CẨM NANG HAY DU LỊCH HUẾ
Du lịch Huế từ A đến Z
Xứ Huế mộng mơ không chỉ nổi tiếng với tà áo dài tím, sông Hương núi Ngự mà còn được biết đến với nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử. Đây hứa hẹn sẽ là điểm tham quan hấp dẫn dành cho du khách, nhất là những người hay hoài niệm.
Du lịch Huế vào thời gian nào ?
Ở Huế, mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, trời nóng nực oi bức, nhiệt độ có khi lên tới 35-40 độ C. Tháng 8 đến tháng 1 là mùa mưa, trong đó từ tháng 10 trở đi là mùa bão lụt, nhiệt độ trung bình 20 độ C, có khi xuống thấp đến 9 độ C. Mùa xuân kéo dài từ tháng 1 đến cuối tháng 2.
Vì vậy du khách nên cân nhắc về thời điểm khi đến Huế và lựa chọn thời điểm để du lịch thích hợp.
Huế là thành phố thơ mộng và xinh đẹp, mùa thu là màu rất đẹp ở Huế du khách có thể đến đây vào mùa thu khoảng tháng 9 -11.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Máy bay
Tại Huế có cảng hàng không quốc tế Phú Bài nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 14km về phía Nam. Các chuyến bay từ Hà Nội - Huế và Tp.HCM - Huế được khai thác bởi các hãng hàng không.
Tàu hỏa
Từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày có 5 chuyến tàu chạy Bắc Nam đi qua Huế
Xe khách
Từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều xe chất lượng cao, xe giường nằm để du khách có thể lựa chọn, thời gian di chuyển khoảng 13 giờ từ Hà Nội – Huế và 25 giờ từ thành phố Hồ Chí Minh – Huế. Để biết thêm chi tiết du khách có thể đến bến xe để hỏi và đặt vé.
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH HUẾ
- Khách sạn Sài Gòn Morin
Địa chỉ: 30 Lê Lợi, Phú Nhuận, tp. Huế, Thừa Thiên Huế
Điện thoại: 054 3823 526
- Khách sạn Jasmine Huế
Địa chỉ: 8-10, 8-10 Chu Văn An, Phú Hội, tp. Huế, Thừa Thiên Huế
Điện thoại: 054 3830 111
- Khách sạn Parkview Huế
Địa chỉ: 09 Ngô Quyền, Vĩnh Ninh, tp. Huế, Thừa Thiên Huế
Điện thoại: 054 3837 382
- Khách sạn Moldial
Địa chỉ: 17 Nguyễn Huệ, Vĩnh Ninh, tp. Huế, Thừa Thiên Huế
Điện thoại: 054 3945 599
- Khách sạn Xanh
Địa chỉ: 2 Lê Lợi, Vĩnh Ninh, tp. Huế, Thừa Thiên Huế
Điện thoại: 054 2220 555
- Khách sạn Mường Thanh Holiday
Địa chỉ: 38 Lê Lợi, Phú Hội, tp. Huế, Thừa Thiên Huế
Điện thoại: 054 3936 688
- Khách sạn Duy Tân 1
Địa chỉ: 12 Hùng Vương, Phú Nhuận, tp. Huế, Thừa Thiên Huế
Điện thoại: 054 3825 001
- Khách sạn Holiday Diamond
Địa chỉ: 14 Nguyễn Công Trứ, Phú Hội, tp. Huế, Thừa Thiên Huế
Điện thoại: 093 535 31 17
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH HUẾ
Hoàng Thành Huế
Hoàng Thành hay còn được gọi là Tử Cấm Thành, Đại Nội là khu vực bảo vệ cung điện và các miếu thờ của tổ tiên nhà Nguyễn. Được xây dựng năm 1804 và khánh thành năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng. Mỗi bề mặt hoàng thành rộng 600m, được làm bằng gạch, tường cao 4m, dày 1m xung quanh là hệ thống hào, 4 cửa ra vào gồm: Ngọ Môn nằm ở phía Nam, phía đông là Hiển Nhơn, phía Tây là Chương Đức và phía Bắc là Hòa Bình. Hầu hết các cầu và hồ bao bọc xung quanh bên ngoài đều được đặt tên là Kim Thủy với nhiều công trình đi kèm.
Cho đến nay trải qua bao biến cố, Hoàng Thành Huế chỉ còn giữ được một phần rất nhỏ. Đây là địa điểm tham quan hấp dẫn cho dành cho du khách thích khám phá và tìm hiểu về lịch sử Huế.
Lăng Tự Đức
Là một quần thể kiến trúc gồm 50 công trình trong đó có nơi chôn cất vua Tự Đức thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh nay là thôn Thượng Ba, phường Bến Thủy, thành phố Huế. Ban đầu lăng có tên là Vạn Niên Cơ, sau cuộc nổi loạn Chày Vôi vua Tự Đức đổi tên thành Khiêm Cung. Sau khi vua băng hà lăng đổi tên thành Khiêm Lăng.
Khiêm Lăng có kiến trúc độc đáo, phong cảnh sơn thủy hữu tình được đánh giá là một trong những lăng mộ đẹp nhất thời nhà Nguyễn.
Lăng vua Minh Mạng
Lăng vua Minh Mạng hay còn gọi là Hiếu lăng thuộc núi Cẩm Khê, nằm ngay giữa ngã ba Bằng Lãng nơi hội tụ của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 12km được xây dựng năm 1840 và khánh thành 3 năm sau đó tức là năm 1843. Để xây dựng khu lăng mộ này nhà vua đã phải huy động 10 nghìn thợ và lính tham gia.
Lăng vua Minh Mạng có kiến trúc cân bằng và đối xứng gồm các đường thần đạo xuyên qua các hạng mục như: cửa chính, sân chầu, nhà bia, sân tế, Hiển Đức môn, điện Sùng Ân (thờ vua Minh Mạng và hoàng hậu), hồ Trưng Minh, Minh lâu, hồ Tân Nguyệt, cổng tam quan quang minh chính trực, Trung Đạo kiều và cuối đường hầm là Bửu thành (mộ vua Minh Mạng). Toàn bộ khu lăng mộ rộng 18ha, được bao bọc xung quanh là thành quách.
Lăng vua Khải Định
Lăng vua Khải Định được khởi công xây dựng vào ngày 9 tháng 9 năm 1920 và được khánh thành 11 năm sau đó. Công trình được xây dựng bởi nhiều nghệ nhân nổi tiếng như: Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng… Lăng có diện tích khoảng 117m × 48,5m, được xây dựng khá kỳ công và tốn nhiều thời gian công sức.
Vật liệu xây dựng lăng như: sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise được mua từ Pháp sau đó chuyển qua đường thủy về Việt Nam. Lăng được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống thời nhà Nguyễn với tổng thể là một hình chữ nhật vươn cao gồm 127 bậc, là sự kết hợp hài hòa độc đáo giữa lối kiến trúc Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman và Gothic cổ điển.
Nhà vườn Huế
Nhà vườn Huế là hệ thống những ngôi nhà có kiến trúc độc đáo được xây dựng theo nguyên lý: dịch lý và phong thủy, được sắp xếp theo chiều Bắc – Nam. Mặc dù không gian rộng hẹp khác nhau nhưng toàn bộ những ngôi nhà vườn Huế đều có kiến trúc tổng thể gồm: cổng, ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà.
Cổng được làm bằng gạch, hai bên ngõ vào nhà được trồng những hàng hoa râm bụt hoặc chè tàu được cắt tỉa cẩn thận. Bình phong được làm bằng gạch, sau bình phong là bể cạn có hòn non bộ, sân rộng sau đó đến nhà. Xung quanh nhà được trồng rất nhiều cây ăn trái và các loài hoa.
Đặc biệt trong đó nổi bật hơn cả là những ngôi nhà rường cổ. Những ngôi nhà này được làm hoàn bằng gỗ, được chạm trổ nhiều hoa văn tinh tế. Nhà rường cổ Huế được phân thành các dạng khác nhau gồm: một gian hai chái, ba gian hai chái, năm gian hai chái, nhà rường lầu…
Kết cấu của một ngôi nhà rường cổ Huế được làm bằng chốt, mộng gỗ để tiện cho việc tháo và lắp dễ dàng. Nội thất bên trong ngôi nhà thường được trưng bày sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối, đồ dùng được bài trí hài hòa và hợp lý tạo cho ngôi nhà có thần thái riêng. Đến đây du khách sẽ cảm nhận được nếp sống và cái hồn của người Huế.
Chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ còn có tên gọi khác là chùa Linh Mụ tọa lạc ngay trên đồi Hà Khê thuộc tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây. Chùa được xây dựng năm Tân Sửu (1601) dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Chùa gắn liền với nhiều truyền thuyết về vị chúa Nguyễn đầu tiên của Đàng Trong. Ngày nay chùa là điểm du lịch tâm linh dành cho Phật tử phương xa.
Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế
Tọa lạc tại số 3 đường Lê Trực, thành phố Huế, bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế là tòa nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ gồm 128 cây cột quý, trên cột có chạm khắc tứ linh: long, lân, quy, phụng và 1.000 bài thơ được khắc bằng chữ Hán.
Bảo tàng được xây dựng năm 1845 dưới thời vua Hiến Tổ của nhà Nguyễn có niên hiệu là Thiệu Trị. Trước kia nơi đây là điện Long An. Ngày nay bảo tàng là nơi trưng bày trên 300 hiện vật bằng vàng, sứ, sành, pháp lam Huế, ngự y, ngự dụng và trang phục hoàng thất nhà Nguyễn. Là địa điểm tham quan hấp dẫn dành cho du khách muốn khám phá cuộc sống các triều đại nhà Nguyễn ở Huế.
Sông Hương
Sông Hương thơ mộng xứ Huế được tạo thành bởi hợp lưu của hai dòng Tả Trạch nằm ở phía dãy núi Trường Sơn chảy theo hướng Bắc qua 55 ngọn thác hùng vĩ và dòng Hữu Trạch vượt qua 14 ngọn thác hiểm trở đến ngã ba Bằng Lãng hợp lại thành sông Hương.
Sông Hương dài 30km chạy qua các khu vực làng mạc yên bình của xứ Huế như: Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, Ðông Ba, Gia Hội, chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh. Nước sông Hương trong xanh lung linh như ngọc bích dưới ánh nắng mặt trời. Nơi đây tấp nập thuyền bè xuôi ngược qua lại, thỉnh thoảng lại vọng lên những điệu hò, câu hát trầm tư, sâu lắng giữa đêm khuya. Đến đây du khách sẽ được chèo thuyền ngắm cảnh sông Hương, nghe dân ca Huế và thưởng thức nhiều món đặc sản dân dã của xứ Huệ mộng mơ ngay trên thuyền.
Núi Ngự Bình
Sông Hương, núi Ngự là hai địa danh nổi tiếng thơ mộng của xứ Huế, là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nhà thơ, nhạc sĩ sáng tác nhiều bái hát, bài thơ nổi tiếng. Núi Ngự Bình hay còn gọi là Bằng Sơn, núi cao khoảng 105m so với mặt nước biển. Hai bên dãy Bằng Sơn có hai ngọn núi nhỏ chầu là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Xưa kia nhà Nguyễn khi xây kinh thành Huế đã chọn Bằng Sơn làm tiền án cho hệ thống phòng thủ của kinh thành, sau nhà này Nguyễn đổi tên núi Bằng Sơn thành núi Ngự Bình.
Đồi Vọng Cảnh
Là ngọn đồi nằm bên cạnh sông Hương, thuộc phía Nam thành phố Huế, đồi cao 43m. Nằm trong khu lăng mộ các vua chúa nhà Nguyễn đối diện với hòn Chén. Cách đồi Vọng Cảnh khoảng 700m là khu vực lăng Đồng Khánh, lăng Tự Đức, lăng Thiệu Trị, lăng Hiếu Đông (vợ vua Minh Mạng), lăng Xương Thọ (của bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị), lăng bà Thánh Cung (vợ vua Đồng Khánh), lăng bà Từ Cung (vợ vua Khải Định), lăng hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long),…
Từ trên đỉnh đồi Vọng Cảnh du khách có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn non nước xinh đẹp, thơ mộng của sông Hương và một góc của thành phố Huế.
Điện Hòn Chén
Là tên gọi núi Ngọc Trản xưa có tên là Hương Uyển Sơn sau được đổi thành Ngọc Trản – nghĩa là chén ngọc nên dân gian vẫn thường gọi là Hòn Chén. Điện Hòn Chén là nơi có ngôi điện thờ Thánh Mẫu nằm ở giữa lưng chừng núi thuộc làng Hải Cát, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, Huế.
Cụm di tích này gồm 10 công trình kiến trúc được xây dựng giữa lưng chừng núi, cửa hướng ra sông Hương gồm: Minh Kính Đài; nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, chùa Thánh; dinh Ngũ Hành, bàn thờ các quan, động thờ ông Hổ, am Ngoại Cảnh, am Thủy Phủ. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều bệ thờ, am nhỏ nằm rải rải quanh núi.
Lễ hội Hòn Chén diễn ra vào khoảng tháng 3 và tháng 7 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo khách thập phương về tham quan và hành lễ.
Hồ Tịnh Tâm
Là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất kinh thành Huế dưới thời nhà Nguyễn, thuộc địa phận phường Thuận Thành, thành phố Huế. Xưa kia hồ được tạo thành bởi một đoạn của sông Kim Long, ban đầu được gọi là ao Ký Tế. Vào đời Minh Mạng thứ 3 tức năm 1822 triều nhà Nguyễn đã huy động trên 8.000 quân lính để cải tạo hồ, sau khi cải tạo hồ được đổi thành hồ Tịnh Tâm.
Hồ Tịnh Tâm có diện tích hình chữ nhật, trên hồ có 3 hòn đảo gồm Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Trong đó đảo Bồng Lai nằm ở phía Nam của hồ giữa đảo có điện Bồng Doanh gồm 3 gian, 2 chái lợp bằng ngói lưu li. Với kiến trúc cầu kỳ độc đáo kết hợp hài hòa giữa tự nhiên và điêu khắc đã biến hồ Tịnh Tâm thành một trong những danh thắng đẹp nhất kinh thành Huế thời bấy giờ. Ngày nay hồ Tịnh Tâm được ghi nhận là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam thế kỷ thứ XIX.
Bãi biển Thuận An
Bãi biển Thuận An được đánh giá là một trong những bãi biển có cảnh đẹp, trong lành và sạch nhất nhì xứ Huế. Thuộc biển Thuận An, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15km về phía Đông, nơi dòng sông Hương đổ ra phá Tam Giang thông ra biển. Bãi biển thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan và tắm biển mỗi năm, được đông đảo người dân Huế yêu thích.
Bãi biển Cảnh Dương
Là một trong những bãi biển đẹp ở Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 60km về phía Nam, bãi biển Cảnh Dương dài 8km, rộng 200m có hình vòng cung, nằm ở giữa mũi Chân Mây Tây và Chân Mây Đông. Bờ biển dốc thoai thoải, bãi cát trắng mịn, nước biển trong xanh, phù hợp để tắm và tổ chức các hoạt động thể thao biển.
Biển Lăng Cô và đầm Lập An
Bãi tắm Lăng Cô thuộc biển Lăng Cô Huế, có chiều dài khoảng 8km nằm dọc theo Quốc lộ 1A, cạnh đèo Hải Vân và cách vườn quốc gia Bạch Mã khoảng 24km. Bãi tắm Lăng Cô cát trắng, sóng biển hiền hòa, rất thích hợp để nghỉ dưỡng, tắm biển, lặn biển và tham gia nhiều hoạt động thể thao biển thú vị khác.
Phía sau bãi tắm là đầm Lập An và dãy núi Bạch Mã tất cả tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hữu tình phù hợp để tham quan, nghỉ dưỡng và lặn biển khám phá động vật hoang dã.
Núi Bạch Mã
Núi Bạch Mã nằm ở độ cao 1.450m so với mặt nước biển, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 60km về phía Nam. Đây là nơi nghỉ mát lý tưởng dành cho mọi du khách. Trên đỉnh núi bốn mùa cây cối xanh mát với nhiều thác nước đẹp hùng vĩ, những dòng suối nước trong veo mát lạnh. Ngoài ra, trên núi Bạch Mã còn là nơi sinh sống của rất nhiều động thực vật quý hiếm thuộc miền nhiệt đới.
Trên núi Đỗ có 2 ngọn thác với khung cảnh hùng vĩ và đẹp như một bức tranh gồm: Thác Đỗ Quyên cao 400m, rộng 29m, hai bên bờ thác quanh năm rực rỡ sắc màu của các loài hoa dại giống như một thảm lụa khổng lồ. Và thác Bạc nằm ở độ cao 10m, rộng 4m, bọt nước tung trắng xóa giống như tấm rèm trắng đu đưa trước gió. Đứng trên đỉnh núi du khách có thể quan sát được toàn bộ khung cảnh xung quanh gồm đèo Hải Vân, núi Túy Vân và đầm Cầu Hai.
Suối khoáng Thanh Tân
Suối khoáng Thanh Tân được các nhà khoa học Pháp phát hiện năm 1923, đến năm 1983 nguồn nước quý này được Bộ Y tế cho phép khai thác làm nước uống đóng chai. Năm 2000 khu du lịch suối khoáng Thanh Tân được khai thác và đi vào hoạt động. Toàn bộ khu du lịch rộng khoảng 50ha với những dãy núi nằm liền kề nhau tạo nên một danh thắng đẹp mắt. Nơi đây phù hợp cho các buổi dã ngoại, cắm trại, lửa trại, tiệc nướng ngoài trời, tắm suối khoáng…
Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã
Là thiền viện đầu tiên ở miền Trung, tọa lạc trên núi Bạch Mã, thuộc khu vực hồ Truồi, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh thừa Thiên Huế. Nằm ở độ cao 1450m, giữa lòng hồ Truồi gối đầu vào núi rừng Bạch Mã trải dài hun hút, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 30km về phía Nam. Khung cảnh nơi đây sơn thủy hữu tình, bình yên, tĩnh tâm thích hợp để nghỉ dưỡng, tham quan.
Phá Tam Giang
Là hợp lưu của 3 nhánh sông gồm sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương trước khi đổ về biển Đông. Đây là vùng đất ngập mặn lớn nhất khu vực Đông Nam Á, mặt nước rộng 248,7km2, là nơi sinh sống của nhiều động vật thủy sinh với trên 163 loài cá trong đó có một số loài quý hiếm như cá vược, cá chình... và trên 23 loài cá có giá trị kinh tế cao như cá dầy, cá dìa, cá bống thệ, cá hanh, cá hồng và cá căn…
Ngoài ra hệ sinh thái ở đây còn có nhiều thảm thực vật tự nhiên là nơi cư trú của nhiều loài chim, tạo nên những sân chim lớn ở khu vực sông Ô Lâu, cửa sông Đại Giang, đầm Sam với trên 34 loài chim di cư và 36 loài chim định cư đặc biệt. Trong đó có hơn 21 loài chim quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và được bảo vệ nghiêm ngặt bởi cộng đồng châu Âu. Bên cạnh đó nhờ thiên nhiên ban tặng đầm phá còn có một loài rong tảo quý hiếm mà không có nơi nào ở nước ta có được gọi rọng hẹ hay rong cỏ kiệu.
ẨM THỰC KHI DU LỊCH HUẾ
Cơm hến
Là món ăn dân dã của người Huế, món cơm hến đúng chất Huế phải thật cay, cay đến chảy nước mắt. Ăn rồi nhớ mãi. Cơm hến có vị mặn mặn của ruốc, vị ngọt đằm thắm của nước hến, vị béo ngậy của tóp mỡ hòa quyện với vị chua thanh của khế, mùi thơm của rau bạc hà và bắp chuối, vị cay xè của ớt tạo nên hương vị đặc trưng rất riêng chỉ có ở Huế.
Cơm hến có hầu hết ở mọi nẻo đường của xứ Huế. Nhưng ngon hơn cả vẫn là cơm hến ở cồn Hến thuộc xã Hương Lưu, phường Vĩ Dạ, thành phố Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 3km.
Bánh bèo
Bánh bèo được xem là một nét tinh túy trong ẩm thực xứ Huế. Nguyên liệu làm bánh không quá cầu kỳ chỉ là bột gạo hấp chín, rắc ít bột tôm lên là có thể thưởng thức. Nhưng có lẽ yếu tố tạo nên hương vị đặc biệt cho món ăn này nằm ở cách pha nước chấm. Nước chấm bánh bèo được pha gồm mỡ, đường, tỏi, ớt... tạo nên hương vị độc đáo cho món ăn.
Món này ngon nhất là các quán nằm trên đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Huệ.
Nem lụi
Là một trong những đặc sản lâu đời của cố đô Huế. Nguyên liệu để chế biến món ăn này gồm thịt lợn quết nhuyễn trộn với bì, mỡ thái hạt lựu ướp chung với muối, đường, tiêu, thính rồi xiên bằng que tre, mía, sả và đem nướng chín là có thể thưởng thức được. Nem lụi thường ăn kèm với bánh tráng, rau thơm, khế chua, chuối xanh, quả sung chấm nước mắm được pha với đậu phộng, gan heo, thịt nạc băm nhuyễn.
Địa điểm thưởng thức nem lụi ngon nhất tại Huế là chợ Đông Ba, đường Nguyễn Thái Học, Nguyễn Huệ, Trương Định, Phan Bội Châu, Mai Thúc Loan…
Bún bò Huế
Là món ăn nổi tiếng khắp vùng Nam Bắc, tuy nhiên được thưởng thức bún bò Huế chính gốc trên đất Huế du khách sẽ cảm nhận sự khác biệt hoàn toàn. Bún bò ở Huế còn kèm theo những viên mọc, thịt cua, thịt bò thái lát mỏng vừa được ướp gia vị rồi cho vào nồi nước dùng, ăn kèm chuối bắp xắt lát, rau quế trắng, giò được ninh mềm nhừ. Khi ăn được rưới thêm nước dùng cay, béo, thêm vài cọng giá, rau sống, một ít nước mắm, chanh du khách sẽ cảm nhận được hương vị rất riêng của Huế.
Mè xửng
Là món đặc sản nổi tiếng của cố đô Huế, ai đến Huế cũng đều không quên mua cho mình một ít mè xửng về làm quà. Mè xửng được làm từ mạch nha với dầu phộng và nhiều nguyên liệu khác. Mè xửng cũng có nhiều loại khác nhau loại dẻo quẹo, loại dai, giòn, loại trong suốt…
Tôm chua
Tôm chua là món ăn độc đáo của người Huế, tôm sau khi được làm sạch sẽ trộn với các nguyên liệu bí truyền rồi ủ trong vại sành hoặc chôn dưới đất để tôm tự lên men giúp món ăn thơm ngon hơn. Tôm chua thành phẩm có màu trắng của xôi, măng, riềng tỏi, màu đỏ của tôm và vị ngọt, béo, bùi, cay đắng. Tất cả tạo nên một món ăn hấp dẫn khiến du khách khó chối từ. Tôm chua được ăn kèm với thịt luộc, bánh tráng dưa, giá sống cùng các loại rau sống khác.
Vả trộn
Là món ăn bình dân được nhiều người dân Huế ưa thích. Nguyên liệu để chế biến món ăn này gồm quả vả xanh, trộn chung với thịt nạc, tôm luộc, da heo nước mắm, tiêu, muối, bột ngọt, ớt cùng các loại rau thơm như hành lá, ngò gai, ngò rí, rau răm và vừng.
Món này dùn bánh tráng nướng để xúc. Khi ăn vả trộn có vị bùi ngọt và thơm nhẹ, cay cay của ớt.
Bánh canh Nam Phổ
Là món đặc sản của Huế, được nấu bằng bột gạo, nhân tôm. Món ăn này được đông đảo khách du lịch ưa thích. Địa điểm thưởng thức bánh canh Nam Phổ ngon tại Huế là ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, cách cầu Trường Tiền 3,5km về phía biển Thuận An.
Các món chè Huế
Huế không chỉ nổi tiếng có nhiều món ăn mặn ngon mà các món chè Huế cũng được đông đảo khách du lịch ưa thích. Ở Huế có đến mấy loại chục loại chè khác nhau từ sang trọng cao cấp cho đến bình dị, dân dã đều có với đủ hương vị và màu sắc để du khách có thỏa thức lựa chọn và thưởng thức như: chè bông cau, chè hạt lựu, chè khoai môn, chè bột lọc thịt heo quay, chè bắp....
Bánh chưng Nhật Lệ
Nổi tiếng ở khu đường Nhât Lệ của thành phố Huế, bánh chưng ở đây được làm từ loại nếp dẻo thơm đặc biệt nên có hương vị đậm đà. Du khách có thể ăn nóng hoặc chiên giòn để chấm với muối tiêu.
Cơm âm phủ
Món cơm này gồm có thịt ba chỉ, trứng chiên, cà xắt sợi. Khi ăn thực khách có thể trộn chung các nguyên liệu vào cơm hoặc ăn riêng từng món đều được.
Bánh khoái
Bánh khoái là món ăn dân dã của người Huế, bánh được làm từ bột gạo ngon, được xay mịn sau đó hòa với nước tạo thành hỗn hợp đặc sánh, được thêm chút muối, vài quả trứng gà để khi chiên bánh có màu đẹp và giàu giá trị dinh dưỡng. Nhân bánh được làm từ thịt, tôm luộc bỏ vỏ, xá xíu, giá sống…
Bánh được cho vào chảo gang nóng, múc bột đổ vào khuôn, khi bánh chín trở nhanh tay rồi cho ra đĩa. Món này chấm với nước chấm được pha theo bí quyết gia truyền riêng gồm thịt nạc và gan lợn xay nhuyễn, vừng rang, đậu phộng giã nhuyễn pha với nước tương đậu nành của Huế.
ahaytravel.com