CẨM NANG HAY DU LỊCH ĐÀ LẠT
Du lịch Đà Lạt từ A đến Z
Với nhiều cảnh quan đẹp, Đà Lạt là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng Việt Nam. Đà lạt được mệnh danh là thành phố hoa, thành phố tình yêu, thành phố mùa xuân, thành phố sương mù.
Du lịch Đà Lạt vào thời gian nào ?
Đà Lạt đẹp quanh năm, nhưng mỗi tháng trong năm lại có những đặc trưng riêng. Từ tháng 2 đến tháng 4, Đà Lạt bước vào xuân, có hoa phượng tím, hoa mai anh đào đang nở rộ khắp phố.
Mùa hè, từ tháng 6 đến tháng 8, Đà Lạt lại đẹp và mang nhiều cảm xúc trong lòng lữ khách qua những cơn mưa. Mưa Đà Lạt không lớn nhưng cứ lúc nắng lúc mưa. Người ta còn ví Đà Lạt mùa mưa như người con gái. Mưa Đà Lạt xao xuyến và nỗi nhớ không nguôi.
Dạo cuối năm, tháng 9 đến tháng 12, Đà Lạt bước vào mùa sương mây thật đẹp. Những áng mây lơ lửng trên bầu trời xanh ngắt. Du khách nên thức dậy sớm để 1 lần cùng Đà Lạt đón bình minh. Thời gian này còn có rất nhiều hoa như dã quỳ, cải trắng, hướn dương, cỏ hồng, cỏ tuyết, bông lau. Đà Lạt đúng là đẹp quanh năm.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Máy bay
Nếu du khách chọn đến Đà Lạt bằng máy bay, hiện hãng hàng không Vietjetair hoặc VietnamAirlines đều có các chuyến bay thẳng từ Tp.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội tới sân bay Liên Khương, Đà Lạt. Xuống sân bay du khách có thể đi xe bus hoặc taxi để về khách sạn.
Xe khách
Ngoài Tp.HCM, hiện nay một số bến xe ở các tỉnh đều có tuyến chạy thẳng đến Đà Lạt. Theo đó, để nắm rõ lịch trình du khách có thể đến bến xe để biết thêm chi tiết. Nếu ở Tp.HCM, du khách sẽ mất chừng 6 – 8 tiếng để đến Đà Lạt.
Xe máy
Nếu du khách là người thích lang thang, khám phá có thể chọn xe máy để đến Đà Lạt. Tùy địa điểm du khách đi, nếu ở Tp.HCM du khách có thể mất từ từ 6 – 10 tiếng để đến Đà Lạt.
Di chuyển ở Đà Lạt
Thuê xe máy
Nếu thuộc típ người thích lái xe khám phá du khách hãy thuê xe máy để đi, rất thú vị. Thường các khách sạn du khách ở đều có dịch vụ cho thuê xe, hoặc không du khách có thể hỏi họ để được hướng dẫn cụ thể.
Xe thồ (xe ôm)
Nếu đi 1 mình và ngại chạy xe máy du khách có thể thuê xe thồ để đến những điểm mình muốn đến. Nhớ trước khi đi hãy thỏa thuận giá cả nhé.
Taxi
Hoặc không du khách có thể chọn di chuyển từ khách sạn đến các địa điểm bằng taxi (nếu đi đông chọn cách này sẽ lợi hơn). Tuy nhiên, trước khi đi du khách nên hỏi giá, thỏa thuận kỹ với tài xế để tránh những sự cố đáng tiếc.
Thuê xe đạp đôi dạo Hồ Xuân Hương: Để thuê xe đạp đôi đi dạo Hồ Xuân Hương du khách cần có CMND và thời điểm thích hợp nhất để dạo hồ là vào buổi tối.
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH ĐÀ LẠT
- Ngọc Lan Hotel (4 sao)
Địa chỉ: 42 Nguyễn Chí Thanh, tp. Đà Lạt, Lâm Đồng
Điện thoại: 063 3838 838
- Sammy Hotel
Địa chỉ: 1 Lê Hồng Phong, Phường 4, tp. Đà Lạt, Lâm Đồng
Điện thoại: 063 3545 454
- HappyDay Hotel
Địa chỉ: 127 Phan Bội Châu, Phường 1, tp. Đà Lạt, Lâm Đồng
Điện thoại: 063 3604 604
- La Sapinette
Địa chỉ: 1 Phan Chu Trinh, 9, tp. Đà Lạt, Lâm Đồng
Điện thoại: 04 3923 0898
- Khách sạn Đỗ Quyên
Địa chỉ: 3 Lê Thị Hồng Gấm, 1, tp. Đà Lạt, Lâm Đồng
Điện thoại: 063 3823 494
- Diamond Hotel
Địa chỉ: 14 Khu Hoà Bình, Phường 1, tp. Đà Lạt, Lâm Đồng
Điện thoại: 093 760 37 83
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH ĐÀ LẠT
1. Khu du lịch
Thung lũng Tình Yêu
Chỉ mới nghe tên gọi thôi cũng đủ khiến du khách, đặc biệt là các cặp đôi muốn đến đây ngay. Thung lũng Tình Yêu nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 5km về phía Bắc. Tên gọi đầu tiên người Pháp đặt cho Thung lũng Tình Yêu là "Valley d’Amour", sau đó đổi thành Thung lũng Hòa Bình dưới thời Bảo Đại và năm 1953 được đổi lại tên Thung lũng Tình Yêu như ban đầu.
Thung lũng Tình Yêu thích hợp cho những đôi yêu nhau với nhiều cảnh đẹp lãng mạn với thông reo, ngàn hoa khoe sắc thắm.
Thung lũng vàng
Nằm cách trung tâm Đà Lạt về phía Bắc 15km, thung lũng vàng nằm trên đường Ankroet, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng được đánh giá là một trong những khu du lịch nổi tiếng của Đà Lạt thu hút nhiều khách tham quan. Đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều bonsai quý, ngắm đồi thông nguyên sinh nhiều tuổi và vườn lan tập hợp hàng trăm giống đặc chủng của núi rừng.
Đồi Mộng Mơ
Chưa cần đến nơi, chỉ mới nghe tên gọi thôi là du khách đã thấy chất thơ ở nơi được xem là một Đà Lạt thu nhỏ. Cũng giống như nhiều khu du lịch khác, đồi Mộng Mơ thu hút khách bằng vẻ đẹp thơ mộng với ngàn hoa và ngút ngàn thông reo. Đặc biệt ở đây còn có Vạn Lý Trường Thành khiến du khách đi mỏi cả chân.
Làng Cù Lần
Sở dĩ làng có tên gọi này vì ngày xưa đây là nơi sinh sống của cù lần – những con thú hiền lành, dễ thương. Làng rộng 20ha tọa lạc ở thôn Suối Cát, xã lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, từ trung tâm Đà Lạt du khách vượt chừng 22km sẽ đến được đây.
Đến làng Cù Lần du khách sẽ được đưa đi tham quan bằng xe jeep với giá 300.000 đồng/4 người. Sau khi đã mua vé và yên vị trên xe du khách sẽ được băng rừng, vượt suối cảm nhận Đà Lạt dưới 1 góc nhìn khác thông qua tài lái xe điêu luyện của tài xế.
Đường hầm điêu khắc
Đường hầm mới được đưa vào sử dụng gần đây, nằm dưới tán rừng thông bạt ngàn của hồ Tuyền Lâm, thuộc khu du lịch Đà Lạt Star khu vực hồ Tuyền Lâm, phường 4, Tp. Đà Lạt.
Công trình điêu khắc hoàn toàn trên đất sét tái hiện lại những công trình đặc trưng của Đà Lạt như ga xe lửa, nhà thờ con gà… Đặc biệt hơn cả là ngôi nhà bằng đất sét rộng 90m2, được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận 2 kỷ lục là ngôi nhà bằng đất đỏ bazan không nung có mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên có diện tích lớn nhất và ngôi nhà đất đỏ bazan không nung đầu tiên có phong cách độc đáo nhất.
Để tạo nên công trình công phu dài 1,2km, sâu từ 1-9m, rộng từ 2-10m chủ nhân của nó đã cho đào và di dời 50 nghìn mét khối đất chứ không phải tự nhiên đã có sẵn. Đường hầm nằm trên đường rẽ vào thiền viện Trúc Lâm, sau đó du khách đi thẳng theo chỉ dẫn trên đường hoặc bản đồ.
2. Thiền viện, chùa, nhà thờ, dinh thự
Thiền viện Trúc Lâm
Thiền viện tọa lạc trên núi Phụng Hoàng, phía trên là hồ Tuyền Lâm nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5km. Đây được xem là thiện viện lớn nhất nước, thuộc phái Trúc Lâm Yên Tử. Đến thiền viện Trúc Lâm ngoài thăm thú cảnh quan thanh tịnh, thưởng ngoạn các loài hoa quý hiếm du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng những bức tượng Phật được chế tác khá tinh xảo, công phu tại đây.
Chùa Linh Phước
Thuộc khu vực Trại Mát, chùa Linh Phước nằm trên Quốc lộ 20, tọa lạc tại số 120 Tự Phước, nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 8km. Chùa Linh Phước còn có tên gọi khác là chùa Ve Chai vì được làm hoàn toàn từ vỏ chai bia, sành sứ. Đây được xem là công trình kiến trúc khảm sành có một không hai ở Đà Lạt, được xây dựng khoảng năm 1949 – 1952.
Trong sân chùa có rồng được làm từ 12.000 vỏ chai bia, dài 49m. Chánh điện thờ Phật Thích Ca cao gần 5m, trước mặt chùa là tòa bảo tháp cao 27m cũng được khảm bằng sành sứ.
Chùa Linh Ẩn
Nếu đến thác Voi du khách có thể kết hợp hành trình đến chùa Linh Ẩn. Chùa được sáng lập vào năm 1993 bởi thượng tọa Thích Tâm Vị. Đây là trong những ngôi chùa ở Đà Lạt được nhiều Phật tử và du khách đến lễ Phật và tham quan.
Chùa Linh Sơn
Chùa được xây dựng từ năm 1936 – 1940 theo lối kiến trúc Á Đông cổ kính. Trong chính điện thờ Phật Thích Ca được đúc bằng đồng nặng 1.259kg, cao gần 2m.
Nhà thờ Domaine de Marie
Ngoài tên gọi trên nhà thờ còn có nhiều tên gọi khác như nhà thờ Mai Anh, Lãnh địa Đức Bà. Nhà thờ là 1 cụm kiến trúc đẹp nằm trên đường Ngô Quyền cách trung tâm thành phố Đà lạt chừng 1km. Đến đây ngoài tham quan du khách còn thể mua quần áo len hay các sản phầm làm bằng len về làm quá với giá khá rẻ.
Nhà thờ con gà
Nhà thờ con gà hay còn cọi là nhà thờ chánh tòa, nằm trên đường Trần Phú, Đà Lạt được xây dựng từ năm 1931 - 1942. Đây là nhà thờ lớn nhất Đà Lạt, là một trong những công trình kiến trúc cổ xưa, tiêu biểu của Đà Lạt. Sở dĩ nhà thờ có tên gọi con gà vì trên tháp chuông có tượng một con gà rất lớn. Từ tháp chuông du khách có thể nhìn thấy được toàn cảnh Đà Lạt rất đẹp.
Dinh Bảo Đại (Biệt điện số 3)
Được xây dựng từ năm 1933 – 1938 theo kiến trúc châu Âu, dinh là nơi ở của vị vua cuối cùng của Việt Nam – Bảo Đại. Dinh có tất cả 25 phòng, tọa lạc trên một quả đồi cao, bao bọc xung quanh là rừng thông xanh mướt trên đường Triệu Việt Vương.
Dinh toàn quyền
Khi còn đương chức toàn quyền Decoux đã cho xây dựng dinh này làm nơi nghỉ mát. Dinh tọa lạc trên ngọn đồi cao 1.533m, một mặt nhìn xuống hồ Xuân Hương mặt kia nhìn xuống các thung lung đẹp ở Đà lạt. Hiện nay, dinh là nhà khách của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Dinh 1
Đây là một cơ ngơi của người Pháp được vua Bảo Đại mua lại và cho xây dựng thành tổng hành dinh của chính phủ hoàng triều Cương Thổ. Sau Ngô Đình Diệm tu bổ thành lâu đài tráng lệ.
Biệt điện Trần Lệ Xuân
Biệt điện hiện nay là trung tâm lưu trữ quốc gia IV, tại số 5 Yết Kiêu, phường 5 Tp. Đà Lạt.
3. Đồi núi, hồ, thác nước
Núi Langbiang
Langbiang thuộc địa phận huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 12km.
Langbiang có chiều cao 2.167m so với mặt nước biển được ví như nóc nhà của Đà Lạt. Langbiang có 2 ngọn núi được gọi là núi Ông và núi Bà gắn liền với câu chuyện tình yêu huyền thoại của chàng Lang và nàng Biang.
Để lên đỉnh Langbiang du khách có thể đi bộ xuyên rừng vừa đi vừa khám phá ngọn núi hoặc có thể chọn đi xe jeep. Lên Langbiang vào ban ngày du khách sẽ được thưởng ngoạn toàn cảnh Đà Lạt từ trên cao vô cùng thú vị, ban đêm thì quây quần bên bếp lửa uống rượu cần và nhảy những điệu nhảy truyền thống của người dân tộc nơi đây.
Hồ Xuân Hương
Đây là hồ nhân tạo, nằm giữa trung tâm thành phố Đà Lạt, xung quanh bao bọc bởi rừng thông, vườn hoa và bãi cỏ xanh mướt. Để dạo tham quan hồ du khách có thể chọn đạp xe đạp đôi hoặc đi bằng xe ngựa đều được. Đặc biệt dạo hồ ban đêm rất thú vị.
Hồ Tuyền Lâm
Hồ nằm ngay dưới chân thiền viện Trúc Lâm, phong cảnh sơn thủy hữu tình dễ làm say đắm lòng người. Khu vực hồ Tuyền Lâm được xây dựng quy mô lớn với nhiều loại hình du lịch như câu cá, nghĩ dưỡng, cắm trại…
Hồ Than Thở
Hồ gắn liền với nhiều truyền thuyết, câu chuyện tình yêu thú vị như đồi thông 2 mộ nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5km về phía Bắc. Mới đầu hồ Than Thở chỉ là một hồ nước nhỏ, sau người Pháp cho xây đập nước chắn tạo thành hồ như ngày nay.
Thác Đatanla
Thác Đatanla (hay Đatania do các từ K'Ho ghép lại: "Đà-Tàm-N'ha" có nghĩa là "nước dưới lá" - liên hệ đến cuộc chiến tranh Chăm- Lạch - Chil thế kỷ XV - XVII) nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5km, cách thác Prenn 8km, là một trong những điểm tham quan thu hút khách du lịch vào bậc nhất của Đà Lạt, được công nhận là thắng cảnh đẹp quốc gia vào năm 1998.
Trước đây, khu du lịch chỉ mới đưa vào khai thác thác 1, hiện đã khai thác thêm thác 2 và thác 3, vé vào cổng là 10.000 đồng/người. Để khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của thác du khách có thể đi bộ xuống theo những bậc thang, ngồi máng trượt hoặc không du khách có thể mua vé đi cáp treo xuống. Ở khu vực Tử thần dưới chân thác, du khách có thể thử cảm giác mạo hiểm khi chinh phục vách đá cheo leo bằng dây.
Thác Prenn
Thác nằm trên Quốc lộ 20 hướng từ Sài Gòn đến Đà Lạt, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 10km về hướng nam, dưới chân đèo Prenn. Nhiều người ví thác Prenn như chiếc cổng chào bằng nước hùng vĩ, độc đáo chào đón du khách đến Đà Lạt.
Để khám phá, chiêm ngưỡng dòng chảy vắt vẻo trên không của thác và ngắm cảnh đồi thông du khách có thể chọn lang thang bằng cầu treo hoặc trượt ngang qua thác bằng hệ thống cáp treo đều rất thú vị. Và đến thác du khách đừng bỏ qua món cháo cá lóc đặc sản của nơi đây nhé.
Thác Pongour
Thác Pongour hay còn được gọi là thác 7 tầng nằm cách Quốc lộ 20 chừng 7km, cách thành phố Đà Lạt 45km, thuộc xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Năm 2000 thác được nhà nước công nhận là danh thắng cấp quốc gia.
Thác gắn liền với truyền thuyết nàng tù trưởng Ka Nai xinh đẹp và 4 con tê giác đã tạo dựng nên cuộc sống ấm no, thịnh vượng của đồng bào K’Ho. Những năm gần đây, ở Pongour có tổ chức hội thác vào rằm tháng giêng với nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của người dân nơi đây.
Thác Cam Ly
Từ lâu, thác Cam Ly xinh đẹp đã đi vào thơ ca qua lời bài hát nổi tiếng: “Đà Lạt ơi có nghe chăng Cam Ly khóc tình đầu dang dở…”. Thác có độ cao 10m, được ví như một suối tóc của người thiếu nữ đổ từ trên cao xuống dưới trông rất đẹp. Nhưng một điều đáng buồn là hiện thác đang bị ô nhiễm nặng, không còn giữ được vẻ đẹp như ban đầu do ý thức giữ gìn của con người quá kém.
Tuy vậy, nếu du khách vẫn muốn đến thác Cam Ly hãy đi hết đường Hoàng Văn Thụ, thác nằm cách trung tâm Đà Lạt 2km về phía Tây.
Thác Voi
Sở dĩ có tên gọi thác Voi (tên gọi khác thác Liêng Rơwoa) bởi bên thác có những tảng đá nhìn như những chú voi con đáng yêu. Thác nằm cách thành phố Đà Lạt 25km về phía Tây Nam thuộc thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà.
Du khách đến thác bất cứ thời điểm nào trong năm cũng có thể nghe được tiếng thác đổ ầm ầm, bọt tung trắng xóa trông rất ấn tượng. Phía sau thác còn có nhiều hang động để du khách khám phá như hang Gió, hang Dơi… Lưu ý, để tránh những sự cố có thể xảy ra, tốt nhất nếu muốn khám phá thác du khách nên đi cùng nhiều người nhé!
Thác Hang Cọp
Tên gọi của thác do người dân địa phương đặt, tương truyền dưới chân thác có 1 hang cọp to là nơi trú ẩn của con cọp 3 chân hưng dữ. Sau đó, cọp đã bị người dân sát hại. Để đến thác từ trung tâm Đà Lạt du khách đi về phía Đông Bắc chừng 15km, thác thuộc thôn Túy Sơn, xã Xuân Thọ.
4. Vườn hoa tại Đà Lạt
Vườn hoa thành phố (ngay trung tâm thành phố)
Với những người yêu vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, muôn màu muôn sắc của Đà Lạt thì khi đến đây không thể bỏ qua vườn hoa thành phố. Nơi đây ngoài khu vườn địa lan khá lớn còn có rất nhiều loài hoa xinh đẹp khác như cẩm tú cầu, mimosa... Vườn nằm ngay trung tâm thành phố du khách có thể đến tham quan bất cứ lúc nào.
Vườn hoa Minh Tâm
Ngoài vườn hoa thành phố, một địa chỉ để du khách có thể đến thưởng ngọan các loại kỳ hoa dị thảo của Đà Lạt nữa là vườn hoa Minh Tâm nằm trên đường Mimosa cách trung tâm Đà Lạt 3km. Đây vốn là một biệt thự tư nhân cải tạo thành vườn hoa nên diện tích cũng khác khiêm tốn. Nơi đây khá thích hợp cho các đôi uyên ương đi hưởng tuần trăng mật.
5. Vườn dâu tây
Không chỉ nổi tiếng với ngàn hoa và ngàn thông, Đà Lạt còn nổi tiếng cả nước về dâu tây. Do đó, khi đến Đà Lạt nếu du khách bỏ qua thăm thú các vườn dâu tây là một điều đáng tiếc. Theo đó, du khách có thể đến các địa chỉ vườn dâu tây dưới đây để được tận mắt chứng kiến quy trình chăm sóc, thu hoạch và thưởng thức những quả dâu tây đỏ mọng ngay tại vườn.
Thường phí tham quan và hái dâu sẽ là 50 nghìn đồng/người. Du khách cũng lưu ý là giá cả dâu tùy vào từng mùa khác nhau nhé, tốt nhất nên hỏi giá cả trước khi vào vườn để quyết định hái nhiều hay ít.
Vườn dâu Nhật
Địa chỉ: 162 Thánh Mẫu, Phường 7, Đà Lạt. Điện thoại: 0167 315 8856 – 0907 811 557.
Vườn ngoài trồng dâu Nhật trên giàn thủy canh giá thể còn có trồng thêm cà chua
Vườn dâu Hiệp Lực
Địa chỉ: Khoảnh 17 – TK 144B Vòng Lâm Viên, Phường 8, Đà Lạt (trên đường vào Hồ Chiến Thắng). Điện thoại: 0633 755 052 – 0933 063 480.
Vườn trồng dâu Pháp và dâu NewZealand theo phương pháp bán thủy canh.
Vườn dâu của anh Nguyễn Lâm Thanh ở đường Đa Phú
Địa chỉ: 46 Đa Phú, Phường 7, Đà Lạt.
Điện thoại: 0984 858 696.
Vườn trồng dâu New Zealand trên giàn thủy canh giá thể.
Vườn dâu của anh Nguyễn Thành Trung ở phường 9
Địa chỉ: 35 Hồ Xuân Hương, Phường 9, Đà Lạt.
Vườn trồng dâu New Zealand theo phương pháp bán thủy canh.
Ngoài ra du khách có thể tham khảo thêm các vườn dâu khác trên địa bàn thành phố Đà Lạt
Lưu ý để đến được những địa chỉ vườn uy tín du khách nên hỏi người dân địa phương hoặc tham khảo trên các trang web lớn với sự tư vấn của các thành viên diễn đàn.
6. Các địa điểm tham quan nổi tiếng khác
Chợ Đà Lạt
Được ví như trái tim của thành phố, chợ Đà Lạt không chỉ diễn ra các hoạt động mua bán thông thường của người địa phương mà còn là điểm thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, mua sắm quần áo len, các loại bánh mứt về làm quà… Chợ nằm trên trục đường chính là đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Ga Đà Lạt
Ga Đà lạt hiện đã ngưng sử dụng, duy chỉ có tuyến đường sắt duy nhất hiện nay nhà ga còn phục vụ chính là tuyến thành phố Đà Lạt – Trại Mát dài 7km đưa du khách đến với Trại Mát và chùa Linh Phước.
Ga được Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, và là một địa điểm du lịch hấp dẫn của du lịch tại Đà Lạt. Đây được xem là nhà ga cổ kính nhất Việt Nam và Đông Dương với kiến trúc độc đáo ba mái hình chóp, là cách 3 đỉnh núi Langbiang do người Pháp xây dựng từ năm 1932 – 1939.
Trường ĐH Đà Lạt
Đây cũng là một điểm tham quan thú vị đối với nhiều du khách yêu thích vẻ đẹp dịu dàng, muôn màu của thành phố ngập tràn sắc hoa này. Có thể nói không có ngôi trường đại học nào ở Việt Nam đẹp và lãng mạn đến vậy khi lối đi từ giảng đường này qua giảng đường khác ngập tràn những hoa và thông. Chưa kể, đến đây vào tháng 12 du khách sẽ có cơ hội nhìn thấy mai anh đào nở bung dọc những con đường.
Đà Lạt sử quán
Nếu du khách muốn tìm hiểu về nghề tranh thêu nghệ thuật trên lụa hãy đến đây. Đà Lạt sử quán nằm cạnh thung lũng Tình Yêu, nơi đây được biết đến như một bảo tàng về nghề tranh thêu tay nghệ thuật. Bên cạnh đó du khách còn có cơ hội ăn uống thỏa thích các món miền Trung như bún bò Huế, cơm hến, bánh bột lọc… trong phố ẩm thực cũng thuộc nơi đây.
ẨM THỰC KHI DU LỊCH ĐÀ LẠT
1. Nem nướng
Nem nướng Đà Lạt có vị béo thơm đặc trưng của nem hòa quyện cùng vị tươi ngon của các loại rau ăn kèm như chuối, khế, bánh tráng và chén nước chấm đặc biệt mang đậm phong cách ẩm thực Đà Lạt.
2.Bún bò ấp Ánh Sáng
Món ăn này vốn là đặc sản của người Huế nhưng khi đến với xứ lạnh Đà Lạt đã có những biến tấu để hợp hơn với khẩu vị của người dân nơi đây. Đó là thay vì ăn với rau muống chẻ, ở Đà Lạt người ta thay bằng hoa chuối, giá và xá lách xắt nhỏ.
3. Bánh ướt lòng gà
Thoạt đầu nghe tên gọi du khách có vẻ như không muốn ăn nhưng khi đã ăn thử rồi du khách sẽ muốn trở lại thưởng thức thêm nữa. Điều làm nên sự độc đáo của món ăn đó là vị ngọt của lòng gà kết hợp cùng miếng bánh ướt dẻo mềm vô cùng lạ miệng và hấp dẫn.
4. Bánh tráng nướng
Đây là món ăn vặt hầu như du khách nào đặt chân đến Đà Lạt cũng không thể bỏ qua. Đây được ví như bánh pizza đường phố của Đà Lạt với nguyên liệu và cách chế biến khá công phu. Theo đó, trên bếp than hồng, mỡ hành, trứng cút, thịt băm, tép rang được lần lượt dàn trên chiếc bánh tráng mỏng và chỉ trong tích tắc thôi, bánh sẽ được nướng chín vàng tỏa mùi thơm phức.Bánh ăn cùng tương ớt cay khiến du khách vừa ăn vừa hít hà trong cái lạnh Đà Lạt tê người thật thú vị.
5. Món xắp xắp
Món ăn này tương tự gỏi khô bò ở Sài Gòn với nguyên liệu chính là đu đủ bào sợi, phổi bò, đậu phộng, hung quế, nước chấm chua ngọt… Tuy nhiên nếu có điều kiện du khách cũng nên thử tại Đà Lạt nhé.
6. Bánh bèo
Bánh bèo cũng là một trong những món ăn thú vị du khách không nên bỏ qua khi thăm thú Đà Lạt. Còn gì tuyệt vời hơn giữa cái lạnh se se du khách ngồi bên chén bèo bánh dai dai ăn cùng nước sốt tôm thịt nóng hổi và tán gẫu cùng du khách bè.
7. Chả ram bắp
Chả ram bắp được làm từ bắp non bào nhuyễn sau đó cuốn với bánh tráng và đem chiên giòn. Khi ăn lấy chả ram cuộn với bánh tráng và các loại rau tươi ngon ở Đà Lạt, chấm với tương đậu phộng. Món ăn đặc trưng của Đà lạt này sẽ khiến du khách nhớ mãi.
8. Bánh mì xíu mại
Ăn kèm với bánh mì là bát xíu mại làm nước ninh xương trong váng mỡ béo ngậy cùng viên thịt bé xíu, cộng thêm chút hành lá thái nhuyễn, tuy nhiên khi ăn lại rất thanh mà không hề ngấy. Có 3 cách phổ biến để thưởng thức là xé nhỏ bánh mì cho vào bát xíu mại, để nguyên miếng bánh mì lớn chấm nước dùng hoặc bỏ xíu mại vào giữa chiếc bánh mì. Ngoài các quán ngoài cổng trường học, cổng chợ, du khách có thể đến ngã ba Trần Nhật Duật – Hoàng Diệu để cảm nhận được hương vị đúng điệu của món ăn.
9. Bánh canh
Có thể ở Sài Gòn du khách đã thưởng thức tất cả các vị bánh canh của từng vùng miền, nhưng đừng vì vậy mà du khách không thưởng thức bánh canh Đà Lạt nhé. Không gì thú vị hơn khi du khách ngồi thưởng thức tô bánh canh với sợ bánh trăng trắng, mềm mềm, những lát chả cá dai dai, beo béo được chiên vàng ruộm thêm ít hành lá xắt nhuyễn giữa cái lạnh tê người của Đà Lạt.
10. Dâu tây kem
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu du khách bỏ qua món kem dâu tây khi đến xứ sở của các loại dâu. Kem dâu được làm từ dâu tươi, trứng sữa tươi và một số nguyên liệu khác. Thưởng thức vị kem chua chua ngọt ngọt mát lạnh giữa tiết trời Đà Lạt quả là một trải nghiệm tuyệt vời phải không?
ahaytravel.com