CẨM NANG HAY DU LỊCH AN GIANG
Du lịch An Giang từ A đến Z
Nổi tiếng với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, những khu rừng đa phong cách tuyệt đẹp của miền Tây sông nước, An Giang đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của nhiều du khách.
Du lịch An Giang vào thời gian nào ?
Du khách có thể tới An Giang vào bất kì thời điểm nào trong năm, tuy nhiên nếu du khách muốn tìm hiểu về văn hóa cũng như đời sống nhộn nhịp của người dân nơi đây nên tới vào tháng 4 và tháng 8 âm lịch, vì đây là thời điểm diễn ra hai lễ hội lớn ở An Giang đó là lễ hội bà chúa xứ núi Sam (diễn ra vào ngày 23 đến ngày 24/4 âm lịch) và lễ hội đua bò đặc sắc diễn ra vào cuối tháng 8 âm lịch.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Từ Sài Gòn các du khách có thể di chuyển tới An Giang theo 2 cách là đi bằng ô tô hoặc xe máy:
Đi bằng ô tô mua vé đi Long Xuyên hoặc Châu Đốc ở bến xe miền Tây (khoảng 150.000 – 300.000 đồng). Khi tới 2 địa điểm trên các du khách có thể đi bằng xe ôm, xe lôi hoặc taxi để di chuyển tới các điểm du lịch ở An Giang.
Đi bằng xe máy theo hướng từ Sài Gòn – Châu Đốc như sau: Theo quốc lộ 1 đến ngã 3 An Thái Trung (chợ An Hữu) – rẽ phải về Cao Lãnh – qua phà Cao Lãnh theo bờ sông Tiền đến Chợ Mới – qua phà Hậu Giang cập bờ sông Hậu – đến phà Năng Gù – chạy theo quốc lộ 91 khoảng 30km là tới núi Sam. (Toàn bộ hành trình khoảng 220km.
Từ Hà Nội muốn di chuyển tới An Giang các du khách nên đi máy bay của các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar…tới Sài Gòn rồi di chuyển theo lộ trình trên. Hoặc có thể đi xe khách tới Sài Gòn.
LƯU TRÚ KHI DU LỊCH AN GIANG
- Khách sạn Hòa Bình 2
Địa chỉ: Lê Hồng Phong, Long Xuyên, An Giang
Điện thoại: 076 3954 954
- Khách sạn Đông Xuyên
Địa chỉ: Lương Văn Cù, Mỹ Long, tp. Long Xuyên, An Giang
Điện thoại: 076 3942 260
- Khách sạn Helen Ngọc Giang
Địa chỉ: 173 Nguyễn Thái Học, Mỹ Bình, tp. Long Xuyên, An Giang
Điện thoại: 076 3956 979
- Khách sạn An Long
Địa chỉ: 281, 279 Trần Hưng Đạo, Mỹ Xuyên, Long Xuyên, An Giang
Điên thoại: 076 3843 298
- Khách sạn Hòa Bình
Địa chỉ: 130 Trần Hưng Đạo, Mỹ Bình, tp. Long Xuyên, An Giang
Điện thoại: 076 3857 227
- Khách sạn Bến Đá Núi Sam
Địa chỉ: Quốc lộ 91, Châu Đốc, An Giang
Điện thoại: 076 3861 745
- Khách sạn Sao Khuê
Địa chỉ: Trần Hưng Đạo, Mỹ Thạnh, tp. Long Xuyên, An Giang
Điện thoại: 076 3935 486
- Khách sạn Châu Phố
Địa chỉ: Trưng Nữ Vương, Châu Phú B, Châu Đốc, An Giang
Điện thoại: 076 3564 139
- Khách sạn Trung Nguyễn
Địa chỉ: 86 Bạch Đằng, Châu Phú A, Châu Đốc, An Giang
Điện thoại: 090 337 60 21
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH AN GIANG
Búng Bình Thiên
Cách Châu Đốc khoảng 30 km, Búng Bình Thiên hay còn có tên gọi là hồ nước trời, thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Campuchia. Búng rất đẹp vào mùa nước nổi với sắc vàng bông điên điển xen giữa sắc xanh lục bình. Xung quanh búng là ngôi làng Chăm còn vẹn nguyên những giá trị văn hóa xưa.
Rừng Tràm Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư thuộc huyện Tịnh Biên, có diện tích khoảng 850 ha với hệ sinh thái phong phú, là biểu trưng cho vẻ đẹp mùa nước nổi An Giang. Trải nghiệm đi thuyền giữa thảm bèo xanh ngút ngàn, len lỏi trong các ngóc ngách của rừng tràm, nghe tiếng chim chóc đùa giỡn trên tán tràm sẽ rất khó quên.
Cánh đồng Tà Pạ
Cánh đồng Tà Pạ ở huyện Tri Tôn vào mùa nước nổi như một tấm thảm rộng lớn với những đồng lúa xanh ngắt và những hàng
thốt nốt hiên ngang giữa trời xanh. Nhìn từ trên cao, Tà Pạ như một tấm thảm xanh ngút ngàn màu lúa, lác đác điểm tô bằng những ngọn thốt nốt cao vút.
Thất Sơn
Thất Sơn là tên gọi chung bảy ngọn núi huyền thoại ở tỉnh An Giang gồm: núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn), núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Dài Nhỏ hay núi Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn) và núi Nước (Thủy Đài Sơn).
+ Ngũ Hồ Sơn – núi “năm giếng”
Trước khi đến núi Cấm, du khách sẽ đi ngang qua thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, ở đây có Ngũ Hồ Sơn, mà dân trong vùng quen gọi là Núi Dài Nhỏ hay núi Năm Giếng. Với độ cao trên 268m, đây là ngọn núi cao đứng hàng thứ tư trong Bảy Núi. Đường lên đỉnh Ngũ Hồ Sơn không một bóng người, bị chắn ngang bởi vồ đá chông chênh, phải bám dây leo để bò lên và phải chặt cây mở đường. Với du khách đi núi, thăm cảnh đẹp thông thường, điểm đầu tiên nên khám phá là khu vực năm giếng được tạo thành bởi năm hốc đá đầy ắp nước nằm san sát nhau như năm cái giếng. Đặc biệt, nước trong lòng đá tiết ra quanh năm, thậm chí có lúc còn tràn qua miệng giếng chảy thành dòng xuống mặt đất. Dân gian thường hay kể, trên đỉnh Thất Sơn hầu hết đều có “giếng Tiên” được cấu tạo từ mạch nước núi đá chảy ra vừa tích tụ, vừa xói mòn, nhưng không nơi đâu tập trung một chỗ như núi Dài Nhỏ.
+ Anh Vũ Sơn – núi Két
Anh Vũ Sơn hay núi Két là ngọn núi nhỏ cao khoảng 252m so với mặt biển, thuộc xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang. Từ xa xa, ngước nhìn lên đã thấy đầu “Ông Két” khổng lồ nằm ở lưng chừng núi. Đá núi đã cấu tạo nên dáng hình kỳ vĩ cho Anh Vũ Sơn. Đi theo những bậc tam cấp đá quanh co, du khách bắt đầu chinh phục ngọn núi có nhiều huyền thoại này.
Núi Két có trên chục địa điểm tham quan hấp dẫn. Từ dưới lên, du khách sẽ lần lượt viếng các điểm như: mỏ Ông Két, điện chư vị Năm non bảy núi, điện Trúc Lâm, sân Tiên, giếng Tiên, điện Ngọc Hoàng, điện Phật thầy, điện Chiến sĩ, điện Ba cô, điện Huỳnh Long, điện U Minh điện Phật mẫu ... Mỏ Ông Két nằm ở độ cao khoảng chừng hơn trăm mét, đi bộ khoảng 20 phút. Đứng trên mỏ Ông Két giữa trời xanh bao la lộng gió, có cảm giác như núi Anh Vũ đang bồng bềnh trôi, bởi những đám mây sương luôn bay lướt qua với thiên hình vạn trạng. Phía trước mặt theo hướng mỏ Ông Két là núi Dài hùng vĩ. Phía sau lưng mỏ Ông Két là điện thờ chư vị “Năm non bảy núi”, được hiểu như là những bậc tiền nhân đã có công khai hoang vùng Thất Sơn, từ buổi nơi đây còn là một vùng rừng núi hoang vu với nhiều thú dữ và lam sơn chướng khí.
Theo tài liệu lịch sử, Thất Sơn thuộc xứ Đàng Trong từ năm 1759, lúc vùng đất này được khai phá. Cũng từ đó, nhiều đạo sĩ đến nương náu ở núi Két để tu luyện, trong số đó, có ông Đoàn Minh Huyên được tín đồ tôn xưng là Đức Phật Thầy Tây An, người khai sáng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.
Lên đến mỏ Ông Két, du khách sẽ cảm thấy tan đi những mệt nhọc bởi nhiệt độ ở đây thường vào khoảng 18 - 24oC, nên dù giữa trưa trời nắng gắt nhưng vẫn cảm thấy mát lạnh. Một điều kỳ thú là trên đỉnh núi Két lại có “giếng”, dân gian gọi là “Giếng Tiên”. Nước ở giếng trong vắt, mát lạnh. Cho đến giờ, người ta vẫn chưa biết được vì sao mà có giếng này, và nước trong giếng có từ đâu? Một điểm tham quan gây ấn tượng mạnh khác là điện U Minh, nơi thờ Diêm Vương, vị chúa tể của cõi âm. Qua những ngõ ngách thâm u sâu trong lòng núi để vào điện U Minh, bước vào cửa du khách sẽ thấy hai con mãng xà đá khổng lồ đang giương mắt, phùng mang trông rất dữ tợn. Trung tâm điện U Minh rộng chừng 40m2, giữa điện có tượng Địa Tạng Vương (Diêm Chúa), thấp hơn về bên trái là Phán Quan đang tra sổ sinh tử, dưới bệ là Ngưu Đầu, Mã Diện cầm binh khí đứng hầu. Ở điện U Minh còn có một cái hang rất sâu khoá kín, tương truyền có thể thông qua núi Tà Lơn bên Campuchia.
+ Phụng Hoàng Sơn – chim phụng hoàng sải cánh
Phụng Hoàng Sơn hay núi Cô Tô thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, có hình dáng như con chim phụng hoàng đang xoãi cánh bay giữa đồng bằng mênh mông. Có điều ở vạt núi chếch về phía tây, được ví là đuôi chim phụng, đang bị lở lói từng ngày bởi những tiếng nổ mìn rung chuyển núi rừng từ những công trường khai thác đá ngày đêm. Chẳng biết đến lúc nào thì ngọn núi hình chim phụng hoàng rồi sẽ chỉ còn trong sách vở!
Chỉ mất vài chục phút xe ôm, khách đã tới Sân Tiên, ở độ cao 298m, sau đó cuốc bộ theo lối mòn đến đỉnh Cô Tô. Lên đến chóp đỉnh Cô Tô, du khách sẽ chạm tay vào cột mốc bêtông ở độ cao 614m. Xuống núi, tới vồ Hội - một phiến đá rộng rãi, chênh vênh trong khuôn viên chùa Bồng Lai, đây là nơi hành hương của khách thập phương, cũng là điểm lý tưởng để ngắm toàn cảnh vùng biên giới Tây nam với núi Dài, núi Cấm phía bắc, núi Tà Lơn phía tây và huyện lỵ Tri Tôn phía nam.
+ Liên Hoa Sơn – núi voi
Núi Tượng (Liên Hoa Sơn) ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn chỉ cao 145m và chu vi 3.825 m. Nhiều người cho đây là một phần trong Thất Sơn. Từ xa núi trông giống hình dạng con voi nên có tên là Núi Tượng. Trước năm 1870, vùng núi này hãy còn hoang vu, nhưng kể từ năm này, nhờ ông Ngô Lợi, người khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (gọi tắt là đạo Hiếu Nghĩa), đưa một số đệ tử vào khai hoang lập thôn ấp, sau này trở thành làng An Định, An Hòa, An Thành, An Lập, rồi dựng chùa Tam Bảo, chùa Phi Lai khiến nơi đây ngày một trở nên đông đúc.
+ Thủy Đài Sơn – núi nước
Núi Nước (Thủy Đài Sơn) cũng nằm trong thị trấn ba Chúc huyện Tri Tôn , là ngọn núi nhỏ nhất trong Thất Sơn. Núi cao 54 mét, chu vi 1.070m, nằm giữa những cánh đồng rộng lớn, cách núi Tương khoảng 600m. Nhiều người tin rằng, mặc dù ở vùng này có nhiều núi cao hơn, trải dài hơn nhưng núi Nước được người xưa đặt tên và đưa vào Thất Sơn, có thể do sự tác động bởi những quan niệm thần bí, siêu nhiên trong dân gian ... Khi chưa có đê bao chống lũ, vào mùa nước nổi (khoảng tháng 8 đến cuối tháng 10 âm lịch), chung quanh núi này là một biển nước mênh mông, đỏ hồng phù sa. Do vậy, núi có tên là núi Nước.
Ngay chân núi có chùa Linh Bửu, do Ngô Lơi, giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cho xây dựng vào ngày 9/6/1884 (năm Giáp Thân). Tương truyền trên đỉnh núi, thuở xa xưa ai đó đã chôn sâu một trụ đá khắc chữ Tàu để trấn ếm long mạch, nhưng sau này đã được Ngô Lợi cho đào lên phá hủy, và sau nữa người ta dựng lên ở đỉnh một con rùa bằng đá và xi măng.
+ Ngọa Long Sơn – núi Rồng
Núi Dài (Ngọa Long Sơn) cũng nằm trên địa bàn huyện Tri Tôn, đỉnh núi gần như bằng phẳng trải dài hơn 8km, nên khó xác định đâu là điểm cao nhất. Dù trên núi có hai di tích lịch sử quốc gia là điện Trời Gầm và đồi Ma Thiên Lãnh, nhưng Ngọa Long Sơn vẫn là con rồng đang yên ngủ bởi chưa khai thác du lịch được. Xưa kia trên núi Dài từng đầy rẫy thú dữ. Tương truyền vào năm 1819, khi Thoại Ngọc Hầu đưa quân xuống đóng trại tại Ba Chúc, chuẩn bị đào kênh nối Châu Đốc - Hà Tiên, đêm xuống tuy người đông nhưng lúc nào cũng phải nổi lửa hoặc đánh động để xua đuổi cọp thường lảng vảng xung quanh.
Huyền thoại Thất Sơn còn nói tới con nưa chín mũi (giống như trăn nhưng mũi có tới chín lỗ nhỏ) hết sức hung dữ, có con thân mình to bằng cây cột nhà! Đường lên núi Dài có thể nói là gian truân nhất trong số các ngọn núi vùng Thất Sơn. Càng lên cao cây cối càng dày đặc, che khuất hẳn lối đi, phải cố gắng lắm du khách mới chinh phục đĩnh núi có độ cao là 578m.
+ Núi Cấm - “nóc nhà” đồng bằng sông Cửu Long
Núi Cấm, người địa phương thường gọi núi Ông Cấm, tên chữ là Thiên Cấm Sơn, từ xưa được tôn vinh là ngọn núi hùng vĩ, linh thiêng và kỳ bí nhất trong Bảy Núi. Theo truyền tụng, lúc Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn truy bắt phải lên núi lánh nạn, để dấu tung tích, quan quân phải cấm dân lai vãng và phao tin trên núi rừng già hiểm trở, thú dữ ngày đêm rình rập giết hại người lên núi. Một giả thuyết khác cũng khá thuyết phục đó là ngài Đoàn Minh Huyên tức Phật Thầy Tây An từng cấm các đệ tử không được xâm phạm núi thiêng vì sợ ô uế. Cấm Sơn còn mang trong mình biết bao truyền thuyết kỳ bí: chuyện các vị đạo sĩ tu đắc đạo thành Tiên, chuyện người khai sơn đả hổ, chém mãng xà thu phục ác thú, chuyện những người ngậm ngải tìm trầm, tìm kho báu biến thành “xà niêng” điên dại...
Có hai con đường lên núi Cấm, một là đường bê tông bên sườn núi dành dài 6 km cho xe ô tô chở khách từ khu Du lịch Lâm Viên tới chùa Vạn Linh, và một lối nhỏ năm xưa dọc theo rừng với nhiều ngã rẽ vào chùa chiền, miếu mạo, thắng cảnh chung quanh. Men theo lối nhỏ sau hai tiếng đồng hồ rong ruổi trên những bậc đá gập gềnh, chật hẹp giữa không gian yên tĩnh và khí hậu lúc nào cũng mát mẻ, cây cối thưa dần, chẳng bao lâu du khách thoát khỏi cánh rừng. Đặt chân đến độ cao 535m, nhìn hướng Đông du khách sẽ bắt gặp tượng đức Phật Di Lặc nặng đến 600 tấn trắng tinh, cao vút nổi bật giữa chốn trời xanh, tác giả là nhà điêu khắc Thụy Lam. Thật khó tin giữa chốn thâm sơn cùng cốc, địa hình phức tạp như vậy mà người ta có thể xây dựng một tượng đài cao đến 33,60 m và khá nghệ thuật. Tượng phật Di Lặc ở núi Cấm đã được Trung tâm sách kỷ lục (Vietbooks) công nhận là tượng lớn nhất Việt Nam. Để hoàn thành bức tượng Phật sinh động này, các nghệ nhân đã phải thi công suốt ba năm.
Khu di chỉ Óc Eo
Đây là một địa danh được nhiều người trong và ngoài nước biết đến: là một khu di tích cổ rộng lớn, gắn liền với vết tích vật chất của vương quốc Phù Nam, một quốc gia hùng mạnh ở vùng Đông Nam Á cách nay khoảng hai nghìn năm.
Hiện nay, khu di chỉ Óc Eo không những đón các nhà sưu tầm, khảo cổ đến nghiên cứu mà còn hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu các di chỉ, vết tích về một thời kỳ phát triển rực rỡ của vùng đất An Giang xưa và đồng bằng sông Cửu Long.
Miếu bà chúa Xứ
Tọa lạc tại chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, Châu Đốc. Đây là địa điểm không chỉ lý tưởng cho chuyến đi hành hương, mà còn là nơi để du khách có thể tận hưởng không khí trong lành của núi Sam ở độ cao gần 300 m và nhìn toàn cảnh Châu Đốc cùng kênh Vĩnh Tế.
Chợ Châu Đốc
Chợ Châu Đốc được xem như “vương quốc mắm” với rất nhiều sạp bán mắm và khô đủ loại. Nếu là lần đầu tiên về An Giang, đừng bỏ qua chợ Châu Đốc với những trải nghiệm thú vị về cuộc sống của người dân vùng nước nổi.
Làng nổi Châu Đốc
Điểm du lịch độc đáo nhất ở Châu Đốc chính là làng bè nổi, nét văn hóa đặc sắc mang đậm phong cách của vùng sông nước. Xuồng, ghe là phương tiện chủ yếu của mỗi gia đình ở những làng nổi này. Ở đây, mỗi chiếc bè như một căn hộ kết nối nhau trải dài dọc hai bờ sông. Mỗi chủ bè có ít nhất 3-4 chiếc bè, thường có thêm một chiếc bè sinh sống cặp bên. Đặc biệt, gần đây, một số người dân có xu hướng đóng bè xuống sông định cư. Cuộc sống của gia đình được gói gọn trên chiếc bè ngang 4m, dài 7-8m.
Làng người Chăm Châu Giang
Cộng đồng người Chăm sống ở An Giang khá nhiều, hình thành những xóm làng xen kẽ với người Kinh, tụ hợp đông đảo nhất có lẽ là ở huyện An Phú. Để đến thăm làng người Chăm Châu Giang, du khách chỉ cần đi qua phà Châu Giang đến Cồn Tiên là đã tới. Làng người Chăm Châu Giang khá bình yên, với những ngôi nhà sàn độc đáo và những thánh đường Hồi Giáo có kiến trúc tháp tròn đặc sắc bởi người Chăm ở đây đều theo đạo Hồi.
Chợ Tịnh Biên
Cách biên giới Campuchia chừng hơn 1 km, du khách sẽ bắt gặp chợ Tịnh Biên nằm ngay trung tâm thị trấn Tịnh Biên. Du khách rất thích ghé thăm ngôi chợ này để mua các loại trái cây cũng như các món ăn được chế biến từ côn trùng rất ngon mà lại rẻ. Ngoài ra, một số các mặt hàng của Thái Lan, Campuachia cũng được này bán ở đây với giá cả phải chăng.
Khu du lịch núi Sập
Khu du lịch núi Sập là tên gọi chung cho Khu du lịch hồ Ông Thoại và Đền thờ Thoại Ngọc Hầu nằm dưới chân núi Sập, thuộc thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Nơi đây có cảnh quan hài hòa với thiên nhiên, và còn mang nhiều dấu ấn của một thời mở cõi.
Núi Sập có tên chữ là Thoại Sơn, là ngọn núi lớn nhất trong cụm bốn núi gồm: núi Sập, núi Nhỏ, núi Bà và núi Cậu. Núi Sập có độ cao 85m với chu vi 3.800m. Trước kia, ngọn núi này có hình dáng con thỏ nằm phủ phục bên những đồng lúa bạt ngàn.
Theo thời gian, núi Sập bị biến dạng thành những hình khối muôn màu, bởi quá trình khai thác đá kéo dài, chân núi bị đục khoét trở thành hầm hố có độ sâu trên chục mét khiến người ta lo sợ ngọn núi sẽ đổ sập như đúng cái tên mà người xưa đã khéo đặt.
Ngày nay, đường lên núi Sập đã được mở rộng, có thể chạy xe lên tận đỉnh, dù không cao lắm nhưng vẫn đủ mang lại cho du khách cảm giác sảng khoái nhờ khí trời trong lành, và có thể ngắm bao quát được cả thị trấn Núi Sập, bao quanh là những đồng lúa mênh mông.
+ Khu du lịch hồ Ông Thoại
Chính những hố sâu và rộng do khai thác đá dưới chân núi Sập, lại trở thành ý tưởng làm khu du lịch bằng cách dẫn nước vào đầy, tạo nên các lòng hồ xanh biếc và thông nhau bằng đường hầm xuyên núi, sau đó xây dựng thêm các hạng mục công trình phục vụ khách tham quan...
Khu lòng hồ này rộng khoảng 9ha, chia thành 3 hồ. Hồ lớn và đẹp nhất được đặt tên là hồ Ông Thoại, nhằm tưởng nhớ công lao khai phá vùng đất An Giang và đào kênh Thoại Hà của Thoại Ngọc Hầu. Bởi vậy, nơi đây còn được gọi là Khu du lịch hồ Thoại Sơn hay Khu du lịch lòng hồ núi Sập.
Trên lòng hồ Ông Thoại được xây những cây cầu bằng sắt sơn đỏ, như cầu Mai An Tiêm, cầu Vọng Nguyệt... nối nhịp qua những “ốc đảo” giữa hồ. Trên các đảo đá nhỏ có đặt những bức tượng hình thần Siva, tháp pongar, linga, yoni... được điêu khắc dựa theo hình dáng của những cổ vật Óc Eo.
Giữa hồ là bức tượng Thoại Ngọc Hầu cao hơn 10m, được dựng trang trọng, thế đứng hiên ngang, quay lưng vào núi Sập, chỉ tay về phía kênh Thoại Hà. Phía sau tượng là bản dịch bia Thoại Sơn được khắc theo bản dịch chữ Quốc ngữ từ bia gốc, nhằm tưởng nhớ công lao của các vị tiền nhân mở cõi.
Một góc khác của khu du lịch hồ Ông Thoại còn có ngôi chùa Một Cột với vẻ thâm trầm. Hay gần phía cổng là ngôi nhà lục giác trưng bày bức thư pháp đạt kỷ lục có chữ “tâm” nhiều nhất Việt Nam, với 108 vần lục bát độc đáo, đề cao cái tâm trong sáng và tấm lòng hướng thiện của con người.
Ngoài ra, vui chơi ở khu du lịch hồ Ông Thoại thì du khách có thể thong thả đạp vịt, bơi xuồng trên mặt hồ tĩnh lặng, hay len lỏi qua các đường hầm trong lòng núi để đi từ hồ này sang hồ khác, thỏa thích ngắm nhìn trời mây non nước hữu tình...
+ Đền thờ Thoại Ngọc Hầu
Ngay phía ngoài khu du lịch hồ Ông Thoại, bên triền núi Sập là ngôi đền thờ Thoại Ngọc Hầu được dựng vào năm Minh Mạng thứ ba 1822. Nơi đây còn lưu giữ tấm bia cổ Thoại Sơn, ghi bài văn do chính ông biên soạn để đánh dấu công trình đào kênh Thoại Hà vào năm 1818.
Bia Thoại Sơn là loại bia ký nổi tiếng ở Việt Nam dưới chế độ phong kiến còn lưu lại đến ngày nay. Tấm bia bằng đá, cao 3m, ngang 1.2m, bề dày 2 tấc, mặt bia chạm đúng 629 chữ Hán, nét chữ vẫn còn sắc đẹp. Năm 1990, bia Thoại Sơn đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ngoài tấm bia quý, các công trình khác của ngôi đền mang đậm vẻ cổ kính, được bố trí hài hòa giữa không gian rợp mát bóng cây cổ thụ. Hằng năm, lễ hội Kỳ yên đền thờ Thoại Ngọc Hầu được tổ chức long trọng trong 3 ngày 10-11-12 tháng 3 âm lịch. Đây là một lễ hội lớn của người dân Thoại Sơn.
Có thể nói, khu du lịch núi Sập ở An Giang không chỉ dừng lại ở vui chơi giải trí mà còn là một điểm đến văn hóa mang giá trị lịch sử và tâm linh.
Chùa Linh Sơn Ba Thê
Còn có tên gọi khác là Chùa Phật Bốn Tay Núi Ba Thê, Chùa Linh Sơn nằm ngay xã Vọng Thê của tỉnh An Giang, dưới chân núi Ba Thê, được xây dựng vào năm 1913, khi cư dân địa phương phát hiện pho tượng Phật bốn tay cao gần 2 mét nằm sâu trong lòng đất.
Không chỉ phát hiện được tượng Phật, trước đó người dân còn phát hiện ở Ba Thê hai bia đá cũng cao gần 2 mét, dày 0,22 mét, trên bia có khắc chữ cổ. Vì thế dân đã lập chùa để vừa thờ cúng Phật vừa lưu giữ hai bia đá này.
Chùa được xây dựng trên nền móng của một công trình cổ, có kiến trúc đơn giản. Từ ngoài đi vào, du khách sẽ qua cổng chùa với hơn 20 bậc thềm, dẫn vào Chùa là con đường nhỏ tráng xi măng hai bên là cây xanh cổ thụ rợp bóng. Trong Chùa, bàn thờ chính thờ Phật bốn tay bày trí đơn sơ nhưng trông khá trang nghiêm.
Núi Ba Thê
Nằm ở huyện Thoại Sơn, An Giang, núi Ba Thê được dùng gọi chung cho cụm núi ở đây gồm Ba Thê, núi Nhỏ, núi Tượng, núi Trọi và núi Chóc. Ngọn Ba Thê cao nhất với độ cao hơn 200 mét. Nơi này rất giàu tài nguyên và có một số loại đá quý như thạch anh ám khói, thạch anh tím và đá xây dựng sậm màu hạt thô.
Để chinh phục núi Ba Thê, du khách sẽ đi theo con đường nhỏ quanh co có khoảng 2km đã tráng nhựa. Trên đỉnh núi Ba Thê có Sơn Tiên Tự khá trầm lắng. Cách Sơn Tiên Tự khoảng 100 mét là nhà trưng bày cổ vật liên quan đến vùng Ba Thê và di tích Óc Eo – đô thị của vương quốc Phù Nam xưa.
Nằm ở phía Bắc núi Ba Thê, có tảng đá gọi là Thạch Đại Đao nặng khoảng 2,5 tấn cao khoảng 320cm được cho là bửu bối trừ gian diệt ác của trời, gắn với khá nhiều câu chuyện dân gian lý thú.
Đồi Tức Dụp
Nếu như khu Di chỉ Óc Eo khá quan trọng về các di chỉ thời cổ, thì khu di tích lịch sử Tức Dụp An Giang nằm ở Tri Tôn lại có những giá trị về lịch sử gắn liền với hiện tại.
Từng là căn cứ địa của quân dân An Giang trong thời kỳ chống Mỹ với hệ thống hang động trú ẩn tự nhiên rất tốt, Tức Dụp đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì sức sống cách mạng mãnh liệt.
Đến thăm Khu di tích Tức Dụp, một khoảng thời gian đầy gian khổ nhưng rất hào hùng như ùa về. Thăm Hang C6 từng là hội trường xưa kia với sức chứa cả hơn 100 người, hang Ban chỉ huy quân sự, hang Quân y, Thanh niên, hang của Ban tuyên huấn… mới thấy thiên nhiên nơi đây che chở như góp phần làm cho tinh thần chiến đấu thêm hăng hái và dẫn đến những thành công lớn lao.
Làng dệt thổ cẩm Châu Giang
Nằm ở Phũm Xoài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu, Làng dệt thổ cẩm Châu Giang còn được gọi là làng Thổ cẩm Phũm Soài hay Làng dệt thổ cẩm Châu Phong.
Dêt thổ cẩm là nghề truyền thống mà mọi người phụ nữ Chăm đều thạo, họ được học dệt từ khi còn nhỏ và đến khi trưởng thành đều là những người thợ dệt khá nhuần nhuyễn. Tại Châu Phong, phần lớn người dân sống bằng nghề dệt, các sản phẩm dệt ở đây có sà rông, áo, khăn choàng, nón, túi xách…
Nguyên liệu để dệt là tơ sợi và nhuộm bằng màu tự nhiên từ mủ cây, vỏ cây và trái cây, làm cho màu sắc trên sản phẩm rất đặc biệt và bền. Các hoa văn từ truyền thống đến hiện đại đầy sáng tạo và nổi bật. Trong số hơn một nửa người dân ở Phũm Soài sống bằng nghề dệt, có rất nhiều thợ dệt đã trở thành nghệ nhân ở độ tuổi còn khá trẻ, chỉ trên 30 tuổi nhưng đã có đến 20 năm hơn gắn bó với nghề.
ẨM THỰC KHI DU LỊCH AN GIANG
Bò Cạp Bảy Núi
Bò cạp hay còn gọi là "bù kẹp", có màu đen nhánh, hai càng to kềnh, to cỡ con dế cơm. Thoạt nhìn bò cạp trông giống như con gián bò lổn ngổn. Về vùng Bảy Núi có thể thấy loại này được bán dọc hai bên đường. Để có được những con bò cạp thế này, những người chuyên săn lùng con vật này phải lên núi mới có. Họ trang bị một cây cuốc, một cây kẹp và một cái xô. Tìm thấy tảng đá nào khả nghi, họ chỉ cần lật tảng đá sang một bên, nhìn miệng hang thò kẹp vào.
Bò Leo Núi
Ở vùng Tân Châu (An Giang) có món ăn ngon trứ danh là “bò leo núi”. Nhiều người cứ nghĩ bò leo núi chắc là thấy từ thịt bò nuôi ở trên núi nên có thịt săn chắc, tươi ngon. Thực ra, bò leo núi cũng được chế biến từ bò tơ, nhưng vì cách chế biến, tẩm ướp rất đặc biệt ở đây nên mới gọi là “bò leo núi”. Nhờ vào bàn tay khéo léo của các đầu bếp, món bò leo núi được chế biến theo một cách rất khác lạ, khác nhiều so với các món bò nướng trong ẩm thực người Việt vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bún Cá Long Xuyên
Đây là món ngon đặc sản ở vùng Long Xuyên, An Giang. Món ngon này được người dân An Giang mời mọc rất chân tình “mời mấy anh mấy chị ăn thử món này, êm lắm đó…”. Nếu ở những vùng miền khác, người ta dùng các mỹ từ như ngon, tuyệt cú mèo, tuyệt đỉnh… thì ở vùng Long Xuyên, An Giang, để chỉ món ăn ngon họ chỉ dùng đơn giản một từ “êm”.
Điều nổi bật của món bún cá này đó là màu vàng của nghệ. Nghệ vàng ươm nhuộm cho màu trắng của cá thêm đậm đà, làm cho màu nước lèo thêm sóng sánh, hấp dẫn. Tô bún cá An Giang thường lấy cá lóc đồng làm “điểm nhấn”, rau nhút bẻ cong hay những cọng rau muốn bào xanh ươm và thêm 1 ít chuối thái sợi. Cá lóc được chọn lựa cá tươi ngon, luộc sơ, tróc da, gỡ xương rồi đem đi xào với nghệ. Cách nêm nếp gia vị của người miền Nam cũng rất khác biệt so với món bún cá miền Trung như bún cá lóc Quảng Trị v.v.. Khi thưởng thức tô bún cá Long Xuyên, mùi tanh của cá sẽ được “khử” bằng mùi nghệ thêm phức. Món này cũng được xem là món dễ ăn nên người miền Tây, Châu Đốc có thể ăn bất kỳ lúc nào sáng – trưa – chiều – tối.
Cháo Bò Tri Tôn
Mùi vị quyến rũ của lòng bò và hương thơm đặc trưng của trái trúc đã tạo nên hương vị rất lạ, rất riêng của món cháo bò. Muốn có một tô cháo bò thật ngon trước hết phải chọn cho được thịt bò địa phương (loại bò được nuôi tại vùng Bảy Núi). Bộ lòng phải làm thật kỹ và thật sạch. Tuy mỗi người có cách chế biến khác nhau, nhưng tô cháo bò nào cũng là tổng hợp của gạo, thịt, gân, đồ lòng và gia vị đi kèm là hành, ngò, gừng xắt nhỏ và các loại rau thơm như mò om, ngò gai. Nồi cháo muốn ngon phải luôn bắc trên bếp than hồng và bộ lòng sau khi luộc chín nên để riêng ra, không để chung như nhiều món cháo khác.
Cơm nị - cà púa của dân tộc Chăm Châu Giang
Về An Giang, nếu may mắn, Quý khách sẽ được 1 lần thưởng thức món cơm nị - cà púa của người Chăm ở Châu Giang, cộng đồng người Chăm sống bên dòng sông Hậu. Cơm nị - cà púa là món ăn độc đáo, thể hiện văn hóa ẩm thực đa dạng của người Chăm Châu Giang nói riêng, vùng An Giang nói chung. Cơm nị kết hợp với cà púa tạo nên hương vị truyền thống của ẩm thực Châu Giang.
Cà púa là tên gọi một loại món ăn được người Chăm chế biến từ thịt bò chứ không phải là một loại quả như cà pháo hay cà chua. Để làm món cà púa ngon, người ta cho gừng và rượu vào thịt bò để khử mùi. Sau đó chọn quả dừa bánh tẻ đem nạo sợi nhỏ, một nửa để thắng nước cốt dừa, một nửa để rang vàng. Bắc chảo nóng, cho thịt bò đã khử mùi vào xào cùng dừa khô, cà ri, gia vị, ớt muối sao cho vừa ăn. Khi thịt bò thấm đều, rưới nước cốt dừa rồi hầm cho thịt thật mềm rồi trộn đều thịt bò cùng dừa nạo, hành củ. Cuối cùng là chuẩn bị một ít đậu phộng rang rắc lên trên.
Khi ăn món cơm nị - cà púa, Quý vị sẽ cảm nhận được vị ngọt béo của sữa, bùi bùi của đậu phộng, vị ngọt của thịt bò, nho khô, cay nồng của ớt… Tất cả sẽ tạo nên cảm giác ngon và lạ miệng. Sự kết hợp của cơm nị và cà púa đã tạo nên hương vị độc đáo của ẩm thực người Chăm ở An Giang. Nếu có cơ hội, hãy tìm món ngon này để thưởng thức và khám phá thêm nét đặc sắc trong ẩm thực của cộng đồng người Chăm.
Gà hấp lá Trúc
Đây “đích thực” là món ăn ngon đặc sản của vùng Bảy Núi, An Giang. Với món ăn này, nay cả những người sành ăn “cơm Tây, cơm Ta, cơm Tàu” vẫn nhận xét đây là một trong những món ngon số 1 của vùng Bảy Núi. Điểm đặc biệt của món gà hấp lá trúc đó là nguyên liệu lá trúc. Lá trúc này khác với tre, trúc mà nhiều vùng nông thôn Việt Nam thường có. Trúc là một loài cây mọc hoang hoặc được trồng ở vùng Bảy Núi, An Giang, nhiều nhất ở Tri Tôn. Cây trúc to như cây chanh, lá có tinh dầu, vị the và thơm đặc biệt. Trái trúc cũng giống như trái chanh nhưng vỏ xù xì dùng lấy nước làm gia vị trong các bữa ăn. Cây trúc rừng rất quý hiếm và chỉ còn một số ít trên các phum sóc của người dân tộc mới có.
Gỏi sầu đâu khô sặc
Sầu đâu (xoan ăn gỏi) là loại cây hoang dã, mọc nhiều ở An Giang, Kiên Giang… Thân cây cao và thẳng, không kén đất, dễ trồng. Lá sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát; hoa thì ít đắng hơn và thơm. Có 2 loại sầu đâu, 1 là loại sầu đâu ăn được, còn gọi là xoan ăn gỏi, loại này hay mọc ở miền Tây. 2 là loại sầu đâu mà người miền Trung gọi là sầu đông thì lá độc, không ăn được. Ở miền Tây, vào khoảng tháng 11 đến tháng 3 âm lịch hằng năm, cây sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa. Mùa này, người dân hái lá sầu đâu (đọt non lẫn nụ hoa) để ăn và bán. Đây được xem là một trong những đặc sản của vùng Bảy Núi - An Giang.
Lẩu mắm Châu Đốc
Lẩu mắm Châu Đốc là một món ngon đặc sản vùng Châu Đốc mà có sự kết hợp hài hòa của mắm cùng các nguyên liệu khác để thành món lẩu thơm ngon nức mũi. Để nấu nước lẩu người ta hay dùng mắm cá sặc hoặc cá chốt, ninh chín rồi lọc thật sạch xác mắm để nước được trong. Sau đó cho vào một ít xả băm, ớt, nước dừa tươi và thịt ba rọi cùng phi lê cá basa. Khi nước vừa sôi, cá vừa chín tới, người ta cho thêm cà tím đã cắt khúc chẻ tư. Khi miếng cà vừa chín tới là nước lẩu xem như hoàn tất. Nêm nếp gia vị cho vừa miệng ăn. Như nhiều loại lẩu khác, lẩu mắm Châu Đốc thường ăn kèm với bún tươi và các loại rau như bông súng, điên điển, so đũa, cù nèo….
Mắm thái Châu Đốc
Mắm thái Châu Đốc là một món ăn truyền thống, ngon trứ danh của vùng đất biên giới Campuchia, Việt Nam. Đi du lịch Châu Đốc, thế nào du khách cũng có dịp cùng Đoàn đi dạo chợ Châu Đốc và mua món đặc sản mắm thái Châu Đốc về làm quà hoặc dùng để ăn. Có thể nói mắm thái Châu Đốc là một trong các loại mắm ở đây mà độ ngon của nó đến mức không thể chê vào đâu được. Thương hiệu mắm Châu Đốc vang danh lừng lẫy từ xưa đến nay cho dù ở nhiều tỉnh thành khác ở Việt Nam cũng có nhiều loại mắm ngon nổi tiếng.
Tung lò mò
Lạp xưởng bò hay còn gọi là tung-lò-mò, là một trong những món ngon độc đáo của người Chăm vùng An Giang. Món ăn này từ lâu cũng được người Kinh ưa thích và chế biến thành món lạp xưởng bò giống như của người Chăm và hiện phổ biến rộng rãi ở phường Núi Sam, Châu Đốc, Tịnh Biên và Tri Tôn. Theo một số người dày dạn kinh nghiệm, muốn cho lạp xưởng thơm, ngon và có mùi hấp dẫn cần phải ướp tiêu, hành, tỏi, đường, bột ngọt, ngũ vị hương, đặc biệt là đại hồi và tiểu hồi. Và để có được những viên lạp xưởng tròn, đều đặn, phải dùng ruột heo làm sạch, phơi khô trước khi dồn thịt vào. Sau đó, người ta dùng dây buộc thắt gút lại thành lọn hình tròn. Khi nướng xong, tung lò mò được cắt ra thành viên có màu đỏ hồng, bốc khói thơm phức.
ahaytravel.com