CẨM NANG HAY DU LỊCH LẠNG SƠN
Du lịch Lạng Sơn từ A đến Z
Không chỉ nổi tiếng bởi những khu chợ, thiên đường mua sắm gần cửa khẩu, Lạng Sơn còn thu hút khách du lịch bởi những di tích lịch sử, những câu truyện trong truyền thuyết và thiên nhiên tuyệt mỹ….
Du lịch Lạng Sơn vào thời gian nào ?
Chọn thời tiết mùa hè để nghỉ ngơi hoặc mùa đông nếu du khách muốn ngắm tuyết.
Tháng Giêng (âm lịch) nếu du khách muốn tham gia các lễ hội đặc sắc của các dân tộc tỉnh Lạng Sơn như : Lễ hội chùa Tam Thanh, lễ hội đầu pháo Kỳ Lừa …
Cuối tháng 8 đầu tháng 9 nếu du khách muốn lên Lạng Sơn thưởng thức đặc sản “na đu dây” Chi Lăng.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
– Xe ô-tô khách: Du khách có thể ra bến Mỹ Đình, Gia Lâm, Lương Yên để đón xe đi Lạng Sơn. Giờ nào cũng có, giá vé dao động từ 100.000-170.000VNĐ/người, tùy vào từng nhà xe.
– Tàu hỏa: Nếu du khách đi tàu hỏa từ Hà Nội lên Lạng Sơn thì du khách cần đi tuyến ĐĐ3 hoặc HDR1: Hà Nội-Lạng Sơn-Đồng Đăng. Tàu ĐĐ3 chạy lúc 6h sáng và đến Lạng Sơn lúc 11h07, còn tàu HDR1 chạy lúc 9h45 và đến Lạng Sơn lúc 12h57. Giá vé tàu dao động từ 80.000-115.000VNĐ/vé/người, tùy từng loại tàu và loại ghế du khách mua.
– Phương tiện cá nhân (xe máy hoặc ô-tô): Nếu du khách di chuyển từ Hà Nội lên Lạng Sơn bằng phương tiện cá nhân thì có 2 lộ trình cho du khách lựa chọn:
Hà Nội – Bắc Ninh – Bắc Giang – Lạng Sơn, đây là lộ trình thích hợp với người đi bằng xe máy.
Đi đường cao tốc theo QL.5 rồi vào đường 1A. Lộ trình này thích hợp cho những người đi ô-tô.
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH LẠNG SƠN
- Mường Thanh Lạng Sơn Hotel
Địa chỉ: 68 Ngô Quyền, Vĩnh Trại, Lạng Sơn
Điện thoại: 025 3866 668
- Vi's Boutique Hotel
Địa chỉ: 185 Trần Đăng Ninh, Tam Thanh, Lạng Sơn
Điện thoại: 091 501 98 88
- Khách sạn Phú Quý
Địa chỉ: Phai Vệ, tp. Lạng Sơn, Lạng Sơn
Điện thoại: 025 3717 888
- Khách sạn Hoa Sim
Địa chỉ: 1 Nguyễn Thái Học, Lạng Sơn
Điện thoại: 025 3811 499
- Khách sạn Kim Sơn
Địa chỉ: 3 Minh Khai, Lạng Sơn
Điện thoại: 025 3876 542
- Khách sạn Hoàng Thịnh
Địa chỉ: 319 Bà Triệu, Vĩnh Trại, Lạng Sơn
Điện thoại: 025 3870 351
- Khách sạn Vạn Xuân
Địa chỉ: 147 Trần Đăng Ninh, Lạng Sơn
Điện thoại: 025 3710 440
- Khách sạn Anh Đào
Địa chỉ: Nhị Thanh, Tam Thanh, Lạng Sơn
Điện thoại: 025 3870 543
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH LẠNG SƠN
1. Hang động chùa Tiên và Giếng Tiên
Cách cầu Kỳ cùng khoảng nửa cây số, trên đường đi Mai Pha, có núi đá hình voi nhô lên giữa cánh đồng. Đó là núi đại tượng, nơi đây có động Chùa Tiên, là một trong bát cảnh mà Ngô Thì Sĩ đã ghi nhận. Động Chùa Tiên Nằm ngang chừng núi, lối lên có 64 bậc, cửa phụ quay về hướng đông, có cửa thông hiên, có đường xuống hồ thu thuỷ.
Chùa Tiên có tên chữ Song Tiên tự, do dân làng Phai Luông lập thời vua Lê Thánh Tông trên núi Đại Tượng cạnh giếng Tiên. Sau này chùa bị hư, người ta mới chuyển vào động núi Đại Tượng như hiện nay.
Chùa Tiên phối thờ Phật, Mẫu và Đức Thánh Trần, có bố cục kiểu “tiền Phật hậu Thánh” gồm cung tam bảo thờ Phật phía ngoài và cung thờ Mẫu, Đức Thánh Trần ở phía trong. Nơi đây còn lưu giữ một hệ thống văn bia phong phú của các văn nhân, thi sĩ, trong đó có bài “Trấn doanh bát cảnh” do Ngô Thì Sỹ cảm tác ca ngợi cảnh đẹp của thiên nhiên xứ Lạng. Hàng năm chùa Tiên mở hội ngày 18 tháng Giêng âm lịch, cùng với chùa Nhị Thanh – Tam Giáo (15 – 17 tháng Giêng âm lịch) và Tam Thanh (15 tháng Giêng âm lịch) tạo nên một dịp trẩy hội đông vui.
Đằng sau núi Voi – Chùa tiên ở lưng chừng núi trên mặt bằng đá rộng đó là Giếng tiên, miệng giếng rộng 20cm có mạch nước quý chảy quanh năm.
2. Đền Kỳ Cùng
Nằm ở phường Vĩnh Trại, bên phía bờ bắc sông Kỳ Cùng. Đền được coi là nơi linh thiêng, vốn là nơi thờ thần Giao Long (thần sông nước) với nhiệm vụ giữ cho quanh năm mưa thuận gió hòa.
Trong đền có bến đá Kỳ Cùng là một trong tám cảnh đẹp của Lạng Sơn được ghi trong “Trấn doanh bát cảnh” xưa Ngô Thì Sỹ gọi với cái tên Kỳ Cùng thạch độ. Sở dĩ như vậy là vì theo sử sách chép lại, ngày xưa bất cứ cuộc hành quân hay cuộc hành trình nào của các sứ giả qua lại Trung Quốc cũng đều phải qua nơi nay. Thuyền bè san sát, hai bờ sông lúc nào cũng tấp nập đông đúc vì dân chúng hoặc quan quân hội tụ. Khúc sông Kỳ Cùng ở đoạn này có nhiều tảng đá chắn ngay giữa dòng sông, đá lô nhô trên mặt nước, sóng vỗ vào đá theo mực nước sông, lúc lên lúc xuống tạo thành những lớp sóng tung bọt trắng xóa, trào khắp một dải tràng giang, trông rất ngoạn mục. Tương truyền các sứ thần của Việt Nam mỗi lần đi sứ sang Trung Quốc đều dừng chân tại bến đá, sửa soạn lễ vật lên thắp hương tại đền Kỳ Cùng, cầu cho chuyến đi được bình an, công thành danh toại.
Ngày nay Cầu Kỳ Cùng được xây ở ngay cạnh bến đá, nối hai bờ Bắc và Nam sông Kỳ Cùng, chia Thành phố Lạng Sơn thành hai khu vực, bên bờ Bắc là nơi sinh hoạt, kinh doanh buôn bán của nhân dân thành phố Lạng Sơn, bên bờ nam là khu vực tập trung các cơ quan hành chính của Lạng Sơn.
3. Thành nhà Mạc
Thành Nhà Mạc nằm trong khu vực phường Tam Thanh, Thành phố Lạng Sơn, là di tích kiến trúc quân sự phản ánh thời kỳ phong kiến Việt Nam. Theo những tư liệu còn lại thì thành là một căn cứ quân sự hiểm yếu chắn con đường độc đạo nối từ Ải Bắc xuống phía Nam đo Mạc Kính Cung xây dựng vào thế kỷ XVI làm căn cứ chống lại Lê – Trịnh.
4. Động Nhị Thanh – Chùa Tam Giáo
Động Nhị Thanh được danh nhân Ngô Thì Sĩ khám phá và tôn tạo khi ông làm Quan Đốc Trấn Lạng Sơn từ năm 1777 – 1780. Ông là một bậc hiền thánh đã có công lao to lớn trong việc mở mang ruộng đất, yên ổn dân sinh và xây dựng Lạng Sơn thành khu thương mại sầm uất. Trong thời gian ngao du sơn thuỷ trong vùng, Ông đã phát hiện ra động Nhị Thanh và cho hưng công xây dựng chùa Tam Giáo, Đình duyệt quân, Thạch miên am, Thụy tuyền hiên, Trai táo. Ngô Thì Sĩ bắt đầu cho tiến hành việc tôn tạo từ tháng Trọng Thu năm Kỷ Hợi (tức tháng 5 năm 1779 âm lịch) đến tháng Mạnh Thu (tức tháng 7) cùng năm thì hoàn thành.
Phía bên phải động Nhị Thanh là chùa Tam Giáo (Tam Giáo Tự). Ngô Thì Sĩ cho rằng đạo là một mà thôi, Phật – Lão chỉ khác tên nhưng nội dung đều là Nho cả. Khổng Tử, Lão Tử và Phật Thích Ca tuy tên là ba nhưng thực đạo đều thống nhất là một. Chính vì vậy Ông đã đưa 3 đạo vào thờ chung một chùa và gọi là chùa Tam Giáo.
Chùa Tam Giáo còn là một loại hình kiến trúc đặc biệt: Không có mái, không có nhà, ban thờ được đặt trong các hang, hốc đá làm cho ta có cảm giác thiên tạo với những nhũ đá kỳ vĩ càng tạo nên sự linh thiêng của ngôi chùa. Hiện nay trong chùa có các cung thờ như: Cung Công Đồng, Cung Tam Tòa Thánh Mẫu, Cung Sơn Trang, Cung Tam Bảo…
5. Động Tam Thanh – Chùa Tam Thanh
Động Tam Thanh và chùa Tam Thanh là di tích lịch sử văn hoá, danh thắng nổi tiếng của xứ Lạng với câu ca dao:
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em…”
Trong động Tam Thanh có chùa, gọi là chùa Tam Thanh, còn có tên gọi khác là chùa Thanh Thiền. Trong cuốn “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc Sử quán triều Nguyễn có viết rằng: “Chùa này nằm trong động núi đá thuộc địa phận xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng, cửa mây nhũ đá trong sạch, không bụi trần. Người địa phương cùng người Minh Hương tô tượng phật phụng thờ, lại có tên nữa là Chùa Thanh Thiền”.
6. Chợ Đông Kinh & chợ đêm Kỳ Lừa
Chợ Đông Kinh là trung tâm mua bán lớn nhất thành phố Lạng Sơn. Chợ Đông Kinh với 3 tầng, tầng 1 bán đồ điện tử, tầng 2 bán hàng tạp hóa, tầng 3 bán hàng thời trang. Trong lịch sử đô thị cổ Lạng Sơn khu vực chợ Đông Kinh thuộc “Bạc dịch trường Vĩnh Bình” vốn là nơi trao đổi thương mại của thương gia hai nước Việt – Trung. Ngày nay chợ được xây dựng khang trang, cảnh mua bán tấp nập người xe bên dòng Kỳ Cùng uốn lượn. Đây là địa điểm được nhiều du khách lựa chọn khi đến Lạng Sơn.
Chợ Đêm Kỳ Lừa mở cửa từ 8h đến 22h chuyên bán các loại hàng hóa phục vụ khách du lịch, không chỉ thuần túy là nơi giao lưu trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ kết du khách thể hiện bằng những nét văn hóa cổ truyền một cách sống động. Chợ mang đậm bản sắc miền biên cương sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách khi đến với Lạng Sơn.
7. Đoàn Thành Lạng Sơn
Thành Lạng Sơn là một di tích kiến trúc quân sự nằm ở phường Chi Lăng – Thành phố Lạng Sơn. Thời phong kiến, đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Lạng Sơn. Đoàn thành có vị trí quan trọng trong việc trấn giữ phòng thủ quân sự nơi cửa ngõ đất nước, nằm trong thung lũng thành phố Lạng Sơn, xung quanh có núi cao bao bọc.
Trải qua thời gian, thành bị phá hủy gần hết. Dấu vết còn lại của thành là một cổng thành cổ, cây cối mọc um tùm mà khi du khách tới Lạng Sơn, dạo qua những dãy phố nhỏ yên tĩnh của khu hành chính sẽ nhìn thấy.
8. Núi Phai Vệ
Di tích khảo cổ học núi Phai Vệ hiện thuộc phường Vĩnh Trại, có vị trí trung tâm, phía Đông thành phố Lạng Sơn. Đây là một trong những di tích khảo cổ học được nhắc đến nhiều cùng với các di tích khảo cổ khác ở các huyện Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng,… Nơi đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết cổ sinh vật. Năm 1914, người Pháp đã từng đặt tên cho đường qua núi Phai Vệ là Đại lộ hang động. Hiện nay, du khách dễ dàng nhìn thấy di tích này khi đến tham quan, du lịch mua sắm ở chợ Đông Kinh.
9. Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị
Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là một cửa khẩu quốc tế của Việt Nam nằm trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, điểm nối tuyến đường cao tốc Nam Ninh – Hà Nội, là cầu nối quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, phía Việt Nam đã cắm cột mốc 1116 và phía Trung Quốc cắm cột mốc 1117, đây đều là các cột mốc cỡ lớn, có gắn Quốc huy của hai nước. Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị nằm trên Quốc lộ 1A, cách thành phố Lạng Sơn 17 km về phía Bắc.
10. Bia Thủy Môn Đình
Nhà bia Thủy Môn Đình là một di tích có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Hiện di tích nằm ở vị trí đầu đường vào thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Nếu tính theo chiều từ thành phố Lạng Sơn lên thì di tích nằm ở bên phía tay phải, cách mặt đường 1A chưa đầy 50m. Bia Thủy Môn Đình là một tấm bia cổ, có niên hiệu Cảnh Trị thứ 18 (1670) ghi công của Hữu Đô Đốc Thao Quận công Nguyễn Đình Lộc, có công trạng, sự nghiệp gắn liền với vùng đất, quê hương Xứ Lạng.
Sự có mặt của hai chữ Việt Nam trong tấm bia biên giới có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì vị trí tấm bia này chỉ cách ải Nam Quan (nay là cửa quan Hữu Nghị) có 2 km. Nó lại dựng lên bởi “Bắc quân Đô đốc xứ Lạng Sơn” nên tấm bia có ý nghĩa hành chính rõ rệt. Như vậy từ hơn 3 thế kỷ trước đây, tên gọi Việt Nam đã chính thức nằm trên tấm bia hiên ngang nơi quan ải.
11. Đền mẫu Đồng Đăng
Đền Mẫu Đồng Đăng (Đồng Đăng linh tự), là nơi thờ Phật và Mẫu Thượng ngàn nằm trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng giêng, tại đền Mẫu lại diễn ra lễ hội đầu xuân của các dân tộc xứ Lạng. Lễ hội Đồng Đăng trước đây được gọi là hội Lồng Tồng (xuống đồng). Trong lễ hội có các trò chơi như múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu thể dục thể thao.
12. Khu du kích Ba Sơn
Khu du kích Ba Sơn bao gồm các xã Cao Lâu, Xuất Lễ, Công Sơn, Mẫu Sơn huyện Cao Lộc, trong đó Xuất Lễ là trung tâm của Khu du kích. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam, Ba Sơn anh dũng là tên gọi ca ngợi về Khu du kích mà ở đó, mỗi chiến công gắn liền với thắng lợi của quân và dân Lạng Sơn trên con đường lửa số 4, đẩy quân viễn chinh tới thảm bại tại mặt trận biên giới 1950. Góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn Lạng Sơn.
Một trong những ngôi nhà là pháo đài tại Bản Ranh, xã Xuất Lễ
13. Chùa Bắc Nga
Chùa Bắc Nga tọa lạc tại Xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Chùa Bắc Nga có tên chữ “Tiên nga phật tự” hay còn gọi là Chùa Tiên Nga (Tiên Nga tự). Chùa nằm trên sườn đồi rộng thoải, lưng tựa núi, mặt hướng ra quốc lộ 4B và dòng sông Kỳ Cùng uốn lượn, tạo nên thế “Rồng chầu hổ phục” theo thuyết phong thủy. Ngôi chùa xưa nhỏ bé, nằm dưới tán lá cổ thụ um tùm.
14. Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn
Xã Quỳnh Sơn thuộc huyện Bắc Sơn, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 80 km về phía Tây Nam theo quốc lộ 1B. Đây là điểm tập trung nhiều tiềm năng thuận lợi phục vụ phát triển du lịch. Đến với Quỳnh Sơn du khách có thể thoải mái lựa chọn các chương trình tham quan du lịch phù hợp như tìm về cội nguồn lịch sử tại các điểm thuộc An toàn khu Bắc Sơn, trải nghiệm không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống hoặc khám phá các hang động nguyên sơ kỳ bí…
Ấn tượng đầu tiên là kiến trúc bản làng của đồng bào dân tộc Tày với rất nhiều nhà sàn xây dựng tập trung trên không gian đồng nhất độc đáo, các nóc nhà theo cùng một hướng Nam duy nhất, khung cảnh rộng rãi thoáng mát, hài hòa với cảnh quan tự nhiên của núi rừng, đồng ruộng. Các ngôi nhà sàn xây dựng dựa theo lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, được làm bằng gỗ, trong đó có nhiều loại gỗ quý hiếm như nghiến, lý, sến…Quỳnh Sơn hiện có các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng, có thể đáp ứng nhu cầu của khách du lịch cùng ăn uống, ngủ nghỉ và tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp cùng người dân như xay thóc, giã gạo trong không gian văn hóa truyền thống. Với vị trí địa lý và cảnh quan tự nhiên đẹp, hệ thống giao thông từ xã Quỳnh Sơn rất thuận tiện cho du khách tham quan các điểm du lịch phụ cận.
Sau khi thuê phòng tại các nhà sàn, du khách có thể tham quan đình làng Quỳnh Sơn. Đây là một ngôi đình có lịch sử lâu đời thờ Quý Minh Đại Vương (tức Tướng quân Dương Tự Minh) là một nhân vật lịch sử có thật triều Lý (thế kỷ XI), ông là người có công đánh đuổi giặc cướp, thổ phỉ, giữ gìn sự bình yên trong các tỉnh vùng biên ải.
15. Núi nơi ngắm toàn cảnh Bắc Sơn
Leo núi lên trạm phát sóng của Bưu điện Bắc Sơn. Sau khi leo hơn 500 bậc đá, sẽ được cảm nhận không gian hùng vĩ của núi non đại ngàn, ngắm những ngôi nhà sàn ẩn hiện bên cánh đồng lúa tốt tươi mầu mỡ. Đây là nơi lý tưởng để hoạt động dã ngoại và chụp ảnh.
Vào mùa lúa chín, toàn bộ thung lũng toát lên một màu vàng óng với những cánh đồng tạo nên một bức tranh đẹp mà khi đứng ngắm nhìn nó mọi mệt nhọc sẽ bị xua tan.
Núi nơi có thể ngắm toàn cảnh Bắc Sơn, du khách phải tốn khá nhiều sức lực nhưng khi lên đến nơi nhìn xuống phía dưới, mọi mệt mỏi dường như tan biến. Du khách sẽ cảm thấy vô cùng yên bình và thư thái khi ngồi ngắm vẻ đẹp trù phú của thung lũng Bắc Sơn trong ánh nắng sớm.
16. Đình Nông Lục
Đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1962. Đình Nông Lục là sự kết hợp hài hòa của lối kiến trúc đình cổ truyền thống đồng bằng Bắc Bộ với lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Tày ở Lạng Sơn, được xây dựng từ thời Nguyễn (năm 1927), sau này được tu bổ lại trên cơ sở giữ nguyên kiến trúc nghệ thuật truyền thống. Tại đình Nông Lục vào tối ngày 25/9/1940 đã diễn ra cuộc họp quan trọng của các đồng chí đảng viên châu Bắc Sơn để bàn phương án khởi nghĩa cướp chính quyền của thực dân Pháp tại đồn Mỏ Nhài. Cuộc họp đã ra Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo cuộc khởi nghĩa, thống nhất thời gian khởi nghĩa vào 20h ngày 27/9/1940.
17. Khu di tích đồn Mỏ Nhài
Từ đình Nông Lục du khách đi hơn 1 km là đến di tích đồn Mỏ Nhài. Đồn nằm trên một ngọn đồi cao, có vị trí quân sự chiến lược án ngữ con đường huyết mạch đi về 3 hướng chính là Bình Gia, Vũ Lăng, Bằng Mạc. Khi chiếm châu Bắc Sơn thực dân Pháp đã tập trung xây dựng đồn Mỏ Nhài thành một căn cứ quân sự mạnh hòng kiểm soát và sẵn sàng đè bẹp lực lượng du kích Bắc Sơn hoạt động quanh vùng. Tối ngày 27/9/1940 khoảng 600 quân dân du kích Bắc Sơn chia làm 3 hướng đồng loạt tấn công đồn Mỏ Nhài bằng các loại vũ khí thô sơ hoặc tự chế hoặc thu được của địch khiến chúng phải rút chạy, ta thu giữ nhiều súng ống, đạn dược, đốt bỏ tài liệu và ấn tín. Chiến thắng đồn Mỏ Nhài là dấu ấn quan trọng của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, được đánh giá “là tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng các lực lượng dân tộc Đông Dương”. Chiến thắng đã chứng minh tính đúng đắn của việc chuyển từ hình thức đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang của Đảng ta, cổ vũ mạnh mẽ các cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng sau này.
18. Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn
Một điểm tham quan hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến với Bắc Sơn là Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn. Cách trung tâm thị trấn Bắc Sơn 2,5 km thuộc xã Long Đống, Bảo tàng được xây dựng năm 1985 với dáng dấp mô phỏng kiến trúc một ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, tọa lạc trên một khoảng không gian rộng rãi, thoáng mát. Đây là nơi trưng bày và lưu giữ rất nhiều tư liệu, hiện vật sinh động về cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn hào hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam trong những năm 1940 – cuộc khởi nghĩa đánh dấu bước chuyển mình từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang của cách mạng Việt Nam, từ đây hình thành những đội dân quân du kích Bắc Sơn đầu tiên (Cứu Quốc quân, sau đổi tên là Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay).
Ngoài những hiện vật và tư liệu lịch sử có giá trị nghiên cứu cao, Bảo tàng còn trưng bày và lưu giữ nhiều hiện vật của nền văn hóa Bắc Sơn nổi tiếng trong khảo cổ Việt Nam. Nơi đây đã trở thành một thiết chế văn hóa quan trọng của địa phương, là nơi nghiên cứu, học tập và giáo dục truyền thống cho các tâng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
19. Hồ Pắc Mỏ
Không chỉ là một hồ thủy lợi đơn thuần cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, hồ Pác Mỏ có cảnh quan đẹp tự nhiên, nguồn nước trong xanh không bao giờ vơi cạn, mặt hồ yên bình soi bóng những mái nhà sàn thấp thoáng bên tán cây cổ thụ dưới chân núi. Ngay bên hồ là giếng Bó Loóng, truyền thuyết kể rằng ngày xưa vùng này vốn khô cạn, vào một ngày mưa to gió lớn có con trâu thần trắng đã húc vào vách đá bên hồ, chui vào lòng núi mà tạo ra khe giếng này. Từ đó đến nay khe giếng Bó Loóng nước chảy suốt quanh năm cung cấp nước cho vùng hồ mênh mông. Điều kỳ lạ là trước mỗi ngày mưa to nước chảy ra từ giếng sẽ đổi màu trắng đục như nước vo gạo, nguồn nước khe đặc biệt lạnh không biết xuất xứ chảy từ đâu, lạnh đến nỗi giữa trưa hè một người khỏe mạnh cũng không thể ngâm mình trong nước đến 5 phút.
20. Ải Chi Lăng
Ải Chi Lăng – vùng đất địa linh nhân kiệt và rực rỡ chiến công ở miền biên ải phía Bắc của Tổ quốc. Với địa thế hiểm yếu, ải Chi Lăng được coi là bức tường thành của kinh thành Thăng Long trong việc chặn đứng các cuộc viễn chinh khét tiếng từ phương Bắc tràn sang.
Chi Lăng là ải có quy mô hoành tráng và đồ sộ chạy dài gần 20km, rộng 3km nối liền hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn. Ải Chi Lăng là thắng cảnh được bao bọc bởi dãy núi đá Kai Kinh ở phía tây và dãy núi Bảo Ðài ở phía đông. Hai đầu ải có những ngọn núi đá độc lập, cao chót vót tạo thành thế hiểm. Lịch sử oai hùng của Chi Lăng gắn liền với những hoạt động của các nhà quân sự thiên tài như Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn và những thủ lĩnh tài năng của xứ Lạng: Phò mã Thân Cảnh Phúc, Thế Lộc, Hoàng Ðại Huề…
21. Núi mặt quỷ
Núi có hình mặt quỷ nằm ở thôn Quán Thanh (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn). Chính vì vậy mà trước đây nơi này có tên gọi là Quỷ Môn Quan, tức là cửa mặt quỷ. Ngọn núi này có điểm đặc biệt là ở giữa khoảng xanh của cây cỏ, lộ lên một hình thù rất giống mặt của một con quái vật khổng lồ. Nhìn từ xa, khuôn mặt này có đầy đủ cả mắt, mũi.
Một điều thú vị là, dù được coi là mặt quỷ, nhưng người dân nơi đây không coi đấy là biểu tượng của cái ác, mà ngược lại, người dân cho rằng “mặt quỷ sẽ bảo vệ cuộc sống bình an cho dân làng”.
22. Khu di tích Hang Gió
Hang Gió còn có các tên gọi: Động Thông Gió hay Mai Sao Phong động. Khu di tích Hang Gió thuộc Lũng Khòm (thôn Sao Thượng B), xã Mai Sao, huyện Chi Lăng. Khu di tích danh thắng Hang Gió bao gồm một vùng rộng lớn, với nhiều núi dá, hang đá tự nhiên thuộc dãy núi Bó Nhàn từ thôn Sao Thượng tới trung tâm xã Mai Sao. Trong đó hang động nổi bật nhất là hang Gió. Đây là hang động có quy mô lớn, chiều dài hàng trăm mét, rộng đến 50 – 70 m, chiều cao có chỗ lên đến 30 – 40 m.
Đến thăm khu danh thắng hang Gió trước tiên phải thăm Hang Gió (động Thông Gió) bước lên 392 bậc hình chữ chi nối dài mới đến được Hang Gió, sau đó mới thăm các hang khác xung quanh như: Hang Công Chúa (tức hang Sân Khấu), hang Hoàng Tử (tức hang Sáng), hang Thiên Đình, hang Dơi, động Thủy Tiên (tức hang Nước).
23. Hang Lạng Nắc
Hang Lạng Nắc có tên gọi khác là hang Miệng Hổ hoặc hang Treo (tên gọi của nhân dân địa phương). Hang Lạng Nắc nằm trong dãy núi đá vôi xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn. Hang ở ngay cạnh cây số 32 Quốc lộ 1A (cũ), cách thị trấn Đồng Mỏ 5km về phía Đông Bắc, cách UBND xã Mai Sao 400m về phía Nam. Đường đi đến chân núi thuận tiện, có thể dùng phương tiện ô tô. Nhưng để leo lên cửa hang thì cần có thêm một chút sức khỏe và sự kiên nhẫn của vận động viên leo núi.
Hang Lạng Nắc ở độ cao khoảng 100m so với mặt thung lũng. Cửa hang rộng 18m, cao 16m, hướng về phía Đông, chếch Nam khoảng 200, rất thoáng mát, khô ráo. Chiều sâu của hang là 17m, mặt hang bằng phẳng, rộng khoảng 70m2. Dưới chân núi hang Lạng Nắc có suối Mai Sao, là đầu nguồn của sông Thương. Hang Lạng Nắc nằm trong một hệ sinh thái khá đa dạng: núi đá, núi đất, đồi, thung lũng, sông, suối, … Vì thế, hang Lạng Nắc rất thuận lợi cho sinh hoạt và kiếm sống của người nguyên thủy.
24. Đền Bắc Lệ
Đền Bắc Lệ là một quần thể di tích nằm trên một quả đồi giữa khu Nam của Phố Bắc Lệ . Hiện nay vẫn chưa xác định được chính xác thời gian ra đời của một ngôi đền, song căn cứ vào hai văn bia còn (1919 và 1933) đền Bắc Lệ từ đầu thế kỷ XX đến nay đã trải qua 5 lần tu sửa tôn tạo. Theo văn bia khắc năm Khải Định thứ 4 (1919) thì trước đó đền chỉ là một am thờ nhỏ, hay bị hỏa hoạn, sau đó nhân dân đã cung tiến xây dựng thành một ngôi nhà 3 gian gồm 3 cung: Đệ Nhất – Đệ Nhị – Đệ Tam (cung cấm) ngôi đền mang bóng dáng nghệ thuật kiến trúc điêu khắc Trung quốc. Trong đợt sửa chữa lần 2 (1933) và lần 3 (1940) ngôi nhà 3 gian cũ đuợc quay lại và xay thêm cung Đệ Tam ở phía sau. Một cổng Tam quan to cao được xây dựng ở phía ngoài Tam cấp lên đền. Sau đó do các điều kiện, nguyên nhân khác đền Bắc Lệ còn qua một số lần sửa chữa.
25. Khu du lịch sinh thái cộng đồng Hữu Liên
Là điểm nối giữa hai thị trấn huyện Hữu Lũng – Bắc Sơn với tuyến giao thông liên huyện khá hoàn chỉnh, ngoài sự đa dạng về sinh học của khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, đến với xã Hữu Liên các du khách sẽ được khám phá loại hình du lịch sinh thái và du lịch khám phá cảnh quan tự nhiên.
Không chỉ đa dạng về sinh cảnh với khu rừng đặc dụng quí hiếm, những hang động núi đá và thác nước hùng vĩ, Hữu Liên còn là điểm du lịch sinh thái, cộng đồng hấp dẫn với nhiều giá trị về di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội và các trò chơi dân gian. Dạo quanh xã Hữu Liên, nổi bật giữa những thung lũng lúa nước bằng phẳng là những nếp nhà sàn rộng rãi, thoáng mát nằm lưng chừng mây núi của rừng già tựa như một bức họa thủy mặc làm say đắm lòng người.
26. Khu du lịch Mẫu Sơn
Đỉnh Mẫu Sơn cao 1,541 mét, được bao bọc xung quanh bởi bao gồm một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ với đỉnh cao nhất là Phia Po (1.541 m, còn gọi là đỉnh Công hay Công Sơn – nơi đặt cột mốc 42, biên giới Việt Trung). Diện tích khu Mẫu Sơn khoảng 550km², nằm cách trung tâm thị xã Lạng Sơn 30km về phía đông bắc,cách thành phố Lạng Sơn 30 km.
Đỉnh Mẫu Sơn là một nơi lý tưởng để nghỉ ngơi và thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Không khí rất trong lành và thiên nhiên phóng khoáng, tạo cảm giác gần gũi và thân thiết. Dọc đường đi, du khách còn có thể giao lưu với người dân tộc Dao, Tày, Mông, Nùng…đang gùi rau hay bó củi trên vai.
Về mùa đông có những năm nhiệt độ ở Mẫu Sơn xuống tới nhiệt độ âm và có thể có tuyết rơi, băng đá. Nhiệt độ trung bình ở đây là 15,5°C, đỉnh núi quanh năm có mây phủ. Mẫu Sơn nổi tiếng với các sản vật chè tuyết sơn, gà lôi sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, rượu Mẫu Sơn…
27. Hang Cốc Mười
Hang Cốc Mười ở thôn Nà Han, xã Tri Phương là cơ sở In ấn tài liệu và là địa điểm hoạt động bí mật của chi bộ Phi Mỹ những năm trước cách mạng tháng Tám. Sau khi thành lập (4- 1938) và đi vào hoạt động, chi bộ Phi Mỹ đã đặt cơ sở In tại hang Cốc mười do đồng chí Quốc Bình (Giáo Lợi) phụ trách. Toàn bộ tài liệu, báo chí, truyền đơn, văn bản hoạt động của chi bộ Phi Mỹ đều từ cơ sở này mà ra.
Di chỉ hang Cốc Mười (hang Bãi Đá) là di chỉ cổ sinh rất có giá trị nghiên cứu với khối lượng lớn hóa thạch đã được khai quật, hơn nữa đây còn là một trong số ít các di chỉ cổ sinh có trữ lượng hóa thạch đủ để tiếp tục tiến hành khai quật, nghiên cứu sau này.
ẨM THỰC KHI DU LỊCH LẠNG SƠN
Lợn sữa quay mắc mật
Lợn sữa quay thì nơi đâu cũng làm được nhưng lợn sữa quay cùng lá mắc mật và các gia vị tẩm ướp theo kiểu Lạng Sơn thì thật sự đặc biệt. Vừa ngọt thịt, giòn da, vừa thơm mùi mắc mật lạ lẫm, rồi béo ngậy của dầu quyện với mật ong, đây quả là đặc sản khó quên xứ Lạng.
Phở chua Lạng Sơn
Phở chua - đặc sản Lạng Sơn này không nóng sốt như phở Hà Nội, bún bò Huế, bánh canh… nên trên vùng cao này, người ta thường ăn nó vào mùa hè hoặc thu.
Hương vị của phở chua là tổng hòa các nguyên liệu ấy kết hợp với gia vị đặc biệt của người dân địa phương khiến người đã ăn rồi thì khó mà quên mùi: xúng xàng. Phở chua ăn cùng các loại thịt như thịt ba rọi, thịt vịt hay dạ dày quay được tẩm ướp tỏi và các gia vị khác tạo nên một hương vị riêng của tô phở. Khi ăn, có thể cho chút chanh tươi, ớt hay tiêu thêm vị, thêm đậm đà hương sắc.
Vịt quay Lạng Sơn
Bên cạnh món lợn sữa quay là món vịt quay Lạng Sơn cũng được ưa chuộng. cùng một phương thức làm chín thực phẩm nhưng vịt quay dùng một số gia vị khác với lợn quay, tạo thành nét riêng mà dù đã ăn lợn quay người ta cũng vẫn muốn thử vịt quay. Nó béo mà không ngấy, ngọt ngào thịt tươi nhưng lại chan chát vị lá rừng.
Loại vịt được dân Lạng Sơn dùng để quay là vịt bầu Thất Khê, thịt dày mềm, xương nhỏ, vừa lớn tới, không già quá mà cũng không non. Nhưng chọn vịt chỉ mới là khâu đầu. Còn để thịt quay ngon, nằm ở khâu tẩm ướp. Người dân địa phương dùng nhiều loại lá rừng có vị thơm, trong đó không thể thiếu lá mắc mật, mật ong.
Gà sáu cựa
Gà sáu cựa là giống gà quý hiếm được phát hiện ở Bản Khao, một bản của người Dao trên đỉnh Mẫu Sơn nên còn được gọi là gà Lục Trảo Đán Khao (gà sáu cựa vùng Đán Khao).
Thoạt nhìn gà sáu cựa có hình dáng giống như loài gà ri, gà rừng. Tuy nhiên nét riêng là có sáu móng có màu vàng óng, dài và có vuốt nhọn. Thịt gà rất chắc và thơm ngon thường được chế biến thành nhiều món ăn ngon như: luộc, nướng cùng mật ong, nấu cháo… Do đặc tính chỉ sống trên vùng núi cao quanh năm sương mù bao phủ như ở Mẫu Sơn nên gà sáu cựa đã trở thành đặc sản của vùng núi Công Mẫu Sơn.
Bánh cuốn trứng
Vẫn từ bột gạo, cũng gồm thịt heo, mộc nhĩ… nhưng bánh cuốn - đặc sản Lạng Sơn đặc biệt hơn bởi thứ nước chấm khác lạ và nhân trứng một mình một kiểu.
Gạo nương được xay nghiền rồi đổ trên nồi hấp như món bánh ướt, bánh cuốn khắp đất nước. Tuy nhiên, người xứ Lạng lại biến tấu, cho thêm trái trứng gà tươi vào bên trong, tạo thành nét riêng không trộn lẫn với bất cứ địa phương nào.
Kết hợp tuyệt vời với món bánh cuốn trứng là nước chấm được ninh từ xuơng ống trộn với thịt băm, thêm chút gia vị đường, ớt, rau mùi băm nhỏ…
Bánh Cao Sằng
Bánh cao sằng hấp khá cầu kỳ và phải chia làm ba lần. Khuôn bánh là chiếc khay nhôm sâu lòng, to chừng cái mâm nhỏ. Đổ một lớp bột dày bằng một đốt ngón tay vào khuôn rồi đem hấp cách thủy. Sau khi bột chín lại đổ thêm một lớp bột nữa rồi tiếp tục hấp đến chín. Sau đó đổ thêm lớp bột thứ ba, lớp bột này mỏng hơn hai lớp trước và được trộn cùng với nhân bánh và xì dầu và một ít hành lá thái nhỏ rồi tiếp tục hấp bánh đến chín đều là được.
Bánh phải hấp nhiều lần vì nếu để một lớp dày bánh sẽ chín không đều và không được dai ngon. Khi bánh chín, tỏa ra mùi thơm của bột gạo quện với mùi hành phi vô cùng hấp dẫn. Dùng dao sắc, cắt bánh thành hình chữ nhật khoảng cỡ bao diêm rồi rắc thêm chút lạc rang giã giập.
Bánh Áp chao
Áp chao làm từ thịt vịt thôi nhưng được chế biến khá độc đáo. Cùng là thịt vịt nhưng chia làm hai loại bày trên hai đĩa, một đĩa là thịt vịt chao dầu đã được tẩm ướp húng lìu, một là thịt vịt bọc bột nếp chiên vàng. Nhìn đĩa thịt vịt nâu vàng suộm bên cạnh đĩa rau sống xanh mơn mởn, chưa ăn mà đã thấy ngon miệng rồi. Thịt vịt chao dầu thì dùng với bát nước chấm gồm gia vị, ớt, giấm ngâm măng đắng và mắc mật.
Ăn thấy có vị đậm đà của thịt vịt được tẩm ướp kĩ càng mà lại có vị chua chua của thứ nước chấm rất riêng. Còn thịt vịt bọc bột nếp – thứ bột nếp mà các bà hàng bánh rán mặn vẫn dùng để làm bánh – thì chấm với nước mắm đu đủ pha giấm ớt. Cắn một miếng thấy cái deo dẻo của bột nếp, đến miếng thứ hai cảm nhận ngay được cái ngọt của thịt vịt chín vàng. Ăn mãi mà không thấy chán. Cả hai thứ này ăn kèm với rau sống. Trong cái gió mát của vùng cao, quây quần bên bè du khách, nhấp môi chút rượu Mẫu Sơn, nhấm nháp cái vị đậm đà của món áp chao, xuýt xoa trước cái cay cay của gừng, của ớt mới cảm nhận được hết cái thú ẩm thực xứ Lạng.
Khâu nhục
Là một món cổ truyền dịp lễ của đồng bào Tày, Nùng, khâu nhục hay nằm khâu dần đi vào đời sống của chung người Lạng Sơn. Món ăn này độc đáo ngay từ cái tên cho đến cách làm và hương vị.
Thịt ba rọi ngon sơ chế rồi cắt miếng to, khoảng nửa kg một, sau đó, luộc chín tới. Tiếp đến là tẩm giấm, xì dầu và húng lìu cho vừa. Để thịt ngấm đều gia vị, người ta phải đâm kĩ lên phần bì. Cuối cùng là đem thịt lên quay hoặc chao vàng. Thịt khâu nhục thái thành từng miếng dày khoảng 1.5cm, xếp vào bát đem hấp cách thủy 3-4 giờ cho thịt chín và mềm nhừ là được.
Khâu nhục ăn cùng lá tàu soi trộn tương, xì dầu, húng lìu, tỏi giã nhỏ xếp xuống dưới đĩa, trên là khoai môn hoặc khoai lang. Thịt qua nhiều công đoạn từ luộc, quay, hấp nên không ngấy mà beo béo dễ ăn, cộng với hương thơm và hình thức đẹp mắt rất quyến rũ người ăn. Bữa ăn mà có món khâu nhục thì chạy cơm phải biết.
Măng ớt ngâm
Người Lạng Sơn xem món măng ớt và mắc mật ngâm là món ăn quen thuộc có thể ăn cùng cơm, phở hoặc bất cứ món ăn gì hàng ngày.Măng ngâm chua chua, cay chay và cực giòn làm bữa cơm thêm vị, bớt ngán với các món nhiều dầu mỡ. Măng ớt giòn tạo cho người ăn một cảm giác thật dễ chịu, mùi thơm của măng, vị cay nồng của ớt và hương thơm thoang thoảng, ngọt ngào của móc mật. Đặc biệt, trời lạnh ăn kèm mấy miếng măng ngâm thì đột nhiên, người ấm lại lạ kì.
Thường thì khoảng tháng 6, tháng 7 mắc mật vào vụ chín, lúc ấy măng trên rừng cũng vào độ ngon nhất sau những cơn mưa đầu hè. Có lẽ vì núi rừng ưu ái cho người dân thứ măng ngon, thon nhỏ hiếm có nên họ mới có thể làm ra món măng ngâm đậm đà, đặc sắc đến vậy. Chỉ đơn giản là làm sạch măng, giã thêm ớt, rồi ủ măng với muối, cho thêm vài ba quả móc mật thì càng ngon. Cứ vậy đề vài hôm, mở hũ măng ra là thấy ngay mùi thơm của măng, cay nồng của ớt, hương thoang thoảng móc mật, nước miếng không tứa ra mới lạ. Bởi vậy, khách phương xa đến đây mấy ai cưỡng lại mà không xách về cho mình mấy hũ măng ngâm chua ăn dần hay làm quà đâu.
Ếch hương Mẫu Sơn
Ếch hương Mẫu Sơn chỉ sống ở trên các hang hốc, vách đá khe suối nước lạnh quanh năm thuộc vùng núi Công Mẫu Sơn ở độ cao trên 1000m. Giống ếch này có bề ngoài khá đặc biệt, cặp đùi béo mập lớn hơn hẳn ếch đồng. Thịt của giống ếch này rất chắc, thơm ngon, đặc biệt không hề có mùi vị tanh.
Bà con thường chế biến ếch hương thành các món như: ếch hương chiên giòn, ếch hương nấu măng chua, lẩu ếch hương, ếch hương tẩm bột rán, xào sả ớt, nấu cháo, ếch hương hầm thuốc bắc, hấp cách thủy… món nào cũng có hương vị đặc trưng và giá trị dinh dưỡng rất cao. Cách chế biến kết hợp với các loại gia vị để cân bằng âm dương trong quy tắc ẩm thực đã nâng tầm món ăn dân dã có từ xa xưa thành món đặc sản thơm ngon bổ dưỡng.
Rau bò khai
Núi rừng xứ Lạng vốn nổi tiếng với nhiều sản vật độc đáo mới lạ. Rau bò khai thân leo, ngọn nhỏ mềm, một thứ rau rừng thoạt trông như một loại cỏ có cái màu xanh non tơ yểu điệu như người con gái xứ Lạng.
Người xứ Lạng xào bò khai chung với mỳ, mỳ ở đây chính là loại bánh phở sợi nhỏ và dài. Mỳ phải xào hơi giòn một chút, nêm đậm đà một chút. Khi bày ra đĩa, màu xanh mát của rau hòa quyện với màu trắng ngà của mỳ trong cái ngậy của mỡ chiên nóng hổi đủ làm thực khách thấy ngon mắt.
Rau sau sau
Cây sau sau là loài cây thân gỗ, tán che phủ một vùng rừng rộng lớn, thường trổ búp non vào đầu xuân. Búp sau sau dùng như một loại rau sống, khi ăn thường được chấm với mẻ chua, vị bùi – chát – ngọt, hương thơm nồng nàn rất đặc biệt.Ở vùng Sì Nghều (huyện Lộc Bình), bà con có một thứ nước chấm “đặc chủng” tên là Xà đúc, ăn với rau sau sau rất tuyệt vời, một lần ăn, nhớ mãi không quên.
Hiện nay, ở các chợ đầu mối ở thành phố Lạng Sơn như: Chợ Kỳ Lừa, Đông Kinh, chợ Chi Lăng, có hàng trăm người dân tộc thiểu số ở Gia Cát, Hoà Cư, Cao Lâu (huyện Cao Lộc), Vân Thủy, Bản Thí (huyện Chi Lăng), thồ xe đạp, bán rong lá sau sau. Du khách có thể mua về xuôi làm quà biếu người thân.
Cải ngồng
Cải ngồng đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong các bữa cơm đặc sản khi lên Lạng Sơn . Cải ngồng Lạng Sơn thật đặc biệt. Mới nhai có thể thấy đăng đắng nhưng ăn vào rồi mới thấy vị ngòn ngọt, man mát.
Để ăn ngồng cải, người ta cũng chế biến như đối với các rau thường dùng: có thể xào, luộc hoặc nấu tuỳ ý thích mỗi người. Nhưng cách làm ngon nhất, hấp dẫn nhất vẫn là xào chung với thịt bò. Để có được đĩa cải ngồng xào thịt bò thơm ngon, cần phải chọn thứ cải có thân nhỏ xanh non, khi xào nhớ phải cho thêm gừng và không nên xào kỹ quá khiến thịt bò bị dai và cải mất đi vị thơm. Món xào này tốt nhất là nên ăn nóng. Vị ngọt thơm của ngồng cải lẫn mùi thơm của thịt, của gừng sẽ khiến người ăn phải vội vàng nếm thử ngay như sợ nếu không nhanh thì cái mùi vị hấp dẫn kia sẽ tan biến hết vào không gian.
Rượu Mẫu Sơn
Rượu Mẫu Sơn là rượu trắng, được trưng cất từ gạo và men lá do đồng bào sống ở vùng núi cao Mẫu Sơn tự chế biến. Đặc điểm loại rượu này có mùi vị thơm dịu của lá, rễ cây thuốc miền núi Lạng Sơn.
Ngoài những món ngon ấy, Lạng Sơn còn có đào Mẫu Sơn, na, quýt không hạt, trám đen, Hồng Bảo Lâm, hồi… đều là những đặc sản quý.
ahaytravel.com