhà hàng truyền thống của Myanmar. Nguyên liệu để chế biến món ăn này gồm thịt lợn, thịt bò, thịt cừu hoặc hải sản. Món này ăn kèm với salad, rau xanh và đậu..
4. Bánh trà Myanmar
Người Myanmar rất thích ăn bánh ngọt vì thế bạn có thể thưởng thức món bánh kết hợp trà và bánh tại nhiều các nhà hàng truyền thống ở Myanmar, các quán đạo Hồi, quán người Hoa.
Hầu hết bánh ngọt ở Myanmar được làm bằng bột gạo hoặc bột nếp trộn chung với các loại hạt. Còn bánh mặn thường trộn với hành, tỏi, gừng xay nhuyễn rồi nướng hoặc chiên vàng dậy mùi thơm. Ngoài ra người ta còn trộn bột với sợi dừa, cà chua, mè, bột cà ri, hạt nho khô, hạt óc chó.
Món bánh rán ở Myanmar được làm giống bánh cam ở miền Nam và hay bánh rán nhân đậu xanh ở miền Bắc.
5. Đồ ngọt của Myanmar
Đồ ăn nhẹ ở Myanmar không giống như các món tráng miệng ở phương Tây. Đồ ngọt Myanmar hay còn được gọi là “muon”. Muon không có nhiều đường, vị ngọt được làm từ sợi dừa, nước cốt dừa, bột gạo và các loại hoa quả khác. Đến Myanmar nếu không thử nếm các món ăn nhẹ bạn sẽ chưa thể cảm nhận hết những tinh túy trong nền ẩm thực Myanmar.
6. Món chiên
Người Myanmar đặc biệt "nghiền" những món ăn được chiên ngập trong dầu mỡ. Vì thế đến Myanmar bạn sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều loại bánh chiên khác nhau có mặt trên tất cả mọi đường phố Myanmar. Những chiếc nem rán, bánh mì và bánh rán được chiên vàng ươm, giòn tan cho ăn kèm nước sốt đặc biệt sẽ làm tan chảy vị giác của bạn.
7. Mì đậu hũ của người Shan
Là món ăn của tộc người sống ở phía Bắc Myanmar được đông đảo khách du lịch ưa thích. Đặc biệt đậu phụ ở đây được làm từ đậu lăng vàng và đậu xanh thay vì lên men đậu nành như các loại đầu phụ khác. Đậu phụ thường được ăn kèm với mỳ vàng, ăn nóng trong bát súp và ăn lạnh với nộm.
8. Mì Nan Gyi Thoke
Mỳ Nan Gyi Thoke là tên gọi món bánh phở gạo trộn chung với cà ri gà ăn kèm với nước dùng. Khi ăn được vắt thêm chanh để tạo vị chua. Mỳ Nan Gyi Thoke được xem là “spaghetti phiên bản Myanmar”.
9. Bún cá Mohinga
Là món ăn truyền thống của người Myanmar, món ăn này được nấu từ bột đậu chickpea, gạo rang xay, cá da trơn dùng để nấu nước dùng. Kết hợp với những gia vị như tỏi, hành tím, gừng, sả, nước mắm…Món ăn này khá phổ biến, bạn có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Myanmar.
10. Mì của người Shan
Là món ăn bạn nên thưởng thức khi đến Myanmar, đây là món ăn của tộc người Shan ở phía Bắc Myanmar. Nguyên liệu để chế biến món ăn này gồm có những sợi mỳ mỏng trộn với thịt gà, thịt lợn, mè rang và hương vị tỏi, ăn kèm rau muối chua và nước dùng. Món ăn này có hương vị thơm ngon, lạ miệng khiến cho những ai có cơ hội được thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi.
ahaytravel.com