Du lịch Đà Nẵng từ A đến Z
Được mệnh danh là thành phố xanh, sạch và đáng sống nhất Việt Nam, Đà Nẵng có nhiều địa danh nổi tiếng và ẩm thực độc đáo không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước mà còn được đông đảo khách du lịch quốc tế lựa chọn.
Du lịch Đà Nẵng vào thời gian nào ?
Đà Nẵng là một thành phố thuộc vùng Nam Trung Bộ nên có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, nhiệt độ cao và ít biến động. Mỗi năm có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 12 và mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7. Để tránh những ảnh hưởng của mưa bão thì thời điểm du lịch Đà Nẵng đẹp nhất là từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm. Tuy nhiên nếu muốn du lịch tiết kiệm thì du khách nên đi vào khoảng tháng 1 đến tháng 4 bởi thời điểm này không khí Đà Nẵng khá mát mẻ, không có bão và nhất là giá dịch vụ mềm hơn so với tầm tháng 6 đến tháng 8.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Đà Nẵng cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 865km theo tuyến đường AH17 và 957km theo Quốc lộ 1A. Nếu di chuyển bằng xe khách sẽ mất khoảng 20 tiếng. Để du lịch Đà Nẵng du khách có thể chọn một trong ba phương tiện sau: Xe khách, tàu hỏa và máy bay.
Từ Tp.HCM – Đà Nẵng
Di chuyển bằng xe khách
Mua vé tại bến xe miền Đông hoặc liên hệ trực tiếp với một số nhà xe chất lượng cao dưới đây:
- Hãng xe Mai Linh: Giá vé giường nằm dao động trong khoảng 430.000 đồng/vé, bao gồm 1 bữa ăn.
- Hãng xe Phương Trang: Giá vé giường nằm dao động trong khoảng 395.000 đồng/vé.
- Hãng xe Hoàng Long: Giá vé giường nằm dao động trong khoảng 520.000 đồng/vé bao gồm 1 bữa ăn, có toilet trên xe.
- Nhà xe Thuận Thảo: Giá vé giường nằm dao động trong khoảng 440.000 đồng/vé.
Di chuyển bằng máy bay
Từ Tp.HCM – Đà Nẵng được khai thác bởi các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Paciffic. Trong đó hãng Jetstar Paciffic có giá rẻ nhất, dao động trong khoảng từ 950.000 - 1.500.000 đồng/vé/chặng.
Tàu hỏa
Từ Tp.HCM – Đà Nẵng có nhiều chuyến tàu chạy Bắc Nam dừng ở ga Đà Nẵng mỗi ngày. Vì thế du khách cũng có thể lựa chọn phương tiện này để đi lại. Giá vé tàu từ Tp.HCM – Đà Nẵng dao động trong khoảng: 480.000 đồng/vé ghế cứng, 560.000 đồng/vé ghế mềm và 750.000 đồng/vé ghế mềm điều hòa.
Phương tiện di chuyển tại Đà Nẵng
Di chuyển bằng taxi
Taxi ở Đà Nẵng rất thân thiện và an toàn vì thế đi taxi là lựa chọn thích hợp nếu du khách muốn đi lại khu vực trung tâm thành phố. Một số hãng taxi ở Đà Nẵng du khách có thể tham khảo.
- Taxi Mai Linh: (0511).3.56.56.56.
- Taxi Sông Hàn: (0511).3.72.72.72.
- Taxi Tiên Sa: (0511).3.79.79.79.
- Vinasun Taxi: (0511).3.68.68.68.
Thuê xe máy
Dịch vụ cho thuê xe máy ở Đà Nẵng khá phổ biến nên du khách có thể dễ dàng thuê được một chiếc xe để di chuyển giữa các điểm du lịch ở Đà Nẵng. Dưới đây là một địa điểm cho thuê xe máy tại Đà Nẵng du khách có thể tham khảo:
- Công ty Xe Tốt: 89 Núi Thành, thành phố Đà Nẵng (giao xe tận nơi không tính phí). Điện thoại: 0988.444.084 hoặc 0906.40.80.40 (gặp chị Phương). Giá thuê xe dao động từ 80.000 – 120.000 đồng tùy thuộc vào thời gian thuê.
- Công ty cho thuê xe máy Lâm Nguyễn, ĐT: 0942.35.35.35 và 0965.977.768(Gặp Anh Độ) – Đ/c: Đường Hồ Huân Nghiệp – Ngũ Hành sơn.
- Công ty xe máy Bình Minh: 0986.86.29.86 – 0938.006.843 (Anh Khoa). Địa chỉ: 82 Thạch Lam, Sơn Trà, Đà Nẵng sát bãi biển Mỹ Khê.
- Công ty xe máy Trường Đạt 0969.722.744 (A. Tuấn) và 0969.822.844 (A. Đạt), Địa chỉ K65/86 Tô Hiến Thành (rất gần khu biển Mỹ Khê), có nhận giao xe tại khách sạn và sân bay.
- Công ty Anh Tuấn Motorbike gần sân bay đà nẵng. Địa chỉ 143/16 Tiểu La. Liên hệ : 0905.70.80.90 (A. Tuấn) hoặc 0988.000.835 – 0988.000.875 (Hoàng Anh)
- Công ty xe máy Mai Hà. Điện thoại liên hệ: 0979 744 398. Đặc biệt công ty giảm giá cho khách du lịch nữ, khuyến mãi thêm cà phê, bản đồ, nước uống.
Thuê xe du lịch
Nếu đi nhóm đông người du khách nên thuê xe du lịch để tiện cho việc đi lại và tiết kiệm. Dưới đây là những địa điểm cho thuê xe du lịch tại Đà Nẵng du khách nên tham khảo:
- Công ty TNHH TM & DV tổng hợp Triệu Bảo Ý: 198 Nguyễn Hữu Thọ, Hải Châu, Đà Nẵng.
- Công ty Nhất Phong: 336 Hải Phòng, Đà Nẵng.
- Công ty Phú Mỹ Phát: 495 Nguyễn Hữu Thọ, Đà Nẵng.
- Công ty Khải Hoàn Phong: 732/14 Điện Biên Phủ, Đà Nẵng.
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH ĐÀ NẴNG
- Khách sạn gần biển
-
Khách sạn Gia Khánh: 245 Hồ Nghinh, nằm giữa dòng sông Hàn và biển Mỹ Khê. Giá dao động từ 180.000 - 200.000 đồng/ngày đêm.
-
Khách sạn Atlantic: 151 Hồ Nghinh. Giá phòng dao động trong khoảng từ 300.000 – 350.000 đồng/ngày đêm.
-
Khách sạn Mimosa 1: Z/12 - 23 Trần Hưng Đạo , Q.Sơn Trà, Tp. Đà Nẵng. Giá phòng tham khảo 346.000 đồng/ngày.
-
Khách sạn Holiday Beach (tiêu chuẩn 4 sao): Gần biền Mỹ Khê. Giá phòng tham khảo 2.000.000 đồng/ngày đêm.
-
Khách sạn À La Carte (tiêu chuẩn quốc tế 4 sao): Ngã 3 đường biển Võ Nguyên Giáp và đường Dương Đình Nghệ, đối diện công viên Biển Đông và bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Giá tham khảo 85 USD/ngày đêm.
-
Khách sạn Giany: 136 – 138 Lê Duẩn, đối diện sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng, cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 1,5km. Giá phòng khoảng 300.000 đồng/ngày đêm.
-
Novotel Premier Han river: Nằm ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng. Giá phòng từ 120 - 150 USD/ngày đêm.
-
Khách sạn Brilliant (tiêu chuẩn 4 sao): Đường Bạch Đằng, trong khu phố du lịch sầm uất nhất Đà Nẵng. Giá phòng từ khoảng 100 USD/ngày đêm.
1. Bà Nà Hills
Bà Nà Hills là phức hợp giữa du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí được xây dựng hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ, cảnh sắc thiên niên hữu tình phù hợp để nghỉ dưỡng. Đến đây du khách không chỉ có cơ hội trải nghiệm chuyến phiêu lưu mạo hiểm với cáp treo dài và cao nhất thế giới mà còn được thư giãn ở các khu vui chơi giải trí, xây dựng quy mô với nhiều trò chơi thú vị.
2. Công viên giải trí Asia Park
Asia Park thuộc phía Đông Nam thành phố Đà Nẵng, gần khu đài tượng niệm Đà Nẵng. Nằm dọc bên dòng sông Hàn xinh đẹp và thơ mộng với tổng diện tích khoảng 89ha. Asia Park là khu vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn quốc tế, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Toàn bộ khuôn viên của công viên được chia làm 4 khu chức năng chính. Mỗi khu lại có những công trình kiến trúc, cảnh quan, di tích lịch sử, nghệ thuật giải trí và ngành nghề thủ công mỹ nghệ…đại diện cho nhiều quốc gia trong khu vực.
Vòng quay mặt trời trong công viên giải trí lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Đà Nẵng. Ngồi trên vòng quay mặt trời du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố Đà Nẵng xinh đẹp lung linh sắc màu về đêm.
3. Cầu Sông Hàn
Là một công trình độc đáo đồng thời là tuyến giao thông chính trên đường Bạch Đằng của thành phố Đà Nẵng, nối hai quận Hải Châu và quận Sơn Trà. Cây cầu là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Đêm đến cầu sông Hàn lung linh sắc màu. Điểm đặc biệt là vào lúc 0h30 mỗi đêm cầu sẽ quay 90 độ quanh trục để những con tàu lớn có thể đi qua được và đến 3h30 cầu sẽ đóng lại.
4. Ngũ Hành Sơn
Ngũ Hành Sơn thuộc làng Hòa Khuê, ấp Sơn Thủy, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 8km về phía Đông Nam. Ngũ Hành Sơn được hình thành bởi năm quần thể núi gồm: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ gắn liền với nhiều huyền thoại khác nhau. Có thể nói Ngũ Hành Sơn là một kiệt tác của thiên nhiên huyền ảo, thơ mộng mà thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng.
Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu tích về văn hóa lịch sử gồm chùa, tháp và các tác phẩm điêu khắc của người Chăm có từ thế kỷ XIV – XV. Cùng những bút tích thi ca còn sót lại từ thời Lê, Trần in trên phiến đá rêu phong.
Ngoài ra Ngũ Hành Sơn còn gắn liền với nhiều địa danh trong các cuộc đấu tranh cách mạng của quân và dân tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng xưa như: núi Kim Sơn, địa đạo núi đá Chồng, hang Bà Tho, hang Âm Phủ.
Đến Ngũ Hành Sơn du khách đừng bỏ qua các điểm du lịch nổi tiếng như: động Vân Thông, động Linh Nham, động Lăng Hư, chùa Tam Thai, động Huyền Không, động Vân Nguyệt và những cảnh giới của cõi âm như: điện Phán Quy, đài Linh Anh, ngục A Tỳ, điện Minh Vương, suối Giải Oan…
6. Thánh địa Mỹ Sơn
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69km. Toàn bộ khu thánh địa Mỹ Sơn nằm trong thung lũng thâm sâu, núi non hùng vĩ.
Thánh địa Mỹ Sơn có trên 70 công trình kiến trúc đền tháp là di tích còn sót lại của nền văn hóa Chămpa từ thế kỷ thứ IX – XIII, chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử kiến trúc và nghệ thuật xếp ngang hàng với những khu di tích nổi tiếng khác trong khu vực như: Ăngko, Pagan, Bôrôbudua.
Thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999.
7. Bán đảo Sơn Trà
Bán đảo Sơn Trà thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 8km về phía Đông Bắc, có tổng diện tích rộng khoảng 4.439ha bao gồm cả đất liền và biển đảo. ‘
Địa hình bán đảo Sơn Trà là sự kết hợp hài hòa giữa núi non hiểm trở và biển đảo. Trong đó ngọn núi cao nhất 696m, có nhiều ngọn núi cao trên 500m, chạy dài từ Đông sang Tây dài 15km, rộng 6km, chỗ hẹp nhất là 2km.
Thời xa xưa nơi đây gồm một hòn đào với 3 ngọn núi nhô cao. Ngọn phía Đông Nam nhìn từ xa trông giống hình con nghê nên gọi là ngọn Nghê, ngọn phía Tây trông giống mỏ diều hâu nên được gọi là ngọn Mỏ Diều và ngọn phía Bắc giống cổ ngựa nên được gội là ngọn Cổ Ngựa.
Bán đảo Sơn Trà có những khu rừng nguyên sinh đa dạng về sinh học và có giá trị cả về lịch sử và văn hóa. Khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan thiên thiên nhiên tuyệt đẹp và thảm thực vật đa dạng, phong phú nên rất thích hợp để nghỉ dưỡng, tham quan, cắm trại và khám phá thiên nhiên hoang dã trong những cánh rừng nguyên sinh.
8. Rạn Nam Ô
Rạn Nam Ô nằm ngay trung tâm giữa đèo Hải Vân và Đà Nẵng thuộc làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, có diện tích rộng khoảng 3ha, dài khoảng 300m, rộng 50m được chia làm hai cụm chính gồm: rạn Cả và rạn Con chạy dài theo hướng Tây Bắc và Đông Nam. Nơi đây có những dãy đá ngầm phân bố dày đặc, các hòn đá chồng lên nhau, nổi lô nhô trên mặt nước. Giữa hai rạn bị ngăn cách bởi con rạch người dân địa phương vẫn gọi là “lòng thòng”, rạch rộng khoảng 20m, sóng nhẹ, hiền hòa.
Đặc biệt trên các phiến đá ngầm được phủ đầy rong rêu nên là môi trường thuận lợi cho các loại cá cư trú theo mùa như: các dò, cá cơm, cá ve, các nhám, cá thu…. Đến đây du khách còn có cơ hội lặn biển ngắm những rặng san hô tuyệt đẹp dưới lòng đại dương.
9. Ghềnh Bàng
Ghềnh Bàng nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 20km, trên bán đảo Sơn Trà. Để tham quan địa danh này du khách phải vượt qua những cung đường quanh co, nguy hiểm và tốn khá nhiều thời gian. Cho đến này ghềnh Bàng vẫn là địa danh còn khá lạ lẫm với nhiều người.
Đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng những viên đá to nhỏ, đủ hình dạng nằm dọc bãi biển. Vượt qua 20m bãi đá dài du khách sẽ đến được eo biển với bãi cát vàng óng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời.
Xa xa thấp thoáng dưới đáy đại dương là những rặng san hô uốn lượn theo dòng nước, một khung cảnh vô cùng thú vị và đẹp mắt. Nơi đây phù hợp cho những ai ưa thích khám phá mạo hiểm và lặn biển ngắm san hô.
10. Bãi biển Mỹ Khê
Tạp chí Forbes của Mỹ xếp hạng bãi biển Mỹ Khê của thành phố Đà Năng là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Còn tờ Sunday Herald Sun của Australia đánh giá bãi biển Mỹ Khê là một trong 10 bãi biển ở châu Á được yêu thích nhất thế giới.
Từ lâu biển Mỹ Khê đã nổi tiếng với những bãi cát trắng mịn, sóng biển hiền hòa, nước biển trong xanh ấm áp quanh năm được bao bọc bởi những hàng dừa xanh mát, đẹp thơ mộng. Nước biển ở Mỹ Khê độ mặn chiếm khoảng 60%, không bị ô nhiễm nên rất an toàn. Hệ thực vật biển khá đa dạng và phong phú với nhiều rặng hô, rong, tảo quý như rong câu chỉ vàng, rong câu chân vịt có giá trị kinh tế cao.
Đến đây ngoài nghỉ dưỡng và tắm biển du khách còn được tham gia vào nhiều hoạt động thú vị như: câu cá, lướt ván, lặn biển, du thuyền. Đến Đà Nẵng mà chưa tắm biển ở Mỹ Khê nghĩa là chuyến đi của du khách chưa thật sự trọn vẹn.
11. Làng mỹ nghệ Non Nước
Làng mỹ nghệ Non Nước nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, làng chuyên làm các sản phẩm trang trí, quà lưu niệm bằng đá với nhiều tác phẩm được chế tác tinh xảo bởi những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân trong làng tạo nên những tác phẩm độc đáo có một không hai, không có nới nào sánh được.
12. Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm
Bảo tàng toạn lạc tái số 02, đường 2-9, Thành phố Đà Nẵng. Đây là bảo tàng có quy mô lớn Nhất Việt Nam, do người Pháp xây dựng, dùng để sưu tập và cất giữ các di vật của vương quốc Chăm, chủ yếu là nghệ thuật điêu khắc.
Bảo tàng rộng 6.700m vuông, riêng phần trưng bày đã rộng 2.000m vuông, có khoảng 500 mẫu trưng bày. Các cổ vật tại bảo tàng được chia theo các phòng như: Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫn và các hành lang Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Bình và Bình Định.
13. Chùa Linh Ứng
Chùa được xây dựng trên bãi Bụt tại bán đảo Sơn Trà. Chùa Linh Ứng là ngôi chùa lớn nhất Đà Nẵng, xét về cả quy mô và kiến trúc nghệ thuật. Không chỉ phật tử mà ngay những du khách bình thường cũng muốn đặt chân đến đây một lần khi đến Đà Nẵng để chìm vào không gian yên tĩnh, thanh tịnh của chùa.
Không chỉ vậy, đến đây du khách còn được chiêm ngưỡng nghệ thuật xây đắp tinh xảo các bức tượng thờ trong điện. Bức tượng phật Quan Âm cao 67m tại chùa được đánh giá là cao nhất Việt Nam.
ẨM THỰC KHI DU LỊCH ĐÀ NẴNG
1. Cơm gà xứ Quảng
Cơm gà Đà Nẵng khác với với gà Tam Kỳ, Quảng Ngãi, ở chỗ: gà ở đây không luộc rồi xé sợi mà được chặt thành những miếng vừa ăn, sau đó chiên giòn. Cơm được nấu từ nước luộc gà kết hợp với quả gấc tạo màu đỏ rất đẹp mắt. Khi ăn cơm gà được dọn chung với lá chanh xắt nhuyễn, đu đủ muối chua ngọt, tương ớt và xì dầu.
2. Gỏi cá Nam Ô
Gỏi cá Nam Ô là món đặc sản nổi tiếng của làng chài Nam Ô. Nguyên liệu để chế biến món ăn này có thể là cá mòi, cá tớp, cá trích… nhưng ngon hơn cả vẫn là gỏi cá trích. Người ta chọn những con cá trích cỡ hai ngón tay, cá được cắt đầu, bỏ đuôi, bỏ ruột, lọc bỏ xương, rồi các được tách làm hai phần, xắt thành từng miếng nhỏ. Sau đó ép khô nước để ráo, rồi ướp cá chung với gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn, thính.
Địa điểm thưởng thức gỏi cá Nam Ô Ngon là đường Nguyễn Tất Thành hay cầu Nam Ô. Mỗi phần có giá khoảng 40.000 đồng.
3. Bún chả cá
Bún chả cá Đà Nẵng khi ăn không có mùi tanh được ăn kèm với các loại rau sống như: xà lách, húng quế, giá sống, tỏi giã và hành ngâm giấm đường. Khi ăn bún chả cá Đà Nẵng có vị ngọt của nước dùng, vị cay của tỏi ớt và hương thơm của các loại rau.
Những địa điểm thưởng thức bún chả cá ngon tại Đà Nẵng: quán nằm trên đường Hoàng Diệu, đường Hùng Vương và đường Trần Cao Vân. Mỗi tô có giá khoảng 15.000 đồng.
4. Bánh tráng thịt heo
Không quá cầu kỳ trong cách chế biến nhưng món bánh tráng cuốn thịt heo luôn được người dân Đà Nẵng ưa thích. Nguyên liệu để chế biến món ăn này gồm thịt heo phần mông hoặc thịt nạc vai được hấp chín. Ăn kèm với các loại rau như: xà lách, rau húng quế, rau thơm các loại, rau đắng, giá sống, búp chuối trắng, dưa leo, chuối xanh, chấm nước mắm nêm cay nồng.
5. Bánh xèo
Bánh xèo Đà Nẵng được làm từ bột gạo, lòng đỏ trứng gà, bột nghệ và được đúc trên chảo nóng. Nhân bánh được làm từ tôm tươi, thịt ba chỉ, giá đỗ. Bánh xèo Đà Nẵng thường ăn kèm với các loại rau như: xà lách, húng quế, chuối chát, rau cải con. Chấm nước tương được pha từ gan heo, đậu phộng xay nhuyễn cùng một chén nước mắm được pha chanh, tỏi, ớt theo kiểu truyền thống.
6. Bê thui Cầu Mống
Bê thui Cầu Mống, người dân địa phương thường gọi là bò tái Cầu Mống là món đặc sản trứ danh của Đà Nẵng. Cách chế biến món bê thui cho đến nay vẫn là một bí quyết riêng của một số gia đình ở Đà Nẵng được truyền lại nhiều đời. Thịt bê sau khi nướng trong lò sẽ có hai màu tái và chín rõ rệt, phần bì trong suốt, mềm, giòn vừa phải.
Bê thui Cầu Mống ngon nhất là ở xã Cầu Mống, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 15km.
7. Ốc hút
Ốc hút là tên gọi dân dã của món ốc xào sả ớt. Nguyên liệu để chế biến món ăn này người dân địa phương thường dùng ốc gạo, ốc bươu hoặc ốc đắng. Ốc được ngâm sạch với nước rồi để ráo, sau đó xào chung với sả ớt và các gia vị. Đây là mòn ăn đường phố hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng.
8. Mít trộn
Là món ăn dân dã của người dân Đà Nẵng, mít non được luộc chín sau đó xé trộn gỏi với thịt ba rọi, tôm thẻ, da heo xắt sợi, đậu phộng giã nhỏ, hành phi, chấm nước mắm chua ngọt, ăn kèm rau răm và húng lủi cùng bánh tráng.
9. Chả bò Đà Nẵng
Chả bò Đà Nẵng được làm từ thịt bò tươi nguyên chất nên chả giữ được hương vị thơm ngon, chất lượng. Khi ăn du khách sẽ cảm nhận được mùi thơm nhẹ, vị ngọt, đậm đà vừa giòn vừa dai. Người dân Đà Nẵng thường ăn chả bò kèm với dưa chua, nem, tỏi tươi, hành tươi, rau thơm, chấm tương ớt hoặc nước mắm tỏi ớt.
10. Tré Bà Đệ
Tré là món đặc sản nổi tiếng của Đà Nẵng, được là từ thịt nạc heo và thịt ba chỉ cắt mỏng ướp chung với đường, muối, tỏi trộn đều sau đó dùng lá chuối hoặc lá ổi gói lại. Để trong vòng từ 2-3 ngày là có thể ăn được. Món này được ăn chung với đu đủ, cà rốt, củ kiệu, đậu phộng, tỏi, chấm tương ớt.
11. Mì Quảng
Mì Quảng ở Đà Nẵng có nhiều loại khác nhau như: mì gà, mì tôm, mì thịt, mì trứng, mì bò, mì sứa, mì cá lóc… nhưng ngon nhất vẫn là mì gà và tôm. Nước dùng được hầm từ xương có vị béo ngậy, ngọt thanh vừa phải.
Mì Quảng thường ăn kèm với các loại rau sống như: cải non, xà lách tươi, húng, quế, giá trắng ăn sống hoặc trụng qua nước sôi cho chín tái.