CẨM NANG HAY DU LỊCH HỘI AN
Du lịch Hội An từ A đến Z
Nằm nép mình bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, Hội An là điểm đến không thể bỏ qua của du khách mỗi khi có dịp đặt chân đến đất Quảng Nam.
Vào thế kỷ thứ XVI và XVIII, Hội An là thương cảng lớn nhất Đông Nam Á. Nơi đây diễn ra các hoạt động giao thương tấp nập của nhiều thương nhân đến từ các nước trên thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Ý... là trạm dừng chân của thương thuyền Viễn Đông.
Du lịch Hội An vào thời gian nào ?
Thời điểm du lịch Hội An tuyệt nhất là từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, trời ít mưa, khí hậu dễ chịu. Tránh đi vào mùa hè vì nhiệt độ tăng cao, rất oi bức. Mùa mưa từ tháng 10 – tháng 11 cũng có nhược điểm là không gian ẩm ướt do mưa nhiều và nặng hạt.
Du khách hãy đến thăm Hội An vào ngày 14, rằm âm lịch hàng tháng để tham dự đêm phố cổ. Vào dịp này du khách sẽ có cơ hội được tận mắt nhìn ngắm những chiếc đèn lồng đỏ rực giăng khắp phố, một khung cảnh đặc trưng của Hội An vào dịp lễ.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Máy bay
Hội An thuộc Quảng Nam nhưng sân bay gần nhất lại ở Đà Nẵng (Hội An cách Đà Nẵng 30km). Hiện nay các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjetair đều có khai thác các đường bay từ TP. HCM và Hà Nội đến Đà Nẵng. Nếu muốn mua được vé rẻ, du khách nên đặt trước khoảng 3 đến 6 tháng.
Các phương tiện khác : Ô tô, tàu hỏa
- Từ Hà Nội hoặc Sài Gòn đều có tuyến xe lửa đến Đà Nẵng (tuyến Bắc – Nam), giá vé dao động từ 400.000đ đến 1.200.000 VND tùy loại tàu và loại ghế. Mất từ 14 đến 20 tiếng để đi từ hai thành phố này đến Đà Nẵng bằng xe lửa.
Xe khách: tốn khoảng 400.000 – 500.000 VND. Xe Hoàng Long, Hlink, Mai Linh, Thuận Thảo. Thời gian 18 đến 20 tiếng từ Hà Nội/Sài Gòn đến Đà Nẵng.
Vì điểm trung chuyển đến Hội An chủ yếu hiện nay là bến tàu, xe Đà Nẵng. Từ đó du khách có thể bắt xe bus/taxi đi Hội An rất thuận tiện.
- Đi từ hướng Hà Nội cũng có thể chọn điểm dừng tại ga Tam Kỳ (Quảng Nam), tại đây bắt xe đi Hội An.
- Nếu xuất phát từ hướng TP. HCM du khách có thể chọn chuyến xe ra miền Bắc hoặc Đà Nẵng, sẽ đi ngang và dừng tại Hội An.
Lưu ý: Từ thành phố Đà Nẵng đi về Hội An có hai cách:
+ Du khách có thể đi theo quốc lộ 1 về phía Nam khoảng 27km đến đường Vĩnh Điện rồi rẽ trái thêm 10km là đến Hội An.
+ Con đường thứ hai gần hơn, vắng hơn, đi từ Trung Tâm Đà Nẵng qua cầu sông Hàn, vào tỉnh lộ Đà Nẵng – Hội An, đến Hội An khoảng 30km.
Phương tiện đi lại ở Hội An
- Hội An có đầy đủ các dịch vụ giao thông như xe bus, taxi, xe ôm, xích lô
- Giá thuê xe máy từ 120.000 – 150.000 VND/ngày.
- Nhưng thú vị nhất khi đến thăm Hội An vẫn là đi bộ hoặc thuê xe đạp vòng quanh khu phố để cảm nhận nét đặc biệt của nơi này. Giá thuê một chiếc xe đạp là 30.000VND/ngày.
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH HỘI AN
- Hoi An Beach Resort ( 4 sao )
Địa chỉ: 1 Cửa Đại, tp. Hội An, Quảng Nam
Điện thoại: 0510 3927 011
- Hoi An Historic Hotel ( 4 sao )
Địa chỉ: 10 Trần Hưng Đạo, Minh An, tp. Hội An, Quảng Nam
Điện thoại: 0510 3861 445
- Boutique Hoi An Resort ( 4 sao )
Địa chỉ: Cẩm An, tp. Hội An, Quảng Nam
Điện thoại: 0510 3939 111
- Khách sạn Hà An ( 2 sao )
Địa chỉ: 06-08 Phan Bội Châu, tp. Hội An, Quảng Nam
Điện thoại: 0510 3863 126
- Khách sạn An Hội ( 2 sao )
Địa chỉ: 69 Đường Nguyễn Phúc Chu, Minh An, tp. Hội An, Quảng Nam
Điện thoại: 0510 3911 888
- Phố Hội Riverside Resort ( 3 sao )
Địa chỉ: 1 Nguyễn Tri Phương, tp. Hội An, Quảng Nam
Điện thoại: 0510 3862 628
- Vinh Hung Riverside Resort & Spa ( 3 sao )
Địa chỉ: 111 Ngo Quyen, Hoi An, Quang Nam
Điện thoại: 0510 3864 074
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH HỘI AN
1. Những con đường trong phố cổ Hội An
Phố cổ Hội An có diện tích khoảng 2km, được tạo nên bởi những con đường ngắn, hẹp, có đoạn uốn lượn, chạy dọc ngang theo hình bàn cờ. Nằm sát bên bờ sông là đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú nối liền với Nguyễn Thị Minh Khai ra chùa Cầu. Đi ngược vào bên trong phố là những con đường ngang như: đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ và Trần Quý Cáp.
Đường Nguyễn Thái Học: Được xây dựng từ năm 1840, dưới thời Pháp thuộc có tên là Rue Cantonnais, tức phố người Hoa - Quảng Đông. Phía Tây đường Nguyễn Thái Học là dãy nhà có mặt tiền mang kiến trúc Pháp. Còn phía Đông là khu phố mua bán nhộn nhịp với những ngôi nhà hai tầng có diện tích lớn. Ngoài ra trên đường Nguyễn Thái Học còn có Bảo tàng Văn hóa Dân gian Hội An; Ngôi nhà cổ có diện tích lớn nhất Hội An. Vào mùa mưa bão, đường Nguyễn Thái Học và các khu vực lân cận thường bị ngập lụt, người dân phải dùng thuyền để đi lại
Đường Bạch Đằng: Nằm sát bên dòng sông Thu Bồn, đường được xây dựng năm 1878, ban đầu có tên là đường Bờ Sông.
Đường Phan Bội Châu: Là dãy phố có nhiều ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc châu Âu. Nơi đây đã từng là nơi sinh sống của đa phần công chức dưới thời Pháp thuộc.
2. Hệ thống các nhà cổ nổi tiếng ở Hội An
Nhà cổ Quân Thắng: Nhà cổ Quân Thắng có hai mặt tiền nằm trên đường Nguyễn Thái Học và đường Trần Phú. Ngôi nhà có trên 150 tuổi. Và được đánh giá là một trong những ngôi nhà cổ có kiến trúc đẹp nhất Hội An. Nhà được xây dựng theo lối kiến trúc người Hoa vùng hạ.
Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của thời gian, nơi đây vẫn còn lưu giữa được nguyên trạng về kiểu dáng kiến trúc bên ngoài cho đến nội thất bên trong. Được biết toàn bộ những nét chạm trổ điêu khắc độc đáo, sinh động của ngôi nhà đều do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng xưa thực hiện.
Nhà cổ Tấn Ký: Nhà cổ Tấn Ký tọa lạc tại số 101 Nguyễn Thái Học. Ngôi nhà có niên đại khoảng 200 tuổi. Được xây dựng theo lối kiến trúc hình ống đặc trưng của phố cổ. Nhà cổ Tấn Ký đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Năm 1985 nhà cổ Tấn Ký được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là công trình văn hóa.
Và hiện nay, ngôi nhà vẫn giữ được nguyên trạng cách bài trí nội thất bên trong. Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều cổ vật có từ thời xa xưa, những cổ vật này là minh chứng cho một thời kỳ thương mại phồn thịnh của phố cổ Hội An. Là sự giao lưu văn hóa của các dân tộc Hoa – Nhật – Việt ở thế kỷ XVIII.
Nhà cổ Phùng Hưng: Nhà cổ Phùng Hưng tọa lạc tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, nhà được xây dựng cách đây 100 năm. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là người Việt làm nghề buôn bán khá thành công. Ông đặt tên cho ngôi nhà là Phùng Hưng với mong muốn làm ăn phát đạt và hưng thịnh. Chủ nhân hiện nay của ngôi nhà là con cháu thuộc 8 thế hệ sống chung. Đây được xem là kiến trúc nhà cổ đẹp nhất nhì Hội An.
Nhà cổ Đức An: Nhà cổ Đức An tọa lạc tại số 129 Trần Phú, phường Minh An, cho đến nay ngôi nhà đã tròn 180 tuổi. Ngôi nhà được xây dựng khá đơn giản, toàn bộ nội thất bên trong rất giản dị. Đây từng là nơi gặp gỡ của các chí sĩ và thanh niên trí thức yêu nước trong phong trào kháng Pháp. Những tác phẩm nổi tiếng của nhà yêu nước Phan Chu Trinh trong phong trào Duy Tân như: tờ báo “Tiếng chuông rè”; “Đông Pháp thời báo”, ” Tân thế kỷ”, ” Nhân loại” và đặc biệt là báo “Việt Nam hồn” xuất bản tại Pháp cũng được cất giữ và lưu hành tại đây.
Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên: Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên, tọa lạc trên đường Nguyễn Thái Học. Ngôi nhà được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà này là một thương nhân người Hoa. Nơi đây được nhiều du khách và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến thăm. Vì nó được xem là một bảo tàng trưng bày nhiều cổ vật vô giá của người Việt, Hoa và Nhật Bản có niên đại khác nhau.
Nhà thờ cổ tộc Trần: Nhà thờ cổ tộc Trần tọa lạc tại số 21 đường Lê Lợi. Ngôi nhà nằm trong khuôn viên khu vườn rộng 1.500m2, bao bọc xung quanh là những tường bao cao và nhiều cây cối. Nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Á Đông mang đậm phong cách Nhật Bản và Trung Hoa.
3. Hệ thống các hội quán ở Hội An
Lịch sử Trung Hoa ghi lại vào năm 1649, ở Trung Quốc nổi lên phong trào nhà Thanh tiêu diệt nhà Minh để lập ra triều Mãn Thanh. Các tướng lĩnh nhà Minh đã nổi dậy nhưng bị thất bại. Sau đó họ trôi dạt xuống vùng Đông Nam Á, vào Việt Nam xin Chúa Nguyễn cho phép được định cư. Những người Hoa di cư đến đây thành lập nên làng Minh Hương. Là những người đến từ Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, Haka hay còn gọi là Hẹ.
Hội quán Phúc Kiến: Hội quán Phúc Kiến tọa lạc tại số 46 đường Trần Phú, được xây dựng năm 1697, ban đầu hội quán được làm hoàn toàn bằng gỗ. Nhưng mãi cho đến năm 1757, hội quán được xây dựng lại bằng gạch và lợp mái ngói. Hội quán có không gian rộng, uy nghi, tráng lệ với lối kiến trúc độc đáo Trung Hoa.
Hội quán Phúc Kiến được dùng để làm nơi thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Vị thần bảo hộ sông nước, tiền tài và con cái và tổ tiên người Hoa - Phúc Kiến. Đồng thời đây cũng là nơi gặp gỡ của hội đồng hương người Hoa Phúc Kiến.
Hội quán Quảng Đông: Hội quán Quảng Đông tọa lại tại số 17 Đường Trần Phú, được hội người Hoa Quảng Đông xây dựng năm 1885. Ban đầu nơi đây được dùng để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử. Nhưng từ năm 1911, chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền.
Hằng năm vào ngày tết Nguyên Tiêu tức ngày 15/1 âm lịch và ngày vía Quan Công tức 24/6 âm lịch hội quán thường tổ chức nhiều lễ hội linh đình, thu hút hàng trăm lượt người tham gia.
Hội quán Triều Châu: Hội quán Triều Châu tọa lạc tại số 157 Nguyễn Duy Hiệu, được người Hoa Triều Châu xây dựng năm 1845. Hội quán là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và cộng đồng của người Triều Châu ở Hội An. Hội quán được xây dựng bằng bộ khung gỗ với nhiều nét chạm trổ, điêu khắc độc đáo.
Hội quán Triều Châu thờ các vị thần linh chế ngự sóng và gió với mục đích cầu mong cho việc đi biển của ngư dân thuận buồm, xuôi gió.
4. Hệ thống bảo tàng ở Hội An
Bảo tàng lịch sử văn hóa Hội An: Bảo tàng được thành lập ngày 10/11/1989, tọa lạc ngay góc đường Trần Phú nối với đường Nguyễn Huệ. Nơi đây lưu giữ trên 212 cổ vật bằng gốm sứ, đồng, sắt, giấy và gỗ của nền văn hóa Sa Huỳnh từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên, Văn hóa Chămpa từ thế kỷ II- XV và nền văn họa Đại Nam, Đại Việt từ thế kỷ XV-XIX. Những cổ vật đã minh chứng cho một thời phồn thịnh của Hội An.
Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An: Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An tọa lạc trên hai mặt phố Nguyễn Thái Học thông với Bạch Đằng. Bảo tàng chính thức mở cửa và đón khách du lịch vào ngày 24/3/2005. Toàn bộ kiến trúc bảo tàng là một ngôi nhà cổ có chiều dài 57m, chiều ngang 9m, gồm hai tầng, sàn nhà bằng gỗ. Nơi đây trưng bày 490 cổ vật gắn liền với các loại hình nghệ thuật dân gian, nghệ thuật diễn xướng và những nghề truyền thống cũng như sinh hoạt dân gian của cư dân Hội An xưa.
Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh: Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh tọa lạc tại số 149 Trần Phú. Nơi đây trưng bày rất nhiều hiện vật độc đáo của nền văn hóa Sa Huỳnh có niên đại cách đây khoảng 2000 năm.
Bảo tàng gốm sứ mậu dịch Hội An: Bảo tàng gồm sứ Hội An tọa lạc tại số 80 đường Trần Phú, được xây dựng năm 1995, nơi đây trưng bày và lưu giữ trên 430 hiện vật là gốm sứ có từ thế kỷ VII – XVIII. Hầu hết các đồ gốm sứ đều có nguồn gốc từ Trung Cận Đông, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam.
5. Các làng nghề truyền thống ở Hội An
Làng gốm Thanh Hà: Làng gốm Thanh Hà nằm ngay bên cạnh dòng sông Thu Bồn, được hình thành từ thế kỷ thứ XV. Gốm Thanh Hà được làm từ nguyên liệu chính là đất sét qua bàn tay tài hoa của người nghệ nhân đã tạo ra các sản phẩm như chén, bát, chum, chậu cảnh, hình thù các con giống … với nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú.
Đặc biệt sản phẩm gốm Thành Hà luôn nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại ở những địa phương khác. Cho đến nay, làng gốm Thanh Hà vẫn tồn tại và duy trì hoạt động sản xuất thủ công truyền thống. Vì thế nơi đây trở thành một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nghề gốm cổ truyền của Việt Nam.
Làng mộc Kim Bồng: Làng mộc Kim Bồng xưa có tên là Kim Bồng Châu, làng nằm dọc theo hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn. Làng chuyên làm đồ mộc, thủ công mỹ nghệ với nhiều sản phẩm điêu khắc độc đáo. Làng nằm đối diện với phố cổ Hội An. Giao thông đi lại thuận tiện.
Làng rau Trà Quế: Làng rau truyền thống Trà Quế thuộc phường Cẩm Hà, TP. Hộ An. Nơi đây nổi tiếng với nhiều sản phẩm rau sạch chất lượng. Ngoài ra còn là điểm đến hấp dẫn dành cho khách du lịch trong và ngoài nước.
6. Hệ thống chùa cổ ở Hội An
Chùa Cầu: Chùa Cầu nằm tiếp giáp giữa đường Minh Khai và Trần Phú, chùa được xây dựng trong khoảng thế kỷ XVI, XVII. Chùa Cầu được ví là linh hồn và biểu tượng của Hội An. Nếu đến Hội An mà không đi thăm chùa Cầu cũng đồng nghĩa với việc du khách chưa đến Hội An.
Chùa Ông: Chùa Ông hay còn gọi là Quan Công miếu, tọa lạc tại số 24 đường Trần Phú. Chùa được người Minh Hương tại Hội An và người Việt xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVII. Chùa Ông được dùng để thờ vị tướng tài ba thời Tam Quốc là Quan Vân Trường (Quan Vũ), nhằm kính ngưỡng, ca tụng, tán dương lòng nghĩa khí, tiết trung liệt của ông.
Giếng cổ Bá Lễ: Giếng cổ Bá Lễ nằm trên đường Nguyễn Thái Học, theo lịch sử giếng có từ thời Chămpa tức là vào khoảng thể kỷ VIII – IX. Giếng được lát bằng gạch cổ, dưới chân là khung gỗ lim hàng ngàn năm tuổi.
Giếng cổ Bá Lễ không đơn thuần là một giếng bình thường mà nó phản ảnh đời sống, sinh hoạt của cư dân Chămpa cách đây hơn 10 thế kỷ. Cho đến này giếng vẫn được dùng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, cho du khách uống và chế biến nhiều đặc sản nổi tiếng ở Hội An. Nước giếng rất trong, sạch và nước rất ngọt.
Biển Cửa Đại: Biển Cửa Đại nằm cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 5km. Bãi biển Cửa Đại rất yên bình, mang nét trầm mặc của người Hội An. Đến đây du khách sẽ được tận hưởng không gian yên bình và thư giãn. Đặc biệt bãi biển Cửa Đại rất sạch.
Biển An Bàng: Bãi biển An Bàng thuộc phường Cẩm An, cách trung tâm Phố cổ Hội An khoảng 3km. Bãi biển An Bàng còn khá hoang sơ, thiên nhiên trong lành và thảm thực vật đa dạng.
Đảo cù lao Chàm: Với 8 hòn đảo nhỏ trải dài theo hình cánh cung xanh mướt, cù lao Chàm là một trong nhiều quần đảo hoang sơ mới được đưa vào khai thác trong vài năm gần đây của tỉnh Quảng Nam. Đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng bãi biển cát mịn, nước biển trong xanh.
ẨM THỰC KHI DU LỊCH HỘI AN
Hội An là nơi sinh sống của nhiều cư dân người Hoa và người Kinh nên ẩm thực nơi đây cũng khá đa dạng và phong phú.
Cơm gà Hội An: Gạo để nấu cơm gà là loại gạo thơm và dẻo được ướp với gia vị trước sau đó mới nấu với nước luộc gà và lá dứa, đun bằng củi. Gà được dùng là gà mái tơ, thịt mềm, không bở, chắc và dai, da mỏng thơm. Gà sau khi luộc chín sẽ được xé nhỏ bóp với hành tây, hành phi và muối cùng rau răm. Khi cơm chín món ăn được bày ra đĩa cho gà đã xé lên cơm, ăn kèm hành tây và đu đủ chưa chín và rau Trà Quế, tương ớt hoặc tương ngọt.
Cao lầu Hội An: Cao lầu là món ăn truyền thống của người Hội An. Để có những sợi mì dẻo dai, giòn và khô người đầu bếp đã phải trải qua một quy trình chế biến khá công phu. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước tro mà phải là tro nấu từ củi lấy ở cù lao Chàm. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải lấy từ giếng Bá Lễ. Tiếp đến người ta dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa cô, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì.
Một tô mì cao lầu ngon sẽ có đầy đủ vài xá xíu tép mỡ (da heo chiên giòn) và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương… và tép mỡ vỡ tan trong miệng. Khi ăn người ta cho thêm giá trụng.
Bánh bao – Bánh vạc: Bánh bao và bánh vạc được làm từ gạo, loại gạo thật trắng, nguyên hạt, dẻo, thơm, trồng trên ruộng đất sạch. Nhân bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với một ít tiêu, tỏi, hành, sả và những gia vị bí truyền riêng của người làm bánh. Nhân bánh bao được làm từ thịt heo, nấm mèo, hành lá thái mỏng xào cùng gia vị bí truyền.
Bánh đập: Là món ăn dân giã của người Quảng Nam. Là sự kết hợp linh hoạt giữa bánh tráng nướng và bánh ướt kèm một số nguyên liệu đặc trưng tạo nên hương vị mới lạ cho món ăn.
Chè bắp: Chè bắp ngon và nổi tiếng nhất ở Hội An là chè bắp ở Cẩm Nam. Nguyên liệu để nấu món chè này gồm: bắp (ngô), đường kính, bột năng. Bắp để nấu chè là loại bắp sữa (bắp non) được trồng trên những bãi bồi ven sông. Nhờ lượng phù sa bồi đắp hàng năm mà những bãi bồi này luôn màu mỡ, khiến trái bắp có những hương vị ngọt, thơm đặc trưng của phố Hội.
Mì Quảng: Món ăn này có nguồn gốc xuất xứ từ Quảng Nam. Mì được làm từ loại gạo tốt ngâm nước cho mềm, đem xây thành nước bột mịn, vừa trùng sau đó người ta pha thêm ít phèn sa để cho sợi mì giòn, cứng rồi đem tráng thành lá mì. Khi chín vớt ra đặt lên vỉ cho nguội, thoa sơ lớp dầu cho mì khỏi dính sau đó xắt thành sợi. Nước lèo – được làm bằng tôm, thịt heo, hoặc bằng thịt gà, có khi được làm bằng cá lóc, thịt bò… rất là đa dạng nhưng phổ biến hơn cả là nhân tôm, thịt hay thịt gà.
Ăn mì Quảng phải kèm rau sống Trà Quế mới đúng điệu. Chỉ có rau ở vùng này mới thể hiện hết cái nhiều mùi vị hương thơm: cay, chát, ngọt, đắng… làm tăng thêm hương vị của tô mì Quảng.
Bánh xèo Hội An: Bánh xèo là một trong những món ăn vặt nổi tiếng ở Hội An, đặc biệt là vào mùa đông. Sự cuốn hút của món ăn này là nhờ vào vị giòn tan của bột gạo, vị béo bùi của nước cốt dừa, mùi thơm của bột nghệ hòa lẫn các loại của rau thơm, bên cạnh đó chất đạm thường được sử dụng là thịt bò, tôm, mực. Bánh phải ăn nóng mới ngon, tức làm đến đâu ăn đến đấy và khi ăn không dùng đũa, muỗng mà chỉ dùng tay.
Bánh mì Hội An: Bánh mì nổi tiếng nhất ở Hội An là bánh mì cô Phượng. Quán này đã phục vụ du khách trong và ngoài nước suốt 20 năm qua.
Bánh bèo Hội An: Trong các món ăn chế biến từ gạo, sau mì Quảng, bánh bèo là một món ăn chiếm được sự ưa chuộng của đông đảo cư dân Hội An, nhất là cư dân ở các vùng nông thôn.
Bánh bèo có mặt khắp Hội An, nhưng nhiều hơn cả vẫn là những vùng ven phố Hội như: Cẩm Châu, Cẩm Nam… với những quán lá nhỏ đơn sơ mà mát mẽ, ấm cúng.
ahaytravel.com