CẨM NANG HAY DU LỊCH BRUNEI
Du lịch Brunei từ A đến Z
Còn khá mới mẻ với du khách quốc tế nói chung và du khách Việt Nam nói riêng. Song trong những năm gần đây thì Brunei luôn là điểm đến hấp dẫn và vô cùng thú vị với nhiều đặc trưng về cảnh sắc thiên nhiên cũng như về ẩm thực và văn hóa.Là vương quốc Hồi giáo giàu có bậc nhất thế giới, đến Brunei bạn không chỉ được tham quan nhiều địa danh nổi tiếng mà còn có cơ hội khám phá, tìm hiểu cuộc sống xa hoa, vương giả của quốc vương đang trị vì đất nước này.
Du lịch Brunei vào thời gian nào ?
Brunei có khí hậu nóng ẩm và nhiều nắng. Nó cũng trải qua những trận mưa lớn trong mùa mưa. Từ tháng Chín đến tháng Một là những tháng mưa. Vì vậy thời điểm lý tưởng để đi du lịch Brunei vào khoảng thời gian từ tháng tháng 4 đến tháng 8. Thời tiết trong khoảng thời gian này rất dễ chịu, vì thế bạn nên đi du lịch vào thời gian này sẽ có một kỳ nghỉ ở Brunei thật lý tưởng. Nhiều du khách yêu thích du lịch Brunei thường lựa chọn thời điểm đi du lịch Brunei vào những khoảng thời gian ở trên. Vào dịp này ở Brunei sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc cùng với những lễ hội truyền thống độc đáo. Đi du lịch khám phá các điểm du lịch Brunei nổi tiếng vào khoảng thời gian này du khách sẽ được tham gia những lễ hội đặc sắc tại xứ sở dầu mỏ này.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
1. Di chuyển tới Brunei
Từ Việt Nam – Brunei không có chuyến bay thẳng vì thế bạn có thể mua vé máy bay tới Kula Lumper. Sau đó mua vé từ Kuala Lumper – Brunei. Cụ thể:
Nếu bạn ở Hà Nội và Tp.HCM có thể mua vé của 2 hãng hàng không Air Asia, Vietnam Airlines để đến Kuala Lumper. Sau đó, từ Kuala Lumper bạn có thể đến Brunei bằng 2 cách:
- Di chuyển bằng máy bay từ Kuala Lumper - Brunei: Tiếp tục mua vé của các hãng hàng không Malaysia hoặc của Royal Brunei Airlines đến Brunei.
- Di chuyển bằng đường bộ: Đến Malaysia bạn có thể mua vé taxi tới bến xe Miri Long Distance để tới Brunei, có giá là 26 Ringit (tương đương 180.000 đồng/chuyến). Hoặc mua vé của hãng PHL Express để tới Brunei, có giá khoảng 25 Ringit (khoảng 170.000 đồng/chuyến). Mỗi ngày có hai chuyến xuất bến vào lúc 7h00 và 15h45 hàng ngày.
Từ Bruinei để đi ngược về Malaysia chỉ có duy nhất hãng PHLS Express bán vé tại bến xe Bandar – Brunei, có giá khoảng 18 đôla Singapore.
Lưu ý: Những người mang quốc tịch Israel có thể bị cấm vào Brunei. Những nước Asean không cần Visa cũng có thể đến đây.
2.Phương tiện di chuyển, đi lại tại Brunei
Phương tiện giao thông chính ở Brunei là xe bus, ô tô và taxi. Mỗi loại hình phương tiện đều có những ưu điểm vượt trội riêng. Nếu bạn muốn đi vòng quanh khám phá thủ đô thì bạn nên đi xe bus, do ở đây hệ thống xe bus giá rất rẻ, an toàn lại thuận tiện. Song nếu bạn muốn đi sâu vào nội địa thì phải thuê xe hoặc đi tàu. Cụ thể như sau:
Đa số người dân Brunei đều có ô tô riêng do vậy cả nước chỉ có khoảng 50 chiếc taxi. nếu bạn muốn bắt taxi từ sân bay vào trung tâm thành phố sẽ mất chừng 20 phút với giá thành khoảng 25 – 30 Brunei Dollar. Nhưng bạn cũng chuẩn bị tâm lý chờ đợi khá lâu nhé.
Còn với xe bus: Điểm đặc trưng của xe bus ở Brunei là không có điểm chờ, bạn cứ đứng ở ven đường xe sẽ tới trong vòng từ 5 tới 10 phút bạn có thể nói với người lái xe về địa điểm đến. Giá vé cho một lượt di chuyển bằng xe bus ở Brunei là 1 Dollar Brunei.
- Các tuyến xe buýt chạy đường dài:
Tuyến sân bay quốc tế Brunei, bạn đón xe bus số: 23, 24, 34, 35, 36, 38.
Bruinei - Kuala Lurah: xe bus số 42, 44.
Kuala Belait - Tutong District - qua trạm Proposed Rimba Terminal: đón xe số 22, 57.
Kianggeh Jetty xe số: 39.
Labuan/Kg Menumbok (Kota Kinabalu) thông qua Muara Passenger/Car Ferry Terminal: xe số 33, 37, 38, 39.
- Xe bus tới các điểm tham quan trong thành phố:
Tới Bảo tàng Brunei Royal Regalia: Tất mọi tuyến xe bus ở Brunei đều chạy qua địa điểm này.
Tới thánh đường Jame Asr Hassanal Bolkiah Mosque; bạn đón xe tuyến số: 01, 20, 22.
Tới thánh đường Omar Ali Saifuddien Mosque: Tất cả các tuyến xe bus ở Brunei đều chạy qua địa điểm này.
Tới công viên Tasek Lama Recreational Park: Bạn đón xe bus tuyến số 01.
Đi thăm bảo tàng ở Brunei: Tất cả các tuyến xe bus của Brunei đều chạy qua địa điểm này.
Tới công viên Jerudong Park: Bạn đón xe bus tuyến số 55.
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH BRUNEI
1. Homestay - ở nhờ nhà của người dân bản địa
Người dân Brunei rất hiếu khách và sẵn sàng giúp đỡ người khác ngay cả người nước ngoài. Vì thế khi đến Brunei, bạn có thể xin ở nhờ nhà của người dân địa phương bằng cách đăng nhập vào trang mạng xã hội dành cho dân đi phượt Couchsurfing để đăng ký xin ở nhà dân. Nếu rảnh rỗi người dân nơi đây sẽ cho bạn lưu trú và đưa bạn đi thăm thú Brunei miễn phí.
2. Khách sạn tại Brunei
Giá thuê khách sạn ở Brunei khá cao trung bình khoảng 1,3 triệu/đêm/phòng.
Julibee Hotel (tiêu chuẩn 2 sao). Địa chỉ: Jubilee Plaza, Jalan Kampong Kianggeh, BS 8111 Bandar Seri Begawan.
The Brunei Hotel (tiêu chuẩn 3 sao). Địa chỉ: 95, Jalan Pemancha, BS8811 Bandar Seri Begawan.
Palm Garden Hotel Brunei (tiêu chuẩn 3 sao). Địa chỉ: Lot 45328, Simpang 88, Kampong Kiulap, BE1518 BSB.
Orchid Garden Hotel (tiêu chuẩn 4 sao). Địa chỉ: Lot 31954, Spg 9, Kg. Anggerek Desa, Jalan Berakas, BSB.
3. Nhà nghỉ bình dân
Nếu không có điều kiện ở khách sạn bạn có thể thuê nhà nghỉ giá rẻ khoảng 10 đô la Brunei tương đương 160.000 đồng.
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH BRUNEI
1. Hoàng cung Istana Nurul Iman
Cung điện hoàng gia Brunei nằm trên ngọn đồi cao được phủ đầy màu xanh của cây lá, nằm bên cạnh hạ lưu sông Brunei thơ mộng. Cửa cung điện hướng về phía thủ đô Bandar Seri Begawan. Đây là nơi ở chính của quốc vương Hassanal Bolkiah và hoàng tộc của ông. Đồng thời đây cũng là nơi làm việc của chính phủ Brunei, văn phòng Thủ tướng cũng được đặt tại đây.
Theo tiếng Ả rập Istana Nurul Iman có nghĩa là “Cung điện ánh sáng của các vị thánh”. Đây là hoàng cung giàu có và lớn nhất thế giới. Cung điện được xây dựng năm 1984, có tổng chi phí khoảng 1,4 tỷ USD, do kỹ sư nổi tiếng người Philipines là Leandro V.Locsin thiết kế theo kiến trúc Hồi giáo.
Toàn bộ khuôn viên cung điện rộng khoảng 200.000m² với 1.788 phòng. Trong đó 257 phòng tắm, 564 đèn chùm, 51.000 ngọn đèn, 44 cầu thang bộ, 18 cầu thang máy, 5 hồ bơi được trang bị đầy đủ tiện nghi. Tất cả các phòng trong cung điện đều được gắn máy lạnh kể cả chuồng nuôi ngựa của nhà vua.
Bên trong khuôn viên cung điện còn có một thánh đường có sức chứa trên 1.500 người, phòng khách chứa trên 4.000 người, phòng ăn có sức chứa trên 5.000 người.
Đặc biệt tất cả các phòng làm việc của quốc vương và chính phủ đều được trang trí nội thất cao cấp, sang trọng với những thiết kế tinh xảo được làm từ đá quý, vàng, bạc… Trên mái vòm của cung điện được dát vàng càng tôn lên vẻ sang trọng, giàu có và quyền lực của hoàng cung. Đây là một điểm tham quan bạn không thể bỏ qua khi đến Brunei.
2. Bảo tàng Hoàng gia Royal Regalia
Bảo tàng hoàng gia Royal Regalia là nơi trưng bày và lưu giữ tất cả mọi thứ về cuộc sống của hoàng gia Brunei qua các thời kỳ khác nhau. Nhưng chủ yếu là trưng bày về cuộc sống và sự giàu có, xa hoa của quốc vương đang trị vì. Tham quan bảo tàng bạn sẽ hiểu thêm về lối sống và sinh hoạt của gia đình hoàng gia.
Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần để đón khách tham quan.
3. Khu làng nổi Kampong Ayer
Kampong Ayer là khu làng nổi cổ nhất Brunei, trên 600 tuổi. Những ngôi nhà ở đây đều rất đơn sơ. Mặc dù chỉ là một ngôi làng nhỏ nhưng Kampong Ayer có đủ trường học, cơ quan hành chính, cây xăng và chợ. Để tham quan làng bạn phải di chuyển bằng thuyền gỗ. Đây sẽ là một trải nghiệm đầy thú vị cho những ai yêu thích phong cảnh làng quê yên bình.
4. The Empire Hotel
Là khách sạn sang trọng và cao cấp nhất khu vực châu Á, thuộc top 10 khách sạn đẹp nhất thế giới. Khuôn viên khách sạn rộng 180ha với 443 căn phòng được trang trí lộng lẫy. Đây là một địa điểm du lịch hút khách ở Brunei. Vì thế nếu có dịp đến vương quốc giàu có và xinh đẹp này bạn nhớ tham quan The Empire Hotel & Country Club nhé.
5. Công viên giải trí Jerudong
Jerudong là công viên giải trí hiện đại và lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được xây dựng năm 1994 do nhà vua xây dựng để tặng cho người dân của mình. Toàn bộ khuôn viên công viên rộng 104ha, trong đó có những đảo nhỏ nhân tạo, dinopark, sân chơi, rạp chiếu phim… Tất cả tạo nên một khu vui chơi đầy màu sắc, là thiên đường vui chơi dành cho các em nhỏ. Nơi đây trở thành điểm du lịch hấp của Brunei.
6. Chùa Chinese Temple
Nằm ngay giữa trung tâm thủ đô Bandar Seri Begawan, chùa có kiến trúc khá độc đáo. Là nơi thờ cúng tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa sống tại Brunei.
7. Khu chợ trời Pasar Malam Gadong
Là khu chợ có hoạt động buôn bán sầm uất, đặc biệt Gadong bán nhiều thức ăn ngon và rẻ. Vì thế nếu đi du lịch bụi bạn đừng quên ghé qua khu chợ này nhé. Vừa được tham quan khu chợ vừa được ăn những món ăn ngon mà không phải lo về túi tiền.
8. Khu chợ trời Tamu Kianggeh (Open Market)
Đây là khu chợ trời lớn nhất Brunei, chợ chuyên bán các loại thực phẩm rau, quả, thịt cá. Bên cạnh đó chợ còn gần bến xe là địa điểm thích hợp để tham quan trung tâm thành phố.
9. Thánh đường Jame Asr Hassanil Bolkiah
Thánh đường Jame Asr Hassanal Bolkiah gần cung điện Hoàng gia Brunei, đây là nhà thờ Hồi giáo đẹp và lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nhà thờ được xây dựng trong vòng 6 năm với tống vốn đầu tư trên 200 triệu USD (tương đương 4.100 tỷ đồng).
ẨM THỰC KHI DU LỊCH BRUNEI
1. Sầu riêng
Sầu riêng ở Brunei khá đặc biệt, có quả rất to nhưng lại có quả lại nhỏ như kiểu mít tố nữ nhưng đều rất mềm rất thơm và mềm. Đây là một trong những món ăn rất phổ biến ở Brunei.
Thời xưa sầu riêng là món ăn dành cho bậc hoàng thân trong vương triều Brunei. Những quả sầu riêng ở Brunei có múi khá to và thơm. Ngoài ra, người dân Brunei cũng chế biến được rất nhiều món ăn ngon từ sầu riêng như các loại bánh, các loại kẹo, hay nước uống.
2. Ambuyat
Ambuyat là món ăn được chế biến từ cây cọ Sago. Ở Brunei cây cọ Sago trồng khá nhiều, người dân dùng cây cọ Sago với nhiều mục đích khác nhau. Người dân Brunei dùng phần thân cây bào nhuyễn rồi đem đi đun trong nước trong nhiều giờ cho đến khi nó sánh lại, trong veo và có màu đục đục. Vị của Ambuyat rất nhạt nên thường được dùng kèm với nhiều loại sốt tùy thuộc vào sở thích của bạn nhưng ngon nhất là sốt bơ đậu phộng. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người dùng Ambuyat để giảm cân vì Ambuyat chủ yếu là nước.
3. Cá nướng Brunei
Cá nướng là món ăn truyền thống độc đáo, thơm ngon, bổ dưỡng nhưng rất lạ miệng với du khách khi ghé thăm Brunei. Món cá nướng được chế biến từ những loại cá to, thịt cá nhiều và dày. Trước khi nướng cá được làm sạch ruột và bùn đất, sau đó được tẩm ướp các loại gia vị đặc trưng. Món này thường được dùng chung với những loại nước chấm đặc trưng, tuy nhiên mỗi gia đình sẽ có cách pha chế nước chấm khác nhau.
4. Bánh bột mì nướng
Giống với tên gọi, đây là một loại bánh mỳ nướng được làm từ bột mì, sau đó được cắt lát thành từng miếng mỏng. Tùy theo từng nhà hàng hay gia đình mà công thức chế biến món này khác nhau vì thế hương vị bên trong bánh rất đa dạng và phong phú. Bánh thơm mùi đặc trưng của bột mì, mùi sữa béo ngậy và vị bùi của các loại hạt. Bánh thường được ăn kèm với các loại sốt, thịt và rau củ hầm.
5. Thịt cừu xào
Ở Brunei, du khách có thể dễ dàng thưởng thức món thịt cừu. Phần lớn người dân ở đây theo đạo Hồi nên thịt cừu là loại thực phẩm khá phổ biến nơi đây. Để làm món thịt cừu xào, người dân Brunei thường tẩm ướp thịt với những gia vị đặc trưng sau đó xào chung với các loại rau củ. Đây là món khá dễ ăn, thịt cừu xào thường ăn kèm với cơm trắng hay bún tươi.
6. Gà nướng
Gà nướng là món ăn quen thuộc của người dân vương quốc Brunei. Món gà nướng có trong các bữa ăn gia đình hay trong các hàng quán từ sang trọng đến bình dân. Món này cũng thường xuất hiện trong các tiệc chiêu đãi của quốc vương với các vị khách. Để chế biến món này, gà sau khi được làm sạch sẽ được ướp với nhiều gia vị đặc trưng. Tuy mỗi đầu bếp có một cách thức ướp khác nhau nhưng món này phải có độ mặn vừa phải, ngấm vị qua từng miếng thịt. Món gà nướng thường ăn kèm các loại rau cùng nước chấm đặc trưng.
7. Ketupat
Ketupat là một loại bánh gạo bọc trong lá dứa hoặc lá cọ. Những hạt gạo sau khi rửa sạch được bao trong một lá cọ đan kết lại và đun sôi để làm chín. Ketupat là món ăn bất kể sang giàu. Những người dân nghèo thường mua loại bánh giá rẻ được bán rong ngay trên hè phố và ăn bánh gạo "chay" qua bữa hay cùng một xiên thịt nướng. Trong khi đó, giới công chức văn phòng thường mua Ketupat tại các cửa hàng chuyên bán bánh gạo, rồi cắt nhỏ bánh ăn kèm các món thức ăn mang theo. Trong bữa cơm của người giàu, chiếc bánh gạo được dùng bằng chất gạo ngon, bày đẹp trên đĩa cùng nhiều món đồ ăn khác.
8. Mì xào thịt cừu
Là món ăn kèm trong các bữa cơm chính của người dân Brunei. Những cọng mì được trụng sơ qua nước sôi cho mềm, sau đó được xào chung với thịt cừu đã tẩm ướp gia vị vừa ăn theo khẩu vị của từng người. Mì xào thường ăn chung với nhiều loại rau xanh khác nhau. Đây là món ăn phổ biến trong các bữa ăn của người dân Brunei vì vậy bạn có thể tìm thấy món này ở bất cứ nơi nào của Brunei.
ahaytravel.com (tổng hợp)